Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - “Suy rộng ra, chuột nền xã là kẻ tả hữu của băng đảng cầm quyền, là đảng cầm quyền. Trong thì toa rập che đậy hết những điều hay dở không cho người trên biết; ngoài thì mánh mung mua bằng, mua chức, bán ghế, bán quyền thế cho trăm họ. Chẳng ai bắt tội thì họ làm loạn. Bắt tội thì người trên bênh vự bao che, vì là cùng phe, cùng đảng. Dân phạm pháp thì xử nghiêm bằng quốc luật, quan vi hiến phạm luật thì bằng xoa đảng quy. Vậy thì khác gì chấp chứa, vỗ béo chuột ở nền xã”.
*
Thuở thiếu thời, tôi không phân biệt được các họ nhà chuột bốn chân và rất sợ. Lớn thêm chút, dần dần tôi bớt sợ, phần lớn là nhờ thằng bạn Tây tên Jacques thường xuyên rủ đi Trung Tâm Văn Hoá Pháp hay Mỹ coi phim hoạt hình Walt Disney về chú chuột hai chân biết nói tiếng người tên Mickey và phim Mèo và Chuột (Tom & Jerry) do hãng Metro Goldwyn Mayer sản xuất. Coi riết đâm mê, rồi bắt đầu để ý và thuộc tên Tây, tên Mỹ các tộc chuột ‘da trắng’, trước khi biết phân biệt các loài chuột ‘da vàng’ như chuột chù, chuột chũi, chuột đồng, chuột cống, chuột lang / chuột tam thể, chuột khuy, chuột nhắt, chuột đất, chuột dừa, chuột xạ, chuột xù, chuột bạch, chuột cà xốc… và đặc biệt giống chuột mới do một người Việt Nam tên Phan Khôi cấy tạo thành công năm 1958 trong phòng thí nghiệm Văn số 36 tại thủ đô ngàn năm văn vật. Đó là thứ chuột nhân tạo biết nói tiếng người, nghe nói sẽ bất tử, do đó được tôn danh là Ông Năm Chuột (1).
- Những tưởng Ông Năm Chuột của cụ Phan Khôi là phát minh sau cùng của giống chuột lạ, nào ngờ, một hôm ở góc trời kia, người ta thấy lố nhố một giống chuột lạ từ trong rừng tràn vào thành phố. Đặc điểm số 1 của giống chuột lạ này là hai tai rất bự nên nhất thời được tạm gọi là Chuột Tai Bèo. Đặc điểm số 2 là khi xếp hàng chữ nhất đi bộ vào thành phố, chuột tai bèo mỏng mảnh nhẹ tênh, còn lúc quay ra thì ục ịch đội đủ thứ “rác rưới” của “xã hội giãy chết, đồi trụy, phồn vinh giả tạo” mà chúng tự gọi chữ là “tịch thu vật tư của địch về nghiên cứu”, dân gian địa phương lại diễn nôm cảnh huống này là “Chuột bắc Chĩnh nam”…
- Chuột tai bèo hai chân nay đã hết thời, đã bị xếp vào lịch sử hoặc quá khứ hay dĩ vãng, cần và phải quên đi, nhường chỗ cho loài chuột mới…
- Ý bác muốn nói tới chuột vi tính không chân trên hệ vận hành Macintosh, Windows, Linux?
- Không phải! Mà là Chuột nền xã!
- !!!
- Nếu chuột trên Windows là sự thoát thai từ chuột Macintosh, chuột Linux là bản sao rõ nét của chuột Unix thì chuột nền xã là biến thái tất yếu của chuột tai bèo! Chẳng là chuột tai bèo do lỡ quen sa ngụp trong chĩnh “rác rưới” nói trên, cộng thêm chuyện Mở cửa hang, Đổi mới không khí cái rụp để sống còn…
- Nghĩa là do quen mui lại thiếu chuẩn bị, thiếu học tập... Nhưng chuột nền xã là gì?
- Đã nói là mở cái rụp tức đột xuất Mở cửa hang, Đổi mới để thở, để sống còn mà… Bác có bộ vó thông minh nhưng xin lỗi, coi mòi hơi hơi chậm hiểu đấy. Chuột nền xã có gốc từ “bè lũ Đại Hán bành trướng và bá quyền nước lớn”, chẳng rõ đã du nhập vào xứ ta từ thuở nào, có điều lịch sử cận đại có di lưu màn chuột nền xã Trần Dụ Châu đã được chuột chúa - nghe nói rất khoan hồng, độ lượng – ký lệnh xử tử vì tội “tham nhũng và tha hoá về đạo đức cách mạng” trong thời kháng Pháp, năm 1950. (2).
- Tôi có biết vụ đó. Năm 1950, đại tá Trần Dụ Châu (1906-1950) tham nhũng – tức ăn cắp công quỹ một số tài sản rất lớn: 201.859 đồng (VNDCCH) + 149USD (tương đương 57.000 đồng, hối đoái năm 1950. Vị chi chuột nền xã có ăn máu tới sự suy nhược của cơ thể dân tộc, tới việc cai trị đất nước?
- Theo chỗ tôi biết, giống chuột bạch dùng làm thí nghiệm ở xứ ta có nguy cơ mất giá vì “các thế hệ học sinh [đã] được mang ra làm thí điểm như... chuột bạch!” (Là lời G$-T$ khoa học Nguyễn Xuân Hãn nói về việc thay đổi sách Giáo khoa liên tu liên tục trong chương trình cải cách của ngành giáo dục ấy mà!). Còn phá hoại hoa màu, nương rẫy có chuột đồng, chuột khuy..., cộng thêm dịch bò, dịch gà, dịch heo gây tác hại, nhưng mớ hại này chẳng thấm vào đâu so với dịch chuột nền xã, vả, dịch chuột nền xã là cái Quả vĩ đại tất yếu của cái Nhân “Dân chủ tập trung, Trách nhiệm tập thể, Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” vĩ đại.
- Xin bác dạy rõ cho.
- “Nền xã ken bằng gỗ sơn vẽ, chuột nhân đấy mà làm ổ ở trong, nên gọi là chuột nền xã. Um lửa thì sợ cháy gỗ, đổ nước vào thì sợ lở sơn, cho nên chuột ấy không thể chết được, đó là tại nền xã vậy. Suy rộng ra, chuột nền xã là kẻ tả hữu của băng đảng cầm quyền, là đảng cầm quyền. Trong thì toa rập che đậy hết những điều hay dở không cho người trên biết; ngoài thì mánh mung mua bằng, mua chức, bán ghế, bán quyền thế cho trăm họ. Chẳng ai bắt tội thì họ làm loạn. Bắt tội thì người trên bênh vực bao che vì là cùng phe cùng đảng. Dân phạm pháp thì xử nghiêm bằng quốc luật, quan vi hiến phạm luật thì xoa bằng đảng quy. Dân ăn cắp 1 con vịt về làm đồ nhậu thì được phạt tù 7 năm. Quan ăn cắp công quỹ từ tiền thuế của dân tròm trèm 6 ngàn tỉ Hồ tệ lại bị lãnh án khắc nghiệt… đến 3 năm tù! Vậy thì khác gì chấp chứa, vỗ béo chuột ở nền xã.
- Bác có lối nói nghịch Được và Bị rất là khó chịu…
- Đã thành tật rồi, không bỏ được. Ở nơi kia, có người bán rượu sạch, ngon nhưng rượu để chua ra mà chẳng ai mua, mới hỏi người làng vì cớ gì mà không bán được? Người làng trả lời:
- Chó nhà ông dữ quá. Người ta mang bình vào mua, chó nhà ông đón cắn, cho nên rượu nhà ông không bán được.
Nước cũng có chó dữ, tức là kẻ cầm quyền. Khi có người do nhuần nhuyễn học tập lời Người ta dạy, tâm huyết “nói thẳng nói thật”, “tự phê bình và phê bình” thì kẻ cầm quyền lại cho là bôi Bác, vạch lá tìm sâu, bêu rêu chế độ, đón lấy mà cắn, thế là chó dữ của nước vậy. Kẻ tả hữu làm chuột nền xã, kẻ cầm quyền làm chó dữ thì tránh sao khỏi điều lo, người trên tránh sao khỏi điều nguy và dân tình làm sao tránh khỏi ta thán, đói khổ, suy đồi” (2).
Bài học về thuật lãnh đạo của Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264), người sáng lập ra Nhà Trần, rõ ràng đã bị bỏ quên trong xó sử: Có người bẻm mép với vua Trần Thái Tông rằng Trần Thủ Độ chuyên quyền độc đoán. Vua nói lại cho ông nghe. Không những không giận và tìm cách trả thù kẻ đã dèm mình, Trần Thủ Độ lại ban thưởng cho người ấy vì ông quan niệm một người dám nói thẳng nói thật đáng quý gấp ngàn kẻ chỉ biết dạy vâng, bảo dạ và… nhất trí vỗ tay. Thế đấy, đời nay bao kẻ cứ ra rả cái gọi là đạo đức, phong cách “cần kiệm liêm chính…”.
- Thôi, thôi… tôi van bác! Tôi thuộc ngướu ra rồi. Cần-Kiệm-Liêm-Chính-Chí-Công-Vô-Tư là thế này:
Bí thư hoá trang vi hành đột xuất, gặp một cụ ông đang cày ngoài đồng. Bí thư dừng lại hỏi thăm về đất đai, nông tang, lúa mạ... rồi lân la hỏi đến chính sự, tư cách quan chức trong địa hạt thế nào. Cụ ông nói:
- Ối dào! Các quan ở đây đều là những bậc hiền đức cả, cần-kiệm-liêm-chính-chí-công-vô-tư tất.
Bí thư hỏi:
- Làm sao bác biết?
- Tôi xem hát chèo xưa nay, thấy những vai nịnh như Dịch Nha, Thụ Điêu…, những ai ác ôn như Đổng Trác, Tào Tháo... đều mặt trắng, mà các quan ở đây, tôi chưa thấy ông nào mặt trắng như thế bao giờ! Ông nào cũng hồng hào béo tốt, một phần không nhỏ đều bụng bia như mang bầu giùm vợ… bé!
- Ục ục ục. Chết cười. Tôi cũng đã hiểu đại khái chuột nền xã là gì. Có điều, Ông Năm Chuột và vụ án chuột nền xã Trần Dụ Châu cách nay đã hơn nửa thế kỷ, hơn nữa chuột nền xã Trần Dụ Châu chỉ là hiện tượng cục bộ của cá nhân chứ đâu "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" thành bản chất ưu việt, thành quốc nạn thậm chí là giặc nội xâm của chế độ như từ hơn ba thập niên qua. Mức độ đục khoét nền xã của chuột Trần Dụ Châu xem ra chỉ đáng mấy sợi lông chân của những con chuột nền xã đã và đang tận tuỵ “vì dân, vì nước” trong lòng thời tiền Công nghiệp 4 chấm không.
- Đổi mới nhưng không đổi hướng, không đổi màu thành thử càng vá víu đổi càng nảy sinh những con chuột nền xã tinh ma như hồ ly khéo mặc áo thầy tu tất thành dân tiên. Mà đã là dân tiên tức mặc nhiên được hưởng quy chế – bất thành văn – bất khả xâm phạm. Coi như công nghiệp 4 chấm không không thành mà thành Không chấm 4. Này nhé:
“Đồn rằng có ông tỉnh ủy rất thanh liêm, không ăn của đút bao giờ. Bà tỉnh ủy thấy tánh khí dở hơi bất thức thời của đấng ông chồng như vậy cũng không dám nhận lễ của ai, kể cả phong bì phong bao cuối năm theo thông lệ từ thời Mở cửa và Đổi mới. Một đám dân làng nọ muốn nhờ quan tỉnh ủy ‘linh động’ cho vụ bồi thường bất công, không thoả đáng về đất đai hương hoả bị trưng dụng theo chính sách “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, rồi ưu tiên dành lô đất ấy, với giá gấp 10 gấp 100 lần giá bồi thường, cho đầu tư nước ngoài xây cao ốc, lập doanh nghiệp, xây nhà máy nhiệt điện than ma dze in chai na; hoặc giao đất ấy với giá ưu đãi cho công ty quốc doanh làm sân golf, nhưng mang lễ vật gì đến, quan ta cũng gạt phăng. Bí quá họ bèn đi cửa sau, gặp bà tỉnh ủy. Bà tỉnh ủy cũng gạt đây đẩy:
- Thủ tướng lại một lần nữa yêu cầu “tất cả các cấp không mang quà biếu Tết, xe cộ ùn ùn tới nhà lãnh đạo” kể từ mùa Tết con Chuột 2020 này. Ông nhà tôi cương quyết tuân phục lời Thủ tướng.
- “Kể từ mùa Tết con Chuột 2020 này”, nghĩa là Thủ tướng tự thú nhận rằng ở ta trước đó chuyện cấp dưới mang phong bì phong bao quà cáp cấp trên là đăng đẳng có thật. Nhưng phong bao, phong bì là thời 3.0. Xưa rồi Diễm ạ. Bây giờ đang là giai đoạn quá độ vào thời đại 4.0 nên người ta biếu tặng hoa quả giấy ma dze in dzu ếch ây cho cấp trên bằng 1-2 thùng cạc tông!
- Híc híc híc. Ai si voát dzu min. Tớ kể nốt chuyện còn dang dở. Bà tỉnh ủy phân trần tiếp: Ông nhà tôi hết mực chuyên tu giáo trình Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách làm đầy tớ nhân dân nên thanh liêm lắm, tôi mà nhận lễ của các ông bà thì mươi, mười lăm năm sau, ông ấy biết ông ấy cũng vẫn còn rầy rà tôi tơi bời hoa lá đấy!
Dân làng năn nỉ mãi, bà lớn nể tình bèn bày cách:
- Ông nhà tôi tuổi Tý (chuột). Quý ông bà đã có lòng thành như thế, thì hãy về đúc một con chuột bằng vàng 24 ca ra mang đến đây, rồi tôi cố thử nói giùm cho, hoạ may được việc chăng.
Dân làng nghe lời, về tom góp đúc một con chuột bằng vàng bốn con số 9 SJC, mang đến…
Một hôm, ông tỉnh ủy trông thấy con chuột 9999 SJC, hỏi lấy đâu ra, vợ ông bèn kể lại đầu đuôi. Nghe xong, ông tỉnh ủy mắng sả:
- Hốc gì mà ngốc thế! Lại đi bảo là tuổi Tý! Cứ bảo bừa tôi tuổi Sửu (trâu) có hơn không?”.
- Bác biện dẫn chí lý quá. Mấy con chuột nền xã khổng lồ thời nay có con nào bị xử tử như chuột nền xã lắt nhắt Trần Dụ Châu của 70 năm trước đâu. Nhưng chẳng lẽ cả một dân tộc nghe nói vừa thông minh vừa anh dũng, anh hùng cam thúc thủ mãi sao?
- Ba thứ dịch gà, dịch heo, dịch bò nêu trên, chóng chầy cũng có phương pháp trừ khử, còn dịch chuột nền xã trong thời ‘định hướng’ chồng chéo bấy lâu, phải thú nhận là thiên nan vạn nan. Bởi chưng [“chính quyền trong hệ tư tưởng ấy chỉ còn lại nội dung quyền lực, ‘quyền uy’ tuyệt đối, quyền lực của cá nhân. Nhà nước không phải là tổ chức đại diện cho nhân dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng tiên phong chiến đấu của mình mà chỉ là tổ chức quyền lực của những con người, những nhóm người nắm quyền hành trong tay. Đảng cộng sản trên thực tế không còn là đảng của giai cấp công nhân với vị trí lãnh đạo nữa mà chỉ là tổ chức quyền lực đảng trị”] (3), tức là Vua tập thể, hay Sứ quân. Bác cứ cái mửng hỏi đố làm tôi phải moi óc trích dẫn mệt cả người. Tôi có học lóm được 3 cách để trừ chuột nền xã, bà con tùy nghi ứng dụng:
1. Dưới chân bức tượng thánh nữ Maria trong tỉnh Radom (Ba Lan) có đặt một con chuột bằng bạc. Tôi thắc mắc hỏi dân trong tỉnh:
- Con chuột này tượng trưng cho điều gì?
Bốn năm người kể cùng một nội dung:
- Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ XII, tỉnh này bị giặc chuột bao vây. Dân chúng, như chuột chạy cùng sào, mới nghĩ tới chiêu “độc trung chi độc” bằng cách làm một con chuột bằng bạc đặt dưới chân Đức Mẹ để cầu may, thế rồi sáng hôm sau bầy chuột thật đều biến mất!
2. Theo tin tối mật, trong lúc tìm ra phương pháp chống dịch gia cầm, dịch heo lở mồm long móng, các thú y người mình đã ngẫu nhiên phát hiện thêm một loại thuốc chủng ngừa diệt dịch chuột nền xã rất hay, có tên Dịch đảng:
Dịch heo nối tiếp dịch gà,
Bao giờ dịch đảng cho bà con vui!
3. Chuyện cổ nước Nam kể rằng: “Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên trời. Trời giao cho nó giữ chià khoá kho lúa của trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tín cẩn, nhân được giữ chià khoá, cứ tự do đến mở kho rũ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa.
Sau trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên đấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chià lẫm thóc của nhân gian. Nhưng chứng nào vẫn tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn. Đến nỗi người phải có câu ta thán rằng:
Chuột kia xưa ở nơi nào?
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này?
Người lấy làm chua xót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:
- Chuột này vốn chuột của Thiên đình, sao Thiên đình lại thả nó xuống hạ giới?
Trời nói:
- Ừ, trước nó ở trên này giữ chià khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này nữa, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới đấy.
Vua Bếp tâu:
- Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm, chúng con thiết nghĩ: lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin trả lại cho nó lên Trời ở là phải.
Trời nghe tâu phán rằng:
- Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể lại cho nó lên đây nữa. Thôi bây giờ có một cách: ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian, thì thả mèo ra, cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ mà ăn chuột đi…
- Bác nói lạ, mèo của Trời chỉ ăn được chuột của Trời thôi, chứ hơi sức đâu mà ăn được băng đảng chuột nền xã nhân tạo, con nào con nấy bự những 6-7 chục kí lô?
- Có vậy mà chú mày cũng không hiểu. Phải có Mèo nền xã nhân tạo thì mới ăn được chuột nền xã nhân tạo chứ!
- Nhưng mèo nền xã nhân tạo là gì?
- Mỗi quốc gia phi xã hội chủ nghĩa trên trái đất này đều đã chế ra được Mèo nền xã cho mình từ khuya. Con rồng cháu tiên đã và đang sống trên cái nền xã bị chuột nền xã 4.0 đục khoét, “ăn không từ một thứ gì” phải tự thích nghi động não làm lấy. Tớ ở nước ngoài nên chỉ tửng tửng nói chơi ngần ấy thôi.
“Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh”.
(Kiều - Nguyễn Du)
________________________
Chú thích:
(1) Ông Năm Chuột:
(2) Trần Dụ Châu: vụ án tham nhũng nổi tiếng vào thập niên 1950.
(3) Theo Nguyễn Tử Quang: Chính trị cổ nhân, trang 7, nxb Thọ Xuân – Sàigòn, 1958.
(4) Hoàng Lê và Khổng Doãn Hợi: Chủ nghĩa Mao không có Mao, trích nguyên văn trang 25, Nxb Thông Tin Lý Luận – Hà Nội, 1982.
22.01.2020