Biển Đông: Việt cộng trả tiền để đổi lấy "ổn định và hòa bình" - Dân Làm Báo

Biển Đông: Việt cộng trả tiền để đổi lấy "ổn định và hòa bình"

CTV Danlambao - Tháng 7/2020, Tập đoàn Noble Corporation hủy hợp đồng giàn khoan đặt tại Vũng Tàu Việt Nam dưới sức ép của Trung cộng đè nặng lên Ba Đình. Số tiền bồi thường hợp đồng có thể lên đến vài triệu đô la. Con số này không được tiết lộ sau khi Việt cộng phải trả 1 tỷ đô la cho Repsol và Mubadala trước đó trong năm 2018.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Lê Minh, Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam nói: "Trước khi trực tiếp gây hấn ngoài khơi, bằng đường ngoại giao, Trung Quốc đã gửi công hàm đến công ty mẹ của Rosneft Việt Nam, là tập đoàn Rosneft." Ông Minh cũng không phủ nhận "việc Trung Quốc gây sức ép."

"Việc gây sức ép lên chiến dịch khoan ở Lô dầu khí 06-01, diễn ra trước thềm đại hội Trung ương Đảng XIII, cũng đã được nhận diện và tính đến. Nghĩa là, họ muốn gây sức ép để làm một phép thử về bản lĩnh của các lãnh đạo Việt Nam. Theo đó, họ muốn kéo Việt Nam vào tranh chấp để đi đến đàm phán song phương về các quyền lợi trên biển, mà nếu sa vào, Việt Nam sẽ bất lợi và sa lầy về mặt chính trị.

Cụ thể là nếu căng thẳng leo thang, hai bên sẽ có các cuộc gặp cấp cao và trước Đại hội đảng, sẽ ảnh hưởng đến công tác cán bộ và đường lối đối ngoại."

Và để giảm căng thẳng leo thang, Bộ Chính trị quyết định hủy hợp đồng với tập đoàn Noble Corporation.

Tại sao Trung cộng phải thử bản lĩnh của các "lãnh đạo Việt Nam"? Đây chỉ là lời võ đoán của một quan chức trong bộ máy hành chính nhà nước. Trên thực tế, suốt từ năm 2017 đến năm 2020, Ba Đình đang đi lùi trước sức ép của Bắc Kinh trên biển Đông.

Điểm lại một số cột mốc chính:

- 2017: Việt Nam phải tạm ngưng hoạt động thăm dò khai tác dầu của Repsol (Tây Ban Nha) tại vùng biển gần Bãi Tư Chính sau khi Trung cộng ra mặt uy hiếp.

- 2018 : Việt Nam chính thức chấm dứt hợp đồng với Repsol.

- 2019 : Trung cộng đã đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 tới khảo sát bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đồng thời quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 (Nhật Bản) và gây hấn với các tàu đang tiến hành thăm dò tại Lô 06- 01 theo hợp đồng của Việt Nam với Rosneft (Nga).

- 2020 : Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục quay lại vùng EEZ của Việt Nam hồi tháng Sáu. Đến tháng Bảy, tàu hải cảnh 5402 của Trung cộng tiến vào khu vực mỏ khí Lan Đỏ thuộc Lô 06-01. Bốn ngày sau, có thông báo rằng hợp đồng của Noble Clyde Boudreaux với Việt Nam đã bị hủy bỏ.

Người dân Việt Nam phải chứng kiến cảnh các lãnh đạo Ba Đình đánh đổi hơn 1 tỷ đô la để  gìn giữ mối quan hệ Việt - Trung ổn định. Trong khi đó giới quan sát quốc tế lại nhận định rằng Trung cộng đã thắng trong chiến thuật cắt lát chia nhỏ biển Đông.

Và trong bối cảnh hiện tại, Bộ Chính trị đang mượn sức mạnh của Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền bằng hệ thống tuyên truyền. Những con số thiệt hại 1 tỷ đô la phải bồi thường cho Repsol (Tây Ban Nha) và  Mubadala (U.A.E), cũng như vài triệu đô la cho Noble sẽ không bao giờ có trên mặt báo.

20.7.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo