Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Ngày 02 tháng Sáu năm 2005, Bộ Chính trị ĐCSVN ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp [1] đến năm 2020, do ông Nông Đức Mạnh ký với tư cách Tổng bí thư.
Ngày 19 tháng Chín năm 2011, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (BCĐ) được thành lập theo Quyết định số 39-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành [2].
Không rõ lý do vì sao mãi đến 6 năm sau khi Nghị quyết 49 ra đời thì BCĐ mới được thành lập (!). Chỉ biết rằng, BCĐ trải qua 3 đời chủ tịch nước: Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng.
Làm ăn không giống ai
Ngày 11 tháng Giêng năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO [3] sau quá trình đàm phán kéo dài 12 năm, tính từ tháng Giêng năm 1995.
Trả lời phóng viên báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết [4], Việt Nam được xem là nền kinh tế phi thị trường (KTPTT) cho đến hết ngày 31 tháng Mười Hai năm 2018.
Sau thời gian nói trên, mọi hoạt động kinh tế của Việt Nam đối với thế giới buộc phải nhìn nhận theo kinh tế thị trường (KTTT).
Quả thật, ngày 15 tháng Sáu năm 2020 báo Đầu Tư cho hay, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã có 12 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng Việt Nam xuất khẩu, ngoài ra còn 3 vụ việc có nguy cơ khởi xướng điều tra.
Đã hội nhập với thế giới, tham gia sân chơi chung toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn có cách làm ăn không giống ai. Nếu cứ tiếp tục, Việt Nam chỉ có thể "chơi" với người Việt Nam mà thôi - bà Virginia Foote nói như trang Vietstock.com cho hay [6]cách đây 10 năm, tức là sau 3 năm khi nhà cầm quyền CSVN đã chính thức vào WTO.
Song song với quá trình đàm phán cam go về WTO, dư luận cũng biết đến BTA như cách người CSVN đầy quyết tâm hội nhập thế giới, được ký cách đây 20 năm nhưng hiệp định này không có hiệu quả gì cả. Lý do, như ông Nguyễn Đình Lương - người tham gia đàm phán trực tiếp BTA cho phóng viên báo Vietnamnet biết cách đây 7 năm [7]:
(Trích) "...Trong cuộc đàm phán BTA với Hoa Kỳ trước đây, Việt Nam kiên trì đòi phía Hoa Kỳ dành cho phía Việt Nam Quy chế ưu đãi phổ cập (GSP) (áp dụng thuế bằng 0 đối với mấy ngàn mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ chủ yếu là hàng thủ công nghiệp, mây tre, cói ngô...)
Phía Hoa Kỳ kiên quyết không chấp nhận vì Luật GSP của Hoa Kỳ đòi hỏi một số yêu cầu cao trong đó có quyền lập hội.
Tại vòng đàm phán cuối cùng, trong buổi gặp riêng hai trưởng đoàn, tôi bảo ông JOE Damond - Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ: ta cứ ghi vào BTA "phía Hoa Kỳ sẽ xem xét dành GSP cho Việt Nam" còn khi nào xem xét, được hay không ta sẽ bàn sau. Ông Damond thấy đề xuất hợp lý, đồng ý ghi vào.
Về nước tôi không dám khoe thành tích đó vì tôi hiểu đó chỉ là một cụm từ "làm đẹp" BTA cho "cả nhà đều vui" nhưng có người lại báo cáo rằng vòng đàm phán này ta đã giành thắng lợi, ta đã kiên trì đấu tranh đã bắt Mỹ dành cho ta GSP!
Nghe nói sau này, qua nhiều năm đàm phán, đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa chấp nhận cho hàng Việt Nam được hưởng GSP vì Việt Nam chưa có điều kiện để thực thi quyền lập hội.." (hết trích)
EVFTA và rồi sẽ ra sao?
EVFTA được xem là thành công và có hiệu lực từ 01 tháng Tám năm 2020.
Các hiệp định mà nhà cầm quyền CSVN ký kết với quốc tế luôn có điều khoản về bảo đảm quyền lợi cho người lao động, thông qua tự do lập hội.
Hậu quả "hứa lèo" từ BTA, WTO trong hơn mười năm qua, cho thấy rõ về cam kết tuân thủ luật lệ quốc tế và tôn trọng quy luật KTTT của nhà cầm quyền CSVN thật khó tin cậy, bởi những cuộc đình công, biểu tình đòi quyền lợi chính đáng của công nhân không có dấu hiệu giảm bớt. Trong những cuộc đình công đó, giới chủ doanh nghiệp đều nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà cầm quyền CSVN trấn áp công nhân và vu cho "thế lực thù địch" kích động xúi giục [8] mà mới nhất là cuộc đình công tại công ty Chí Hùng đóng tại tỉnh Bình Dương. Cái kết của các cuộc đình công thường là một số người bị bắt, bỏ tù.
Trong Bộ Luật Hình Sự có quy định tội xâm phạm về quyền hội họp, lập hội của công dân (điều 163) và tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (điếu 167) và nhiều điều luật khác trong cả 1 chương dành riêng gọi là "Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân".
Bộ Luật Hình Sự được dày công soạn thảo và sau nhiều lần chỉnh sửa được chính thức áp dụng từ 01 tháng Giêng năm 2018.
Người ta cũng biết hiệp định TPP - Một hiệp định hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho nhà cầm quyền CSVN - dưới thời cựu Tổng thống Obama, được đàm phán rốt ráo với đầy hy vọng và được ký kết vào ngày 4 tháng Hai năm 2016 và sẽ có hiệu lực sau hai năm. Tiếc rằng, đương kim Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp rút Hoa Kỳ khỏi TPP, chỉ hai ngày sau khi ông nhậm chức.
Tính đến nay, TPP gần như "cuốn theo chiều gió" về phương nào không ai rõ nhưng những điều luật bảo vệ quyền tự do cho công nhân và công dân trong Bộ Luật Hình Sự của nhà cầm quyền CSVN có vẻ bị xếp xó với khái niệm "cải cách tư pháp" đang bay về nơi xa (!).
Tạm kết
Mới nhất, ngày 01 tháng Bảy năm 2020, Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU) vừa ra đời mà chưa có giấy phép từ nhà cầm quyền CSVN cấp cũng như dư luận chỉ biết từ báo nước ngoài và trên mạng xã hội, thay vì một trang báo quốc doanh đưa tin.
Ngày 10 tháng Năm năm 2020, báo Vietnamnet đưa tin: ông Tô Lâm - Bộ trưởng Công an và ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND tối cao đều cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự [9].
Chính cam kết nói trên đã vô tình tố cáo nhà cầm quyền CSVN hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự trong suốt hàng chục năm qua.
Dư luận vừa ngạc nhiên vừa ái ngại vừa thắc mắc về số phận của VIU, khi so sánh với hàng ngàn công nhân vẫn bị đàn áp trong các cuộc đình công; với số phận dân oan mất đất đang la lết hàng chục năm qua; với tương lai đen tối của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam mà nhiều người vừa bị bắt cách đây không lâu như: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Tuấn v.v...
Và còn đó, 25 nạn nhân của vụ Đồng Tâm đang gây chấn động dư luận, buộc phải đối mặt với án tử hình, chỉ vì bảo vệ mảnh đất của mình mà lẽ ra đó là một vụ án dân sự đúng nghĩa của nó...!
Chú thích:
03.07.2020