Giải Thưởng Nhân Quyền Engel-du Tertre cho TNLT Trần Thị Nga - Dân Làm Báo

Giải Thưởng Nhân Quyền Engel-du Tertre cho TNLT Trần Thị Nga

CTV Danlambao - Thứ bảy, 1 tháng 2 năm 2020, lúc 5 giờ chiều hơn 120 quan khách được mời đặc biệt cùng các thành viên của tổ chức Thiên Chúa Giáo Chống Tra Tấn và Án Tử Hình (ACAT) đến từ khắp nơi trên nước Pháp đã hiện diện đông đảo chờ đợi buổi lễ trao giải thưởng nhân quyền cho nữ tù nhân lương tâm của Việt Nam, chị Trần Thị Nga.

Giải thưởng cao quý này mang tên Giải Thưởng Nhân Quyền Engel-du Tertre, vốn là tên của vị sáng lập ra tổ chức nhân quyền ACAT từ năm 1974. Như chúng ta đã biết, vào ngày 10 tháng 1 năm 2020, chị Nga đã bị đưa từ trại giam đến thẳng phi trường Nội Bài sang Hoa Kỳ để bắt đầu cuộc sống lưu vong cùng gia đình tại thành phố Atlanta. 

Người do Ban Tổ Chức và gia đình chọn đại diện chị Trần Thị Nga để nhận giải thưởng nhân quyền tối nay là Ls Đặng Thanh Chi, thành viên của Danlambao đến từ Canada. Trong phần khai mạc, vị chủ tịch của ACAT, ông Francois Walter đã giới thiệu đến cử tọa chị Đặng Thanh Chi là nhà hoạt động, đấu tranh nhân quyền trên 30 năm, từng được tổ chức International Pen, Oxfam Novib, International Commission of Jurists trao tặng giải thưởng vì những hoạt động đấu tranh giành công lý và quyền làm người cho đồng bào của chị. 

Trong bài diễn văn bằng tiếng Pháp, Ls Đặng Thanh Chi đã thay mặt cựu nữ tù nhân lương tâm, Trần Thị Nga, cảm tạ tất cả các thành viên của ACAT đã không ngừng tranh đấu, cứu thoát cuộc đời của bao người từ những tù giam tăm tối nhất trên thế giới. Chị cũng đã giới thiệu đến quan khách người Pháp về người phụ nữ Việt Nam can trường, với quá khứ tuổi thơ cơ cực, sớm hy sinh vì gia đình, đã dấn thân bước vào con đường tranh đấu, không chỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, mà còn tranh đấu bảo vệ công lý cho bao người khác. Chị Đặng Thanh Chi cũng đã chia xẻ về thân phận những nữ tù nhân lương tâm trong nhà giam cộng sản Việt Nam, những phân biệt đối xử 1 cách tàn tệ của chinh sách nhà tù nhằm làm nhục tâm lý, thể chất, và tra tấn tinh thần họ.

Chị đã nhắc đến những nữ tù nhân can đảm như Phạm Thanh Nghiên với 4 năm tù giam, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bản án 10 năm, được trả tự do sau 2 năm thi hành án, và Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người nữ tù trẻ tuổi nhất với số năm sống trong tù giam lâu nhất, 8 năm, vừa được thả vào tháng 8 năm ngoái, và nay vẫn đang phải chịu 5 năm quản chế tại gia ở Việt Nam… Chị Đặng Thanh Chi đã khẳng định những nhà đấu tranh như chị Trần Thị Nga, dù là một trong những tù nhân lương tâm may mắn, sống sót từ những nhà tù nổi tiếng là tàn khốc, và nay được định cư ở quốc gia tự do Hoa Kỳ, nhưng đó chưa bao giờ là ước muốn của Nga. 

Trước khi kết thúc, chị Thanh Chi cũng cảnh giác cử tọa ngoại quốc về hành vi thả 1 người, bắt giam mươi người của nhà nước cộng sản Việt Nam, và chiêu bài tống xuất những nhà đấu tranh phải sống đời lưu vong, với mục đích tách rời họ và ảnh hưởng của họ ra khỏi cuộc đấu tranh đồng hành với đồng bào trong nước, và tước đi quyền được sống ngay trên quê hương mình, và dùng đó như những chứng minh cho “sự cải thiện” về nhân quyền và “lòng nhân đạo” của chế độ cho những mục tiêu kinh tế, chính trị của nhà cầm quyền. Bài diễn văn đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của cử tọa. Tất cả quan khách đã đứng lên vỗ tay đồng loạt và rất lâu trong niềm ưu ái. 


Sau đó, là phần trình chiếu 1 đoạn video clip 7 phút của chị Trần Thị Nga gửi đôi lời đến cử tọa từ Atlanta, Hoa Kỳ. Trong thông điệp nhắn gửi đến cử tọa, chị Nga đã đặc biệt cảm ơn tất cả các cơ quan xã hội dân sự, phi chính phủ, tổ chức nhân quyền quốc tế và các cá nhân, đoàn thể cộng đồng khắp nơi đã thương yêu, hỗ trợ cho Nga và gia đình trong những năm qua. Chị Trần Thị Nga cũng đã nhân dịp này kêu gọi thế giới tự do tiếp tục đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, vận động cho các quyền tự do cơ bản của con người, và tất cả các tù nhân lương tâm được sớm trả tự do, và nhất là cho 3 trường hợp đang bị án tử hình oan tại Việt Nam, đó là Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng. 

Tiếp theo phần chiếu video của chị Trần Thị Nga là phần trình bày của vị giám đốc đặc trách Á Châu của ACAT, cô Jade Dussart, tóm lược các hoạt động vận động trong năm tại các quốc gia trong vùng. Sau đó là phần hỏi đáp giữa cử tọa và các vị trên bàn chủ tọa: Ông chủ tịch ACAT, Francois Walter, cô Jade Dussart và Ls Đặng Thanh Chi. 

Câu hỏi đầu tiên vì đâu một đất nước nhỏ bé, hiền hòa như Việt Nam lại phải trải qua biết bao cuộc chiến, và từ đâu dân tộc VN lại có thể trường kỳ đấu tranh trong suốt bao năm và nay vẫn còn tiếp tục đấu tranh? Câu trả lời của diễn giả VN đã khiến cả cử tọa người Pháp rơi lệ. Trong nỗ lực làm giảm bớt những xúc động, chị Thanh Chi trong phần trả lời các câu hỏi tiếp sau đó đã pha trò, trình bày dí dỏm khiến quan khách bật cười dù mắt mọi người vẫn còn ngấn lệ. Trong cảm xúc chân thật, sự chia xẻ cảm thông với mẫu số chung là tấm lòng ái quốc giữa những con người khác chủng tộc trong đêm hôm nay đã chấm dứt buổi lễ trao giải thưởng nhân quyền Engel du-Tertre cho nữ cựu tù nhân lương tâm Trần Thị Nga. 

Trước khi bước sang phần dạ tiệc, các cơ quan truyền thông như RFA, RFI, báo Libération, Réforme, SBTN v.v... cũng đã có cơ hội để phỏng vấn chị Thanh Chi. 

  

Ngoài việc thay mặt chị Trần Thị Nga trong buổi lễ trao giải thưởng tối nay, Ls Thanh Chi sẽ có mặt cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế đến gặp gỡ các giới chức hữu trách trong Liên Hiệp Âu Châu, các thượng nghị sĩ Pháp, Bộ Ngoại Giao Pháp và các cơ chế Liên Hiệp Quốc và báo chí truyền thông Pháp để tiếp tục vận động các quốc gia thành viên trong Liên Hiệp Âu Châu hoãn không bỏ phiếu thông qua Hiệp Ước Thương Mại giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam vào ngày 10 tháng 2 này cho đến khi nhà cầm quyền CS Việt Nam thi hành những bước cải thiện nhân quyền 1 cách cụ thể, nhất là trong bối cảnh những gì vừa xẩy ra tại Đồng Tâm. 

NĐL, cộng tác viên Danlambao tường trình.

02.02.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo