Từ xã hội người gù đến tiêu chí “yêu nước” đánh giá năng lực học sinh tiểu học - Dân Làm Báo

Từ xã hội người gù đến tiêu chí “yêu nước” đánh giá năng lực học sinh tiểu học

Thầy giáo làng (Danlambao) - "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" là câu nói của bà Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí Hòa Bình) tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận nâng điểm thi Trung Học Phổ Thông năm 2018 tại Hòa Bình.

Đây được cho là câu nói hay nhất thời đại XHCN mang tính triết lý, phản ánh hiện thực xã hội, xứng đáng ghi vào văn học sử, đặc biệt nó xuất phát từ cửa miệng của một người làm giáo dục, ngay trước công đường, trước bàn dân thiên hạ. Sự nghiệp của bà Diệp Thị Hồng Liên tiêu tan sau phiên tòa này nhưng tên tuổi của bà sẽ ghi vào lịch sử. Câu nói bất hủ của bà sẽ được người dân lập đi lập lại mãi mãi, ngang tầm với câu nói của Chủ tịch HCM: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” hay câu nói của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng sản làm!”


“Gù” nghĩa là ác, là xấu, cần lên án. “Thẳng lưng” là tốt, là phải, cần khen ngợi. Thế mà những người “thẳng lưng” bị coi là khuyết tật. Chua xót biết chừng nào! Tuyệt phẩm kinh điển của XHCN là đây.

Thật vậy, dân ta đang sống trong xã hội “gù”. “Gù” len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống, từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao. Xin cho con đi học cũng “gù”, đến bịnh viện trị bịnh cũng “gù”, ra công an chuyển hộ khẩu cũng “gù”, đăng ký giấy tờ xe cũng “gù”..., “gù” từ thầy cô giáo tới bác sĩ, từ công an tới bộ đội, từ các quan chức cấp ấp, cấp xã, cấp huyện cho đến cấp tỉnh, cấp trung ương.

Người dân hẳn còn nhớ vụ VN Pharma bán thuốc ung thư giả liên quan tới bà Bộ trưởng Y tế. Vụ ông đương kim Bộ trưởng Giáo dục nói ngọng, đạo văn bị phanh phui, vụ ông Bí thư tỉnh ủy Hà Giang “bức xúc” vì con gái ông “bị” nâng điểm thi đại học, vụ ông thiếu tướng Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) không hiểu biết gì về mạng viễn thông, thậm chí không biết sử dụng máy tính... Tất cả đều là những tên gù siêu hạng, gù có đẳng cấp. Mới đây nhất, 17 tên gù ngồi chót vót trên ngôi vị tối cao, bất chấp luật lệ, bất chấp công lý, bất chấp lương tri đồng thanh xử trảm Hồ Duy Hải, đang gây phẩn nộ trong dân chúng, và khuấy động nghị trường quốc hội.

Đến cấp cao chót vót mà còn gù như vậy thì sá gì những thầy cô giáo chấm điểm kỳ thi Trung Học Phổ Thông. Các thầy, các cô vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, lẽ ra đáng thương hơn đáng trách. Các thầy cô cũng cần giữ công việc, nuôi gia đình. Cấp trên bảo, không nghe thì mất việc. Ai cũng ăn, mình không ăn bị coi là bất bình thường. Ai cũng gật, mình không gật bị coi là chống đối. Guồng máy cứ trơn tru chạy, ai chửng lại sẽ bị văng ra khỏi hệ thống.

Chuyện nâng điểm thi chỉ là chuyện nhỏ ở xã, ở huyện, nhưng ngặt một nỗi nó xảy ra trong ngành giáo dục, ngành nghề cao quý, được xem là khuôn vàng thước ngọc, trồng người trăm năm vì lợi ích. Chúng ta sẽ trả lời với trẻ con như thế nào về cái triết lý của bà Trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Đây là câu hỏi lớn mà cả hệ thống chính trị phải trả lời, cụ thể hơn là Bộ Giáo Dục phải trả lời. Thế nhưng qua hai năm đầy tai tiếng với hàng loạt vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, chưa thấy Bộ có bước đi nào cụ thể để lấy lại niềm tin trong dân chúng. Vậy mà gần đây Bộ này lại ban hành dự thảo Thông tư “trời ơi đất hởi” quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó, yêu nước được đưa vào tiêu chí xếp loại.

Trích dẫn từ báo Thanh Niên online số ra 10/4 /2020: 

Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi là: năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất” và “Ngoài ra, có một số thay đổi như: thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi/bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, dự thảo thông tư mới chỉ sử dụng 3 mức độ là “hoàn thành tốt”, “hoàn thành” và “chưa hoàn thành”.

Gọi là Thông tư “trời ơi đất hởi” vì con nít hỉ mũi chưa sạch biết cái gì mà yêu nước yêu dân. Cái học của tuổi này chỉ là học ăn, học nói, học gói, học mở. Nếu có dạy yêu thì chỉ cần yêu cha, mẹ, ông, bà, anh, chị, em trong gia đình là đủ. Nếu phải dạy yêu nước cho các cháu thì dạy thế nào? Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội thì cho rằng: 

“Đối với trẻ em tiểu học, thế nào là yêu nước? Nếu hỏi thế nào là yêu nước, họ sẽ không nói được đâu. Cái tiêu chí này dành cho các ông bà người lớn, tốt nhất là dành cho các ông bà lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương. Chứ còn hỏi những đứa trẻ tiêu chí yêu nước nghe nực cười lắm. Tốt nhất là bỏ nó đi; đó không phải là tiêu chí số một, nên bỏ hẳn.

Tiêu chí yêu nước để trẻ hiểu được rất khó. Người ta bảo yêu nước là có tinh thần trách nhiệm, phê phán cái xấu; đấu tranh với cái xấu, cái ác. Người lớn ở Việt Nam mà đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tham những, cái làm trái với chính sách sai của chính quyền, thì bị kết tội là phản động. Thế nào là yêu nước? Đến ngay cả các ông lãnh đạo trung ương ở Việt Nam còn đưa ra khái niệm cực kỳ sai trái, chứ đừng nói đến trẻ em.”

Có một thời khái niệm yêu nước gắn liền với yêu Chủ nghĩa Xã hội, mà CNXH là cái gì, làm sao các cháu hiểu nổi? Hơn nữa, có lần Tổng bí thư NPT có nói: “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” 

Trong hoàn cảnh hiện nay, người lớn còn chưa hiểu yêu nước là gì, làm sao con nít hiểu? Rồi cân đo đong đếm lòng lòng yêu nước như thế nào để đánh giá năng lực trẻ con? Theo hướng dẫn của Bộ, 3 mức độ đánh giá là “hoàn thành tốt”, “hoàn thành” và “chưa hoàn thành.” Nếu gắn thêm cái đuôi “lòng yêu nước” thì 3 mức độ này trở thành “hoàn thành tốt lòng yêu nước”, “hoàn thành lòng yêu nước” và “chưa hoàn thành lòng yêu nước”. Nghe hơi bị gù! Chỉ những người gù đang nắm giữ chức vụ cao trong Bộ Giáo Dục mới dám nghĩ ra cái tiêu chí yêu nước quái đản như thế cho trẻ con.

Suy cho cùng, đây là sản phẩm của xã hội gù - Xã Hội Chủ Nghĩa.

20.05.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo