Tuyên bố của Hoa Kỳ có một số bất lợi cho Việt Nam về chủ quyền tại Biển Đông - Dân Làm Báo

Tuyên bố của Hoa Kỳ có một số bất lợi cho Việt Nam về chủ quyền tại Biển Đông

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 13.07.2020 là một bước ngoặc lớn trong chính sách của Hoa Kỳ tại Biển Đông. Đối tượng chính mà Hoa Kỳ nhắm đến là Tàu cộng. Tuy nhiên, tuyên bố này ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia đang có chủ quyền hoặc đang trong vòng tranh chấp chủ quyền tại khu vực này. Trong cuộc leo thang tranh chấp quyền lợi và quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung cộng tại vùng biển đảo mà cả 2 quốc gia này thực sự không có chủ quyền, tuyên bố của Hoa Kỳ đem lại một số bất lợi cho Việt Nam.

Trước hết, xin được tóm tắt những phủ nhận của Chính phủ Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh tại vùng biển này:

- Hoa Kỳ bác bỏ những tuyên bố và yêu sách của Bắc Kinh cho rằng mọi tài nguyên trải khắp biển Đông là của Trung Quốc. Theo Hoa Kỳ, đó là những yêu sách bất hợp pháp.

- Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh về Đường lưỡi bò 9 đoạn dựa vào phán quyết của Tòa án Trọng tài vào ngày 12.07.2016.

- Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố chủ quyền hàng hải và khai thác tài nguyên trong đó có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chung quanh bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Reef) và quần đảo Trường Sa (Spratly Islands).

- Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền hàng hải đối với Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

- Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), Luconia Shoals, vùng biển đặc quyền kinh tế của Brunei và Natuna Besar.

Nhìn chung những phủ nhận của Hoa Kỳ có thể phân làm 3 loại:

- Bác bỏ về tài nguyên dưới biển.

- Bác bỏ về vùng biển lưu thông.

- Bác bỏ về vùng đất đai (lãnh thổ) trên biển.

Những bác bỏ về lãnh thổ rất ít, và khi có thì tuyên bố của Hoa Kỳ có những bất lợi đối với chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa:

- Để phủ nhận Trung Quốc, Hoa Kỳ chính thức xác nhận Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) thuộc quần đảo Trường Sa) là chủ quyền của Philippines trong khi Đá Vành Khăn đang nằm trong vòng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Điều đó cho thấy với chính sách mới này, qua việc phủ nhận Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng gián tiếp loại Việt Nam và Đài Loan (một con cờ mà Washington từng dùng trước đây để đối đầu với Bắc Kinh) ra khỏi bàn cờ tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa.

- Từ việc xác nhận lãnh thổ trên, Hoa Kỳ công nhận luôn vùng Đặc Quyền Kinh Tế Exclusive Economic Zone (EEZ) chung quanh Trường Sa thuộc về Philippines.

- Tại những vùng biển khác, trong đó có khu vực bao quanh Bãi Tư Chính, Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách hàng hải của Bắc Kinh nhưng không xác định chính thức những vùng biển đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoa Kỳ dùng cụm từ "ngoài khơi - off Vietnam" để nói đến Bãi Tư Chính.

 Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông (ảnh AFP)

Những bất lợi đối với Việt Nam cho thấy phản ứng quyết liệt, không thoả hiệp của Philippines đối với Tàu cộng đã làm cho Hoa Kỳ tiếp tục chọn Philippines làm đối tác chiến lược trong việc đối đầu với Bắc Kinh.

Điều này được làm rõ hơn qua phát biểu của David Stillwell, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Đông Á và Thái Bình Dương trong diễn đàn trực tuyến tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông Stillwell tuyên bố Hoa Kỳ sẽ xem việc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hoá và ngăn chặn Philippines tiếp cận vùng biển đánh cá ở Bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough) là một hành động nguy hiểm.

Về phía Việt Nam, đảng và nhà nước cộng sản Ba Đình vẫn một mực gìn giữ "di sản quý báu Việt-Trung", nhu nhược với tên đứng đầu Nguyễn Phú Trọng thần phục quân xâm lược Bắc Kinh. Vì vậy, tranh chấp lớn nhất về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam là khu vực quần đảo Hoàng Sa nhưng toàn bộ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phủ nhận, ngay cả một chữ Paracel cũng không có.

Rất khó để người ta muốn làm đồng minh và bênh vực người bị cướp khi người bị cướp lại khấu đầu bám chân kẻ cướp.

Không có một quốc gia nào quan tâm đến vận mệnh của quốc gia khác nếu sự quan tâm đó không đem lại nhiều lợi ích cho đất nước hay các chính trị gia của nước đó.

Trên tổng thể, việc thay đổi chính sách của Hoa Kỳ tại Biển Đông sẽ dồn Bắc Kinh vào thế cô lập và tạo nhiều lợi thế cho các quốc gia Đông Nam Á. Công pháp quốc tế đứng về phía Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai Á... và mọi hành vi lẫn tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là bất hợp pháp.

Đồng thời, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy quan tâm hàng đầu của Hoa Thịnh Đốn là giao thông hàng hải và khai thác tài nguyên Biển Đông. Chủ quyền lãnh thổ trên biển là mối quan tâm chỉ dành nhiều cho đối tác chiến lược của Hoa Kỳ là Phi Luật Tân.

15.07.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo