Trần Chí Phúc (Danlambao) - Chúng ta đang bước vào năm mới 2020. Từ lâu đã có tin đồn rằng Mật Ước Thành Đô ký kết giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Tàu vào năm 1990 có nội dung rằng đến năm 2020 thì sẽ hoàn tất công tác biến nước Việt Nam trở thành một tỉnh của Tàu.
Tin đồn này vẫn là tin đồn vì không ai thấy được bản văn tối mật đó nhưng nhìn vào những sự kiện Việt Nam đang dần lệ thuộc vào Tàu như cho lưu hành tiền Nhân Dân tệ của Tàu ở bảy tỉnh biên giới phía Bắc, âm mưu cho Tàu thuê 99 năm 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, để các công ty của Tàu thầu xây dựng các công trình quan trọng của Việt Nam, người Tàu ra vào tự do đất nước Việt Nam, người Tàu phạm tội không bị xử tù mà trao trả về Tàu. Chưa bao giờ trong lịch sử đất nước có một chính quyền yếu hèn như vậy đối với đế quốc Phương Bắc; điều này nói lên sự lệ thuộc, sự mất tự chủ và độc lập và chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ trở thành thuộc địa của Tàu.
Chỉ có một phép lạ là nước Tàu nội loạn, hoặc là Hoa Kỳ dồn sức lực để tạo một chút ảnh hưởng vào Việt Nam và Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn nắm quyền cai trị. Nhưng đó chỉ là ước mơ của người dân dòng giống Lạc Hồng.
Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời thủ đô nước Đại Việt tức Việt Nam về thành Thăng Long tức là Hà Nội hôm nay.
Kể từ năm 1010 cho đến nay, thành Thăng Long, đã gắn liền với những giai đoạn thăng trầm của đất nước. Gần đây nhất lịch sử đã ghi trận thắng oai hùng của vua Quang Trung vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, tiến quân thần tốc bất ngờ trong mấy ngày Tết, đánh tan mấy vạn quân Thanh (Tàu), giải phóng thành Thăng Long khỏi tay quân giặc. Và cũng từ năm đó, vua Quang Trung đã đổi tên Thăng Long thành Bắc Thành và chọn thủ đô là Phú Xuân thuộc miền Trung.
Từ thời điểm này, cái tên Thăng Long đã trở thành quá khứ, thành phố này từng là thủ đô của những triều đại Lý, Trần, Lê, Trịnh, Mạc.
Khi vua Gia Long thành lập triều Nguyễn nối tiếp cai trị đất nước đã chọn Huế làm thủ đô (1802-1945). Đến tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam lại chọn thành phố mà Lý Thái Tổ đã chọn để làm thủ đô trở lại; mặc dù là thành phố cũ nhưng với cái tên mới là Hà Nội. Như vậy, Thăng Long xưa tức Hà Nội nay.
Nhắc lại chuyện lịch sử có nhiều cảm xúc, một ngàn năm qua thật mau.
Từ Ải Nam Quan của địa đầu giới tuyến phía bắc đất nước với biên giới Tàu, dân tộc Việt Nam đã tiến về phía nam đến tận mũi đất Cà Mau giáp cùng biển cả, có dãy Trường Sơn kiêu hùng của miền Trung, có biển Đông bao la cùng hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa to lớn. Hai con sông lớn nhất của đất nước là Hồng Hà và Cửu Long. Đó là những nét chính của mảnh đất hình chữ S.
Năm 939 Ngô Quyền lập ra triều đại nhà Ngô được coi là năm mà dân tộc Việt Nam chính thức độc lập. Từ năm 939 đến năm 1010 trải qua các triều Ngô, rồi triều Tiền Lê (Lê Đại Hành) ngắn ngủi rồi đến triều Lý.
Trước thời Ngô Quyền, dân tộc ta đã trải qua một ngàn năm bị đô hộ bởi giặc Tàu.
Rồi từ đó cho đến nay, dù một đôi lần bị giặc phương Bắc xâm lăng vài năm, như thời nhà Trần bị quân Nguyên (Tàu) đem quân tấn công, quân Minh (Tàu) cai trị nước ta khoảng 10 năm rồi bị Lê Lợi kháng chiến thành công lập nên triều Lê, thời nhà Nguyễn bị quân Pháp đô hộ khoảng 80 năm. Tính tổng quát, thì Việt Nam đã được độc lập khoảng 1000 năm. Đất nước và dân tộc kiêu hùng này đã từng chiến đấu với các đế quốc hùng mạnh nhất của thế giới là Tàu, Pháp, Nhật, Mỹ, Nga.
Như vậy , 1000 năm trước đó bị Tàu đô hộ rồi kế đến 1000 năm độc lập tính cho đến thời điểm 2020 này. Và 1000 năm kế tiếp ra sao ai mà biết, đến năm 3010 không ai có thể tưởng tượng nỗi loài người sẽ như thế nào.
Mười năm trước vào Năm 2010, Việt Nam kỷ niệm 1000 năm tuổi thủ đô Thăng Long và Trần Chí Phúc viết ca khúc Chào Em Thăng Long Ngàn Năm.
Lời ca như sau:
“Một ngàn năm trước chiếu dời đô.
Về nơi đất tốt có sông hồ
Nằm mơ vua Lý thấy rồng bay
Đặt tên Thăng Long Hà Nội hôm nay.
Chào em Thăng Long ngàn năm, đất nước còn đây ông cha dựng xây.
Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, Hồng Hà uốn quanh Cửu Long chín nhánh.
Trường Sơn hiên ngang, Biển Đông bao la, Hoàng Sa Trường Sa tên kêu thiết tha.
Chào em Thăng Long ngàn năm, sông núi rền vang tiếng hát hùng anh.
Còn mãi câu thơ đất Việt của ta, người người đứng lên một lòng tranh đấu.
Ngàn năm qua mau, dù bao đổi thay, tình yêu không phai dòng máu Lạc Hồng.
Chào em thành phố tuổi ngàn năm
Bài ca thương nhớ gởi quê nhà
Người đi xa xứ vẫn hoài mong.
Việt Nam ấm no Việt Nam tự do"
Chào em Thăng Long ngàn năm, đất nước còn đây, Việt Nam muôn năm.
Nhân mùa đầu năm 2020, mời quí vị nghe ca khúc Chào Em Thăng Long Ngàn Năm (Cộng Thêm 10 Năm) với ước mơ đất nước Việt Nam hùng cường tự do ấm no góp mặt cùng thế giới.
Tiếng hát Mỹ Thanh, Ngọc Diệp, Thanh Vũ, Trần Chí Phúc và tiếng đàn tác giả.