90 năm có đảng nhưng mất tương lai - Dân Làm Báo

90 năm có đảng nhưng mất tương lai

Phạm Trần (Danlambao) - “Chín mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế - văn hóa phát triển, chính trị - xã hội ổn định, có nhiều triển vọng tốt... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay.” - Đó là lời tự khoe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng trong cuộc phỏng vấn đầu năm dành cho Thông tấn xã nhà nước ngày 03/01/2020.

Nhưng sau tấm màn nhung giả tạo này là quốc nạn tham nhũng năm sau cao hơn năm trước của cán bộ, đảng viên; tình trạng thanh niên mất định hướng; hàng ngũ lãnh đạo suy thoái tư tưởng, mất đạo đức trong lối sống; xã hội băng hoại trong các lĩnh vực giáo dục, đạo lý, thuần phong mỹ tục, tội phạm, nghiện xì ke ma túy, cờ bạc, tai nạn lưu thông và ngày càng có nhiều người trẻ muốn bỏ nước ra đi.

Tại sao? Vì đảng duy nhất cầm quyền Cộng sản tiếp tục độc tài và độc quyền cai trị đất nước, mặc dù nhân dân, nay trên 90 triệu người, chưa bao giờ bỏ phiếu hay ủy thác cho đảng giữ quyền này. 

Đảng đã tự ý tròng Chủ nghĩa Cộng sản ngoại lai (Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh) vào cổ dân, nhưng chưa bao giờ dám trưng cầu ý dân xem họ có muốn hay không. Đảng còn bao biện tự cho mình quyền lãnh đạo toàn xã hội và không chấp nhận đa đảng chính trị. Đảng còn độc quyền ngôn luận, không cho tư nhân ra báo và kiểm soát gắt gao các diễn đàn dân sự trên Internet của cá nhân và tập thể. 

Đảng cũng chỉ muốn có một Quốc hội và các Hội đồng nhân dân do người của đảng, hay cảm tình viên kiểm soát.

Đảng cũng sợ bị lật đổ nếu để cho dân có quyền biểu tình và lập hội như quy định trong Điều 25 Hiến pháp nên đã tìm mọi cách trì hoãn việc làm luật của Quốc hội. (Điều 25: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.")

Tuy nhiên đảng cầm quyền đã thành lập và bỏ tiền nuôi ăn các tổ chức ngoại vi để mạo nhận tính đại diện nhân dân như: Mặt trận Tổ Quốc, Hội Cựu Chiến Binh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh v.v...

Tổng chi phí hàng năm cho các tổ chức không làm gì cho dân này, ước lượng khoảng 68 ngàn tỷ đồng.

Kỳ tích hại dân

Vậy mà, trong cuộc phỏng vấn của TTXVN, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn huyênh hoang nói rằng: "Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam; đồng thời chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân."

“Kỳ tích” gì, ngoài chiến thắng Điện Biên Phủ mà đảng tự phong “chấn động địa cầu” ngày 07/05/1954 đã chia đất nước làm hai. Hơn một triệu người miền Bắc đã bỏ của chạy lấy người vào miền Nam tìm tự do và xây dựng đời sống ấm no với đồng bào ruột thịt miền Nam. 

Sau đó là “kỳ tích” của chiến dịch Cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ 1953 đến 1956 mà đảng CSVN, khi ấy do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã cam tâm giết hại từ khoảng 15,000 đến ngót 50,000 người dân vô tội hay bị cáo oan.

Sau đó, bắt đầu từ 1960, đảng Lao động Việt Nam (sau đổi thành đảng Cộng sản Việt Nam) đã đưa ra kế hoạch xâm lăng miền Nam qua chiêu bài gọi là “giải phóng” để chiếm phần lãnh thổ còn lại bằng võ lực với súng đạn và lương thực của Trung Cộng và khối Cộng sản quốc tế do Nga lãnh đạo.

Hậu quả của chiến dịch “kỳ tích” mang tên Hồ Chí Minh, kết thúc ngày 30/04/1975, đã đặt miền Nam trong gông cùm Cộng sản. Từ đó, thay vì hòa giải dân tộc, đảng CSVN đã đạt “kỳ tích” khác bằng các chiến dịch trả thù Quân-Cán-Chính miền Nam, qua các đợt bắt tù gọi là “học tập cải tạo” và tấn công giới thương nghiệp miền Nam để cướp tài sản. 

Tiếp theo là “kỳ tích” uất hận mà đảng CSVN đã gây ra cho hàng chục ngàn người miền Nam bị chết thê thảm trên đường vượt biển và vượt biên tìm tự do từ sau 1975.

Cũng là một “kỳ tích” khi chưa bao giờ trong lịch sử nước Việt, đã có trên 4 triệu người dân, đa phần là tị nạn Cộng sản từ miền Nam Việt Nam, bỏ nước ra đi sống rải rác trên thế giới.

Giờ đây, sau gần 45 năm thống nhất đất nước mà giấc mơ đại đoàn kết toàn dân trong chiêu bài “hòa hợp” dân tộc một chiều của đảng đã bị tẩy chay bởi người miền Nam ở ngoài nước. Mặt trái của Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Chính trị ban hành ngày 26/3/2004, chỉ nhằm thu hút trí tuệ, khả năng và vật lực của người Việt ở nước ngoài về giúp đảng củng cố quyền hành và xây dựng đất nước theo chủ trương và chính sách của đảng cầm quyền. 

Tuyệt nhiên, Nghị quyết 36 (NQ-36) không có thực tâm “hòa giải” những bất đồng trong dân tộc và giữa các khuynh hướng chính trị Cộng sản và không Cộng sản. Do đó, nó chỉ là một chiêu bài nhằm kích thích tình tự dân tộc và nỗi nhớ về quê hương và nguồn cội của người xa xứ để có lợi cho nhà nước. 

Bằng chứng thất bại của NQ-36 là đã có rất ít trí thức tị nạn chịu về giúp nước theo các điều kiện của đảng CSVN. Cũng chỉ có số đếm trên đầu ngón tay số thương gia Việt hải ngoại chịu bỏ tiền đầu tư vào các dự án kinh tế lớn. Tính đến cuối năm 2019 tuy có khoảng 300 doanh nghiệp đã đầu tư lối 4 tỷ dollars nhưng chỉ tập trung vào ngành địa ốc và hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên Việt Nam đã nhận được trên 16.7 tỷ dollars, gọi là Kiều hối, của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về giúp gia đình hay đầu tư trong năm 2019, tăng 800 triệu dollars so với năm 2018.

Người trong nước

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì như thế. Người Việt trong nước không dính dáng với đảng và các tổ chức của đảng cũng không may mắn hơn. Giới lao động chân lấm tay bùn thì làm còng lưng vẫn không đủ sống. Ngược lại cán bộ đảng viên có chức có quyền, tuy cấp trung với đồng lương đủ ăn, nhưng lại có nhà lầu, nhà cho thuê, xe hơi hoặc đất đai thì tiền nay đâu ra không thấy nhà nước điều tra. 

Khôi hài là khi bị vặn hỏi, có người khai nhờ nuôi lợn (heo), hay bán chổi, trồng rau sạch bán v.v…

Đến khi bắt khai thì khai xong lại nộp cho Thủ trưởng hay Cơ quan nơi làm việc cất đi, hoặc chỉ công bố trong nội bộ, không cho dân biết thì khai làm gì cho xấu hổ?

Cũng vì đã có bất công và lợi ích nhóm làm giầu bất chính nhưng đảng không tìm ra manh mối nên đã có tiếng nói của những người can đảm và trí thức đòi dân chủ và thực hiện quyền dân để xã hội có công bằng và pháp trị. 

Nhưng thay vì lắng nghe, đảng lại quy chụp những người này bằng nhiều loại mũ như “phản động”, “cơ hội chính trị”, hay “nội gián” của các thế lực thù địch, hoặc “tay sai” của “diễn biến hòa bình” để chống phá đảng.

Lý do đảng muốn đội cho họ nhiều mũ vì đảng cầm quyền không muốn đối thoại với những người, dù biết có thiện tâm, vì sợ mất thể diện ta là lãnh đạo. Vì vậy, đã có một khoảng trống sâu thẳm giữa những người đấu tranh đòi dân chủ, quyền con người với hàng ngũ lãnh đạo, cách riêng giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Trí thức, những người đã nhìn ra sự thất bại của Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam, nhất là thứ Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Những người chống đảng đòi phục hồi quyền làm chủ đất nước cho dân và phải để dân quyết định vận mệnh chính trị của mình, nhưng ông Trọng, một trong số người mê muội Chủ nghĩa Cộng sản và đam mê quyền lực hơn ai hết đã khẳng định đảng phải lãnh đạo toàn diện. Vì vậy, trong cuộc phỏng vấn của TTXVN ngày 03/01/2010, ông nói: "Cần quán triệt tinh thần: Dứt khoát phải đổi mới, song đổi mới mà không xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc, không chệch hướng, đổi màu..."

Phương châm này có từ lâu, được vẽ ra bởi Hội đồng Lý luận Trung ương, toàn bộ là “đổi mới nhưng không đổi màu. Hội nhập mà không hòa tan”.

Hội đồng này là cơ quan soạn thảo các Văn kiện cho các kỳ Đại hội đảng. Vì vậy, những điều ông Trọng nói với TTXVN, sẽ phản ảnh trong nội dung các văn kiện của Đại hội đảng XIII, diễn ra vào tháng 1/2021.

Trong đó, quan trọng nhất là phải tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước, như đã quy định trong Cương lĩnh (bổ xung) năm 2011.

Nhưng đảng CSVN đang phải đối diện với tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” không còn tin Mác-Lenin và tư tưởng ông Hồ là cứu cánh bất diệt cho đảng.

Vì vậy, trong thời gian qua, Ban Tuyên Giáo đã phải bươn chải toát mồ hôi để bảo vệ chế độ không tan. 

Nội dung bài viết “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng”, ngày 3/1/2020 là một tỷ dụ.

Một đoạn tiêu biểu nói rằng: "Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến khó lường cùng những khó khăn, phức tạp trong đời sống xã hội, nhất là sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa, hoang mang, dao động, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội..."

Nhưng một lần nữa, Ban Tuyên giáo lại đổ vấy cho thế lực bên ngoài đã thúc đầy đảng viên chệch hướng. Bài báo viết tiếp rằng: "Trong khi đó, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa."

Và, vẫn luận điệu cũ, bài viết đã khuyến cáo đảng viên: "Thế giới có thể đổi thay, nhưng hơn bao giờ hết, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định (là vững vàng, không dao động, thay đổi lập trường, ý chí trước mọi trở ngại) chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới” - coi đó là một nguyên tắc cơ bản để giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng."

Trụ được bao lâu?

Mặc dù Tuyên Giáo và Bộ Chính trị cố níu kéo cho đảng vững mãi, nhưng liệu được bao lâu trước tình hình suy thoái mỗi ngày một sâu rộng hiện nay?

Hãy đọc lại những lời nói thẳng của Cố Thiếu tướng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Cộng, Nguyễn Trọng Vĩnh, người đã qua đời ngày 26/12/2019, hưởng thọ 104 tuổi.

Theo nguyên Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang ghi lại thư chuyển của Nhà văn kiêm dịch giả Nguyễn Nguyên Bình, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, trưởng nữ của Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ngày 25/9/2017 thì tướng Vĩnh đã: "Cho rằng ĐCSVN nay đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được! Đảng đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa! Trong các hư hỏng trên, cụ nói có 3 hư hỏng nguy hiểm nhất: 

- Một là, ĐCSVN đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì! 

- Hai là, ĐCSVN không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành nhau quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi ĐLĐVN trước đây nữa! 

- Ba là, ĐCSVN ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào ĐCSTQ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990) với ĐCSTQ, Ban lãnh đạo ĐCSVN kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào ĐCSTQ! ĐCSVN làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn TQ xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi TQ ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của TQ đòi VN phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam!"

Như vậy, nếu đem nhận xét của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh khi còn sinh thời cách nay 3 năm so với tình trạng xiêu vẹo của đảng CSVN trước thềm Đại hội XIII thì có thấy khác gì không, hay còn nguy kịch hơn với đe dọa mỗi ngày một nghiêm trọng của Trung Cộng ở Biển Đông, nhất là sau vụ Tư Chính từ ngày 3/7 đến 24/10/2019? 

09.01.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo