“Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” - Dân Làm Báo

“Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”

Ngàn Hương (Danlambao) - Mấy hôm nay, báo chí nhà nước và mạng xã hội đưa tin rần rần về việc ông Trần Đình Đức, nguyên Phó công an huyện Thanh Chương (Nghệ An), định cướp trắng số tiền 682 triệu đồng của gia đình chị Ngô Thi Chung, ngụ tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Điều đáng nói là ông Trần Đình Đức, một cán bộ đảng viên ngành công an, chắc chưa quên lời dạy của ngành: “Là người đứng trong hàng ngũ công an nhân dân, các chiến sĩ phải luôn khắc ghi trong mình 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề, 10 điều kỷ luật CAND”. Chưa nói đến việc bao nhiêu năm ông đã bao nhiêu lần đi học và thấm nhuần cái gọi là “Học tập và làm theo…”

Sự việc bắt đầu từ tháng 5/2019, ông Trần Đình Đức nhờ chị Chung đến giúp việc với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Vì ông Đức có quan hệ họ hàng, lại sống cùng xóm nên chị Chung đã nhận lời. Đến tháng 9/2019, ông Đức nói là có 1 miếng đất muốn cắt ra cho gia đình chị Chung một phần.

Do chồng chị Chung đi xuất khẩu lao động Đài Loan đã hơn 7 năm nên gia đình có một số tiền gửi ngân hàng. Tin lời ông Đức, chị Chung đã nhiều lần rút tiền tổng cộng là 682 triệu đồng để ông Đức làm thủ tục mua đất.

Lúc đầu, ông Đức hứa đến tháng 4/2020 thì sẽ giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chị Chung, nhưng mãi không thấy ông Đức đưa giấy. Đến 14/8/2020, chị Chung đến nhà ông Đức hỏi thì ông Đức trắng trợn nói rằng chưa hề nhận tiền của chị.

Từ đó chị Chung dựng lều, căng bạt, mang chõng, đến trước cổng nhà ông Đức để đòi lại tiền. Người dân xung quanh đã tập trung lại theo dõi sự việc và gây áp lực, yêu cầu ông Đức trả lại tiền cho chị Chung. Làm việc với công an huyện Thanh Chương và UBND huyện Thanh Chương, ông Đức vẫn một mực phủ nhận việc nhận tiền của chị Chung. Nhưng sau đó do áp lực dư luận nên ông Đức phải chấp nhận trả lại tiền. Nghe tin này, hàng trăm người dân đã tập trung tại nhà chị Chung, tổ chức ăn mừng vì “công lý đã được thực thi”(1).

Qua vụ này có thể thấy rằng, những kẻ coi thường dân và vô liêm sỉ, tham lam như ông Trần Đình Đức là cần phải loại ra ngoài xã hội, không thể chấp nhận được. Tham của ai cũng là hành động vô đạo đức. Nhưng lại tham của kẻ đã ở đỡ giữ con cho mình, tức là làm ô sin, lại còn có quan hệ họ hàng, và là chòm xóm với nhau, là vô cùng ô nhục và hèn hạ. Cha ông ta có câu “bán chị em xa mua láng giềng gần”. Việc chị Ngô Thị Chung không làm giấy biên nhận khi đưa tiền, vì chị Chung quá tin tưởng vào ông Đức, người cán bộ đảng viên, từng là phó công an huyện, sẽ là người gương mẫu và có đạo đức. Không ngờ chị Chung đã “gửi trứng cho ác”.

Số tiền 680 triệu, đối với gia đình đông Đức có thể không lớn. Vì những ngày còn tại vị, được hưởng bổng lộc nhiều rồi. Nay về hưu với chức Phó CA huyện thì ít nhất cùng là Thượng tá. Nếu biết vận dụng trong “thị trường sao và vạch”, thì có thể là hàm Đại tá, lương hưu mười mấy triệu/tháng.

Cũng có thể là khi còn đương chức, việc “nhận ”hàng trăm triệu đồng dưới nhiều hình thức với ông ấy là việc bình thường, nên dù đã về hưu, nhưng bản chất lật lọng, lươn lẹo và lỳ lợm là do thói quen nghề nghiệp vẫn còn nguyên. Do đó “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”.

Còn đối với gia đình chị Chung, đây là tính mạng, là tài sản của gia đình chị, khi người chồng thân yêu phải bỏ lại vợ yếu con thơ để đi là cu li xứ người. Những đồng tiền ấy đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và là xương máu của vợ chồng chị.

Cái hay của vụ này là ở chỗ mấy chục hộ dân gửi đơn kiến nghị, bày tỏ nguyện vọng muốn giúp đỡ gia đình chị Chung. Đây là một đòn tâm lý rất cao. Vì họ không có cơ sở pháp lý để kiện ông Đức về việc thất hứa. Mà họ chỉ gửi đơn nhằm bày tỏ nguyện vọng muốn giúp đỡ gia đình chị Chung thôi. Mà giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn thì cần gì phải đơn từ và xin phép.

Gia đình ông Chung không chết vì đói, vì mấy chục năm “phục vụ dân”, chắc cũng đã kiếm chác được nhiều. Nhưng chết vì dư luận đồn thổi và mất uy tín. Điều này không chỉ làm tổn hại uy tín ông Đức, mà còn làm tổn hại đến thanh danh vợ con ông ấy. 

Ông Trần Đình Đức phải tôn cháu Thái Đình Nhân, học sinh lớp 5A4, Trường Tiểu học Đa Kia B, xã Đa Kia, Bù Gia Mập, Bình Phước làm sư phụ mới đúng.

“Ngày 4/7/2020, trên đường từ cửa hàng tạp hóa về nhà, em nhặt được cọc tiền 50 triệu đồng. Sau khi nhặt được, Nhân đi vào nhà dân gần đó hỏi thăm người đánh mất để trả lại. Khi thấy Nhân hỏi, ông Đặng Duy Đức kiểm tra lại thì phát hiện mình bị mất 50 triệu đồng. Số tiền Nhân nhặt được đúng như số tiền ông đã đánh mất. Nhân đã trả lại số tiền nhặt được cho ông Đức dưới sự chứng kiến của nhiều người,” như báo Vietnam.net ngày 6/7/2020 đưa tin.

Một đứa trẻ cấp 1 còn có tư cách đạo đức đáng trân trọng hơn 1 vị cán bộ đảng viên từng là Phó CA huyện. Đời lắm ngang trái.

Cùng đồng nghiệp với đồng chí Đức ở Nghệ An, là đồng chí Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa, bị phạt hai năm tù về tội nhận hối lộ (theo báo VNEXPRESS ngày 12/5/2020).

Ngày 18/7/2018, anh Đỗ Đức Hiếu (cán bộ Đội Cảnh sát trật tự Công an thành phố Thanh Hóa) lấy trộm xe máy Airblade của đồng nghiệp. Một ngày sau, Hiếu đã thừa nhận hành vi trộm cắp của mình. Anh Hiếu đưa ông Phương 260 triệu đồng để ông Phương bỏ qua các sai phạm, và không bị xử lý hình sự. Ông Phương tuy nhận tiền nhưng không thực hiện lời hứa, và Hiếu bị TAND thành phố Thanh Hóa phạt 9 tháng tù treo về tội trộm cắp tài sản.

Anh Hiếu sau đó đến nhà Phương đòi tiền song chỉ được trả 150 triệu đồng nên không nhận và làm đơn tố cáo hành vi nhận tiền "chạy án" của cấp trên.

Từ đơn tố cáo và file ghi âm của Hiếu, Phương bị tước danh hiệu Công an nhân dân, bị truy tố và bị phạt hai năm tù. Đồng thời phải trả lại 260 triệu đồng cho anh Hiếu. Đúng là “mất cả chì lẫn chài” do lòng tham vô đô.

Chỉ vài trường hợp điển hình gần đây của Trần Đình Đức ở Nghệ An và Nguyễn Chí Phương ở Thanh Hóa, cho thấy ngành công an “còn đảng còn mình” đã thối nát đến mức độ nào.

Họ đã “bôi tro trát phấn” lên bộ mặt nhơ nhuốc của ngành công an vốn đã bị người dân vô cùng căm ghét mấy chục năm nay do được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi của chế độ, và đã gây ra rất nhiều tội ác với nhân dân.

“Hổ chết để da, người ta chết để tiếng” là vậy.

Đúng là “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”.

Chú thích:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo