Lưu vong Cuba và Lưu vong Việt Nam - Dân Làm Báo

Lưu vong Cuba và Lưu vong Việt Nam

Phóng viên vỉa hè (Danlambao) - Khi người Cộng sản lên nắm quyền ở Cuba năm 1959, nhiều người liều mạng vượt gần 200 cây số đường biển chạy sang thành phố Miami, tiểu bang Florida, lập ra các nhóm chống Castro, từ đó mới có Little Havana. Họ trở thành Người lưu vong Cuba.

Khi người Cộng sản làm chủ cả nước Việt Nam năm 1975, nhiều người liều mạng vượt gần 14.000 cây số đường biển chạy sang quận Cam, tiểu bang Califoria, lập ra các nhóm chống Cộng, từ đó mới có Little Saigon. Họ trở thành Người lưu vong Việt Nam.

Wasp Network

Trong những năm từ cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, Cuba bị Hoa Kỳ cấm vận, kinh tế kiệt quệ, người Lưu vong Cuba đã thực hiện những vụ đánh bom các khách sạn ở La Havana, làm điêu đứng ngành du lịch đang thu hút nhiều ngoại tệ mà Cuba rất cần để tồn tại.

Trong vòng ba năm, Tình báo Cuba đã gửi sang Hoa Kỳ mấy chục gián điệp nhằm đánh phá, lủng đoạn và triệt tiêu Lưu vong Cuba. Chiến dịch mang tên Wasp Network (Mạng Lưới Con Ong).

Giữa tháng 6 năm nay, Netflix phát hành bộ phim mang cùng tên, nói về một số gián điệp có liên can đến mạng lưới này, nội dung phim được cho là dựa trên các sự kiện vừa có thật vừa hư cấu, xen lẫn với những trích đoạn hình ảnh thời sự ngoài đời, trong đó có đoạn phỏng vấn Fidel Castro.

Thành phần diễn viên thuộc loại 3.5 sao trên 5 sao, ngoại trừ Penélope Cruz 4 sao. Báo New York Times cho phim này 2.5 điểm trên 5 điểm; do đó, phim cũng không thuộc loại “bom tấn”. Tuy nhiên, sau khi xem xong, Phóng viên vỉa hè xin rút ra một số nhận xét.

Có gián điệp Cuba đến Mỹ bằng cách cướp máy bay (René), có người đến bằng cách bơi sang căn cứ Guantanamo của Mỹ (Juan). Dĩ nhiên, cũng có người đến theo diện đi chui. Khi đến nơi xin tỵ nạn, họ đều khai chán nản trước tình hình kinh tế, chính trị, xã hội bên nhà. Chẳng mấy chốc, họ được cộng đồng Lưu vong Cuba chào đón.

Lưu vong Cuba là một lực lượng khá đoàn kết, có thực lực, có đóng góp tích cực và có tiền. Mặc dù Lưu vong Cuba có nhiều nhóm, nhiều tổ chức (Alpha 66, Cảm tử F4, Anh em Giải cứu, Liên đoàn Người Mỹ gốc Cuba...) nhưng họ không gấu ó, chụp mũ, kèn cựa nhau, tất cả đều nhằm mục đích tối hậu là thay thế chế độ Cộng sản. 

Lãnh đạo Lưu vong Cuba là những người có thành tích thực sự và được cộng đồng Lưu vong Cuba kính trọng. Jorge Mas Canosa, người sáng lập Liên đoàn Người Mỹ gốc Cuba (CANF) là một doanh nhân thành đạt. Nhà cầm quyền Cuba gọi ông là “tên cực kỳ phản cách mạng” nhưng lại được các ứng cử viên tại Florida o bế khi mùa bầu cử đến gần. Trước khi mất vào năm 1997, ông đã vận động thành lập đài phát thanh Radio Marti và đài truyền hình TV Marti, hướng sóng về phía Cuba, khiến nhà cầm quyền tại La Havana hết sức bực bội. Trong phim, gián điệp Juan được chụp hình chung với Jorge Mas Canosa, xem đó là một vinh dự.

Tổ chức Anh em Giải cứu (Brothers to the Rescue) có nhiệm vụ lái máy bay loại nhỏ tìm kiếm người bỏ trốn Cuba bằng tàu bè thô sơ kiểu “khắc phục” và dẫn đường cho các tàu bè đến đất Mỹ. Họ cũng thả truyền đơn vào Cuba. Một trong những máy bay này là đóng góp của Gloria Estefan, ca sĩ gốc Cuba nổi tiếng khắp nước Mỹ. Trong phim, hai gián điệp Cuba đã tố giác với FBI tổ chức này đã gây quỹ bằng cách dùng máy bay để chở lậu ma túy xuyên quốc gia.

Cầm đầu Mạng Lưới Con Ong tại Miami là Gerardo, đã học nghề gián điệp trong 6 tháng, đến Mỹ theo diện du học bậc Cao học. 

Là một dịp tốt để tuyên truyền, bộ phim đã được sự yểm trợ nhiệt tình của nhà chức trách Cuba, nhờ vậy mới có được những cảnh thực sự quay thoải mái trên đường phố Cuba.

Trong phim cũng nêu lên thế kẹt của các bên.

Phía Mạng Lưới Con Ong hoạt động gián điệp trên đất Mỹ mà không khai báo sẽ bị coi vi phạm luật pháp của Mỹ, nhưng nếu khai báo thì còn làm ăn gì được. 

Phía Lưu vong Cuba phải giấu chuyện họ chở vũ khí xâm nhập Cuba, chuyện đặt chất nổ phá hoại ngảnh du lịch Cuba; vì nếu công khai, họ vừa gây khó xử cho chính phủ Mỹ, vừa bị chính phủ Cuba lên án trước thế giới về tội khủng bố.

Một trong những cách giải quyết của Lưu vong Cuba là tuyển dụng và chi tiền cho những người ở Trung và Nam Mỹ thực hiện các vụ đánh bom tại Cuba.

Muốn có nhiều tiền để thực hiện các vụ phá hoại tại Cuba, Lưu vong Cuba phải buôn lậu ma túy, trở thành tội phạm của Hoa Kỳ.

Cái kết của Mạng Lưới Con Ong 

Một ngày đẹp trời của tháng 9 năm 1998, FBI tóm gọn Mạng Lưới Con Ong gồm hơn 40 người nằm rải rác khắp Florida.

Theo Wikipedia, có hai tay sừng sỏ trong bộ phim Wasp Network - là René (phi công lái máy bay cho Brothers to the Rescue) và Gerardo (Trưởng lưới) - nằm trong Nhóm Năm Người lãnh hình phạt nặng nhất, vì ngoài tội làm gián điệp còn tội âm mưu giết vài người trong cộng đồng lưu vong Cuba. Số người còn lại chỉ bị tù vài năm nhờ “hợp tác” với nhà chức trách.

Vụ xử kéo dài nhiều năm vì những màn kháng án và phúc thẩm. Có lúc tòa án phải dời sang thành phố khác vì các bị can cho rằng xử tại Miami quan tòa có thể chịu áp lực của những người chống Castro.

Chính quyền của Fidel Castro phủ nhận mạng lưới này trong suốt ba năm liền. Cuối cùng, vào năm 2001, họ đã nhìn nhận nhưng nói rằng mục tiêu của các gián điệp là đám Lưu vong Cuba chứ không nhằm phá hoại chính phủ Hoa Kỳ. Kế tiếp, truyền thông Cuba gọi họ là những anh hùng, hy sinh quyền lợi riêng tư để phục vụ tổ quốc, và còn tiết lộ nhờ có mạng lưới này, Cuba đã đập tan trong trứng nước hơn một chục vụ đánh bom tại Cuba, bắt giữ hàng chục tên “phản cách mạng”. 

René ra tù vào năm 2011 sau khi xong bản án 13 năm. Gerardo được trả về Cuba năm 2014 trong vụ trao đổi với một gián điệp Mỹ đang ngồi tù ở Cuba.

Một vài suy nghĩ và so sánh

Bộ phim không nói rõ lý do chính giúp FBI phát hiện Mạng Lưới Con Ong, ngoài những cảnh cho biết họ có những chỉ điểm (Informant) được trả lương và có đặt máy nghe lén, nhưng theo lối suy luận thông thường, những tổ chức loại này chỉ có thể phá vỡ nếu có tay gián điệp nào phản thùng vì lý do nào đó hoặc nhờ có người dân bình thường báo cáo (Tip).

Đã nhiều lần FBI ra thông cáo cho cộng đồng Lưu vong Việt biết họ cần người Mỹ gốc Việt cung cấp Tip về những hoạt động trái phép của Cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ, và dĩ nhiên FBI cũng có Informant tại Quận Cam; nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa có một ổ gián điệp quan trọng nào của Hà Nội bị đưa ra ánh sáng.

Phải chăng FBI bất tài, phải chăng cộng đồng Lưu vong Việt chỉ muốn yên thân giống như bên nhà, không muốn dính dáng đến chính trị, hoặc sợ nếu cung cấp Tip cho FBI thì bà con của mình bên nhà sẽ bị trả thù?

Liệu Hà Nội có đặt một ổ gián điệp bên Mỹ không? Theo suy luận thông thường thì phải có; vì có nhiều Lưu vong Việt định về Việt Nam hoạt động đã bị bắt, và một phần vì Hà Nội đánh phá, cộng đồng Lưu vong Việt nội bộ lủng củng, không đoàn kết bằng Lưu vong Cuba. Chẳng những vậy, còn có những nhân vật không giống ai như Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Ngọc Lập, Phùng Tuệ Châu...

Cuộc đấu tranh giữa Hà Nội và Lưu vong Việt là cuộc chiến không cân sức. Một tổ chức chống Cộng cần có trước nhất là tiền. Có một tỷ phú thì ông này chỉ lo đánh bóng cá nhân hoặc chăm sóc chân dài, trong lúc Hà Nội chẳng cần phải gửi tiền sang nuôi ổ gián điệp, vì chỉ riêng phí thu được từ những người xin visa về Việt Nam cũng đủ chi tra thoải mái cho cái ổ này.

Cả hai cộng đồng có một điểm chung. Cho đến nay, Cuba sau 61 năm, Việt Nam sau 45 năm, Lưu vong Cuba và Lưu vong Việt vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ.

27.06.2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo