Vấn đề ở Đồng Tâm vốn được nhà nước xem là một cuộc tranh chấp dân sự giữa dân và chính quyền địa phương. Sự việc này theo "đúng trình tự" đã có chính quyền cấp cao hơn là Hà Nội can thiệp, nhưng người dân chưa đồng tình và tiếp tục khiếu nại lên Thanh tra chính phủ. Đúng ra Thanh tra Chính phủ phải xử lý đúng quy trình pháp lý như tiếp nhận đơn, ra kết luận thì lại ra thông báo để tung hỏa mù.
Thông báo không có giá trị pháp lý khi người dân Đồng Tâm có văn bản khiếu nại (quyết định của UBND Tp Hà Nội). Bởi theo quy định của luật pháp Việt Nam, giá trị pháp lý của các văn bản do Thanh tra chính phủ đưa ra sau khi có "kết luận thanh tra" chính là một ''quyết định'' chứ không phải là một ''thông báo''.
Báo chí tuyên truyền thì đưa tin mập mờ, cụm từ "theo kết luận của thanh tra chính phủ" từ tháng 4/2019 thực tế trong bài lại là "thông báo" của Thanh tra dựa trên kết luận của cấp dưới là Hà Nội. Đây là điểm mấu chốt quan trọng nhất về trình tự pháp lý.
Bên cạnh đó việc Thanh tra Chính phủ không chịu đối thoại hay trực tiếp gặp dân. Dân ở đây chính là những người trực tiếp có đơn khiếu nại. Khi tổ chức buổi gặp gỡ, gửi lời mời những người không hề nằm trong danh sách ký tên lên làm việc, một lần nữa cho thấy Thanh tra Chính phủ lại tiếp tục làm sai quy trình pháp lý nên người dân Đồng Tâm ngoài việc mời luật sư đại diện cho quyền lợi hợp pháp còn phải tiếp tục tìm cách ngăn chặn, chống lại việc cưỡng chế.
Sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Hà Nội, bằng cách chơi trò đánh lận con đen và mập mờ về chữ nghĩa trong trường hợp này được xem là sử dụng thủ thuật để gài bẫy dân. Bởi theo đúng trình tự khiếu kiện đất đại hàng chục năm nay: sau khi dân không đồng tình với kết luận thanh tra của địa phương thì họ tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn là Thanh tra Chính phủ. Nếu minh bạch rõ ràng, Thanh tra chính phủ phải làm đúng chức năng của mình là ra "kết luận thanh tra" hay hiểu là quyết định theo đúng luật pháp, nhưng với vụ Đồng Tâm họ đã không hay cố tình không làm mà chỉ ra "thông báo"?!
Thông báo số 611/TB-TTCP ngày 25/4.2019 từ Thanh tra chính phủ rõ ràng là không có tính pháp lý để dân có thể làm bằng chứng tiếp khiếu kiện lên cấp cao hơn là Thủ tướng Chính phủ.
Đây là cách hành xử không lương thiện của các cơ quan chức năng trong vụ Đồng Tâm. Bởi hơn ai hết, những người làm ra luật và sử dụng luật để cai trị biết rõ khi thanh tra chính phủ ra thông báo (không đủ tính pháp lý) thì dân không thể đưa thông báo không đủ tính pháp lý để tiếp tục khiếu kiện. Vì nếu lấy "thông báo" làm cơ sở pháp lý thì các cơ quan tư pháp cao hơn sẽ từ chối thụ lý vì nó không có cơ sở pháp lý.
Nói một cách đơn giản, vụ việc ở Đồng Tâm nếu đọc thông tin báo đảng sẽ nghĩ rằng các cơ quan chức năng đã xử lý triệt để trong khi thực tế họ không hề xử lý mà chỉ đang diễn trò cho dân xem.
Người dân Đồng Tâm muốn gì?
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, người đại diện pháp lý cho dân trao đổi với RFI:
"Người dân Đồng Tâm thực sự muốn tháo gỡ mâu thuẫn ''về mặt nội dung''. Cụ thể là vùng đất tranh chấp này, nếu bên Quốc Phòng cho là đất quốc phòng, thì cần trưng ra các văn bản pháp lý, để đối chứng với các văn bản pháp lý của phía người dân Đồng Tâm, trước sự chứng kiến của Thanh tra chính phủ, Bộ Quốc phòng, UBND Tp Hà Nội, cùng tất cả các cơ quan liên quan đến đất đai ở địa phương này. Người dân cũng sẵn sàng chấp nhận lẽ phải về phía bộ Quốc Phòng, nếu cơ quan này có đủ cơ sở pháp lý. Đáng tiếc là việc đối thoại về các văn bản pháp lý liên quan đến vùng đất tranh chấp đã không diễn ra."
Chính quyền có trong tay đủ mọi công cụ là pháp lý, lực lượng xử lý nhưng họ không chọn cách xử lý đúng luật mà ngang nhiên đánh úp vào đúng mục tiêu là cụ Lê Đình Kình, người được cho là "thủ lĩnh tinh thần" của người dân Đồng Tâm là vì lẽ gì?
Cuộc tấn công của lực lượng chức năng vào nhà riêng cụ Lê Đình Kình lúc 4h sáng ngày 09/01/2020 dựa trên cơ sở pháp lý nào đến nay vẫn là một câu hỏi không có câu trả lời, bởi hiện trường vụ án vẫn bị phong tỏa. Các thông tin chính thức đều từ Bộ Công an và Thông tấn xã VN cung cấp. Ai là người chủ trương và ra quyết định?
Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô (E22, K20), lực lượng đặt dưới sự lãnh đạo của đảng ủy Công an Trung ương và sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an được điều động đi thực thi nhiệm vụ. Việc điều động lực lượng này phải có quyết định nằm cấp Bộ và nhiệm vụ phải được nhận định là tối quan trọng, liên can rất lớn tới an ninh quốc gia, an toàn chế độ. Ngoài Bộ trưởng Bộ Công an có quyền điều động các đơn vị cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trên toàn quốc, những người đã tham gia vào đảng ủy Bộ CA như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc... chính là những người có trách nhiệm phải trả lời trước toàn dân hai câu hỏi trên.
Có ý kiến cho rằng chính quyền không khơi mào bạo lực trong vụ tấn công theo tôi là nhận định nửa vời.
Bởi sự bạo lực của chính quyền trước đó chính là cách mà họ từ chối hoặc sử dụng các biện pháp câu giờ khi có đơn khiếu kiện của người dân theo đúng trình tự của pháp luật. Thứ bạo lực tinh thần này cũng khủng khiếp như kiểu "đánh úp". Bởi vì người dân chỉ có một công cụ duy nhất khi bị dồn vào bước đường cùng là sử dụng pháp luật để khiếu nại, khiếu kiện. Thứ bạo lực tinh thần mà chính quyền đã lựa chọn khi xử lý chây ì, chậm chạp, bất công hay sự im lặng phớt lờ đơn thư khiếu kiện cũng là một thứ bạo lực đáng khinh bỉ mà chính quyền đang sử dụng với dân.
Với vụ việc Đồng Tâm, khi chính quyền có đủ mọi công cụ pháp lý để xử lý bạo lực nếu có xảy ra từ trong dân và họ không chọn cách "thượng tôn pháp luật" như rao giảng mà lại chọn lối "đánh úp" dân lúc trời tối thì chính họ đã sử dụng bạo lực đàn áp người dân và ngồi xổm lên Hiến pháp.
Đây chính là thứ bạo lực chính quyền tức bạo lực từ giai cấp thống trị, cầm quyền.
Đừng bao biện rằng chính quyền phải đáp trả bạo lực từ dân bằng bạo lực, hay đổ lỗi do dân khơi mào bạo lực trước thì chính quyền mới ra tay. Bởi đây chính là lập luận của những kẻ mất lương tri và không còn đủ lý trí để phân định đúng sai trong một xã hội tiến bộ.
Người dân xưa nay khi đi khiếu kiện, họ không hề muốn đối đầu với chính quyền. Điều họ muốn là những lá đơn của mình được giải quyết . Hơn ai hết, những người dân trong các vụ tranh chấp đất đai hiểu rõ khi đối đầu với chính quyền kiểu một mất một còn thì các nội dung khiếu kiện của họ sẽ không bao giờ được giải quyết. Chính vì vậy những điểm suy luận mà chính quyền hay đưa ra khi cho rằng dân "bạo loạn, đối đầu..." chỉ là logic ngược mà thôi.
Từ rất nhiều vụ tranh chấp đất đai như Cống Rộc Tiên Lãng, Thái Bình, Đắk Nông.. những cái tên như Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, Đặng Văn Hiến.. không giúp cho các cơ quan chức năng "rút kinh nghiệm" trong xử lý khiếu kiện. Ngay cả trong vụ thảm án ở Đồng Tâm, chỉ dấu leo thang trấn áp bằng cách trao Huân chương chiến công cho ba công an tham gia một chiến dịch đang gây tranh cãi về tính pháp lý cho thấy đảng và nhà nước tôn vinh và tán dương cho hành động ngồi xổm trên hiến pháp.
Bên cạnh đó, chiến dịch gia tăng trấn áp trên mạng xã hội cũng được phát động bằng việc bắt giữ Facebooker Chương May Mắn (anh Chung Hoàng Chương) ở Cần Thơ. Liệu đây có phải là chỉ dấu nguy hiểm của trò chơi quyền lực nội bộ mà Ba Đình đang chấp nhận leo thang và họ chấp nhận lấy mạng dân để xây quyền lực cho nhau hay không?!
Sự kiện Đồng Tâm sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho xã hội Việt Nam và là một ví dụ kinh khủng khi chính quyền qua mặt tư pháp để ra tay xử lý các vụ khiếu nại, khiếu kiện của dân bằng công cụ bạo lực thông qua lực lượng hành pháp và quân đội. Lực lượng này đúng ra nhiệm vụ chính phải bảo vệ quốc gia và dân. Trong tương lai những lá đơn khiếu nại, khiếu kiện đất đai vốn chiếm 3/4 số đơn thư cả nước sẽ được xử lý theo đúng quy trình luật pháp hay bằng phương pháp "đánh úp", sử dụng bạo lực và sau đó tìm kiếm hay tạo các chứng cứ để truy tố hình sự?!
Vườn rau Lộc Hưng, bà con Thủ Thiêm sẽ ra sao sau thảm án tại Đồng Tâm?
13.01.2020