Chân Như (Danlambao) - Hôm 27.03.2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (người đang được coi là nhân vật sáng giá nhất cho ghế Tổng bí thư CSVN kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng ở đại hội đảng XIII) vừa thay mặt Bộ Chính trị tuyên bố quyết định: “Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu.”
Ngược dòng thời gian về năm 1986, để cứu nguy cho nền kinh tế bao cấp lạc hậu, đcs VN đã đưa ra một mô hình hỗn hợp có tên gọi là Kinh tế thị trường định hướng XHCN gồm hai thành phần, trong đó khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kết hợp “có mức độ“ với kinh tế tự do (bao gồm các ngành kinh doanh tư nhân).
Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường (KTTT) tư nhân ngày càng phát triển về lượng lẫn về chất. Thậm chí nhiều hộ nông dân đã chuyển sang kinh doanh hàng hóa, các hộ tư thương phát triển cả thị trường hàng hóa lẫn dịch vụ với quy mô ngày càng lớn, chủng loại phong phú hơn. Và cũng chính trong Sách Trắng VN lần đầu được công bố vào 2019 cũng phải công nhận thành quả “ngoài sức tưởng tượng” của khối kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 42% vào GDP (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) và tạo ra ngày càng nhiều công ăn việc làm. Số người lao động trên 15 tuổi đang làm việc cho khu vực tư nhân chiếm 83,3%, khoảng 45,2 triệu người. (2)
Thế nên chỉ thị của Trần Quốc Vượng muốn tập trung phát triển lại nền kinh tế tập thể và hệ thống Hợp Tác Xã của thời bao cấp đã khiến công luận thất kinh hồn vía, vì toàn thể dân VN, nhất là đối với người Miền Nam, ba chữ “Hợp Tác Xã” đã thành như nỗi ám ảnh kinh hoàng của những tháng ngày đen tối sau 1975 với đánh tư sản-quốc hữu hoá, chế độ tem phiếu cái đinh đăng ký-cái bí xếp hàng, bo bo khoai sắn ăn độn thay cơm, khiến cả nước đã có lúc ở bên bờ vực của nạn đói. Nếu không có sự đổi mới mở cửa ngày ấy, coi như toàn bộ nền kinh tế tập trung của đảng đã bị rơi vào khủng hoảng, tê liệt.
Rồi củng chính Trần Quốc Vượng phải thừa nhận, mô hình HTX hiện nay còn quá nhiều hạn chế, phát triển nhỏ lẽ không đồng đều (Tính đến năm 2018, cả nước chỉ có khoảng 596 HTX), tỷ lệ đóng góp vào GDP quá thấp (Chưa đến 4%).. thì tại sao nay đảng lại ra sức vực mồ mả HTX dậy, khiến LS Lê Công Định phải thốt lên "ĐCS cứ muốn điều hành nền kinh tế hiện đại bằng tư duy lỗi thời của các lãnh tụ CS thuộc thế hệ hơn 100 năm trước!"
Câu trả lời dễ dàng "Kinh tế quyết định thể chế chính trị". Cứ để khu vực kinh tế thị trường phát triển vùn vụt thì vai trò lãnh đạo của đảng sẽ càng bị lu mờ, nếu không muốn nói là sẽ dẫn đến nguy cơ đảng bị lật đổ vì không còn gây được niềm tin trong lòng dân. Người dân tin sao nỗi khi ở đâu có bàn tay của chính phủ điều hành vào các doanh nghiệp nhà nước thì ở đó có tham nhũng, có thiệt hại thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, và viễn cảnh rơi vào bẫy nợ của TC đến một ngày không xa sẽ phải nhượng địa, là chuyện khó tránh khỏi.
ĐCS trước sau vẫn muốn nắm hết quyền lực kiểm soát kinh tế để ban phát đặc quyền đó cho các đảng viên, côn an quân đội hầu đổi lại sự trung thành với đảng, bảo vệ đảng, nên nay mới dùng chiêu bài Kinh tế tập trung, Hợp Tác Xã bao cấp ra làm cứu cánh.
Một điểm cần lưu ý, khi khối doanh nghiệp tư nhân bị giảm thiểu thì cũng sẽ không cần đến Công đoàn độc lập. Đó chính là một nỗi khiếp sợ to lớn của ĐCS mỗi khi nhắc đến vì bài học lịch sử hãy còn đó, chính là Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan đã đấu tranh thành công, lập ra một chính phủ Ba Lan không CS vào những năm 90.
Và khi kinh tế thị trường bị xóa bỏ, nhường chỗ cho kinh tế nhà nước chỉ huy, hàng hóa độc quyền do nhà nước phân phối thì đời sống của người dân coi như phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định cũng như kế hoạch của chính phủ, cho dù các kế hoạch chiến lược lâu dài 70 hay 99 năm đó (Đặc khu Kinh tế là một điển hình) có nguy hại đến an ninh quốc gia mấy đi nữa, người dân bị đảng kiểm soát bao tử thì cũng không còn sức để mà phản kháng, dù toàn dân đều thấy và biết rất rõ, ĐCS là một tổ chức thối nát, lãnh đạo ngu xuẩn, tham quyền cố vị, sâu dân mọt nước...
Liệu người dân Việt có chấp nhận trở về lại thời bóng tối bao cấp mông muội do bọn vượn(g) cầm quyền??
Chú thích:
31.03.2020