Mẹ Nấm (Danlambao) - “Chỉ có vài vụ việc (án oan) mà đánh giá cả nền tư pháp là không nên” là lập luận của đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), Chủ tịch Hội Luật gia, Ủy viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương ngay sau khi vụ án Hồ Duy Hải được đưa ra tranh luận. Lý lẽ này củng cố thêm phán quyết “mặc dù có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án” được đưa ra trong phiên tòa giám đốc thẩm do Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ trì.
Vụ án Hồ Duy Hải kéo dài gần 13 năm ròng rã, ngày nay nhiều phóng viên, nhà báo, luật sư quay ngược thời gian lục lại hồ sơ đã phát hiện ra nhiều điểm sai sót nghiêm trọng.
- Về vật chứng: Con dao (hung khí) đã được mua lại sau khi những người dọn hiện trường đem vứt bỏ. Trong phiên tòa giám đốc thẩm, để trả lời câu hỏi vì sao dao và thớt được mua từ chợ để bỏ vào hồ sơ vụ án thì công an cho rằng “mua để nhận dạng”. “Do lời khai của Hồ Duy Hải nhiều lần thay đổi về hình dạng con dao, chiếc thớt nên CQĐT mới đưa các công cụ để nhận dạng”. Tức là lời khai có trước, vật chứng được mua để khớp cung. Tuy nhiên mới đây trong “biên bản xác định đồ vật” do nhà báo Trương Châu Hữu Danh công bố thì con dao đã được mua ngày 20/3/2008, một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị bắt.
- Về thời gian gây án: Công an kết luận nạn nhân tử vong trong khung giờ 20h30’. Tuy nhiên hình ảnh tại camera ở cây xăng cho thấy lúc 21h00, cô gái tên Vân (một trong hai nạn nhân của vụ án) vẫn còn sống và đang đi mua trái cây. Lời khai nhân chứng liên quan đến sự xuất hiện của nạn nhân thứ 2 khớp với hình ảnh trên camera quan sát. Dựa trên các thông tin này, luật sư Trần Hồng Phong đã cùng gia đình Hồ Duy Hải tiếp tục cung cấp chứng cứ và kêu oan.
Một vụ án kéo dài gần 13 năm, có nhiều sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của Hồ Duy Hải được kết luận ngắn gọn bởi một hội đồng với số phiếu tuyệt đối 17/17 là “mặc dù có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án”.
Từ vụ án Hồ Duy Hải trong quá khứ nhìn rộng ra một vụ án khác sắp được đưa ra xét xử trong tháng 8 tới đây là vụ Đồng Tâm vì cùng chung một tội danh được định đoạt là “giết người”.
Hãy điểm lại cách mà công an và hệ thống tuyên truyền đã định tội cho 29 bị can tại Đồng Tâm.
Sau khi mở cuộc “tổng tiến công” đánh úp dân làng, bắn chết ông Lê Đình Kình - một đảng viên kiên trung, kịch bản “nhận tội, xin khoan hồng” được Đài truyền hình quốc gia VTV dựng nên với hình ảnh những người Đồng Tâm bị đánh sưng húp mặt mày, bước đi không nổi.
Luật sư không được phép tiếp cận để sao chụp hồ sơ vụ án, không được gặp thân chủ. Tất cả những con người sắp bị đưa xét xử đều bị cách ly với xã hội, không được đảm bảo quyền được bào chữa. Không một cuộc hỏi cung nào các bị can, bị cáo trong vụ Đồng Tâm có sự hiện diện của luật sư mặc dù họ bị khởi tố bởi tội “giết người” (không liên can đến an ninh quốc gia).
Luật sư Ngô Anh Tuấn - một trong những luật sư có hợp đồng bào chữa cho người dân ở Đồng Tâm trước đó đã viết: "Dường như số phận những người dân Đồng Tâm trong vụ án này đã được định đoạt từ trước khi phiên toà diễn ra khi mà tới thời điểm này, luật sư không có được bất cứ thứ gì từ các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ cho họ, ngoại trừ những cáo buộc một chiều trong kết luận điều tra và cáo trạng. Là người từng tham gia nhiều vụ án chính trị được xem là nhạy cảm do Bộ Công an là cơ quan thực hiện việc điều tra nhưng trong nhiều năm qua, chưa cơ bất kỳ vụ án nào mà tôi không sao chụp được hồ sơ vụ án cả! Vụ án này thực sự kinh khủng hay là người ta đang cố tình nâng tầm nó lên để có lý do để tung hô chiến công “lừng lẫy” của mình cũng như che dấu những sai sót (nếu có) trong quá trình trấn áp, xử lý hành vi vi phạm pháp luật... "
Qua hai vụ án Hồ Duy Hải và Đồng Tâm, chân dung của nền tư pháp cộng sản Việt Nam hiện lên khá rõ ràng. Công lý không hề hiện diện và mọi nỗ lực hô hào cải cách tư pháp chỉ là trò hề.
7.07.2020