Tháng Tư vật vạ nắng mưa - Dân Làm Báo

Tháng Tư vật vạ nắng mưa

Mẹ Nấm (Danlambao) - Một ngày mùa hè, tôi ngồi giữa triền đồi đầy sỏi đá, ngón tay cứ mải miết vẽ những vòng tròn vô nghĩa trên đất. Anh Phi hối tôi đi về nhanh vì trời sắp chiều, nắng tắt ở đây sẽ lạnh lắm. Tôi nói ngồi chơi thêm chút nữa đi. Ảnh lắc đầu bỏ đi về phía những ngôi mộ đang xây dang dở.

Tôi cứ ngồi yên đó, lượm một cái muỗng gãy đào miết trên đất, có cái gì đó cứ thôi thúc tôi làm vậy.

Tôi muốn ngừng mà không được!

Từ phía xa, bên kia sườn đồi hai ông anh vẫy tay ra hiệu kêu về. Nhưng tôi không đứng lên được. Ống quần tôi nặng trĩu như có ai đó níu lại. Tôi cứ lấy cái muỗng đào miết trên mặt đất cứng thành một rãnh sâu. Rồi đột nhiên tôi thấy cái gì đó trăng trắng. Tôi gọi anh Phi quay lại xem. Ông anh người quê gốc Quảng Nam, vừa đi vừa lầu bầu: "Đã nói là không có gì hết, chỗ này đã kiếm xong rồi mà!"

Nơi tôi đang ngồi trước đó là lán trại của Chi khu Thượng Đức, người ta đã xây tượng đài chiến thắng ở một góc hầm dã chiến vốn là trạm xá của quân đội Việt Nam Cộng Hoà.

Anh Phi quay lại, săm soi thứ tôi vừa đào được, rồi ảnh trầm ngâm nói: "Đó là xương người, nhưng giờ về thôi, mai mình quay lại".


Tôi thấy lạ khi mình không hoảng sợ với những thứ mình vừa chạm tay vào.

Bữa cơm chiều hơi trầm lắng khi hai ông anh kể trước đó đã kiếm hết khu vực tôi ngồi và đã đưa xương cốt những người lính tìm được về phía bên kia sườn đồi, đằng sau lưng tượng đài chiến thắng. Chỗ chiều nay tôi tìm được người đã khuất cách khu vực mọi người đã tìm khoảng hơn chục mét, lại nằm lộ thiên giữa đường đi.

Mọi người nói tôi có vong!

Nghĩ lại lúc chiều cảm giác bị ai đó kéo lại, hơi rùng mình ớn lạnh nhưng tôi không thấy sợ!

Sáng hôm sau với sự hướng dẫn của một người bốc mộ chuyên nghiệp, chúng tôi tìm thấy xác một quân nhân VNCH nữa nhưng những gì còn lại không nguyên vẹn nằm trong một cái hố hơi nông. Có lẽ, người đã khuất được chôn rất vội vàng!

Tôi ngồi đó lặng nhìn về trước mặt, nắng chói nhức mắt. Thằng nhóc con anh Phi quay qua hỏi "Khi nào cô Q. về!? Lát nữa có qua xóm bên thăm mấy đứa bạn con không!?"


Chiến tranh đã qua đi, nhưng sự nghèo khó còn ở lại.

Một căn nhà trống toác, 4 đứa nhỏ dè dặt khi thấy có người lạ tới chơi, rồi nhận ra bạn học có đi cùng thì chúng mới chịu tiến lại gần ngồi nói chuyện.

Cô bé con, đầu không có tóc mắc bệnh ung thư, lớn hơn con gái tôi vài tuổi, cha mẹ chạy vạy khắp nơi vay mượn để chữa chạy rồi cuối cùng cái nhà trống toang.

Anh R hỏi nhỏ: "Tụi con ăn gì chưa!?"

Đứa nhỏ nhất vui vẻ kéo tôi xuống bếp, chắc nó nghĩ tôi đói vì nhìn mặt say nắng thảm quá mà!

Cô chị lấy một cái chén và đôi đũa đưa cho tôi rồi nói: "Cô ăn đi".

Nồi cơm trắng còn lưng nửa, chén xì dầu và vài ngọn rau lang luộc được xếp gọn trong lồng bàn.

Tôi nắm tay bọn nhỏ quay ra khu nhà trước, ngồi nói chuyện một hồi lâu.

Đây là chuyến đi không nằm trong kế hoạch. Không có lần đi nào theo đúng sự sắp xếp của tôi, mọi chuyện xảy ra, mọi cuộc gặp gỡ đều là nhân duyên. Nhưng có một điều tôi đã trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi và tự có cảm nhận về cuộc sống về những gì xảy ra theo cách mà mình đã chứng kiến.

Nhiều năm sau chiến tranh, bọn trẻ con vẫn khổ sở, lạc lõng với thế giới bên ngoài dù nơi chúng ở chỉ cách trung tâm thành phố chưa tới 1 tiếng chạy xe.

Nhiều năm sau chiến tranh, vẫn còn những người lính VNCH chưa tìm được mái nhà yên nghỉ.

Và nhiều năm sau chiến tranh sự hận thù của bên thắng trận vẫn rình rập khắp nơi.

Sau chuyến đi Thượng Đức, tôi có thêm vài người bạn. Những đứa trẻ được biết đến thế giới bên ngoài còn có máy vi tính và tiếng Anh. Sẽ có đứa chẳng đi đến cùng như tôi mong ước, nhưng ít nhất bọn trẻ con đã biết có một cánh cửa khác được mở ra.

Và tôi không liên lạc nhiều với anh Phi nữa sau khi an ninh tìm đến hạch hỏi và ra điều kiện nếu muốn giữ những ngôi mộ kia an lành!

Tôi biết mình chẳng thể nào thay đổi định kiến, nhưng nếu tôi im lặng và rút lui thì những người khác có cơ hội làm việc tốt hơn và cuộc đời không phải lúc nào cũng là thắng - thua.

Những ngôi mộ yên lành, tôi chỉ muốn như vậy! Và tôi lặng lẽ rút lui!


Tháng Tư năm nào cũng vậy, người ta vật vạ với nắng mưa, dù muốn quên hay nhớ lại những gì đã xảy ra thì ở trong tâm hồn những người có lương tri đều có một vết khoét. Nó mãi mãi không lành được khi nhiều năm tháng đã qua đi, nhiều tháng Tư trở lại mà sự nghèo khó, túng quẫn cứ còn mãi sau những khẩu hiệu tuyên truyền!

Tháng Tư, bao giờ cũng làm người ta nhói lòng!

Viết từ nước Mỹ!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo