Trần Hạ Long (Danlambao) - Pháp đình Sài Gòn nằm trên đường Công Lý là một dinh thự có từ thời thuộc địa Pháp. Phong cách xây dựng kiểu Tây, vừa uy nghi, vừa bề thế, tọa lạc trên một khu đất vuông vức, rộng lớn, gần dinh Độc Lập.
Toàn bộ kiến trúc có trần cao, thoáng. Mặt tiền trang trí những hoa văn lạ mắt, thêm những hình tượng cầu kỳ, giống như những dinh thự thời danh bên Ba Lê.
Mặt chính hướng ra Công Lý. Ba mặt còn lại lần lượt hướng ra đường Gia Long, Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Du.
Khi bước lên vài bậc thang lối vào có ba cổng chính đồ sộ, một tiền sảnh rộng lớn với trần cao hun hút hiện ra trước mắt. Tiếp đến, phía trong có hai cầu thang ở hai bên đẫn lên lầu hai, nơi đặt trụ sở của Tòa Thượng Thẩm.
Bên dưới, chung quanh là một hành lang dài, bọc theo toà kiến trúc.Từ tiền sảnh hướng phải, bên trái là phòng xử án. Bên phải tận cùng là phòng hội của Luật sư và văn phòng của Hội đồng Luật sư. Kế bên là văn phòng của chánh án Tòa Sơ thẩm Sài Gòn và văn phòng của các chánh án dự khuyết.
Vị chánh án tòa Sơ thẩm Sài Gòn tai vị lâu nhất là Trần Khương Trinh. Quý vị chánh án dự khuyết mà tôi còn nhớ tên gồm có thẩm phán Nguyễn Văn Thông, Tôn Thất Hiệp, Đào Minh Lượng, Phạm Văn Phú, Nguyễn Huân Trình. Phía nữ thẩm phán có bà Nguyễn Thị Vệ, sau đó có thêm vài ba vị TP trẻ là Lê Thị Ngọc Trân, Phù Tuyết Hồng...
Đi sâu vào, phía bên phải là phòng xử về những vụ quả tang. Sâu nữa rẽ trái là văn phòng dự thẩm. Tất cả các văn phòng đều hướng mặt ra hành lang rộng, tiếp theo là quang cảnh của một vườn hoa vuông vức với cây lá cắt tỉa gọn gàng.
Từ tiền sảnh, rẽ trái theo hành lang, phía phải là phòng xử án. Cuối hành lang xế bên trái là văn phòng Công Tố, văn phòng chánh Biện Lý.
Thời đó, tuần tự có các thẩm phán Nguyễn Văn Biện, Huỳnh Khắc Dụng, Lương Đức Hợp, làm chánh Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn.
Tiếp tục theo hành lang, rẽ phải là văn phòng dự thẩm phòng 1, 2, 3, 4... nằm phía tay trái, tất cả cửa ra vào đều hướng ra hành lang và khu vườn hoa. Hành lang cao rộng chạy vuông góc theo kiến trúc của tòa nhà.
Hồi đó, thẩm phán Võ Văn Gần làm dự thẩm phòng nhất. Sau đó TP Trần Chí Hòa thay thế. Quý vị dự thẩm còn lại là Trần An Bài, Lê Văn Tiệt, Nguyễn Thạch Bân, Nguyễn Thành Nhẫn.
Đi sâu thêm, phía trái là phòng xử thiếu nhi và trực tố, thường do TP Trần Thúc Linh ngồi xử án. Tận cùng, rẽ phải nối vào các văn phòng dự thẩm 5,6,7...
Trên lầu, ngoài phòng xử án cho các vụ kháng cáo, còn có những văn phòng uy nghi, to rộng của quý vị chánh nhất, chánh án phòng và các vị hội thẩm và các vân phòng của quý vị Chưởng Lý, phó chưởng lý và các tham lý.
Thời đó chánh nhất là TP Đinh Văn Huân. Chánh án phòng là TP Nguyễn Văn Hảo. Quý ông Bửu Nghi,... là những vị hội thẩm. Phía công tố gồm chưởng lý Lưu Đình Việp. TP Nguyễn Mạnh Nhụ, Hồ Đắc Khương là phó chưởng lý.
Không biết pháp đình Sài Gòn được người Pháp xây cất từ năm nào?. Chỉ biết nơi đây là chỗ tranh tài của biết bao thế hệ luật sư Pháp Việt với thuật hùng biện lẫy lừng từ thời Pháp thuộc cho đến ngày Cộng Sản tiếp thu Sài Gòn.
Tôi thuộc thế hệ hậu bối được may mắn ghi danh vào Luật sư Đoàn Sài Gòn với danh nghĩa luật sư tập sự vào năm 1968. Lúc đó, còn một số ít luật sư Pháp hành nghề như Ls Vincentelli, Lambert.... Phần lớn họ chuyên chú về hộ luật. Việc hình nếu có, do những đồng nghiệp người Việt trong cùng văn phòng đảm trách.
Luật sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn có một quy chế rất đặc biệt. Một mặt, LSĐ là một đoàn thể nghề nghiệp hoàn toàn độc lập. Mặt khác, nó lại phụ thuộc rất nhiều vào Tòa Thượng Thẩm này, trong cách thức thi lấy bằng hành nghề LS thực thụ. Trong mỗi kỳ thi LS, đều có sự tham dự của Chánh Nhất TTT Sài Gòn, trong tư cách đồng giám khảo.
Thủ lãnh luật sư thường là vị vừa uyên thâm về luật, vừa có đạo đức, nên được mọi người trong xã hội, kể cả các thẩm phán và nhà cầm quyền đương thời quý trọng.
Luật sư Nguyễn Ngọc San, Hồ Tri Châu, Trần Văn Tốt là những vị thủ lãnh danh tiếng một thời.
Trong những vụ án hình sự đặc biệt quan trọng, nổi bật lên tài hùng biện lỗi lạc của các luật sư lão thành, vừa có kiến thức uyên bác về luật học, vừa có kinh nghiệm phong phú về cuộc đời, khiến quan tòa và người dự khán phải say mê theo dõi.
Quí vị thử tưởng tượng quang cảnh trang nghiêm của phiên tòa đại hình với các quan tòa mặc áo đỏ nghiêm trang trên bàn xử, hai bên là bục chưởng lý và lục sự. Đối diện phía dưới là can phạm đang thẫn thờ trước vành móng ngựa. Phía sau hàng đầu, một bên là Luật sư, một bên là nhân chứng, cùng thân nhân của can phạm.
Hàng ghế dưới dành cho bạn bè và những người có ít nhiều liên hệ đến vụ án và những kẻ bàng quan cùng một số phóng viên báo chí.
Luật sư biện hộ mặc áo choàng đen, cổ trắng truyền thống, đang thao thao trình bày tình tiết vụ án, chỉ rõ những hành vi tham dự nếu có của thân chủ. Tiếp theo luật sư thỉnh cầu tòa gọi nhân chứng. Sau đó, ông viện dẫn những điều khoản trong hình luật có lợi cho thân chủ áp dụng vào vụ kiện. Để rồi cuối cùng, luật sư khẩn khoản yêu cầu tòa tha bổng vì vô tội, hay xin hưởng điều khoản giảm khinh.
Đó là hình ảnh tranh biện trên tòa của các luật sư lão thành bậc thầy như Vũ Văn Huyền, Võ Văn Quan, Trương Đình Dzu và rất nhiều luật sư tài danh khác mà tôi chưa kịp nhớ tên.
Thế hệ tiếp nối, tài hùng biện và kiến thức luật học được tỏa sáng qua hình ảnh luật sư Vương Văn Bắc, Nguyễn Văn Chức, Phạm Nam Sách...
Gần tòa án là dinh Gia Long, nằm trên đường Gia long, một kiến trúc cổ kính dành cho quý vị quốc khách khi họ công du thăm Việt Nam.. Mặt tiền dinh Gia Long hướng ra vườn hoa được chăm sóc kỹ lưỡng. Giữa vườn hoa có ba bốn cây cổ thụ cành lá xum xuê, gốc rễ xù xì chiếm hẳn một khoảng không gian rộng lớn.
Đó cũng là cảnh quang mà luật sư Nguyễn Tường Bá chiêm ngưỡng hàng ngày, vì văn phòng ông nằm trên đường Pasteur, góc Gia Long, đối diện với vườn hoa. Ông cùng chung văn phòng với luật sư Vương Văn Bắc, Lê Sĩ Giai và Đặng Như Kỳ.
Cạnh đó là văn phòng luật sư Nguyễn Văn Chí, Đỗ Doãn Quế. Khu vực đó, phía trong là cư xá ba tầng, nơi đặt văn phòng các luật sư Phạm Xuân Mai, Nguyễn Viết Đĩnh, Cung Đình Thanh, Phạm Đình Đạm và một hai văn phòng khác nữa.
Hàng tuần, hàng tháng, tôi thường tình cờ gặp Ls Bá vì phải đi ngang qua văn phòng ông mỗi khi ra tòa. Sau đó, băng ngang qua đường Pasteur, xuyên ngang vườn hoa dinh Gia Long, vượt ngang đường Công Lý là đến cổng pháp đình Sài Gòn. Khoảng cách chỉ ba bốn trăm thước.
Nhớ về Ls Bá lúc đó người cao gầy, mái tóc mỏng để dài. Đặc biệt ông có giọng nói nhỏ nhẹ, chững chạc nhưng hóm hỉnh. Thêm nữa, ông có nụ cười rất tươi, thân thiện, thoáng chút ngạo đời.
Khi có thắc mắc gì hỏi ông, ông đều sốt sắng giải đáp cho bọn đàn em còn ngu ngơ tuổi nghề. Khi vào văn phòng, thường có mặt luật sư Đặng Như Kỳ, Lê Sĩ Giai. Lâu lâu mới thấy Ls Bắc. Nhưng ông lúc nào cũng bận rộn. Ông chỉ sẽ nhìn rồi biến mất ngay.
LS Bá lúc nào cũng nhàn nhã. Ông ít khi xuất hiện tại phòng hội của Luật sư đoàn trên tòa.
Ông cũng rất ít, hoặc không xuất hiện trong những phiên tòa trực tố, quả tang thường ngày xét xử. Ông cũng không có mặt trong những buổi đi role/ trình diện tòa để đệ nạp lý đoán hay xin đình qua phiên xử khác.
Tóm lại, ông không dùng danh nghĩa luật sư làm cần câu cơm cho bản thân. Lúc nào ông cũng thảnh thơi, ung dung tự tại như một hiền sĩ chờ thời.
Không biết ông chờ gì? Chỉ biết ông là đảng viên cao cấp của Việt Nam Quốc Dân đảng. Chung quanh ông và cùng với ông là những con người mưu chuyện đội đá vá trời. Lúc đó, ông như con rồng ẩn mình trong ao tù, chờ dịp là vẫy vùng trên chín từng mây.
Trong văn phòng Ls Bắc, còn có Ls Đặng Như Kỳ, Lê Sĩ Giai. Ls Kỳ người nho nhã, áo quần thanh lịch, đúng mốt. Dáng người dong dỏng, gióng nói ấm, từ tốn lịch sự. Ông cũng ít xuất hiện trên tòa trong những vụ hình vặt vãnh.
Sau biến cố tháng tư đen, tôi không có dịp gặp lại ông. Vào những năm 1978 hay sau đó, tôi nghe tin Ls Kỳ đã mất trên bước đường vượt biển tìm tự do.
Ls Lê Sĩ Giai là người trầm lặng, ít nói. Với khuôn mặt trắng trẻo, dáng cao, đầy đặn, ông lúc nào cũng chú tâm vào công việc. Ông không tham dự vào những câu truyện đời thường của chúng tôi. Ông hay lên tòa, nhất là trong phiên xử việc dân sự.
Sau 30/4/1975, tôi còn có dịp gặp ông vài lần tại văn phòng trên đường Pasteur. Lúc đó, các văn phòng luật sư đều tự động đóng cửa. Luật sư khỏi phải trình diện học tập như quý vị thẩm phán. Luật sư chỉ phải tham dự ba buổi tối ngồi nghe các luật sư trở cờ, theo đóm ăn tàn, đứng ra điều hành buổi hội thảo.
Không biết tại sao Ls Giai lại ra văn phòng làm việc? Gặp tôi, ông mừng lắm. Hai anh em được dịp truyện trò về cuộc sống bất trắc hiện tại. Trao đổi tin tức kẻ ở người đi, giữa lốc xoáy của giòng thác lịch sử đang quay cuồng, xô nát vận mệnh của chế độ miền Nam cùng hơn 20 triệu người dân vô tội.
Sau một khoảng thời gian không lâu sau đó, tôi không còn thấy ông xuất hiện ở văn phòng hay bất cứ nơi nào khác nữa. Chuyện gì đã xẩy đến cho Ls Lê Sĩ Giai?
Ls Vương Văn Bắc rất nổi tiếng trong luật sư đoàn. Ông cũng là vị ngoại trưởng tài ba cuối thời đệ nhị Cộng Hòa.
Ông, người cao lớn, vững chãi. Khuôn mặt hồng hào, trán rộng, miệng tươi, nhưng nghiêm nghị. Ông thường xuất hiện trong những phiên xử hình hay hộ quan trọng. Tiếng ông vang vang, lập luận khúc triết. Ông diễn tả hùng hồn, lôi cuốn cả quan tòa và người dự khán. Phu nhân của Ls Bắc cũng hành nghề luật sư, với dáng dấp xinh đẹp, quý phái, lâu lâu bà mới xuất hiện trên tòa.
Sau 30/4/75 nghe nói Ls Bắc tỵ nạn tại Pháp. Ông làm việc cho một tổ hợp luật sư. Ông tiếp tục làm việc đến tuổi 80 mới chịu về hưu. Ông mất năm 2011 tại Paris.
Trở lại chuyện Ls Nguyễn Tường Bá, xuyên qua những nguồn tin do bạn hữu cho biết, trước 1975, ông quen biết rất nhiều người trong giới cầm quyền, nhưng ông không bao giờ lợi dụng sự quen biết để trục lợi cho mình. Ông dửng dưng với lợi lộc. Ông ung dung tiến bước trên con đường ông đã chọn.
Ông không dùng bảng đồng luật sư làm kim bài mãi võ kiếm bạc cắc của dân lành. Ông an nhiên, tự tại, đủng đỉnh ngồi trên bực thềm cao, dõi mắt quan sát những sinh hoạt đời thường nặc mùi công danh, lợi lộc của lớp người chung quanh.
Ông là một trong những kẻ sĩ cuối cùng của miền Nam Việt Nam.
Qua gần nửa thế kỷ vật đổi sao dời. Người cũ lần lượt khuất bóng. Kỷ niệm về một thời hành nghề luật sư tại tòa Thượng Thẩm Sài Gòn vẫn lẩn quất đâu đây.
Có lẽ, những kỷ niệm này không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của nhiều người, đã từng một thời, góp mặt trong khung cảnh lịch sử thời bấy giờ.
Một thoáng ngậm ngùi!
Xin cùng mây đưa tiễn người về cảnh giới huyền bí tịnh không!