Bs Nguyễn Đan Quế (Cao trào Nhân Bản) - Trong thế đối đầu Đông-Tây, chiến tranh VN là xung đột vũ trang giữa 2 khối cộng sản - tư bản thông qua 2 giới lãnh đạo Hà Nội và Sài Gòn. Một bên, khối tư bản giúp Sài Gòn lập guồng máy chiến tranh kiểu tư sản, chủ về hỏa lực; và bên kia, khối cộng sản giúp Hà Nội lập guồng máy chiến tranh kiểu vô sản, chuyên về du kích. Hai guồng máy xoáy vào nhau bất phân thắng bại, kể cả khi Mỹ đổ ½ triệu quân năm 1965. Sau đỉnh điểm là Tết Mậu Thân 1968, hai bên mở hội nghị Paris, tìm đường giải quyết. Hòa đàm kéo dài 5 năm. Trong thời gian này có nhiều biến chuyển rất quan trọng báo hiệu thay đổi căn bản cục diện thế giới:
- 25-10-1971 Trung Quốc thay Đài Loan trong vai trò hội viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với quyền phủ quyết của 1 siêu cường, qua một cuộc bỏ phiếu của toàn thể đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Từ đây Trung Quốc chính thức là siêu cường trong nền sinh hoạt chính trị toàn cầu.
- 27-2-1972: Trung Quốc với tư cách siêu cường ký thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ.
- 27-5-1972: Mỹ - Xô ký thỏa ước Hạn chế vũ khí chiến lươc (SALT). Xuống thang, không chạy đua vũ trang nữa.
Quan hệ giữa hai khối cộng sản - tư bản từ đối kháng sang hợp tác. Chính vì thế mới có hiệp định Paris 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại VN trên căn bản: Các yếu tố ngoại nhập rút ra, để nhân dân VN tự quyết định tương lai chính trị của mình.
30-4-1975: Mỹ rút. VNCH sụp đổ. Cũng là lúc xuất hiện bất ổn ở biên giới phía Bắc, và biên giới Tây Nam, dẫn đến xung đột sau này. Kế tiếp, những thay đổi ở VN gắn liền với chuyển động của Đối đầu Đông - Tây sang Hợp tác Bắc - Nam. Tiến trình chủ yếu là về kinh tế, không còn là quân sự nữa. Chuyển động Đối đầu sang Hợp tác trong Thế Liên Hoàn giữa các siêu cường Mỹ - TQ - Nhật - Đức - Nga diễn ra khi kín, khi hở với nhiều chiến thuật tinh ý lắm mới thấy:
A/ Về chính trị
1. Nga - Mỹ xoay ‘mặt’ nhìn nhau.
2. TQ lên siêu cường, ngang hàng Nga - Mỹ và cùng nhìn ‘mặt’ nhau.
3. Nhật và Đức, tách khỏi Mỹ. Bước lên thế siêu cường bằng con đường kinh tế Số. Cả 5 cùng quay mặt ‘nhìn’ nhau. Hai siêu cường mới nổi Nhật và Đức sẽ thay Anh và Pháp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
B/ Về kinh tế Số
Hợp tác / cạnh tranh giữa các nền kinh tế Số của 5 siêu cường Mỹ - TQ - Nhật - Đức -Nga. Đây là nền tảng hoạt động có tính Liên Hoàn của cả Khối Bắc; đồng thời là cơ chế điều hòa phối hợp chuyển giao Cách mạng Kỹ nghệ hóa của các nước giầu Khối Bắc cho các nước nghèo Khối Nam qua đầu tư - buôn bán.
Đầu tư ào ạt khắp năm Châu; Tổ chức thương mại toàn cầu WTO ra đời; giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch phát triển mạnh, phản ảnh gặp gỡ giao hòa Đông - Tây. Đông - Tây đang trở thành 2 mặt của nền văn minh mới.
C/ Về quân sự
Nga - Mỹ chấm dứt chạy đua; TQ gia tăng quân sự; Nhật và Đức tái võ trang.
Giữa các siêu cường đang bố trí lại về quân sự, không phải để đối đầu nhau, mà để duy trì hòa bình thế giới thông qua cơ chế điều hành của các tổ chức hợp tác quân sự cấp vùng thuộc khối Nam (khí giới và ngân sách tự lo).
Cùng lúc, có những chuyển động khác cũng rất quan trọng: 5 siêu cường Mỹ - TQ - Nhật - Đức - Nga từ từ chuyển quan hệ với các nước nghèo trong Khối Nam thành đối tác về thương mại và đầu tư, chấm dứt hoàn toàn kỷ nguyên đồng minh. Không còn nhu cầu nuôi dưỡng đàn em làm đồng minh như trong thời kỳ đối kháng Đông - Tây, bởi vì các siêu cường đã đi vào thế Hợp tác Liên hoàn. Tất cả các nghèo rơi vào Khối Nam để Kỹ nghệ hóa do các nước giầu Khối Bắc chuyển giao thông qua thương mại - đầu tư (vốn, kỹ thuật, quản lý).
*
Như trường hợp VN, sau 30-4 hết viện trợ quân sự từ hai phe cộng sản - tư bản. Toàn bộ tiến trình thay đổi ở VN từ đây trở đi là kinh tế, và phải tự lo. Kết quả là khốn khó, hoàn toàn bị động.
Buộc phải mở cửa (1986), đi vào toàn cầu hóa, gia nhập Cơ quan Thương mại Thế giới WTO năm 2007. Kinh tế có phát triển nhưng hoàn toàn không tương xứng với vốn đầu tư nước ngoài đổ vào. Bọn cầm quyền thông đồng cấu kết với nhóm lợi ích lũng đoạn cái gọi là Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm hố giầu - nghèo trong xã hội, thay vì thu hẹp, lại gia tăng. Nói chung, sau hơn 3 thập niên mở cửa, phát triển kinh tế ‘đuối sức’, vẫn tụt hậu.
Sau 30-4 nhân dân hai miền Nam - Bắc hòa làm một, mâu thuẫn Quốc - Cộng không còn nữa. Chống độc tài đảng trị còn mạnh thêm, vì những kẻ cầm quyền vô khả năng, tham quyền cố vị, tham nhũng, chiếm đất đai, vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận của người dân. Nói chung là chưa bao giờ lòng dân lại bất mãn với chế độ cộng sản như hiện nay. Quần chúng phản kháng ngày càng đông, ngày càng mạnh; trong khi sức thống trị đi xuống. Khi lên - xuống gặp nhau là ngày N: thay đổi phải xẩy ra.
*
Tổng quát hóa, chúng ta có thể nói chiến tranh VN được giải quyết là do thay đổi chiến lược từ đối đầu Đông - Tây sang Hợp tác Bắc - Nam và qua 3 giai đoạn:
1. Giải giới Sài Gòn trước. Vai trò Mỹ rút quân là chính (từ Mậu Thân đến 30-4-1975).
2. Giải thể Hà Nội, từ 30-4 cho đến ngày N sắp tới. Tiến trình là kinh tế. Vai trò của TQ là chính vì chi phối 80%. Mỹ nhịp nhàng trong vai trò phao cứu sinh. Hụt hơi, Hà Nội đã đụng được phao Mỹ. Tưởng được cứu, nhưng phao Mỹ lại dạt ra (hoàn toàn không có nhu cầu cứu). Cuối cùng ra đi đúng giờ G ngày N do Sức Mạnh Quần Chúng một lòng…
3. …Cho ra đời thể chế mới. Thể chế mới có mẫu số chung phát triển kinh tế cho tất cả các nước Khối Nam khi kỹ nghệ hóa, do các nước giầu chuyển giao trong thế Chiến Lược Toàn Cầu Mới Hợp tác Bắc - Nam./.
21.02.2020