Trần Thị Lan Anh (Danlambao) - Trong bất cứ trang mạng nào nếu người chủ mạng cho bạn đóng góp ý kiến thì bên dưới bài đọc, bạn sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến. Thông thường sự đóng góp ý kiến ngắn, vài chữ hoặc một đoạn nào đó không quá dài để góp ý với tác giả bài viết hoặc phê bình một đoạn nào đó trong bài viết.
Cái luật thông thường này đôi khi có một ít người không hiểu rõ - cho nên sự đóng góp ý kiến không còn mang ý nghĩa mà là một vấn đề người chủ trang mạng cần tìm cách giải quyết. Bài viết này đưa ra những trường hợp để chúng ta cùng suy ngẫm.
Có người đóng góp ý kiến hoàn toàn không dính dáng để chủ đề của bài viết hoặc dùng những từ ngữ thiếu văn hóa như là thóa mạ người viết hoặc thóa mạ cả một tập thể nào đó. Trường hợp này thường xảy ra cho những người yêu đảng hay còn gọi là bò đỏ, dư luận viên, lực lượng 47. Cái quyền tự do ngôn luận mà họ được nhồi sọ chính là chửi bới mà không cần biết là sự thật đúng hay sai. Và cũng thông thường, những người này dựng lên một cái tên nào đó và chỉ sử dụng một vài lần rồi bỏ; sau đó dựng lên một cái tên khác để tiếp tục làm công việc mà họ được những ông chủ của họ giao phó. Công việc của họ không phải là sử dụng quyền tự do ngôn luận bởi họ thực sự không biết tự do ngôn luận là gì. Công việc của họ là đem những từ ngữ thiếu văn hóa, đem những đống rác trong chữ nghĩa để bỏ vào một trang mạng hay một bài nào đó vạch trần cái sự thật mà đảng csvn muốn che giấu. Những người đóng góp ý kiến thuộc dạng này mục đích là tuyên truyền, bẻ cong sự thật để thực hiện chủ trương đánh phá phe dân tộc, đánh phá những sự thật nguy hiểm đến sự tồn vong của đảng csvn.
Một loại đóng góp ý kiến khác thuộc dạng kêu người khác đọc bài quan điểm của mình. Loại ý kiến này dài vài trang không thua gì bài viết đăng trên mạng được đưa vào phần đóng góp ý kiến. Dĩ nhiên có những trường hợp, người đóng góp ý kiến cũng có một loại bài tương tự như thế, nhưng được nhìn ở một góc nhìn khác và được đăng trên trang mạng của chính người đó hay ở đâu đó. Trong trường hợp này, người đóng góp ý kiến chỉ cần ghi vài hàng chữ, sau đó dẫn đường link đến bài viết đó. Làm như thế thì khả năng ý kiến của cá nhân đó được đón nhận và ai đó muốn tìm hiểu rõ hơn thì sẽ vào đường link để đọc bài viết mà người đóng góp ý kiến muốn chia sẻ. Ở trường hợp này thường thấy ở các mạng xã hội như là Facebook mà người đóng góp ý kiến thường dẫn đường link của quan điểm mình đã được đăng ở đâu đó.
Một loại đóng góp ý kiến khác, tuy ngắn, nhưng lại không tôn trọng sự khác biệt ý kiến của người khác mà là đánh giá khả năng nhận thức của người viết. Thí dụ: “bạn không đọc sách nhiều nên bạn không nhìn được vấn đề”. Câu nói này hoàn toàn không có giá trị. Thứ nhất, đọc sách nhiều, đọc báo nhiều không có nghĩa là cá nhân đó nhìn vấn đề đúng bản chất của sự thật. Đọc sách, đọc báo chỉ một phần trong nhiều phần mà một cá nhân cần có để nhận định rõ bản chất của sự thật. Đọc sách, đọc báo để rồi không tiêu hóa những điều đã đọc thì đọc sách, đọc báo nhiều chẳng có lợi ích gì -- trái lại chỉ trở thành con mọt sách, nói theo những điều đã đọc mà chưa chắc những điều đã đọc nhận định đúng bản chất của sự thật. Thứ hai, cho dù nhìn đúng bản chất của sự thật thì cái nhìn đó từ cái gốc của vấn đề hay cái ngọn của vấn đề? Có người nhìn ngọn lại tưởng là gốc và nhìn gốc lại tưởng là ngọn. Chính cái tri thức (không phải chỉ thuần túy là đọc nhiều), kinh nghiệm sống của bản thân đóng góp một phần lớn, quan trọng trong vấn đề nhìn rõ sự kiện ở gốc hay ngọn.
Một loại ý kiến khác mang nhiều cảm tính hơn là nhìn vào thực tế của sự thật. Những loại ý kiến này, bởi vì cảm tính, cho nên người đóng góp ý hoàn toàn bị cảm tính chi phối nên không nhìn rõ vấn đề bằng bản chất của sự thật. Chuyện người Phật giáo chống cố tổng thống Diệm hay Công giáo ủng hộ Diệm đều dựa vào cảm tính nhiều hơn là dựa vào bản chất của sự thật. Thay vì để trang sử đó đi qua hoặc dựa vào đó rút ra bài học cho bản thân thì người ta lại cố giữ lại cái trang sử cũ để rồi tranh luận Hơn-Thua, Đúng-Sai mà cái tranh luận này chẳng cần thiết cho thời buổi hôm nay. Loại ý kiến này nếu không bị cảm tính chi phối thì bị cái quá khứ chi phối. Chẳng hạn như ông Bùi Minh Quốc, trong một bài viết nói về “đảng ta, đảng nó”, ông Quốc ví von cái đảng csvn mà ông Quốc phục vụ là đảng ta, là đảng lao động. Còn cái đảng csvn hiện giờ là đảng nó, đảng cướp, ăn trên ngồi trước, tay sai cho Trung Cộng. Vì quá khứ ông Quốc phục vụ đảng csvn, vì không đủ can đảm như Dương Thu Hương nhìn nhận mình bị lừa, cho nên ông Quốc cho rằng cái đảng csvn thời ông Quốc phục vụ yêu nước, thương dân mà không nhìn ra được bản chất của cs là không bao giờ yêu nước, thương dân; trái lại đảng csvn sử dụng yêu nước, thương dân là chiêu bài để kêu gọi mọi người hy sinh cho tham vọng của người cầm quyền trong đảng.
01.11.2019