Mùa hè Trại 5 - Dân Làm Báo

Mùa hè Trại 5

Mẹ Nấm (Danlambao) - Tháng 10/2018, tôi hơi lặng người khi phóng viên AP tại Houston hỏi về những gì đã xảy ra trong hơn 2 năm tù. Họ hỏi tôi điều gì làm tôi nhớ nhất? Trước khi hoàn thành cuộc phỏng vấn này, tôi nghĩ mình đã đủ bình tĩnh để nói chuyện, nhưng không... Khi ống kính máy hình đưa lên, nước mắt tôi tràn ra. Tôi không thể bình an khi nhìn lại!

Trại giam số 5 Thanh Hóa, là nơi tôi biết mùa đông và mùa hè ở khu vực này khắc nghiệt ra sao. Nếu mùa đông đầu tiên lên trại tôi bị ám ảnh rằng mình có thể chết bất đắc kỳ tử do cảm giác mạch máu bị đông lại vì quá lạnh thì mùa hè với cái nắng cháy da khiến tôi có cảm giác mình như con cá nằm trong chảo dầu nóng. 

Ngay từ lúc lên trại, tôi bị đặc cách đưa ngay vào khu giam giữ cách ly nên tôi gần như không hình dung được đời sống, sinh hoạt của những người tù khác ra sao. Những ngày mở cửa khu hiếm hoi vào dịp Tết, lễ tôi tìm mọi cách để quan sát điều kiện sống của những người xung quanh. 

Câu hỏi mà tôi hay theo hỏi các bạn tù khác là chuyện tại sao khu vực vòi nước, nơi hàng ngàn con người tập trung để tắm, giặt không có mái che? Trời nắng hay trời mưa tất cả đều phải chịu trận? Có bạn tù khó chịu khi tôi hỏi như vậy, có bạn thì kiên nhẫn hơn giải thích rằng không phải mình tôi thắc mắc như vậy mà rất nhiều người đã hỏi, thậm chí làm đơn xin góp tiền để trại giam xây mái che nhưng không ai lắng nghe. 

Tôi còn nhớ, trong một lần gia đình đi thăm tôi ở Trại 5, tôi chia sẻ với mẹ tôi về chuyện sinh hoạt riêng tư. Ở các khu giam giữ khác, khu vực giữa nhà vệ sinh và khu nhà ở đều có vách ngăn và cửa, tạo thành hai phòng riêng biệt. Trong khi ở khu giam riêng, mọi thứ chỉ cách nhau một bức tường thấp chưa tới nửa người. Ngay từ cửa ngoài đi vào, công an trực trại có thể nhìn thẳng vào cả nhà vệ sinh. Vấn đề này đã được đại diện của Liên hiệp Châu Âu đặt ra sau một chuyến thăm Trại 5. Tuy nhiên, họ không gặp tôi trong lần thăm đó, nên tình trạng về điều kiện riêng tư chỉ dừng lại ở chuyện  giải quyết quạt máy!

Nhiều người mặc nhiên chấp nhận rằng tù nhân là phải bị giám sát. Tuy nhiên không nói ở đâu xa, ngay trong trại giam số 5 thì chính mắt tôi thấy rõ, sự giám sát ở từng khu là rất khác biệt. Tù nhân chính trị phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt hơn, và với lý do này, công an mặc nhiên tước luôn quyền riêng tư tối thiểu của phụ nữ.

Những dịp đặc biệt như ngày quốc khánh của cộng sản, cửa khu giam riêng được mở ra, tôi tìm cơ hội đi thăm những người mình biết trước đó. Tôi đứng ở khoảng sân khu A, nhìn hàng loạt người đi ra đi vô khu tắm giặt, mưa đổ xuống, hàng trăm con người cứ thế náo loạn. Người thì chấp nhận ướt hết, người thì túm tụm che mưa. Nhiều đêm về tôi hay bị ám ảnh bởi cảnh một bác lớn tuổi, cố gắng vơ vội quần áo chạy trú mưa vì sợ “cán bộ” mắng. Bác ấy té ngã trước mắt tôi nhưng không ai đỡ lên, vì tất cả đều bận với việc của riêng mình. Những thân người trần truồng lồ lộ dưới nắng, dưới mưa, những phận người phụ nữ không có được đời sống sinh hoạt tử tế sau khi đã nhận bản án tù cứ lừng lững đi vô giấc mơ của tôi. Nó trở thành nỗi ám ảnh về việc người ta quên mất mình có quyền được sống như một con người cho dù là bị đảng và nhà nước kết án tù. Làm sao để thay đổi? 

Câu hỏi của phóng viên AP “điều gì làm tôi nhớ nhất”, tự nhiên xoáy đúng vào nỗi ám ảnh của tôi. Từ chuyện người ta lục soát thân thể, đến chuyện không bảo đảm quyền riêng tư tối thiểu cho những người phụ nữ bị giam cầm trước mắt những công an nam. Hình ảnh những người tù kéo từng xô nước, đối mặt với nắng mưa dưới sự quan sát của các chòi gác. Tôi lần lượt kể lại, và nỗi ám ảnh trở thành chủ đề của báo chí và của một số cơ quan quan sát nhân quyền Việt Nam. Tôi nhớ tôi có hứa với người bạn tù của mình, điều đầu tiên tôi làm khi ra khỏi Trại 5 là nói cho thế giới biết, thân phận của những tù nhân dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam, đằng sau những lời tuyên truyền láo khoét về "chính sách nhân đạo" của đảng và nhà nước. 

Tháng 5/2020, vài ba người vừa đến thăm Trại giam số 5 đã tìm ra tôi giữa xa lộ thông tin này. Họ kể cho tôi nghe rằng vài tháng sau khi tôi rời Việt Nam, có đoàn thanh tra về tham quan, sau đó công an đã đưa vật liệu về để dựng mái che ở khu vực tắm giặt cho các phạm nhân nữ. 

Vẫn còn có vài người nhớ đến tôi, nhớ đến việc tôi tuyệt thực và cương quyết không qua nằm ở trạm xá vì giường bệnh quá cũ, điều kiện vệ sinh không được bảo đảm. Họ cho biết công an trại giam đã thay một loạt giường bệnh mới. Có vài người vẫn nhớ đến việc tôi hỏi làm sao để thay đổi tình trạng và từ đó đặt vấn đề với quản giáo. Nhưng với họ lúc đó, tôi như người đang sống ở một thế giới khác, cho đến khi tôi rời khỏi Trại 5 thì họ - những người ở lại - mới nhớ đến những mẩu đối thoại với tôi.

Mùa hè năm 2020, tôi có thêm thời gian để nhìn lại những gì mình đi qua và có thêm kinh nghiệm từ lời chia sẻ của người bạn mình về chuyện thay đổi. 

Đôi khi, trong cuộc tranh đấu này, sẽ rất lâu để người ta nhìn thấy sự thay đổi. Thậm chí, sự đổi thay có thể diễn ra mà người trong cuộc cũng không thể nhận biết được vì họ đã đi qua, sống với hiện tại và mong đợi ở tương lai chứ không dừng lại trong quá khứ. 

Muốn thấy sự thay đổi, ngoài việc có thái độ, người ta cần có thêm hành động để thấy đổi thay! 

Chuyện kể từ trại 5, từ những người xung quanh nhắc tôi nhớ tới một mùa hè đầy ám ảnh, để từ đó tôi lựa chọn thái độ và có hành động cho riêng mình đối với chế độ độc tài toàn trị đang là ác mộng đối với người dân - trong nhà tù nhỏ lẫn nhà tù lớn mang tên CHXHCNVN.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo