Mẹ Nấm (Danlambao) - Tháng 11 năm 2019, hàng triệu người trên thế giới chia sẻ niềm vui với người Hong Kong vì Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ. Cùng lúc đó tại Việt Nam, Luật đặc khu sau khi bị hoãn lại hồi tháng 6/2018 được lặng lẽ thông qua dưới một hình thức khác là "khu kinh tế ven biển". Nghiêm trọng hơn, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã chấp thuận miễn thị thực cho người nước ngoài vào những khu kinh tế chạy dọc theo chiều dài đất nước. Họa mất nước ngay trước mặt, có bao nhiêu người quan tâm?
Có người đã nói với tôi, bây giờ chống Trung Quốc không thể là mục tiêu để thu hút số đông tham gia phong trào nữa. Mục tiêu đó đã lỗi thời. Tôi không hề nghĩ như vậy. Bởi nếu nói để học từ Hong Kong, thì việc lựa chọn mục tiêu nhất quán và lâu dài, kiên trì bám vào mục tiêu đó để ra sách lược phù hợp tùy giai đoạn là bài học lớn nhất mà tôi học được từ Cuộc Cánh Mạng Dù Vàng 2014 lẫn Quang Phục Hương Cảng 2019.
Mục tiêu chiến lược của Hong Kong là thoát ách độc tài, bảo vệ những giá trị tự do mà họ đã có. Đương nhiên Việt Nam sẽ không thể như vậy, bởi tình hình thực tế quá khác nhau.
Nhưng điểm chung cuối cùnglà người Hong Kong đã từng thờ ơ cách đây 17 năm, khởi đi từ những cuộc tuần hành đầu tiên do Mặt trận Nhân quyền và Dân quyền khởi xướng đã bước ra khỏi vỏ bọc vô cảm của mình biến thành một khối đông hơn 2 triệu người xuống đường.
Người Hong Kong những ngày đầu, cũng nhìn xung quanh, cũng lo cho nồi cơm của mình, giới trẻ cũng chỉ biết hàng hiệu, thời trang... Để rồi một ngày, từ những nỗ lực trên giảng đường, trong lớp học, trên đường phố biến thành lòng dũng cảm của hàng triệu con người.
Ở Việt Nam, các cuộc biểu tình qua đi, hàng trăm người bị bắt, hàng chục người bị đưa ra xét xử ít được biết đến. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2019, những cái tên như Huỳnh Minh Tâm, Huỳnh Thị Tố Nga, Trần Thanh Giang, Nguyễn Chí Vững, Phạm Văn Điệp, Nguyễn Năng Tĩnh, Phạm Xuân Hào, Quách Nguyễn Anh Khoa, Đoàn Khánh Vinh Quang... lần lượt được thêm vào danh sách bị cáo buộc "chống phá nhà nước".
Họ là ai? Là bác sĩ, là giảng viên đại học, là thầy giáo, là kỹ sư, là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ. Và họ đi biểu tình chống Luật An ninh mạng, Luật đặc khu, họ dùng mạng xã hội để phản đối nhà nước độc tài. Và họ đơn độc trong những phiên tòa. Ai sẽ đứng cùng họ?
Luật Đặc khu tuy chưa được thông qua nhưng nó đã chắc chắn hình thành bởi những quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển và chủ trương để người nước ngoài vào không cần thị thực. Trước đó, Quảng Ninh thí nghiệm việc cho xe Trung Quốc tự lái chạy thẳng vào lãnh thổ Việt Nam từ 6 tháng kéo dài đến năm 2020...
Mở cửa khu kinh tế ven biển, một hình thức khác của đặc khu ai sẽ được lợi? Đương nhiên không ai khác chính là tay láng giềng Bắc Kinh, các chuyên viên, chiến lược gia của Trung Cộng thoải mái bay thẳng đến Vân Đồn, Phú Quốc. Nếu quá thời hạn 30 ngày, Việt Nam sẽ làm gì để trục xuất họ? Hay lại đổ trách nhiệm vòng quanh do phân cấp quản lý như vụ trao trả hơn 300 người Trung Quốc phạm tội ở khu tự trị Our City (Hải Phòng)?
Họa mất nước Việt Nam không đến từ chiến tranh xâm lược theo kiểu sách vở cũ, nó đến từ những quyết định, những thỏa thuận được ký kết giữa lãnh đạo hai đảng Cộng sản Việt-Trung.
Họa mất nước đển từ cả sự thờ ơ của người dân khi lặng lẽ chép miệng thôi kệ mọi thứ để "đảng và nhà nước lo".
Từ những cuộc biểu tình chống giàn khoan HD981 năm 2014 đến sự nguội lạnh khi Bãi Tư Chính bị xâm lấn năm 2019 đã dẫn tới việc "khu kinh tế ven biển" ngang nhiên ra đời và Quốc hội gấp rút hợp thức hóa luật miễn thị thực.
Nhìn lại giai đoạn người Việt Nam xuống đường chống bành trướng Bắc Kinh từ năm 2009 đến nay, nhìn những bản án nặng nề dành cho người yêu nước, nhìn những ống khói Formosa vẫn ngạo nghễ đe doạ môi trường... có lẽ nhiều người sẽ nhận ra đất nước chúng ta đang phải chịu sự xâm lấn từ bên ngoài và sự tiếp tay cho quân xâm lược từ bên trong một cách trắng trợn.
Trong suốt cả tuần qua tôi tự hỏi nếu không xác định được mục tiêu chiến lược cuối cùng của mình thì người ta sẽ tranh đấu vì cái gì trong thời gian tới? Đảng Cộng sản chắc chắn phải ra đi vì những gì mà tập đoàn bán nước này đã gây ra với dân tộc Việt Nam là không thể dung thứ. Và nếu quê hương Việt Nam trở nên như Tân Cương, Tây Tạng thì tự do dân chủ hẳn là thứ rất xa xỉ, mơ hồ. Có bao nhiêu người Việt sẵn sàng đứng cùng nhau, cùng học hỏi, cùng làm việc một cách khoa học, bài bản để đẩy lui họa mất nước, mở đường cho một tương lai tự do cho nước Việt ngày mai?
30/11/2019