Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ - Vị trí của Hoa Kỳ về những yêu sách hàng hải ở Biển Đông - Dân Làm Báo

Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ - Vị trí của Hoa Kỳ về những yêu sách hàng hải ở Biển Đông

Nhã Duy (Danlambao) - Hoa Kỳ cổ vũ cho sự tự do và mở rộng vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hôm nay, chúng tôi đẩy mạnh chính sách của Hoa Kỳ đối với một phần quan trọng và gây tranh cãi trong khu vực là Biển Đông. Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng, những vu nhận của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài biển khơi khắp khu vực Biển Đông cũng như chiến dịch đe dọa để kiểm soát các nguồn tài nguyên này là hoàn toàn bất hợp pháp.

Tại khu vực Biển Đông, chúng tôi tìm kiếm việc giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trong một thái độ phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo vệ các hoạt động thương mại không bị cản trở và phản đối mọi hành vi cưỡng bách hoặc áp chế để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu đậm và vĩnh cửu này với nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi, những quốc gia từ bấy lâu nay đã chấp thuận trật tự thế giới dựa trên các quy tắc pháp luật.

Những lợi ích chung này đã bị nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa đe dọa một cách chưa hề có trước đây. Bắc Kinh sử dụng sự hăm dọa để làm suy giảm chủ quyền các quốc gia ven biển Đông Nam Á tại Biển Đông, bức hiếp họ ra khỏi các nguồn tài nguyên biển khơi, quyết đoán sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng "cái thế của kẻ mạnh". Đường lối này của Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng trong nhiều năm qua. Vào năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ là Dương Khiết Trì đã nói với các đối tác ASEAN rằng, "Trung Quốc là nước lớn còn các nước khác là các nước nhỏ và đó là một sự thật". Quan điểm cướp bóc thế giới của Trung Quốc không có chỗ đứng trong thế kỷ 21 này.

Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý muốn của mình lên khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra một cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách của mình về "đường chín đoạn" trên Biển Đông được chính thức công bố từ năm 2009. 

Trong một phán quyết đồng thuận vào ngày 12 tháng Bảy năm 2016, tòa Hội Đồng Trọng Tài được thành lập theo Luật Công ước Hàng Hải 1982 mà Trung Quốc cũng là một quốc gia thành viên, đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Toà án dứt khoát đứng về phía nguyên đơn Phi Luật Tân trong hầu hết các khiếu nại.

Như Hoa Kỳ từng tuyên bố trước đây, và như được quy định cụ thể theo Công Ước, quyết định của tòa Hội Đồng Trọng Tài là quyết định sau cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên. Hôm nay chúng tôi điều chỉnh vị thế của Hoa Kỳ về các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại vùng Biển Đông theo quyết định của toà án. 

Cụ thể như sau:

- Trung Quốc không thể tự thừa nhận chủ quyền hàng hải một cách hợp pháp, bao gồm mọi vu nhận đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xuất phát từ bãi san hô Hoàng Nham (Scarborough) và quần đảo Trường Sa đối mặt Phi Luật Tân tại các khu vực mà toà án đã phán quyết thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc trên thềm lục địa của Phi Luật Tân. Việc Bắc Kinh sách nhiễu ngành đánh bắt hải sản và phát triển năng lượng ngoài khơi của Phi Luật Tân, cũng như bất kỳ hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm khai thác các tài nguyên tại các khu vực đó đều là bất hợp pháp. Theo quyết định ràng buộc về pháp lý của Toà án, Trung Quốc không có chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải hợp pháp đối với cả hai đảo Vành Khăn (Mischief Reef) hoặc bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đều thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phi Luật Tân, mà Bắc Kinh không có bất kỳ quyền lãnh thổ nào với những điều kể trên. 

- Do Bắc Kinh đã không đưa ra được xác nhận hàng hải hợp pháp, chặt chẽ nào tại Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ mọi vu nhận về vùng biển cách quần đảo Trường Sa 12 hải lý mà Bắc Kinh tuyên bố nắm chủ quyền (bất chấp việc các quốc gia khác xác nhận chủ quyền của mình với quần đảo). Do đó, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (Vanguard Bank, ngoài khơi Việt Nam), cụm Bãi Cạn Luconia (Luconia Shoals, ngoài khơi Malaysia), vùng biển Brunei EEZ và quần đảo Natuna (Natuna Besar, ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động quấy rối các quốc gia khác như đánh cá hoặc phát triển khí hydrocarbon tại những vùng biển này hay đơn phương thực hiện các hoạt động đó của Trung Quốc đều là bất hợp pháp.

- Trung Quốc không có quyền lãnh thổ hoặc hàng hải hợp pháp nào đối với quần đảo bãi ngầm James (James Shoal) cách Malaysia chỉ 50 hải lý và bờ biển Trung Quốc đến 1.000 hải lý. Bãi ngầm James Shoal thường được trích dẫn trong các tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc. Luật pháp quốc tế rất rõ ràng rằng, một bãi ngầm như James Shoal không thể thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào và không thể dùng nó để tạo ra các khu vực hàng hải. James Shoal (khoảng 20 mét dưới mặt biển) không phải và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không thể khẳng định bất kỳ quyền hàng hải hợp pháp nào ở đó.

Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh xem Biển Đông là một đế quốc hàng hải của Trung Quốc. Hoa Kỳ đoàn kết với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của mình trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên biển khơi phù hợp với quyền và nghĩa vụ của các quốc gia này theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và bác bỏ mọi nỗ lực phô diễn "cái thế của kẻ mạnh" tại Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn.

Nguồn: 


Người dịch:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo