Chà đạp nhau trong vũng lầy khác biệt - Dân Làm Báo

Chà đạp nhau trong vũng lầy khác biệt

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Chúng ta đã cố tình quên đi câu mà chúng ta đã lập lại từ Evelyn Beatrice Hall "Tôi không đồng ý với những điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền nói lên những điều đó của bạn" ("I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it"). Thay vào đó chúng ta tấn công, miệt thị, chà đạp nhân phẩm của người khác; bảo vệ cho đến chết những gì chúng ta tin vào; và truy cùng đuổi tận cho đến chết những ai nói ngược với niềm tin của mình. Và chúng ta, tất cả đều là những người đã cùng nhau đồng hành trên con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ, cho nhân quyền và một xã hội đa nguyên.

Không phải là người Mỹ, ngay cả những người không sống trên quốc gia được cho là tự do, dân chủ nhất thế giới, nhưng không ít người trong chúng ta đã không vượt qua được 5 phút nói chuyện với nhau mà không to tiếng, cãi vã, thiếu điều xem nhau là kẻ thù vì khác biệt chính kiến về hai chính đảng và tổng thống của nước này.

Chúng ta đã bỏ lại sau lưng ý tưởng nền tảng cho cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa của chúng ta: Lấy sức mạnh dân tộc làm chính để bằng mọi giá duy trì tối đa sự đoàn kết của những người Việt Tự Do, ngày đêm tập trung vào nỗ lực xây dựng phong trào dân chủ chung và sức mạnh tổng hợp của quần chúng để xoá bỏ độc tài cộng sản.

Vận động hỗ trợ quốc tế là nhu cầu cần thiết nhưng có lẽ chúng ta đang đánh cược niềm hy vọng của dân tộc, trao gửi khát vọng và đặt giấc mơ của chúng ta vào tay những người ngoại quốc, vào mục tiêu, ý đồ vốn luôn thay đổi theo nhu cầu chính trị cá nhân và quyền lợi riêng của quốc gia của họ.

Chúng ta đã quên đi điều mà chúng ta đã luôn nhắc nhở nhau: Không có ai là đồng minh vĩnh cửu; không bao giờ đặt hết 100% niềm tin vào chính khách ngoại quốc; đừng quên bài học VNCH đã từng tin tưởng vào đồng minh và cuối cùng đã bị phản bội... Chính vì vậy mà chúng ta đã cùng nhau vận động quốc tế trong tinh thần độc lập với thái độ tự chủ và niềm tự hào dân tộc.

Chúng ta đã cố tình quên đi những ngày chúng ta - người ủng hộ đảng Cộng Hòa, kẻ ủng hộ đảng Dân Chủ của Mỹ - cùng nhau vận động thành công các dân biểu của cả 2 đảng, hay lúc này thì Cộng Hoà, lúc khác là Dân Chủ cho những nghị quyết lên án cộng sản Ba Đình, hỗ trợ cho Tôn giáo, Tù nhân Lương tâm, Nhân quyền, Tự do, Dân chủ tại Việt Nam.

Chúng ta không còn muốn nhớ đến những bài học đã trải qua là tuỳ theo mục tiêu vận động, chúng ta đã chọn lựa đối tượng nào khả thi nhất - thuộc đảng này hay đảng kia để tiếp cận; và ai trong chúng ta là những người đi vận động thích hợp nhất. Từ đó, và đã từ lâu, chúng ta biết rằng chúng ta cần nhau để đạt được những mục tiêu chung cho nước Mẹ thân yêu dù có sự khác biệt quan điểm cá nhân giữa chúng ta về chính trường ngoại quốc. Sự khác biệt cá nhân đó giúp chúng ta có được một tập thể tranh đấu đa dạng, uyển chuyển, đầy ưu điểm, dẫn đến nhiều thuận lợi cho công cuộc chung.

Những ngày ấy chúng ta chỉ có một thứ thiêng liêng duy nhất. Đó là Tổ Quốc Việt Nam. Vì Tổ Quốc, chúng ta xuống đường. Vì Tổ Quốc chúng ta  cùng nhau khô khốc người dưới cái nắng chang chang cho lá cờ Tự do của quê Mẹ.

Bây giờ chúng ta đứng dưới lá cờ và đảng phái của ngoại bang để đổ lửa lên nhau.

*

Bạn tôi trong một bữa ăn đã nói: "Bạn thích ăn mì hoành thánh, tôi thích ăn phở - Chúng ta tôn trọng sự khác biệt của nhau."

Nhưng cuộc đời đầy khác biệt và luôn luôn hiện hữu khác biệt vốn không đơn giản như tô mì, bát phở. Nếu sự khác biệt của mì và phở trở thành đối đầu giữa tự do và độc tài thì cái gọi là "tôn trọng" trở thành một cuộc chiến một sống một chết: Hoặc là tự do phải vào tù hay độc tài phải bị treo cổ.

Trong suốt một thời gian dài chúng ta đã chấp nhận sự khác biệt "mì/phở" của nhau vì chúng ta đã đặt một cái chung lên trên mọi khác biệt cá nhân: Tổ Quốc. Tổ Quốc Trên Hết. Để từ bằng-hữu-khác-biệt chúng ta trở thành chiến hữu. Để cùng nhau lao vào cuộc chiến "hoặc là tự do phải vào tù hay độc tài phải bị treo cổ."

Bây giờ độc tài cộng sản vẫn còn đó những chúng ta đã biến "sự khác biệt mì-phở" của nhau thành tranh chấp một mất một còn. Ăn mì là thứ "cuồng". Ăn phở là đồ "thổ tả". Chúng ta đi từ khác biệt trong quan điểm sang phạm vi đánh giá và xỉa xói con người của nhau. Bên này: ủng hộ những kẻ nói láo, vô tư cách thì bản chất cũng chẳng ra gì. Bên kia: phải là đồ thổ tả mới ủng hộ đám thổ tả. Và những người bạn của tôi đã đồng hoá nhân cách của bạn bè, chiến hữu một thời với những thứ tồi tệ (trong con mắt của mình) của những con người mà họ chống đối. Chúng ta đã bước qua lằn ranh tối thiểu của sự tôn trọng lẫn nhau và lọt xuống vũng lầy khinh miệt. Và như thế, có những người bây giờ đã xem nhau như là kẻ thù và thù nhau còn hơn là kẻ thù chung của dân tộc: cộng sản.

*

Chúng ta đã quên hay không còn muốn nhớ!?

Đã quên sao những nỗ lực tranh đấu cho một truyền thông trung thực khi mà bây giờ tất cả những gì không thuận chiều với suy nghĩ, quan điểm của ta đều là "fake news". Chúng ta còn là gì khi chính chúng ta chọn lựa "một nửa sự thật" hay bóp méo sự kiện hoặc chọn tin giả để xả khắp nơi trên facebook, blog của người khác dưới dạng phản hồi, comment nhằm củng cố quan điểm, niềm tin của cá nhân và của "phe ta"? 

Còn lại gì từ những ngày tháng mà mỗi người chúng ta từng ngày ngồi đếm, mòn mỏi trong mong đợi có thêm nhiều người quan tâm và xuất hiện để đồng hành với nhau trên con đường tranh đấu? Bây giờ chúng ta miệt mài ngồi đếm like trên Facebook cá nhân, vào bấm like Facebook của "đồng minh" mà không cần đọc hết bài để "đồng minh" bấm like lại cho ta. Tất cả làm nên một "trật tự" mới, tuy ảo nhưng rất thật: Thế giới Bầy đàn.

Còn đâu những người bạn ngày nào từng "đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông" bây giờ chỉ thấp thỏm với lượng người xem trên kênh YouTube của mình vốn đang nhấp nhô theo số tiền kiếm được mỗi tháng và sẵn sàng giựt tít - câu view, chạy theo cơn lên đồng của những kẻ cuồng nhiệt, lên án những ai đi ngược lại với các thân chủ đang làm tăng "view", đóng góp cho sự nghiệp "yêu nước mà có tiền".

Còn lại gì trên con đường vốn đã gian nan và cô đơn này khi chúng ta rẽ sang con đường "người đi mỗi ngày một ít đi nhưng phe nhóm mỗi ngày một đông"? Trên con đường đang tan tác, hào hùng một thuở "ở tù cộng sản như một giấc ngủ trưa" đã bị thay thế bằng nỗi sợ hãi giữa những người cùng chiến tuyến tự do: Sợ bị đấu tố nếu tự do bày tỏ quan điểm.

Con đường Việt Nam Tự Do chúng ta đi đang trở thành một vũng lầy chà đạp bấy nát vì những khác biệt cá nhân.

23.06.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo