Tưởng niệm những nông dân nổi dậy chống lại “cách mạng vĩ đại” - Dân Làm Báo

Tưởng niệm những nông dân nổi dậy chống lại “cách mạng vĩ đại”

Aleksandr Solzhenitsyn * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: Vào ngày 25 tháng Chín năm 1993 nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn đã đọc bài diễn văn sau trước 30 ngàn người ở Lucs- sur- Boulogne, Vendée, Pháp nhân dịp khánh thành đài tưởng niệm hàng chục ngàn nạn nhân bị thảm sát từ năm 1793 đến năm 1795 trong cuộc nổi dậy Vendée dưới thời cách mạng Pháp.

Chúng tôi trân trọng dịch và giới thiệu đến độc giả bài diễn văn này nhân dịp chế độ cộng sản Việt Nam đang xét xử những nông dân vô tội ở Đồng Tâm. Qua bài dịch này chúng tôi khẳng định chúng tôi đứng về phía họ-những nông dân chân chất đang bị tà quyền kết án rất bất công và nặng nề. Và trong tâm tưởng của mình chúng tôi cũng tưởng đến những nông dân Quỳnh Lưu, những nông dân Thái Bình và biết bao những nạn nhân của Cải cách Ruộng đất. Họ là nạn nhân của cộng sản và là anh hùng trong cuộc đấu tranh chống cộng sản từ trước đến nay.

*

Kính thưa Chủ tịch Đại Hội đồng tỉnh Vendée,

Những người Vendée kính mến:

Cách đây hai phần ba thế kỷ, lúc tôi còn nhỏ, tôi đọc với niềm cảm phục về cuộc nổi dậy can đảm và tuyệt vọng của những người Vendée. Nhưng chưa bao giờ tôi dám mơ tưởng rằng tôi sau này trong đời sẽ có vinh hạnh khánh thành đài tưởng niệm những anh hùng và nạn nhân của cuộc nổi dậy ấy.

Bây giờ hai mươi thập niên đã trôi qua, và suốt trong thời gian ấy cuộc nổi dậy Vendée và cuộc đàn áp đẫm máu sau đấy đã được xem xét kỹ lưỡng theo những cách nhìn luôn luôn mới, tại Pháp và các nơi khác. Thật vậy, người ta không bao giờ thấu hiểu những sự kiện lịch sử ngay đương lúc chúng diễn ra sôi động, nhưng chỉ hiểu chúng sau khoảng thời gian rất dài, sau khi nhiệt tình đã nguội lạnh. Từ lâu lắm rồi, chúng ta không muốn nghe hay thừa nhận tiếng kêu của những người chết, hay bị thiêu sống mà nói rằng: Những người nông dân của nhân dân lao động đã bị đẩy đến tận cùng của áp bức và tủi nhục bởi cuộc cách mạng cho là thực hiện vì họ-đến nỗi những nông dân này đã nổi lên chống lại cách mạng!

Cuộc cách mạng ấy phơi bày những bản năng dã man thời hồng hoang, những vũ lực tàn độc của ganh tỵ, tham lam, và căm thù mà ngay cả người đương thời cũng thấy rất rõ ràng. Họ đã trả một cái giá quá khủng khiếp cho cuộc lên đồng tập thể vào thời ấy, khi mà một hành vi ôn hoà đơn thuần, hay ngay cả sự nhận thức về hành vi như thế, đều hầu như đã là có tội rồi. Nhưng thế kỷ hai mươi đã làm rất nhiều để làm lu mờ vầng hào quang của cuộc cách mạng mà vẫn còn ngự trị trong thế kỷ mười tám. Khi những bán thế kỷ và thế kỷ trôi qua, từ bao bất hạnh đời mình, người ta nhận thức ra rằng các cuộc cách mạng đều phá bỏ các cấu trúc nền tảng của xã hội, phá vỡ dòng đời tự nhiên, tiêu diệt những thành phần tinh hoa trong dân chúng và để cho những kẻ xấu xa nhất mặc sức tung hoành, và cách mạng không bao giờ mang lại thịnh vượng cho quốc gia mà chỉ mang lại lợi ích cho một số kẻ cơ hội vô liêm sỉ, trong khi ấy với quốc gia nói chung thì cách mạng chỉ báo trước vô vàn cảnh chết chóc, nghèo đói khắp nơi, và, trong trường hợp xấu nhất, sự suy đồi triền miên của cả một dân tộc.

Chính từ “cách mạng” (từ tiếng La tinh revolvo) có nghĩa là “ loại bỏ”, “trở lại”, “trải nghiệm mới“, “tái diễn bất ngờ”, hay tích cực nhất “quay tròn”- đây là bản liệt kê chẳng mấy gì tươi sáng. Ngày nay, nếu khi nào ta dùng hình dung từ “ vĩ đại “ để gắn cho một cuộc cách mạng, ta phải nên dùng từ này một cách rất cẩn trọng, và luôn luôn với nhiều cay đắng trong lòng.

Bây giờ người ta càng ngày càng hiểu rằng những cải thiện xã hội mà tất cả chúng ta đều rất tha thiết mong muốn đều có thể đạt được qua sự phát triển tiến hóa bình thường-với tổn thất cực kỳ thấp và không có sự băng hoại toàn diện. Chúng ta ắt hẳn có thể cải thiện một cách kiên nhẫn những gì chúng ta có trong bất kỳ "ngày hôm nay "nào.

Hoàn toàn vô ích khi hy vọng rằng cách mạng có thể cải tạo bản chất con người, tuy nhiên đó là điều mà cuộc cách mạng của quý vị, và đặc biệt cuộc cách mạng Nga của chúng tôi đã hy vọng rất nhiều. Cách mạng Pháp khai màn dưới lá cờ của khẩu hiệu mà tự mâu thuẫn và bất khả thi, “tự do, bình đẳng, bác ái”. Nhưng trong cuộc sống xã hội, tự do và bình đẳng là những khái niệm không dung hòa nhau, thậm chí còn chống đối nhau. Tự do tiêu diệt bình đẳng xã hội vì đó là bản chất của tự do. Còn bình đẳng cản trở tự do-vì nếu không như thế không thể nào có bình đẳng. Riêng bác ái lại không liên hệ gì ở đây. Nó chỉ là một từ có cánh được thêm vào khẩu hiệu để cho hay và dễ nhớ. Bác ái đích thực được đạt đến không phải bằng phương tiện xã hội mà bằng phương tiện tinh thần. Hơn nữa, những từ đáng sợ “hay là chết!”được thêm vào khẩu hiệu có ba vế này, qua đó hầu như làm mất đi ý nghĩa của nó.

Tôi không muốn bất kỳ một quốc gia nào phải trải qua “cuộc cách mạng vĩ đại”. Chỉ Thermidor (1) đến mới ngăn cản cuộc cách mạng thế kỷ mười tám hủy diệt nước Pháp. Nhưng chẳng có Thermidor nào ngăn cản cuộc cách mạng ở Nga khi cách mạng đã đẩy dân tộc chúng tôi đi thẳng đến chung cuộc bi đát, đến vực thẳm, đến bên bờ vực tiêu vong.

Tiếc thay hôm nay không có ai ở đây để có thể nói về bao đau khổ kéo dài trong lòng Trung Quốc, Campuchia, hay Việt Nam, và có thể miêu tả cái giá họ đã phải trả cho cách mạng.

Ta tưởng đâu kinh nghiệm của cách mạng Pháp sẽ là bài học quá đầy đủ cho những người xây dựng duy lý về “ hạnh phúc của nhân dân “ ở Nga. Nhưng không, những sự kiện ở Nga còn tàn khốc hơn rất nhiều và với một tỷ lệ to lớn hơn rất nhiều lần. Những người cộng sản của Lê nin và những người Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đã cố tình lặp lại nhiều cách thức tàn ác nhất của cách mạng Pháp trên thân thể nước Nga-chỉ khác là họ có mức độ kiểm soát có tổ chức lớn hơn và hệ thống hơn những người Jacobin rất nhiều.

Chúng tôi không có Thermidor, nhưng đáng khen ngợi về tinh thần là chúng tôi cũng có Vendée của chúng tôi, thực ra không chỉ một. Những cuộc nổi dậy này là những cuộc nổi dậy lớn của nông dân: Tambov (1920-21), miền tây Siberia (1921). Chúng tôi biết những tình tiết sau: những đám đông nông dân mang giày tự may, trang bị dùi cui và chĩa ba, tập trung ở Tambov theo tiếng gọi của chuông nhà thờ từ những làng chung quanh-và rồi họ đã bị những tràng súng máy bắn gục. Suốt trong mười một tháng cuộc nổi dậy ở Tambov vẫn không bị dẹp tan, bất chấp cộng sản ra sức đè bẹp bằng xe tăng, xe lửa bọc thép, và máy bay, cũng như bắt toàn bộ các gia đình của quân phiến loạn làm con tin. Chúng thậm chí sẵn sàng dùng đến hơi độc. Những người Cô-dắc từ sông Ural, sông Đông, sông Kuban, sông Terek - cũng đương đầu với cộng sản qua cuộc kháng chiến sống còn mà cuối cùng chìm đắm trong biển máu diệt chủng. Cho nên, trong dịp khánh thành đài tưởng niệm Vendée anh hùng này, tôi thấy trong tâm tưởng tôi hai hình ảnh- vì tôi cũng có thể hình dung ra những đài tưởng niệm mà ngày nào đó sẽ dựng lên ở Nga, những tượng đài vinh danh cuộc kháng chiến Nga của chúng tôi chống lại cuộc tấn công dữ dội của chủ nghĩa cộng sản và bao tội ác của chúng.

Tất cả chúng ta đã sống qua thế kỷ hai mươi, thế kỷ của khủng bố, đỉnh cao kinh hoàng của tiến bộ mà rất nhiều người trong thế kỷ mười tám mơ ước. Còn giờ đây, tôi nghĩ, càng ngày càng nhiều công dân Pháp, với lòng tự hào và hiểu biết ngày càng cao, sẽ nhớ và trân quý cuộc kháng chiến và hy sinh của những người Vendée.

Chú thích của người dịch

(1) Thermidor, trong cuộc cách mạng Pháp, ám chỉ cuộc đảo chánh của Quốc Hội Pháp vào ngày 27 tháng Bảy, 1794 mà đưa đến sự sụp đổ của Robespierre cùng Thời kỳ Khủng bố ở Pháp.

Tựa đề bản tiếng Anh là “A Reflection On The Vendée Uprising”. Bản dịch tiếng Anh của Stephan Solzhenitsyn và Ignat Solzhenitsyn. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.


13/9/2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo