Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - ..."Giấc Mộng Trung Hoa" của Tập Hoàng Đế rồi sẽ tan tành mây khói, bởi cả thế giới đã nhận ra phía sau sự nhẹ nhàng về phong thái và thâm sâu trong suy tưởng của một vị "Vua Đỏ", chỉ là một tâm hồn tan nát từ bất hạnh do chính những tiền bối Cộng Sản Trung Quốc gây ra, chen lẫn đó là ý tưởng phù du và nỗi niềm bất đắc chí, vốn được nuôi dưỡng từ một nền "văn hóa nuốt lời" cùng một tảng "giáo dục hận thù".
*
Trung Quốc nổi lên như là một quốc gia hùng cường, kể từ sau khi được gia nhập WTO vào năm 2002.
GDP năm 2002 của Trung Quốc là 1,471 nghìn tỷ USD, trong khi của Hoa Kỳ là 10,94 nghìn tỷ USD. Tức GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 13% so với Hoa Kỳ.
GDP năm 2018 của Trung Quốc là 13,61 nghìn tỷ USD, trong khi của Hoa Kỳ là 20,54 nghìn tỷ USD. Tức GDP của Trung Quốc lên đến 66% so với Hoa Kỳ.
Trong vòng 16 năm, sự phát triển kinh tế như trên là kỳ tích của Trung Quốc - điều không có gì chối cãi. Tất nhiên, nó không phải của riêng Chủ tịch Tập Cận Bình mà của đảng Cộng Sản Trung Quốc, bởi vốn dĩ luôn tuân theo chủ trương xuyên suốt mang tên "tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách".
Tuy nhiên, thành công chung về kinh tế không thể lấn át thành công riêng của ông Tập Cận Bình, khi tự biến mình trở thành hoàng đế vào năm 2018. Một thành công mỹ mãn và tuyệt đối.
Thành công tuyệt vời như thể chỉ còn vài bước nhỏ lên tận thượng giới, nếu như Hoa Kỳ không chỉ đích danh sự giàu có và hùng mạnh của Trung Quốc dưới tên gọi Huawei - đỉnh cao của công nghệ ăn cắp với Mạnh Vãn Chu, hiện vẫn đang chuẩn bị đối mặt với tòa án, khi Canada phán quyết [2] vào cuối tháng Năm năm 2020 rằng, phải dẫn độ bà Mạnh sang Hoa Kỳ để trả lời về những thủ đoạn gian lận thương mại, ngân hàng và tiếp tay cho những kẻ độc tài khác vi phạm lệnh cấm vận quốc tế [3]
Bởi nụ cười viên mãn trong những giấc ngủ bình an, hoàng đế Tập càng khó tỉnh táo trước "Giấc Mộng Trung Hoa" do chính ông đặt nền móng dưới tên gọi "tư tưởng Tập Cận Bình" từ năm 2013, để kể về nỗi khát khao phục hưng cho dân tộc Trung Hoa... "làm trùm" thiên hạ!
Trong khi Tổng thống Trump tỏ ra là một người hài hước và thực tế với lời khen Chủ tịch Tập [1]: "Ông là Chủ tịch nước cả đời rồi, vậy khác gì Hoàng đế đâu. Ông ấy chỉ ậm ờ. Ông ấy thích điều đó, chuyện tôi gọi ổng là Hoàng đế ấy" thì Chủ tịch Tập lại mơ màng trong vai hoàng đế đến quên khuấy Bao Đại Nhân với nhãn hiệu cầu chứng "hoang đường!" để nói về những điều không thể tin được. Vâng! Mộng mị thì làm sao khả tín!
Một nguyên thủ quốc gia cần phải nhìn thẳng vào thực tại thay vì sống trong mộng ảo!
Và vì thế...
Khao khát "chẻ đôi" Thái Bình Dương [4], như bổ làm hai quả đào mà Tôn Ngộ Không lấy cắp của Ngọc Hoàng, được chủ tịch Tập Cận Bình nói với người tương nhiệm - Barack Obama trong chuyến viếng thăm tới Sunnylands ở California vào tháng Sáu năm 2013, ba tháng sau khi ông Tập chính thức đảm nhận cả hai vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Không chút ngượng ngùng, vị "hoàng đế đỏ" tiếp tục nhắc nhở Tổng thống Donald Trump rằng [5] "Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Trung Quốc và Hoa Kỳ" vào ngày 9 tháng Mười Một năm 2017, cách 10 tháng sau khi ông Trump tuyên bố nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ đời thứ 45 trong lịch sử nước Mỹ.
Thái Bình Dương - một vùng đại dương bao la - với diện tích 165,250 triệu km2, chiếm 46% diện tích bề mặt vùng nước, bằng khoảng một phần ba tổng diện tích bề mặt Trái Đất và lớn hơn diện tích của mọi phần đất trên Trái Đất cộng lại
Thái Bình Dương vì vậy trở nên quý giá và quan trọng đối với toàn thế giới.
Thái Bình Dương là của nhân loại.
Thái Bình Dương không phải là một quả đào, dù cho đó là đào tiên cũng vậy! Và nó càng không phải ở trong túi riêng của ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa!
Có vẻ thật khó tin đó là phát ngôn của người đại diện hơn 1,4 tỷ dân đang "đứng giữa thiên hạ", có nền văn hóa hơn 5.000 năm!
Ông Tập cũng được biết là người ngưỡng mộ văn hóa truyền thống Trung Quốc [6]. Tại Đại hội Đảng ngày 30 tháng Mười Một năm 2016, Tập Hoàng Đế đã nói "một dân tộc vứt bỏ hoặc quay lưng với lịch sử văn hóa của mình thì không chỉ không thể phát triển được mà rất có thể còn thường xuyên hứng chịu bi kịch lịch sử".
Có những khuất lấp lịch sử không xa xôi lắm, cho thấy văn hóa người Trung Hoa dần trở nên xấu xí hơn kể từ 1949 - thời điểm hình thành nhà nước độc đảng toàn trị do Mao Trạch Đông đứng đầu.
Ngạn ngữ cổ Trung Hoa "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy" là một nét đặc sắc được thế giới biết đến nhưng có lẽ Hoàng Thượng Tập Cận Bình đã bỏ quên, khi liên hệ đến tình hình Hong Kong trong những năm gần đây.
Dù dự liệu trước việc bội ước từ Trung Quốc, mười năm sau, bà Thatcher vẫn rất đau lòng [7] khi nhắc lại sự kiện mất mát không tránh khỏi bằng hình ảnh "mưa xối xả" trút xuống tại Hong Kong, vào năm 1997, ngày mà nó được trao về cố quốc!
Điềm báo có lý lẽ riêng bởi thuộc về khoa học huyền bí.
Xa hơn một chút, năm 1950 Trung Quốc đã xua quân chiếm đóng Tây Tạng và ở mãi tới tận ngày nay, dù người dân Tây Tạng kiên tâm đòi độc lập từ rất lâu. Mới đây, ngày 28 tháng Năm năm 2020, dân biểu Scott Perry đưa ra Hạ viện Mỹ dự luật mới [8] công nhận Đặc khu Tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc là một quốc gia tự do độc lập.
Người Cộng Sản Trung Quốc thật dễ nuốt lời! Và vì thế, lòng tin của thế giới dành cho họ ngày càng tụt dốc thê thảm!
Kết
Sự giàu có của Thạch Sùng Việt Nam và sự hùng mạnh của đội quân bóng đêm trong Xác Ướp Ai Cập luôn là và chỉ là tạm bợ. Chúng nhanh chóng tan biến khi sự thật phơi bày.
"Giấc Mộng Trung Hoa" của Tập Hoàng Đế rồi sẽ tan tành mây khói, bởi cả thế giới đã nhận ra phía sau sự nhẹ nhàng về phong thái và thâm sâu trong suy tưởng của một vị "Vua Đỏ", chỉ là một tâm hồn tan nát từ bất hạnh do chính những tiền bối Cộng Sản Trung Quốc gây ra, chen lẫn đó là ý tưởng phù du và nỗi niềm bất đắc chí, vốn được nuôi dưỡng từ một nền "văn hóa nuốt lời" cùng một tảng "giáo dục hận thù".
Vì vứt bỏ lịch sử (khuất lấp) và quay lưng với thế giới bằng văn hóa (bội tín), nên người Cộng Sản nói chung và Cộng Sản Trung Quốc nói riêng thường xuyên hứng chịu bị kịch - như Hoàng thượng Tập Cận Bình đã cảnh báo.
Đủ căn cứ để tin, bi kịch chuẩn bị xảy ra cho Hoàng đế Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc là bi kịch cuối cùng buộc thế giới phải chứng kiến và chấp nhận sự điêu linh, trước khi tận hưởng thái bình.
Chú thích:
06.06.2020