Trúc Giang (Danlambao) - Iran chống Saudi Arabia, thực chất là hai hệ phái Sunni và Shiite của đạo Hồi đánh nhau, vì mối thù không đội trời chung giữa hai hệ phái đó. Iran và Saudi Arabia đánh nhau ở Yemen.
Iran chống Mỹ vì Mỹ ngăn chặn chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của họ, đồng thời Mỹ là đồng minh của Saudi Arabia.
Iran là nguồn gốc gây bất ổn trong Vùng Vịnh, nếu có vũ khí giết người hàng loạt thì rất nguy hiểm cho cả khu vực, cho nên Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp chế tài, trừng phạt về kinh tế, buộc nước nầy phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
Biện pháp trừng phạt Iran của Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của các quốc gia Liên Âu. Mâu thuẩn mở màn nhưng chưa biết được kết cuộc ra sao.
Vì sao Iran chống Saudi Arabia?
Iran và Saudi Arabia đánh nhau ở Yemen
Phiến quân Houthi |
Một cách tổng quát, hai hệ phái của Hồi Giáo là Sunni và Shiite đánh nhau chí tử.
Hồi Giáo Shiite của Iran hỗ trợ nhóm phiến quân Shiite Houthi ở Yemen
nổi dậy làm cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Sunni của Tổng thống Abdul Rabbuh Mansur Hadi, Houthi lên cầm quyền ở Yemen. Tổng thống Abdul Rabbuh Mansur Hadi bị giam lỏng và sau đó trốn thoát, đến tỵ nạn tại Saudi Arabia.
Liên minh các quốc gia thuộc hệ phái Sunni đang cầm quyền, do Saudi Arabia lãnh đạo gồm có: Ai Cập, Morocco, Jordan, Sudan, Kuwait, Các Tiểu Vương quốc Á Rập Thống nhất (UAE=United Arab Emirates), Qatar và Bahrain cùng tham gia vào chiến dịch nầy.
Houthi bại trận nên Tổng thống Abdul Rabbuh Mansur Hadi trở lại cầm quyền.
Saudi Arabia đánh Houthi được xem như đánh với Iran, vì Iran yểm trợ vũ khí và gởi cố vấn cho phiến quân Houthi.
Saudi Arabia và Iran đánh nhau tại Yemen cũng chính là hai hệ phái Hồi Giáo Sunni và Shiite đánh nhau.
Vì sao hai hệ phái Sunni và Shiite của đạo Hồi thù nhau bất cộng đái thiên?
Hai hệ phái của đạo Hồi thù không đội trời chung, mục đích là tranh giành quyền kế vị, quyền lãnh đạo Hồi Giáo. Cuộc thánh chiến đẫm máu nhất và lâu dài nhất (1,400 năm) trong lịch sử của tôn giáo nầy.
Nguyên nhân chính là tranh chấp quyền kế vị.
Giáo chủ Mohammed chết mà không chỉ định người kế vị, mà cũng không đưa ra nguyên tắc và điều kiện chọn người kế vị, cho nên sau khi ông chết thì tranh giành quyền lãnh đạo xảy ra.
Ali bin Abu Talib là anh em chú bác với Mohammed, vừa là con nuôi, và cũng là con rể của Mohammed, tự xưng làm vua (Caliph), lãnh đạo Hồi Giáo.
Ali gặp sự chống đối quyết liệt của hai người cùng tranh chức vị, tên là Zubair và Talha.
Người vợ góa của Mohammed tên là Aisha giúp đỡ, ủng hộ Zubair và Talha.
Liên hệ trong gia đình Mohamed. Bà Aisha là con của người bạn, hứa hôn gả cho Mohammed lúc 6 tuổi, đến 9 tuổi thì về làm vợ của giáo chủ đạo Hồi nầy. Ali bin Abu Talib là con của người chú, là anh em chú bác, vừa là con nuôi và cũng vừa là con rể của Mohammed.
Lý do gây ra tranh chấp được Zubair và Talha nêu ra là cần chọn một cá nhân có tài năng và phẩm chất làm người thừa kế.
Những người ủng hộ Ali cho rằng, người thừa kế phải là người có huyết thống với giáo chủ Mohammed.
Chiến tranh nổ ra, cuối cùng Ali chiến thắng. Nhưng sau đó bị tín đồ ám sát.
Shiite tiếng Á Rập là Shi’ah đọc là Shi’a có nghĩa là người theo Ali bin Abu Talib. Hệ phái nầy thiểu số, có 200 triệu trong tổng số 1.57 tỷ tín đồ.
Sunni tiếng Á Rập là đa số, chiếm 80% tín đồ Hồi Giáo.
Cho đến ngày nay, Shiite Iran đánh nhau với Sunni Saudi Arabia cũng bắt nguồn từ hận thù của hai hệ phái nầy.
Vì sao Iran chống Hoa Kỳ?
40 năm thù hận chưa tan
Sinh viên Iran tấn công đại sứ quán Mỹ ở Tehran ngày 4/11/1979 |
Trước năm 1979, nước Iran dưới chế độ quân chủ của quốc vương Mohammed Reza Pahlavi, là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
Nhà vua độc tài nên tín đồ Hồi Giáo, do Lãnh Tụ Tối Cao Ayatollah Ruhollah Khomenei lãnh đạo, làm cách mạng lật đổ nhà vua.
Quốc vương Pahlavi trốn sang Ai Cập và sau đó sang Mỹ để trị bịnh ung thư.
Sự việc nầy làm đám sinh viên Hồi Giáo tức giận, tấn công tòa Đại sứ Mỹ ở Tehran và bắt giữ 52 nhân viên Mỹ làm con tin. Đòi trả vua Pahlavi và Mỹ phải xin lỗi Iran. Việc bắt giữ các nhà ngoại giao là phạm luật quốc tế. Nhiều cuộc đàm phán thất bại.
Tổng thống Jimmy Carter ra lịnh lập chiến dịch Móng vuốt đại bàng (Operation Eagle Claw) để giải cứu con tin.
Kế hoạch được tổ chức rất chu đáo nhưng tai nạn xảy ra nên phải hủy bỏ. Đó là do bão cát làm hư hỏng máy của các trực thăng. Ngay lúc đó có một xe khách của Iran chạy qua khu vực, bị toán giải cứu Mỹ bắt giữ. Kế hoạch bị lộ khiến cho toàn bộ chiến dịch phải hủy bỏ và rời khỏi Iran. Trong việc rút lui, một trực thăng đâm vào chiếc máy bay C-130 chở xăng. Nổ tung. 8 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Phải bỏ lại nhiều trực thăng vì không kịp phá hủy.
Chiến dịch thất bại, uy tín Tổng thống Jimmy Carter giảm xuống, và thất bại trước đối thủ Ronald Reagan trong cuộc bầu cử.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Reagan giải tỏa chương mục 8 tỷ USD đã bị đóng băng của Iran, và đó cũng là thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh Iraq-Iran, nên 52 con tin được trả tự do sau 444 ngày bị giam giữ. Sau đó chính phủ Mỹ cấp cho mỗi người bị bắt làm con tin số tiền 4.4 triệu USD.
Vụ việc bắt đầu năm 1979 đến nay (2019) là 40 năm thù hận không tan.
Mỹ ủng hộ Do Thái
Do Thái (Israel) là đồng minh của Mỹ
Người Do Thái đã từng bị mất nước, phải sống lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Lại bị Đức Quốc Xã diệt chủng trong những lò hơi ngạt. Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận Do Thái là thành viên của tổ chức nầy, nghĩa là nhận Do Thái là một quốc gia. Do Thái tuyên bố độc lập ngày 14-5-1948.
Nước Do Thái nằm giữa một khối Á Rập khổng lồ, do khác chủng tộc, khác tôn giáo và do tranh chấp lãnh thổ nên khối Á Rập Hồi Giáo quyết tâm tiêu diệt Do Thái. Thế là “Chiến tranh 6 ngày” nổ ra. Nước Do Thái non trẻ đã oanh liệt đánh bại liên minh Ai Cập, Jordan, Syria và Iraq chỉ trong 6 ngày. Chiến thắng, nên Do Thái chiếm bán đảo Sinai của Ai Cập, chiếm Bờ Tây (West Bank) trong đó có thàng phố Jerusalem của Jordan, chiếm Cao nguyên Golan của Syria.
Mối thâm thù giữa Do Thái và khối Á Rập từ đó cho đến nay.
Iran yểm trợ cho tổ chức Hamas ở Dải Gaza, giáp ranh với Do Thái ở tây nam, để Hamas thường xuyên đánh phá Do Thái.
Do Thái là đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông.
Iran yểm trợ Hezbollah đánh Mỹ
Imad Fayez Mughniyeh Lãnh tụ Hezbollah |
Shiite Iran yểm trợ Shiite Hezbollah đánh Mỹ. Hezbollah là một tổ chức chính trị-vũ trang của người Li Băng (Lebanon) theo hệ phái Shiite. Iran yểm trợ tổ chức nầy để chống Mỹ.
Nói thêm về tổ chức Hezbollah đánh Mỹ.
- Tấn công bằng xe bom ở Beirut, thủ đô Lebanon, giết chết 248 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và 58 lính Pháp ngày 23 tháng 10 năm 1983.
- Đánh bom tòa Đại sứ Mỹ ở Beirut vào tháng 4 năm 1983 làm 63 người thiệt mạng.
- Đánh bom tòa Đại sứ Mỹ lần thứ 2 vào tháng 9 năm 1984 làm 22 người chết.
- Bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu William Buckley, một trạm trưởng của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) ở Trung Đông.
- Bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu Đại tá TQLC William Higgins khi ông này hợp tác với Liên Hiệp Quốc ở Beirut năm 1988. Xác Đại tá bị ném ra thùng rác gần một bệnh viện nội thành Beirut.
Tóm lại, Iran là đầu mối gây ra bất ổn ở Trung Đông.
Tầm quan trọng của eo biển Hormuz
Eo biển Hormuz là con đường chiến lược rất quan trọng của thế giới.
Eo biển Hormuz (Strait of Hormuz) là con đường biển chiến lược rất quan trọng, nối liền Vịnh Oman ở phía đông và với Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) ở phía tây.
Eo biển dài 63Km, chỗ hẹp nhất 33Km. Đường biển để cho tàu qua lại rộng 3Km.
Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ (AEI) cho rằng eo biển nầy quan trọng hơn eo biển Malacca ở Đông Nam Á. Theo thống kê năm 2016, đã có 18.5 triệu thùng dầu đi qua eo biển nầy mỗi ngày. Một thùng phuy dầu 200lit.
Các quốc gia có dầu xuất khẩu ở vùng Vịnh Ba Tư gồm có: Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất (UAE=United Arab Emirates), Kuwait và Iraq. Các nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, phụ thuộc 80% số lượng dầu mỏ của các quốc gia trong vùng Vịnh Ba Tư.
Eo biển Hormuz cũng là con đường biển để 8 nước trong Vùng Vịnh đi ra các vùng biển quốc tế.
Lãnh hải của Iran trên eo biển Hormuz
Vùng nước sâu nhất của eo biển Hormuz lại nằm trong lãnh hải (Territorial waters-Cách xa bờ biển 12 hải lý) của Iran, vì thế Iran có thể đóng cửa con đường nầy.
Phó Tổng thống Iran, Mohammed Reza Rahimi, đã từng tuyên bố: “Nếu dầu của Iran bị phong tỏa thì sẽ không có một giọt dầu nào lọt qua eo biển Hormuz”.
Tư lệnh Hải quân Iran cảnh cáo: “Việc đóng cửa eo biển Hormuz dễ như trở bàn tay vì Hải quân Iran có quyền kiểm soát hợp pháp trong lãnh hải nầy của Iran”
Iran đã nhiều lần đe dọa sẽ đóng cửa eo biển nầy, lần sau cùng là hồi tháng 4 năm 2019.
Điều gì xảy ra khi eo biển Hormuz bị bóp nghẹt?
Iran chiếm gần như toàn bộ khu vực phía Bắc eo biển nầy. Tình hình bất ổn trong vùng Vịnh Ba Tư có thể đẩy giá dầu thô lên tới 100USD/thùng.
30% lượng dầu thô và 33% khí hóa lỏng đi qua con đường nầy.
Hoa Kỳ bảo vệ con đường hàng hải đi qua eo biển Hormuz
Tàu sân bay Hoa Kỳ |
Bộ Tư lệnh của Hạm đội 5 Hoa Kỳ (United States Fifth Fleet) có tổng hành dinh đóng tại thủ đô Manama của nước Bahrain, cách Iran khoảng 100Km. Hạm đội nầy có 60 chiến hạm đủ loại, 300 máy bay và khoảng 50,000 quân gồm hải quân và thủy quân lục chiến.
Ngoài ra, Mỹ còn đưa máy bay ném bom chiến lược, pháo đài bay B-52 Strafortress, 5 máy bay tàng hình thế hệ 5, F-22 Raptor, và tàu sân bay USS Abraham Lincoln, cùng vũ khí tiên tiến nhất đến Vùng Vịnh.
Một tàu sân bay mang theo ít nhất là 50 máy bay các loại và 6,000 quân nhân gồm hải quân và thủy quân lục chiến.
Ngày 21-5-2019, nguồn tin an ninh Iraq cho biết, Mỹ đã đưa 70 xe quân sự và 10,000 quân đến 2 căn cứ không quân Ayn al-Assad và al-Habaniyb của nước Qatar, cách thủ đô Iran 270Km.
13,000 quân Mỹ ở Kuwait, 5,000 quân ở Các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất (UAE) sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt Iran.
Iran có 3 đầu 6 tay cũng không thoát khỏi thiên la địa võng của Hoa Kỳ.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng chinh chiến ở Trung Đông |
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Mark Esper cho biết, Mỹ duy trì tàu chiến và máy bay chiến đấu ở Vịnh Ba Tư để bảo vệ tàu thương mại lưu thông trên tuyến đường nhộn nhịp nhất thế giới, qua eo biển Hormuz mà Iran đang khống chế. Ông Mark Esper cho biết: “Chúng tôi sẽ hộ tống các tàu thương mại mang cờ Mỹ. Để loại trừ các rủi ro, tôi kêu gọi các quốc gia khác cũng tham gia bảo vệ và hộ tống tàu của họ”.
Iran bắt giữ tàu dầu mang cờ Anh
Ngày 19-7-2019, tàu dầu Stena Impero dài 183m của Thụy Điển mang cờ Anh, cùng với 23 thuyền viên bị Iran bắt giữ.
Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, cho biết, xuồng cao tốc của Iran chận tàu nầy lại. Lập tức trực thăng Iran xuất hiện, đặc nhiệm Iran trùm kín mặt, đi dây xuống chiếm tàu. Hành động nhanh như trong phim ảnh.
Tàu khu trục HMS (Her Majesty’s Ship) Montrose và hai trực thăng Anh được lịnh đến tiếp ứng, nhưng không kịp.
Iran cáo buộc tàu mang cờ Anh nầy không tuân thủ đúng quy luật hàng hải quốc tế.
Trước đó, ngày 13-5-2019, 4 tàu chở dầu bị Iran tấn công ở ngoài khơi của hải cảng Fujairah, là cửa ngõ vào eo biển Hormuz. Hai trong 4 tàu nầy là của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất (UAE), là hai đồng minh của Mỹ.
Nhóm đa quốc gia châu Âu bảo vệ con đường hàng hải qua eo biển Hormuz
Sau vụ tàu Anh bị bắt giữ, các quốc gia châu Âu hợp tác bảo vệ con đường nầy. Anh Quốc đề nghị thành lập một nhóm đa quốc gia để bảo vệ tàu thương mại của mình.
Hoàng gia Đan Mạch, Hòa Lan, Pháp, Italy cùng với Anh đưa những tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại nhất chống Iran, để bảo vệ tàu thương mại của họ đi qua eo biển Hormuz.
Anh, Pháp và Đức mở kênh thương mại với Iran bất chấp lịnh trừng phạt của Mỹ
Kim ngạch thương mại giữa Liên Âu và Iran tăng lên 17 tỷ USD
Ngoại trưởng nhóm E3 tuyên bố lập kênh thương mại mới với Iran |
Các quốc gia Liên Âu (EU=European Union) như: Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hy Lạp…nhập khẩu các mặt hàng của Iran như: dầu mỏ, nhiên liệu hóa thạch, quặng sắt, thép…
Iran nhập khẩu các mặt hàng của Liên Âu như lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc, thiết bị cơ khí, điện, xe hơi…
Kim ngạch thương mại giữa Iran và Liên Âu lên đến 17 tỷ USD.
Nhóm E3 thành lập “Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại” với Iran
Ngày 31-1-2019, ngoại trưởng của nhóm E3 gồm Anh, Pháp và Đức đưa ra tuyên bố chung, cho biết họ đã thành lập một kênh thương mại với Iran, bất chấp lịnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoại trưởng Anh, Jeremy Hunt, Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, và Ngoại trưởng Đức, Heiko Maas, đã công bố “Một phương tiện đặc biệt” chính thức có tên là “Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại” (INSTEX=Instrument in Support of Trade Exchanges) được sử dụng để chỉ bán thực phẩm và thiết bị y tế cho Iran, nhưng trong tương lai có thể mở rộng cho các mặt hàng khác.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Hồi tháng 11 năm 2018, Mỹ chính thức áp đặt lịnh trừng phạt Iran về kinh tế, chủ yếu là trong lãnh vực dầu mỏ.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Quốc gia nào vi phạm lịnh trừng phạt Iran thì có thể lãnh hậu quả nghiêm trọng, bao gồm việc mất quyền truy cập vào hệ thống tài chánh của Mỹ, và mất khả năng làm ăn với các công ty Mỹ”.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn của Châu Âu đã dừng lại, hoặc giảm làm ăn với Iran.
Tổng thống Donald Trump loan báo thêm biện pháp chế tài đối với Iran.
Ngày 21-9-2019, sau vụ hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công, biện pháp chế tài được thêm vào, nhắm vào Ngân hàng quốc gia Iran. Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi nghĩ, các biện pháp chế tài nầy có hiệu quả”, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Hoa Kỳ không có kế hoạch đáp trả bằng quân sự”.
Hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công
Hai nhà máy lọc dầu bị tấn công
Mảnh vỡ của UAV sau vụ tấn công nhà máy Aramco |
Đêm 14-9-2019, hai nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco ở hai tỉnh khác nhau bị tấn công. Có ít nhất 19 tên lửa hành trình (Cruise missile) và 10 máy bay không người lái (UAV=Unmanned Aerial Vehicle) thực hiện vụ tấn công.
Hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia đã bắn hạ hai tên lửa và 4 máy bay không người lái, số còn lại đánh trúng vào mục tiêu.
Ba đặc điểm của tên lửa hành trình (Cruise missile) là:
- Bay rất thấp để không bị radar phát hiện
- Không bay đường thẳng, mà bay phù hợp với hình thể của đường bay.
- Độ chính xác rất cao.
Tên lửa hành trình nổi tiếng của Hoa Kỳ là Tomahawk (Trên 1 triệu USD/chiếc).
Hai nhà máy lọc dầu nầy sản xuất 7 triệu thùng mỗi ngày. Vụ không kích khiến cho số dầu sản xuất mất đi 5.7 triệu thùng/ngày. Và giá dầu thô trên thế giới tăng lên 15%.
Mặc dù tổ chức Houthi ở Yemen tự nhận trách nhiệm vụ không kích, nhưng Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng sau vụ không kích nầy.
Iran từ chối trách nhiệm để Mỹ không tấn công trả đũa. Hai nhà máy bị tấn công cho thấy hệ thống phòng thủ của nước nầy chưa bảo đảm an toàn 100%, mặc dù ngân sách quốc phòng của Saudi Arabia đứng hàng thứ ba, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Saudi Arabia trả đũa vụ tấn công nhà máy lọc dầu
Tờ Independent đưa tin, các chiến đấu cơ và nhiều máy bay khác của Saudi Arabia đã ném bom xuống một loạt các căn cứ và vị trí đóng quân của Iran ở Syria. Vụ không kích phá hủy nhiều nhà kho và nhà chứa máy bay không người lái của Iran.
Ác mộng của nhân loại sẽ xảy ra nếu chiến tranh Mỹ - Iran bùng nổ
Nếu xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran nổ ra thì cả Vùng Vịnh bị lôi cuốn vào cuộc chiến. Tang thương, đổ nát bao trùm cả Trung Đông, lúc đó các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, Do Thái, Kuwait, Qatar, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất, và những nước có quân đội Mỹ đóng quân như Iraq, Afghanistan… sẽ giao chiến với các đồng minh của Iran như Syria, tổ chức Houthi ở Yemen, tổ chức Hezbollah ở Lebanon, tổ chức Hamas ở Dải Gaza.
Xem như cuộc chiến toàn diện trong khu vực Trung Đông. Vũ khí tối tân gồm hỏa tiễn, bom đạn gây đổ nát tại các thành phố lớn, các nhà máy chiến lược, các cơ sở hạ tầng quan trọng gây thương vong cho con người cả khu vực.
Tổng thống Mỹ tuyên bố, chiến tranh là lựa chọn cuối cùng buộc phải thực hiện. Ngoại trưởng Iran, Mohammad Java Zarif cho biết, Tehran không muốn có chiến tranh, nhưng nếu Mỹ hoặc Saudi Arabia mở màn tấn công thì chiến tranh toàn diện sẽ nổ ra. Đồng thời ông nầy nói, Iran không có liên quan gì đến việc tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia cả.
Mỹ muốn tránh chiến tranh với Iran
Sau khi Mỹ đưa hỏa tiễn và hệ thống phòng không Patriot đến Saudi Arabia, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo cho biết, Hoa Kỳ đặt mục tiêu tránh chiến tranh với Iran. Việc triển khai thêm binh sĩ vào Vùng Vịnh nhằm mục đích « ngăn ngừa và phòng thủ ». Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng cho biết như thế, tuy nhiên, Tổng thống Trump sẽ có hành động nếu các biện pháp ngăn ngừa thất bại. « Mặc dù đã áp đặt trừng phạt chống Iran nhưng Washington vẫn để ngõ cơ hội đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran ».
Iran không muốn chiến tranh với Mỹ
Ngày 27-6-2019, hãng Reuters cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani khẳng định, Tehran không muốn chiến tranh với Mỹ, nhưng nếu phía Mỹ xâm phạm hải phận và không phận Iran thêm một lần nữa, thì các lực lượng vũ trang sẽ có trách nhiệm đương đầu. Ông H. Rouhani cũng cho biết, Iran sẽ không đàm phán lại thỏa thuận JCPOA. (JCPOA=Joint Comprehensive Plan of Action-Kế hoạch hành động chung toàn diện).
Các quốc gia vùng Vịnh lo ngại
Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) còn gọi là Vịnh Á Rập (The Arabian Gulf) gồm có những quốc gia như sau: Kuwait, Iraq, Iran, Á Rập Saudi, Qatar, Bharain, Oman và Các Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất (UAE=United Arab Emirates).
Việc Mỹ vội vã rút nhân viên ra khỏi Yemen khiến cho các đồng minh Á Rập vùng Vịnh, do Á Rập Saudi dẫn đầu, lo ngại vì sự vắng mặt của Mỹ ở khu vực. Các đồng minh rất lo ngại vì Mỹ sẽ gỡ bỏ những cấm vận trừng phạt Iran để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân. Như thế Iran không còn bị cấm vận, họ sẽ có đủ phương tiện để hỗ trợ các tổ chức khủng bố thuộc hệ phái Shiite như: Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Li Băng, Syria của chế độ Bashar al-Assad và Shiite của Houthi ở Yemen.
Các quốc gia do hệ phái Sunni cầm quyền trong Vùng Vịnh Ba Tư lo ngại về mối đe dọa của Shiite.
Kết luận
Iran là quốc gia chủ động gây bất ổn trong khu vực Trung Đông, đe dọa hòa bình thế giới. Bằng mọi cách, Iran quyết theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân để được sống còn trước kẻ thù Do Thái.
Nguyên nhân sâu xa gây bất ổn khu vực nầy là hai hệ phái Shiite và Sunni của Hồi Giáo, quyết không đội trời chung, đánh nhau chí tử. Chết bỏ!
Thế giới hiện nay có ba quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân mà không ký kết tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty-NNPT) đó là Ấn Độ (Có khoảng từ 80 đến 100 đầu đạn hạt nhân), Pakistan (khoảng 90-100), Do Thái (khoảng 80), thế mà LHQ và các nước khác không có biện pháp chế tài, trừng phạt ba quốc gia nầy, vì họ không hiếu chiến, không gây bất ổn, không phá hoại hòa bình…
Trái lại, Bắc Hàn (có khoảng từ 20 đến 50), Iran đang thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, thế mà LHQ và Hoa Kỳ đã trừng phạt kinh tế để hai nước nầy từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử. Bị trừng phạt vì hai nước nầy hung hăng đe dọa các quốc gia láng giềng, tạo ra bất ổn.
Minnesota ngày 9-10-2019