Gần một năm sau PGS.TS sử học Lê Cung mới rụt rè lên tiếng - Dân Làm Báo

Gần một năm sau PGS.TS sử học Lê Cung mới rụt rè lên tiếng

Nguyễn Văn Nghệ (Danlambao) - 
Ngày 23/10/2019 Nhóm trí thức Huế gồm 12 người, do PGS.TS. Lê Cung, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế, đứng đầu đã gửi một bản kiến nghị đến Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không lấy tên hai linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina để đặt tên đường.

Sau khi Bản kiến nghị công bố, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng thuộc Khoa Triết xin xóa tên khỏi danh sách 12 trí thức Huế với lý do: Khi được PGS.TS.Lê Cung mời ký bản kiến nghị, ông đã từ chối nhưng lại vẫn có tên trong bản kiến nghị. Lạ, dân trí thức có học hàm học vị mà cũng bị chơi cái chiêu này! Rất nhiều ý kiến lên án Nhóm người này là vô ơn, ăn cháo đá bát…Mặc dù bị lên án nặng nề, nhưng Nhóm người này vẫn “thủ khẩu như bình”.

Tôi vốn không phải là độc giả thường xuyên của Tạp chí Hồn Việt, vừa qua tại Thư viện tỉnh Khánh Hòa, tình cờ tôi đọc Tạp chí Hồn Việt số 150 tháng 8 năm 2020 từ trang 40-45 có bài viết của PGS.TS. Lê Cung với tựa đề: “Nhận thức lịch sử cần được khẳng định về linh mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes”.

Từ sau ngày 23/10/2019, tôi cố chờ xem Nhóm 11 trí thức Huế lên tiếng khi bị dư luận phê bình chỉ trích nhưng không thấy, nay mới thấy người đứng đầu là Lê Cung lên tiếng. 

Nhìn chung những vấn đề mà Lê Cung nêu ra cũ rích không có gì là mới, nói theo như dân gian: “…Hát đi hát lại tối ngày một câu” không xứng tầm nghiên cứu của một PGS.TS Sử học. Tôi chỉ là một người dân thường, không học hàm học vị nhưng cũng xin mạo muội có đôi lời với ông. Nếu có gì không phải xin ông bỏ qua cho.

Ai là người “Tập đại thành” tiếng Việt đầu tiên?

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông về vấn đề Giáo sĩ Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên và duy nhất La tinh hóa tiếng Việt. Ông là PGS.TS. Sử học chắc ông cũng từng nghe cái cụm từ “Tập đại thành” rồi chứ! Nho giáo đã được hình thành từ thời Chu Công, trước Khổng tử rất lâu nhưng chưa thành hệ thống. Khổng tử đã “Tập đại thành” những tư tưởng ấy và Khổng tử chỉ nhìn nhận mình chỉ “thuật nhi bất tác”. Với công việc “Tập đại thành”của Khổng tử, hậu thế đã suy tôn Khổng tử là ông tổ của Nho giáo, là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên vương, là “Tố vương” (vua không ngai), là Vạn thế sư biểu.

Cũng vậy, đối với chữ Quốc ngữ, trước Giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng có nhiều giáo sĩ khác quan tâm đến vấn đề dùng chữ La tinh để sáng chế ra chữ Quốc ngữ để phục vụ công việc truyền giáo. Việc làm của các vị giáo sĩ ấy còn rời rạc chưa thành hệ thống. Năm 1651 Giáo sĩ Alexandre de Rhodes mới “tập đại thành” cho ra đời tác phẩm Dictionarum Annamiticum Lusitanum et Latinum (Tự điển An Nam- Bồ Đào Nha- La Tinh). Tác phẩm này được xem là tác phẩm “tập đại thành” tiếng Việt đầu tiên vào thời điểm năm 1651. Do công “tập đại thành” như vậy cho nên dân Việt (trừ một số ít người vô ơn mang tư tưởng thù hận) tôn Giáo sĩ Alexandre de Rhodes là Ông Tổ của chữ Quốc ngữ 

Nếu những người không chấp nhận Giáo sĩ Alexandre de Rhodes là ông Tổ chữ Quốc ngữ thì hãy chứng minh công trình của một vị nào đó đã “tập đại thành” tiếng Việt trước công trình của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes để rồi chúng ta tôn vị đó là Đệ nhất Tổ của chữ Quốc ngữ.

Không thể tôn vinh Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và lấy tên Giáo sĩ đặt tên trường, tên đường được!

Lê Cung cho rằng: Rhodes đã dùng những ngôn từ miệt thị văn hóa Việt Nam, thóa mạ chia rẽ dân tộc Việt Nam qua cuốn Phép giảng tám ngày, cho nên tư cách truyền giáo của linh mục Dòng Tên Rhodes như thế, làm sao chúng ta tôn vinh, đặt tên đường, tên trường được!

Chúng ta hãy đặt mình là một nhà truyền giáo, sống vào thời đại của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes chúng ta mới có cái nhìn khách quan hơn. Là một nhà truyền giáo vào thời điểm ấy, ai là không khen đạo mình tốt và miệt thị đạo khác, xem các tôn giáo khác là tà đạo.

Về vấn đề này Wikipedia tiếng Việt nhận xét: “Alexandre de Rhodes từng gọi Phật Thích Ca là “thằng hay dối” trong sách Phép giảng tám ngày. Điều này dựa trên nhận thức của Đắc Lộ về bối cảnh xã hội thời đó, phản ánh thái độ chung của Nho giáo đối với Phật giáo, và cũng là do nhiệt tình truyền giáo của ông”.

Nếu nói Giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng những ngôn từ miệt thị văn hóa Việt nam, thóa mạ chia rẽ dân tộc Việt Nam cho nên không thể tôn vinh, lấy tên Giáo sĩ đặt tên đường, tên trường được thì xin hỏi cụ Nguyễn Đình Chiểu viết tác phẩm Dương Từ Hà Mậu, cụ thóa mạ Phật giáo, Công giáo. Cụ đã viết về Đức Phật: “Ta nghe Phật ở Tây phương/ Vốn người mọi rợ luân thường chẳng ưa”[1] Vậy thì không nên tôn vinh cụ Nguyễn Đình Chiểu và lấy tên cụ đặt cho tên đường, tên trường?

Các vua chúa Việt Nam có những ngôn từ miệt thị các dân tộc thiểu số, gọi đồng bào thiểu số là man di, mọi rợ. Vậy chúng ta không tôn vinh các vị vua chúa ấy và không lấy tên các vua chúa ấy đặt cho tên đường, tên trường?

Trước đây trên các phương tiện thông tin đại chúng thường bôi nhọ các tôn giáo, xem “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, gọi Trời là “Thằng trời”, “địch trời”, “trời phản động”[2] nào thấy PGS.TS Sử học Lê Cung lên tiếng trách cứ các vị chủ trương làm việc ấy đâu!

Lê Cung bảo: “Như chúng ta biết ở Việt Nam, Tam giáo: Nho-Phật-Lão được xem như rường cột của chế độ phong kiến, nhưng trong mắt Rhodes: “Bởi Tam giáo này, như bởi nguồn độc”. 

Đọc qua đoạn này, tôi xin thưa với PGS.TS Lê Cung là ông nên kiểm tra lại cái học hàm học vị PGS.TS. Sử học của ông. Chế độ phong kiến ở Việt Nam (trừ nhà Lý) chưa bao giờ xem Phật giáo, Lão giáo là rường cột nước nhà cả. Xin ông xem lại chiếu chỉ của vua Gia Long định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà vào tháng giêng năm Giáp Tý (1804): “Đến như việc thờ Phật thì sách Truyện nói: “Say mê dị đoan, chỉ hại mà thôi”. Lại nói: “Có tội với trời thì cầu đảo vào đâu được”. Người có thờ Phật là cốt để phúc báo. Sách nhà Phật nói: “Có duyên Phật độ, không duyên Phật chẳng độ”. Lại nói: “Thờ cha mẹ chẳng ra gì, tuy hằng ngày ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trung với vua mà đến thế, dẫu không cúng Phật cũng không sao”. Như thế thì người có duyên cần gì phải Phật độ, mà người không duyên thì Phật độ làm sao được? Thử xem những tổ đã thành Phật như là Mục Liên[3] mà cũng không độ được mẹ, chuộng Phật giáo như Tiêu Diễn[4] mà cũng không giữ được thân, huống chi những bọn bất trung bất hiếu, không biết quân vương là Phật hiện thời, bỏ cả cha mẹ là Phật sinh thành, mà đi cầu Phật vô hình xa ngoài muôn dặm, để mong phúc may chưa đến, có lẽ ấy được chăng? Gần đây có kẻ sùng phụng đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng Phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viển vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số. Lại đời sống của dân đều có định mệnh, tai không thể giải được, phúc không thể cầu được, cái thuật cầu đảo giải trừ đều vô ích cả”[5]

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes xin cấp binh lính để chinh phục toàn Phương Đông

Lê Cung viết: “Do đó khi trở về Pháp năm 1652, Rhodes đã đề nghị triều đình Louis XIV hãy cung cấp binh lính để nhằm giúp ông mở rộng nước Chúa, không những chỉ riêng Việt nam mà toàn cõi Phương Đông. Trong cuốn Hành trình truyền giáo (Divers voyages et mission, Paris, 1653) Rhodes viết: “ J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient pour l’assujetter à Jésus Christ”. Trong bài viết Ai làm ra chữ quốc ngữ? đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 31-1-1993 GS Hoàng Tuệ đã dịch câu đó như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn Phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.

Trong một câu nói nhiều khi ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng. Ở Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam- Huế, có Nhóm Chiến sĩ Chúa Ki tô. Vậy ở giáo xứ ấy có một nhóm binh lính được trang bị vũ khí chăng? Xin thưa đó là nhóm người tình nguyện gìn giữ trật tự trong khu vực nhà thờ. 

Hoặc như trong chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, thường sử dụng cái từ “Ra quân” để làm công tác này hoặc công tác nọ, nếu hiểu theo như Lê Cung thì toàn binh lính làm công tác, còn người dân “ngồi chơi, xơi nước”!

Wikipedia tiếng Việt nhận xét đoạn văn ấy: “Tuy nhiên trên thực tế, cách dùng từ ngữ trong đoạn văn trên đề cập đến việc truyền giáo. Việc cố tình diễn giải thành ý đồ xâm lược là một suy luận “chủ quan võ đoán” thể hiện lập trường hận thù tôn giáo”

Thật là buồn cho một người có học hàm học vị là PGS.TS. Sử học mà cho tới giờ nầy vẫn khư khư hiểu “plusieurs soldats” trong mạch văn trên là “binh lính”. Chắc là ông Lê Cung không cập nhật hóa hay cố tình quên sự kiện vào cuối tháng 3/1993 tại Hội thảo “Tưởng niệm Alexandre de Rhodes nhân 400 năm ngày sinh của ông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt nam tổ chức tại Hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã đề cập câu trên đây của Alexandre de Rhodes và dịch lại plusieurs soldats là “chiến sĩ truyền giáo” “coi như lần cuối cùng đính chính lại sự sai lầm”[6]

Đừng học thói “bới lông tìm vết”, “ăn cháo đá bát”

Trong một lớp học, thầy giáo cầm một miếng vải trắng to đưa lên và hỏi học sinh: Các em có thấy gì không? Cả lớp cùng trả lời: Thưa thầy có vết mực nhỏ. Thầy giáo bảo: Sao các em không nhìn thấy cả miếng vải trắng mà chỉ nhìn thấy vết mực mà thôi! Tục ngữ có câu “Dễ lòa yếm thắm, khó lòa trôn kim” là vậy! Dân tộc ta có truyền thống vị tha, “chín bỏ làm mười” và quan niệm “nhất thanh phá cửu trọc” (Người ấy có 9 điểm xấu nhưng chỉ có một điểm tốt và điểm tốt ấy khỏa lấp 9 điểm xấu kia). Ông bà ta luôn dạy con cháu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “ăn một bát cơm nhớ người cày ruộng”.

Tôi đã từng đọc đâu đó một câu danh ngôn khuyết danh: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác”

Chú thích:

[1]- namkyluctinh.info/nguyen-dinh-chieu-duong-tu-ha-mau-phan-11/


[3]- Đại Nam thực lục chú thích Mục Liên: Một người tu hành đắc đạo thành Phật mà mẹ bị xuống địa ngục cũng không cứu được

[4]- Đại Nam thực lục chú thích Tiêu Diễn: Tức Lương Vũ đế, rất mộ đạo Phật, sau bị chết ở Đài Thành.

[5]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.586-587

[6]- Bài viết: “Đừng bị ám ảnh bở chứng hoang tưởng tả khuynh” T/g Hoàng Dũng



Nguyễn Văn Nghệ - Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo