Đầu năm mới nói về lương tri và lẽ thật - Dân Làm Báo

Đầu năm mới nói về lương tri và lẽ thật

Phạm Văn (Danlambao) - Tôi viết những lời này vào lúc vẫn còn là những ngày cuối cùng của năm 2019. Nhưng đối với tôi, thế là năm mới 2020 cũng đã đến và điều làm tôi thấy có ý nghĩa nhất lúc này là nói về lương tri và lẽ thật. Xin được nói trước rằng có thể những gì tôi nói sau đây về lương tri không hoàn toàn đúng với từ ngữ, khái niệm này về lịch sử xuất hiện của nó hoặc như nhiều người khác hiểu, nhưng xin được nói theo cách hiểu của tôi về nội dung, ý nghĩa của nó mà theo tôi, nó phù hợp với những gì cuộc sống đã và đang diễn ra, đòi hỏi. Còn chữ “lẽ thật” được tôi sử dụng như vẫn nói đến trong Kinh Thánh, để nhấn mạnh rằng ở phương Tây ngay trong tôn giáo lẽ thật (sự thật, chân lý) vốn được xác định rất rõ ràng và đã rất được coi trọng từ xa xưa. 
Tôi hiểu lương tri là sự kết hợp giữa lương tâm, tâm hồn, tình cảm và nhận thức, tri thức, lý trí trong tinh thần (ý thức) con người và được biểu hiện ra trong lựa chọn, hành động. Lương tri, đó là khả năng, năng lực ý thức ra sự thật, cái thiện và cái đẹp để có thể có lựa chọn và hành động đúng. Một người có lương tri không chỉ có tri thức, nhận biết, mà còn có cảm xúc phù hợp với sự thật, cái thiện và cái đẹp. Hơn thế, lương tri là sự kết hợp kỳ diệu giữa lương tâm, tâm hồn, tình cảm và nhận thức, tri thức, lý trí để tạo nên một phẩm chất, giá trị đặc biệt, trước hết trong tinh thần con người. Nó không chỉ cho ta khả năng phán xét đúng đắn đầy tính trí tuệ, mà còn giàu lòng nhân ái về những sự việc, hoàn cảnh, những điều ta ham muốn, theo đuổi đê khiến ta lựa chọn, hành động đúng, hợp đạo lý. Có lương tri ta luôn ở trạng thái tinh thần cân bằng, tránh được những thái quá, bất cập. Lương tri có thể làm chuẩn mực, khuôn mẫu cho hành vi của con người, thời đại. Cùng với tự do, lương tri là ngọn nguồn của tiến bộ, phát triển. 

Nho giáo có câu “tiên học lễ, hậu học văn” và cũng đã lường trước rằng “lễ” mà không chở, không mang “điều nhân” thì vô nghĩa và thậm chí có hại. Nhưng liệu em học sinh có thể cúi đầu hoặc khoanh tay chào người thầy không, nếu trước đó nó không biết gì về người thầy ấy? Hoặc có thể làm điều kia với sự nghiêm trang, kính cẩn thật sự không khi nó biết rằng đó chỉ là một ông thầy - một thứ đồ giả? Trong khi đó nền giáo dục phương Tây văn minh đã bắt đầu với những châm-danh ngôn bất hủ: “Thầy quý nhưng chân lý còn quý hơn” hay “Tìm ra nguyên nhân của sự vật còn hơn ngồi trên ngai vàng của vua Ba-tư”. Khỏi phải nói nền văn minh phương Tây đã đi đúng đạo, theo đúng con đường của lẽ thật như thế nào để trở nên vĩ đại. 

Như thế, sự kết hợp kỳ diệu giữa lương tâm, tâm hồn, tình cảm và nhận thức, tri thức, lý trí để tạo nên một phẩm chất, giá trị đặc biệt là lương tri của con người căn bản ở chỗ, những nhận thức, tri thức và cảm xúc, lương tâm trước sự thật (lẽ thật) phải là những tri thức, nhận thức và cảm xúc, lương tâm đầu tiên làm nền cho tất cả những tri thức, cảm xúc, lương tâm về cái thiện, cái đẹp. Cho nên, có thể nói một cách bản chất hơn: lương tri là khả năng, năng lực ý thức (bao gồm cả tri thức và tình cảm) về lẽ thật (sự thật). 

Tuy nhiên, cần thấy rằng sự thật, cái thiện, cái đẹp cũng có nhiều mặt, có những mức độ biểu hiện khác nhau, có thời gian của chúng. Có những sự thật, cái thiện, cái đẹp mà người ta (cá nhân hoặc cộng đồng) phải mất nhiều năm, cả cuộc đời, thậm chí phải bằng nhiều thế hệ mới ý thức được một cách đầy đủ, rõ ràng, mới thực sự hiểu biết, thấu cảm. Vì thế, cái khả năng, năng lực ý thức về chúng hay lương tri của người ta cũng khác nhau. Người ta có thể có “lương” tức là tâm hồn, lương tâm, tình cảm, thậm chí giàu có, rất giàu có, nhưng chưa hoặc rất thiếu “tri” (tri thức, lý trí, trí tuệ) và có thể cả ngược lại. Hoặc người ta có lương tri nhưng ở mỗi giai đoạn, nó có nội dung và ý nghĩa cao thấp khác nhau. Cho nên, chúng ta có thể phê phán nghiêm khắc và quyết liệt những hạn chế của chủ nghĩa duy lý khi chủ nghĩa phi duy lý hoặc phi lý tính lên ngôi, nhưng sẽ không thể phủ nhận được một sự thật đanh thép là một dân tộc chưa có hoặc thiếu về cơ bản truyền thống duy lý thì dân tộc ấy cũng rất thiếu lương tri để phán xét những gì liên quan đến chủ nghĩa duy lý và trên đó nữa, do đó khó, thậm chí là không thể khẳng định sự độc lập tự chủ hay tính chủ thể của mình. 

Nhưng chúng ta nói về lương tri, về lẽ thật (sự thật) cuối cùng là để nói về những gì gần gũi, thiết thân đối với chúng ta, đối với Dân tộc, Nhân dân Việt Nam của chúng ta. Chúng ta cần đối mặt với thực tế là nói chung Dân tộc, Nhân dân chúng ta đã có ngộ nhận, những ngộ nhận rất lớn về sự thật, cái thiện, cái đẹp, đặc biệt là về sự thật trong toàn bộ lịch sử hiện đại cho đến nay và phải nói rằng một phần do thời gian và điều kiện cần thiết chưa có, chưa đủ để thấu hiểu và thấu cảm, một phần khác do bị tuyên truyền dối trá, làm cho sự thật, cái thiện, cái đẹp lẫn lộn với cái giả, cái ác, cái xấu, khiến cho cái giả, cái ác, cái xấu, nhất là cái giả tồn tại kéo dài, làm cho tình trạng ngộ nhận càng nặng nề, khủng khiếp hơn. 

Tôi không cho rằng người cộng sản nói chung, ở Việt Nam nói riêng là những kẻ hiều rõ nguyên tắc căn bản của lương tri trước hết và căn bản là ở chỗ con người có tri thức và tình cảm về sự thật. Bởi vì, nếu như thế thì họ quá giỏi, quá trí tuệ! Thực ra, cái “tri” của họ (của chúng) là ở chỗ biết rõ trước hết phải dùng cái giả như cái thật, biến cái giả thành cái thật, để đánh lừa người dân, đó là nguyên tắc chung căn bản của chế độ quân chủ-gia trường kiểu Trung Quốc không chính danh, đã lỗi thời, nhằm bảo vệ địa vị, lợi ích của kẻ cầm quyền, mà chế độ cộng sản là sự tiếp tục của nó. Bởi vậy, người cộng sản ban đầu có thể có tình cảm yêu nước, thương nòi thực sự (tôi tin điều này theo sự quan sát và ít nhiều trải nghiệm của mình), nhưng dẫu sao, họ không thoát được sự chi phối của cơ sở văn hóa căn bản của họ là “sống, chiến đầu, lao động và học tập để làm quan”! Cho nên, “độc lập dân tộc” hay “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” chỉ là những điều trá ngụy, còn địa vị, quyền lợi của những kẻ cầm quyền cộng sản mới là sự thật, vì thế nó phải được che đậy bằng mọi cách, mọi giá kể cả việc giết người một cách không ghê tay. 

Nhưng điều này thì tôi tin: cộng sản và chế độ cộng sản hiểu rõ và bây giờ trong thời đại thông tin nó càng hiểu rõ ở Trung Quốc và Việt Nam về cơ bản không có chế độ sở hữu tư nhân, cho nên không có con người cá nhân với đặc trưng là có trí tuệ, tư duy độc lập. Có nghĩa là ở đây người dân nói chung chưa bước sang tuổi “trưởng thành”, phần lớn sống bằng cảm xúc chủ yếu dựa trên những nhu cầu thể xác-vật chất trực tiếp. Vì vậy, xưa kia cũng như hiện nay, nhất là khi nắm được quyền cai trị, người cộng sản sau khi đã che giấu được sự thật bằng cách nhét sâu, ấn chặt được vào đầu đại đa số người dân cái giả là “lý tưởng cộng sản”, “độc lập dân tộc gắn chặt với chủ nghĩa xã hội” v.v..., chúng đã ra sức tuyên truyền, nhằm đánh mạnh vào đời sống tinh thần cơ bản của họ là những cảm xúc, khiến người dân càng tin cái giả là cái thật, thậm chí ca ngợi hết lòng cái giả khi cứ nghĩ đó là cái thật, hơn thế là cái thật vĩ đại. Người dân Việt Nam sống đưới chế độ cộng sản nói chung chưa có lương tri, hoặc bị triệt tiêu khả năng có lương tri, vì về căn bản chưa hiểu, không hiểu sự thật, hơn thế không có quyền biết sự thật. 

Bây giờ, càng biết rõ sở hữu “chung” hay “xã hội” là cơ sở cốt tử để duy trì chế độ, chắc chắn chế độ cộng sản không thể từ bỏ, trái lại đang tỏ ra rất ngoan cố và tàn ác, bất chấp những quyền sở hữu thiêng liêng của người dân. Nhưng cái chế độ đã thủ tiêu hoàn toàn hay về cơ bản động lực phát triển kinh tế-xã hội là sở hữu tư nhân, đặc biệt là chế độ sở hữu tư nhân và thay vào đó là một thứ sở hữu trá hình mang tên sở hữu “chung” hay “xã hội”, đã hiện nguyên hình là chế độ ăn bám, ăn cướp và phá hoại do quốc nạn tham nhũng - hệ quả tất nhiên của nó. Chúng làm một nhưng phá mười, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Chúng vẫn còn tiếp tục dối trá, bịt mắt, bịt miệng người dân, nhưng sự cáo chung của chúng đang đến. Vậy, xin có những câu hỏi: người cộng sản đã có lương tri chưa, hay đã có lương tri rồi nhưng để mất, hay có còn chút lương tri nào không? Có thể phải lựa chọn những câu hỏi để trả lời và có thể có những cách trả lời khác nhau cho mỗi câu hỏi, nhưng nếu trả lời đúng những câu hỏi này người cộng sản, chế độ của nó chắc chắn sẽ không còn. 

Hẳn là vào những ngày này có những người đang hân hoan chào đón một thời khắc, một bước chuyển tiếp quan trọng trên hành trình cuộc sống để đến những bến bờ hạnh phúc, có những người, nhiều người đang chịu những mất mát, đau khổ, có những người vẫn còn ngu ngục và hầu như bất lực, cam chịu trước bất công và cái ác, nhưng có những người vẫn đang đấu tranh, tôi rèn thêm ý chí, tiếp tục chịu đựng, hy sinh cho một cuộc sống mới với niềm tin và hy vọng sáng chói. Song, ngược với số đông ấy, có những kẻ đang say sưa thụ hưởng những gì cướp được của người dân, của con người và đang tìm những cách ngày càng tinh vi, thâm độc hơn để cưỡng bức người dân hòng cướp thêm thành quả lao động của họ cho đầy túi tham. Ăn theo chúng, có nhiều kẻ cam tâm làm nô lệ, sẵn sàng phục vụ chúng bằng cách cố che đậy sự thật với những tuyên truyền và thủ đoạn bịp bợm. Nhưng có thể nói, chính những kẻ này hoặc phần nhiều trong số chúng đang hoang mang, khiếp sợ vì sự lỗi thời, sai lầm và tội lỗi của chúng đã và đang bị phơi bày ra ánh sáng và vì ngày trừng phạt có thể là khủng khiếp đối với chúng cũng đang đến rất gần. 

Hỡi người dân Việt Nam khổ đau, hỡi những con người có thừa lòng nhân ái, tình yêu thương và can đảm, hãy thắp sáng ngọn lửa của lương tri trước hết bằng việc quan tâm, coi trọng sự thật về một cuộc sống xứng đáng với kiếp làm người của mình để đủ sức đưa lịch sử Giống nòi-Dân tộc Việt Nam ta sớm bước sang một trang mới chói lọi! 

Ngày 31 tháng 12 năm 2019 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo