Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Sự lệ thuộc và bản chất “tôi đòi” của CSVN đến mức độ đảng này đã trở thành một công cụ hán hóa dân tộc. Chính vì thế, muốn thoát trung, toàn dân không còn sự chọn lựa nào ngoài sách lược “diệt nội thù CSVN trước và chống ngoại xâm CSTQ sau”. Sau khi diệt nội thù, toàn dân sẽ chung sức xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, chấm dứt tình trạng lệ thuộc ý thức hệ, xây dựng kinh tế và quân sự hùng mạnh, liên minh với các cường quốc dân chủ tiến bộ trên thế giới và tận diệt hiểm họa hán hóa dân tộc Việt Nam.
***
I. Dẫn nhập:
Cũng như nhiều quốc gia thuộc văn hóa Đông Á khác như Đại Hàn, Nhật Bản và Mông Cổ, sự lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc của Việt Nam đã bắt đầu từ ngàn năm lịch sử.
Trừ giai đoạn huyền sử của dân tộc bao gồm các thời đại Hồng Bàng (2879-258 ttl), triều đại nhà Thục (258-207ttl) và triều đại Triệu Đà (207-111ttl), ảnh hưởng chính trị của TQ đã bắt đầu đậm nét từ thời kỳ Bắc Thuộc (111ttl-939). Tuy với nền độc lập được khai sinh dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền (939-944) ảnh hưởng chính trị của TQ vẫn tiếp diễn xuyên suốt 11 triều đại khác nhau của nền độc lập dân tộc. Một là gián tiếp qua phong tục tập quán cũng như nền văn hóa Tam Giáo (Phật Lão Khổng) và hai là qua chế độ chính trị quân chủ chuyên chế.
Ngay cả trong giai đoạn Thực Dân Pháp đô hộ (1884-1954), mặc dầu những quan điểm dân chủ Tây phương bắt đầu xâm nhập, nhưng có 2 yếu tố gây trở ngại lớn lao cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Một là thực dân pháp vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế triều đình nhà Nguyễn như bù nhìn của họ, hai là sự xâm nhập của ý thức hệ Cộng Sản đưa đến sự ra đời của đảng CSVN vào năm 1930.
Trong khi sự duy trì chế độ quân chủ không nhất thiết là một trở ngại lớn lao vì chế độ này có thể chuyển hóa đi từ quân chủ chuyên chế đến quân chủ lập hiến và hoàn toàn dân chủ như đã xảy ra từ lâu tại Anh Quốc, một số quốc gia Âu Châu, Nhật Bản hay trong giới hạn như tại Thái Lan, thì trật tự chính trị Cộng Sản lại là một chướng ngại lớn lao cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
II. Tại sao “Quân chủ chuyên chế” không nguy hiểm bằng sự lệ thuộc chính trị trong giai đoạn “Cộng Sản”?
Sau đây là lý do chính:
Ngay cả trong giai đoạn các quốc gia Đông Á như Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản hầu như rập khuôn với mô hình quân chủ chuyên chế của TQ, thì tinh thần dân tộc tự quyết vẫn hùng mạnh tại các quốc gia này. Dân tộc Việt đã bao lần đánh bật mọi xâm lược từ TQ. Tinh thần dân tộc bất khuất đó đã viết lên những trang sử oại hùng, từ Trận Bạch Đằng Giang của Ngô Vương, đến những chiến tích lẫy lừng của Lý Thường Kiệt trên lãnh thổ của chính Tống Triều, từ cuộc chiến thắng giặc Nguyên Mông của Hưng Đạo Đại Vương đến nhưng chiến công hiển hách của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ vào thế kỷ 18.
Bài Nam Quốc Sơn Hà tương truyền của Lý Thường Kiệt nói lên tinh thần độc lập này:
Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Dịch sang tiếng Việt:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời!
Có thể kết luận rằng, mô hình chính trị quân chủ chuyên chế của TQ khi áp dụng cho các quốc gia Đông Á, không hề đem lại sự lệ thuộc chính trị vào TQ.
III. Tại sao chủ nghĩa Cộng Sản là một tai họa cho nền độc lập của dân tộc?
Có 3 lý do chính:
1. Cộng Sản chủ trượng độc tài toàn trị, không chấp nhận dân chủ. Chính vì thế quốc gia không sáng tạo và kém phát triển về mọi mặt, kể cả kinh tế và quốc phòng, dễ bị một TQ lớn hơn hiếp đáp.
2. Cộng Sản Chủ Nghĩa chủ trương một trật tự chính trị toàn cầu trong đó biên giới của quốc gia phải xóa bỏ.
Tuy yếu tố này không còn thực tế như khi khởi thủy, nhưng nó đã gieo mầm nô lệ trong nội bộ đảng CSVN. Hồ Chí Minh tuy là một chính trị gia lão luyện nhưng thua kém Mao rất nhiều và tự xưng là học trò của Mao. Tự khởi thủy họ Hồ đã chấp nhận tính không biên giới giữa 2 đảng và 2 quốc gia rồi. Chính vì thế đảng CSVN từ khởi thủy đã xem nhẹ trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của dân tộc Việt.
3. Ý thức hệ Cộng Sản hàm chứa chủ nghĩa bá quyền trong đó, quốc gia đàn anh làm chủ và các quốc gia đàn em làm tớ, phục vụ cho chủ nhân ông.
Khi vị Thái Thượng Hoàng của chủ nghĩa Mác Lê là Lê Nin viết lên cuốn “Đế Quốc Chủ Nghĩa: Giai đoạn cao nhất của Tư Bản Chủ Nghĩa” (Imperialism: the highest Stage of Capitalism), thì mục đích bề mặt của ông là giúp các quốc gia thuộc địa đánh đuổi các đế quốc thực dân thời đó như Anh, Pháp, Đức v..v…Tuy nhiên mục đích sâu xa của ông còn là thay thế các đế quốc thực dân đó bằng nước Nga vĩ đại nữa.
Trong mục tiêu đó, Liên Bang Xô Viết nuốt chững các quốc gia đàn em như Ukraine, Georgia, Belorussia, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Turkmenistan, Tajikistan, Latvia, .. Ngoài ra các quốc gia Đông Âu cũng trở thành tay sai của Nga Sô.
Dĩ nhiên, Lê Nin và đồ đệ là Stalin rất e sợ TQ ngay từ đầu. Chính vì thế Liên Xô dựng lên một nước Mông Cổ độc lập trên vùng Ngoại Mông để khống chế TQ không cho xâm lấn vùng Tây Bá Lợi Á rộng lớn của Liên Xô.
Tuy nhiên TQ và Mao Trạch Đông cũng là Cộng Sản và thừa hưởng thông điệp này của Lê Nin, xâm chiếm Tây Tạng, đồng hóa Nội Mông, Mãn Thanh tại các tỉnh Đông Bắc và coi CSVN là một đàn em dễ bảo.
IV. Ngoài chủ nghĩa Cộng Sản, một số yếu tố khác làm tình trạng lệ thuộc chính trị vào TQ trở nên nguy hiểm hơn:
Đó là các yếu tố địa dư và “bản chất tôi đòi” của đảng CSVN.
Yếu tố địa dự là sự kiện VN có cùng biên giới với TQ.
Dĩ nhiên VN không phải là quốc gia duy nhất có yếu tố này. Ấn Độ, Nga Sô, Mông Cổ, Miến Điện, Bhutan và Bắc Hàn cũng có. Tuy nhiên Ấn Độ và Nga Sô là những cường quốc TQ không có khả năng nhập hoặc đồng hóa. Mông Cổ, Miến Điện và Bhutan khó hơn vì không cùng ý thức hệ cộng sản.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Bắc Hàn cũng cùng biên giới với TQ và cùng ý thức hệ Mác Lê như CSVN mà ít bị họa hán hóa như VN?
Lý do nằm nơi “bản chất tôi đòi” của đảng CSVN từ khởi thủy. Từ ngày khai sinh ra đảng, Hồ Chí Minh hoàn toàn không có tư tưởng gì sáng tạo, chỉ chạy theo Stalin, Mao Trạch Đông, rồi khi CSTQ và CSLX xung đột thì học thói đu dây giữa 2 đàn anh, không hề có một tư tưởng và lập trường dân tộc chủ đạo nào. Các thế hệ CSVN đàn em cũng chỉ biết làm tôi đòi cho thế lực ngoại bang mà thôi.
V. Làm thế nào để thoát Trung về phương diện chính trị và chấm dứt tiến trình hán hóa Việt Tộc?
Sự lệ thuộc và bản chất “tôi đòi” của CSVN đến mức độ đảng này đã trở thành một công cụ hán hóa dân tộc. Chính vì thế, muốn thoát trung, toàn dân không còn sự chọn lựa nào ngoài sách lược “diệt nội thù CSVN trước và chống ngoại xâm CSTQ sau”.
Sau khi diệt nội thù, toàn dân sẽ chung sức xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, chấm dứt tình trạng lệ thuộc ý thức hệ, xây dựng kinh tế và quân sự hùng mạnh, liên minh với các cường quốc dân chủ tiến bộ trên thế giới và tận diệt hiểm họa hán hóa dân tộc Việt Nam.
10/10/2020