Mẹ Nấm (Danlambao) - Cụ Lê Đình Kình (85 tuổi), người được xem là linh hồn của những người dân Đồng Tâm đã qua đời vì những vết đạn được bắn từ những người đồng chí đảng viên của mình. Xung đột đất đai khiến một đảng viên lão thành cách mạng trở thành thế lực thù địch của đảng. Số người thiệt mạng sau vụ tấn công vào nhà dân lúc 4 giờ sáng vẫn còn là một bí ẩn, và Đồng Tâm thêm một lần nữa là minh chứng cho lời ca "đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng".
Xuất phát từ dòng thông báo ngắn ngủi trên Cổng thông tin của Bộ Công an: "Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương."
Nếu không có mạng xã hội, không có các đoạn video clip do người dân Đồng Tâm gửi ra khoảng 3-4 giờ sáng sớm ngày 9/1/2020, người ta sẽ lầm tưởng đây là một vụ "chống người thi hành công vụ" thông thường. Không hề có thứ công vụ nào được phát lệnh bằng việc nổ súng trong đêm khi người dân đang say ngủ phải choàng dậy gõ kẻng báo động cả.
Đây là một cuộc tấn công tiêu diệt có chủ đích của lực lượng công an, và mục tiêu chính là thôn Hoành và gia đình cụ Lê Đình Kình, những người đã tuyên bố sẽ hy sinh tính mạng để giữ đất.
Cuộc tấn công diễn ra trong sự phối hợp và chuẩn bị rất kỹ càng từ các ban bộ ngành qua việc cắt điện, cắt Internet trước đó. Hiện trường vụ án chính là nhà của cụ Lê Đình Kình.
Một ngày sau khi vụ tấn công xảy ra, công an ra quyết định khởi tố vụ án với ba tội danh "Giết người, Tàng trữ sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ".
Mấu chốt vấn đề ở chỗ thông tin đầu tiên xuất phát từ Bộ Công An là "gây rối trật tự công cộng" và "chống người thi hành công vụ". Bởi không hề có bằng chứng nào được trưng ra tại hiện trường "đang xây dựng" là khu vực tường rào sân bay Miếu Môn.
Vậy chữ "công vụ" ở đây nên được hiểu là xâm nhập gia cư bất hợp pháp và bị chống trả quyết liệt mới đúng bản chất?!
Facebooker Dương Quốc Chính đã đưa ra vấn đề rất đáng để quan tâm.
"Việc chống đối của người dân xảy ra trước ngày 9/1, tại công trường, hay họ chỉ chống đối khi bị tấn công? Theo mình hiểu, quy trình đúng pháp luật phải là: Nếu người dân chống đối tại chỗ tranh chấp đất, thì CAHN cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can trước, vì đã có đủ dấu hiệu phạm tội, rồi mới đem quân tới bắt người, vào ban ngày, có đại diện của chính quyền địa phương chứng kiến, 1 cách công khai. Nhưng đây lại có một vụ đánh úp vào ban đêm, giống y như việc tấn công bọn tội phạm, khủng bố, bắt cóc... Rồi mới dẫn đến việc người dân tự vệ, chống lại công an, có thể dẫn đến tử vong của cả 2 bên. Có nghĩa là CA đã làm ngược quy trình, là tấn công trước, rồi tìm bằng chứng phạm tội sau.
Được biết, dân Đồng Tâm đã có lời kêu gọi toàn dân Đồng Tâm kháng chiến từ hàng tuần trước, công khai trên FB, mình còn đọc được, không lẽ CA không biết? Vì thế, lẽ ra công an phải tìm lý do cho vụ tấn công trước, ví dụ như việc tàng trữ vũ khí quân dụng...để khởi tố vụ án, có đủ căn cứ pháp lý cho việc bắt giữ công khai. Khi tới bắt người mà bị tấn công thì mới được nổ súng."
Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, những hình ảnh thực tế đầu tiên về "vụ tấn công" chính là thi thể của cụ Lê Đình Kình do người dân cung cấp. Cụ Kình được trao trả về cho gia đình trong tình trạng đã bị mổ khám nghiệm tử thi, có 2 vết đạn trên đầu và ngay ngực trái chỗ gần tim, chân bị gãy rời.
Điều này khá trái ngược với thông tin do thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) "qua khám nghiệm, trên tay ông Kình cầm một trái lựu đạn."
Hiện trường của vụ án giết người này là nhà riêng của cụ Kình, cụ chết ngay trên giường ngủ.
Thông tin do Công an đưa ra ai sẽ kiểm chứng được khi báo chí bị phong tỏa, các cơ quan báo chí nước ngoài muốn tác nghiệp tại Đồng Tâm "sữ được xem xét"?!
Sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ việc Đồng Tâm, nhưng tôi chỉ muốn nhắc lại lời của một người được xem là có liên quan gián tiếp đến quyền lợi của người dân trong vụ khiếu kiện đất đai này đó là luật sư đại diện Ngô Anh Tuấn:
"Chưa có bất kỳ cuộc đối thoại nào diễn ra một cách đúng nghĩa kể từ sau buổi đối thoại nhằm thuyết phục dân thả “con tin”. Chỉ có tuyên truyền, định hướng một chiều từ phía chính quyền mà thôi! Người dân có tranh chấp chỉ được trình bày, giải thích các nội dung mà mình băn khoăn trên mạng xã hội..."
"Chưa có bất kỳ cuộc đối thoại nào diễn ra một cách đúng nghĩa kể từ sau buổi đối thoại nhằm thuyết phục dân thả “con tin”. Chỉ có tuyên truyền, định hướng một chiều từ phía chính quyền mà thôi! Người dân có tranh chấp chỉ được trình bày, giải thích các nội dung mà mình băn khoăn trên mạng xã hội..."
Đó chính là lý do vì sao người dân, hay nói chính xác hơn là những đảng viên kiên trung tại Đồng Tâm đang chờ đợi đồng đội của mình trả lời. Hơn ai hết những người đã từng là Chủ tịch xã, Bí thư xã, Trưởng công an xã.... những người đã từng hy sinh tuổi trẻ đóng góp cho công cuộc cách mạng hiểu rõ họ đã và đang niềm tin vào những điều gì. Và họ vẫn trông chờ câu trả lời từ những lãnh đạo cấp cao hơn, những người đang rao giảng niềm tin và đạo đức như Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc...
"Không cần đối thoại, không cần tòa án", chỉ cần tuyên truyền và phát lệnh xua hơn ngàn quân vào làng, những người đã hơn nửa đời người đi theo đảng ở Đồng Tâm bỗng chốc trở thành những kẻ chống đối và những kẻ phản loạn trong mắt những người dân Việt Nam đang bị ngu muội hóa.
Vụ việc ở Đồng Tâm, điều đáng hãi hùng nhất ngoài hình ảnh thương tâm của cụ Lê Đình Kình trong tình trạng được cho là bị tra tấn cho đến chết chính là thái độ hung hãn khát máu của một bộ phận không nhỏ người Việt trên mạng xã hội.
"Không cần lắng nghe, không cần suy nghĩ", đảng nói đúng là đúng, đảng bảo chống đối là đám đông phải hô to khẩu hiệu "cần nghiêm trị" như một quy trình được cài đặt sẵn. Vô văn hóa, mất nhân tính đó chính là điều đáng lo mà nhiều thanh niên trẻ Việt Nam đang thể hiện qua vụ việc Đồng Tâm.
Cuối cùng, đến tận lúc chết, cụ Lê Đình Kình vẫn là một đảng viên và vẫn đang mong chờ được đối thoại với đảng. Chi tiết này có lẽ sẽ là một bài học đắt giá cho nhiều người khác vẫn đang nuôi niềm tin vào đảng.
Đến tận lúc này những cụm từ như "cuộc cưỡng chế", "cuộc tấn công" hay "chống người thi hành công vụ" nên được thay thế cho đúng hơn để miêu tả bản chất của sự việc này vốn là: một cuộc xâm nhập gia cư bất hợp pháp có tổ chức với quy mô gần (hoặc hơn) 3000 quân của công an Hà Nội đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của người dân Đồng Tâm.
Tất cả những tranh cãi về giá trị pháp lý và nguyên tắc cư xử đúng sai của nhà cầm quyền và người dân trong tất cả các vụ cưỡng chế hay tranh chấp đất đai phải được suy xét thấu đáo, không né tránh bản chất vấn đề - đó là “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”. Mọi cuộc tranh cãi đúng sai đều vô nghĩa nếu dựa trên một lổ hổng trầm trọng về quyền sống, quyền được mưu sinh của công dân. Những cuộc cưỡng chế, thâu tóm đất đai trước dịp Tết đoàn viên, chưa và sẽ không bao giờ là hành động có thể mang lại sự ấm no hạnh phúc cho xã hội.
Năm 2020 rồi, đừng đổ tội chống phá nhà nước, chống phá chính quyền cho dân khi chính nhà nước được lãnh đạo bởi những người cướp chính quyền luôn nuôi dã tâm cướp trắng tài sản của nhân dân qua nhiều thời kỳ bằng nhiều thủ đoạn.
11.01.2020