Thảo Ngọc (Danlambao) - Lâu nay, dư luận trong và ngoài nước hết sức ngỡ ngàng và bức xúc khi biết tỉnh Hòa Bình thi công 11 chữ trên núi Ông Tượng hết 11 tỉ đồng.
Dư luận bức xúc vì Hòa Bình hiện đang là tỉnh nghèo. Tính đến cuối năm 2018, tỉnh Hòa Bình có 31.792 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,74% trên tổng số hộ dân cư toàn tỉnh (215.726 hộ) và 30.512 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 14,14%. Đây là kết quả thống kê được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 14/12/2018.
Đồng thời Hòa Bình là một trong những tỉnh hàng năm nhận trợ cấp gạo cứu đói của Chính phủ.
Trong khi chủ trương của nhà nước là phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường. Thì tỉnh Hòa Bình lại làm ngược lại, phá núi phá đồi, đào bới lung tung để tạc chữ.
Nhân dân thừa biết việc người ta dùng trăm phương nghìn kế để bòn rút tiền thuế của dân bằng cách xây tượng đài, cổng chào và tạc chữ ca ngợi đảng, ca ngợi ông Hồ là chẳng phải họ có ý định tốt đẹp và trong sáng gì đâu. Mà đây là lý do hợp pháp để hút máu dân mà thôi.
Nếu ông Hồ sống lại, chắc ông ấy sẽ chửi sấp mặt những kẻ mượn danh ông để hại dân và làm giàu bất chính trên mồ hôi, nước mắt và xương máu người nghèo.
Nay việc tỉnh Hòa Bình làm dòng chữ trên núi Ông Tượng: “Đời Đời Nhơ Ơn Chủ Tịch Hồ Chí Minh Vĩ Đại”, là hoàn toàn đi ngược lại tư tưởng, đạo đức và tác phong của ông Hồ như đảng tuyên truyền.
Vì lúc còn sống, ông Hồ được đảng tuyên truyền và ca ngợi là sống giản dị. Ông không ưa khoa trương, màu mè. Ông cũng không muốn ai ca ngợi mình.
Tác giả Trần Dân Tiên trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”, viết: “Nhiều nhà văn, nhà báo của Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng mãi đến nay chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất đơn giản: Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế sự nghiệp của mình”.
Trong Di chúc của mình, ông Hồ cũng viết:
“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Và trong suốt cuộc đời mình, từ chiến khu Việt Bắc cho đến khi về Hà Nội làm Chủ tịch nước, ông Hồ được cho là luôn sổng giản dị. Ông chỉ đi đôi dép cao su và mặc bộ đồ kaki vàng.
Khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, Ông nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Đã mấy chục năm nay, đảng vận động toàn đảng, toàn quân và toàn dân “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”.
Vì vậy việc tỉnh Hòa Bình làm 11 chữ để nhớ ơn ông là không phù hợp với tính cách và con người của ông.
Nay đề nghị tỉnh Hòa Binh thay đổi hàng 11 chữ còn 4 chữ là ĐMCS có những điểm lợi như sau:
Một là phù hợp với tác phong khiêm tốn và giản dị của ông như đảng tuyên truyền.
Hai là giảm đi 7 chữ mà vẫn nuốt 11 tỉ là rất có lời.
Ba là hai chữ (Đời Đời) là không phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người. Trong lịch sử nhân loại, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chẳng có chế độ nào là tồn tại vĩnh viễn cả. Hùng mạnh một thời, là cường quốc cộng sản số một của thế giới như Liên Bang Xô Viết (Liên Xô) mà cũng chỉ tồn tại 74 năm rồi cũng sụp đổ. Nếu rồi đây đất nước này đổi thay, thể chế này sụp đổ và những người khác cầm quyền, thì cái gọi là công ơn và thần tượng của ông sẽ bị đạp đổ. Như vậy còn gì là đời đời nữa.
Vì vậy dùng hai chữ (Đời Đời) là trái quy luật phát triển của xã hội loài người.
Do đó khi có nguồn tin nói rằng, tỉnh Hòa Bình ngưng thi công 11 chữ trên núi Ông Tượng thì dư luận rất vui mừng, và cho rằng tỉnh Hòa Bình đã biết lắng nghe phản ứng của dư luận, đã biết nhận ra sai lầm và chịu học hỏi sửa chữa, chứ không cố “chịu đấm ăn xôi”nữa.
Nhưng niềm hy vọng ấy đã mau chóng tan thành mây khói, khi biết tỉnh Hòa Bình không dừng công trình này, mà chỉ là tạm dừng mà thôi.
Trả lời báo chí vào trưa 6/10/2020, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hoá Thể Thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình cho biết:
“Việc tháo dỡ khẩu hiệu là có nhưng không phải là dừng thi công, mà tháo dỡ để kiểm tra độ an toàn, ướm thử các chữ xem đạt tiêu chuẩn hay chưa. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt các chi tiết tiếp theo”(1).
Việc tỉnh Hòa Bình viết 4 chữ “ĐMCS” lên núi Ông Tượng sẽ có nhiều nghĩa. Nó phù hợp với tư tưởng và đạo đức của ông Hồ được đảng của ông tuyên truyền là luôn mong muốn cho cuộc sống của người dân không ngừng thày đổi, ngày một tốt hơn.
Vậy nên hiểu 4 chữ “ĐMCS” này là “Đổi Mới Cuộc Sống”. Cũng có thể hiểu 4 chữ này là Đổi Mới Chính Sách. Vì đường lối cai trị hiện nay của ĐCSVN đã quá lạc hậu rồi. Nếu không đổi mới thì sẽ là tự sát.
Nghiêm cấm các thế lực thù địch xuyên tạc và suy diễn 4 chữ này là “Đ... M... Cộng Sản” nhé.
Chú thích:
10/10/2020