Nguyễn Ngọc Duy Hân (Danlambao) - Phạm Đoan Trang, nhà báo độc lập, tác giả một số sách nổi tiếng, vừa bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt vào tối thứ Ba 6 tháng 10, 2020 tại Sài Gòn.
Cô sanh sau 1975, chưa từng sống và được sự giáo dục tốt đẹp của thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng nhờ tự học và kiên cường, Đoan Trang đã có nhiều thành quả tốt đẹp. Phạm Đoan Trang bị cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước theo điều 117 (Bộ Luật Hình Sự 2015)". Với cáo buộc này, Phạm Đoạn Trang có thể bị kết án lên tới 20 năm tù.
Tin Đoan Trang bị Cộng Sản Việt Nam bắt đã được rất nhiều hãng tin trên thế giới đăng tải, như hãng tin nước Anh Reuters, trang Bloomberg, hãng tin Aljazeera, hãng tin AP, Deutsche Welle… Các tổ chức bảo vệ Tự do Báo chí và Nhân quyền cũng đã mạnh mẽ lên án nhà cầm quyền CSVN. Chẳng hạn chủ tịch của IPA, ông Hugo Setzer đã lên tiếng: "Tôi xin ngã mũ thán phục trước sự can trường của Phạm Đoan Trang. Tôi lên án việc Đoan Trang bị bắt giữ và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả tự do cho cô".
Phản ứng trước tin Đoan Trang bị bắt, Phó Giám đốc Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế - bà Ming Yu Hah nói: “Bắt giữ Phạm Đoan Trang là hành động sai trái. Trang là nhân vật đi tiên phong trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Cô luôn là nguồn cảm hứng của các bạn trẻ tuổi khác đã đứng lên để tranh đấu cho một nước Việt Nam công bình hơn và tự do hơn". Qua việc Phạm Đoan Trang bị bắt, bà Yu Hah cũng đã nói với tờ The Guardian là "Quyết định của Facebook về việc tuân theo các yêu cầu kiểm duyệt khắt khe của nhà cầm quyền Việt Nam vào đầu năm 2020 là đồng lõa với việc đàn áp tự do ngôn luận".
Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales Canberra, chuyên gia về Đông Nam Á, cũng đã nói với The Guardian rằng kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện Luật An Ninh Mạng vào năm 2019, thì đã có sự gia tăng rõ rệt việc bắt giữ và xét xử những người Việt Nam dám bày tỏ quan điểm của mình về một số vấn đề xã hội, đặc biệt là tham nhũng và môi trường, trên mạng xã hội.
Đoan Trang cũng như một số nhân vật đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ Việt Nam, nổi tiếng không phải nhờ trẻ đẹp hay có kiến thức chính trị cao siêu, nhưng cái mà họ được khâm phục là sự kiên cường và tấm lòng yêu nước sắt son.
Quả vậy, Đoan Trang đã rất mạnh mẽ dù bao thế lực đàn áp bắt cô phải im lặng. Đoan Trang đã rất can đảm chống trả với cám dỗ của cuộc sống khi được đưa ra ở nước ngoài. Bọn cầm quyền Việt Nam rất muốn dùng cô để đổi chác về vấn đề kinh tế, thương lượng một điều gì đó. Nhưng Đoan Trang giữ vững tinh thần, từ chối tư cách "tị nạn chính trị", chấp nhận bị trù dập, đánh đập, giam cầm, tra tấn nhất là trong hoàn cảnh gia đình rất đơn chiếc một mẹ, một con, bệnh tật, khó nghèo.
Vào năm 2014, Trang được đến Hoa Kỳ du học và đã can đảm đứng trước Tòa Bạch Ốc lên tiếng về những hành động đàn áp của nhà cầm quyền Cộng Sản. Cô đã trở về Việt Nam dù biết sẽ phải trả giá rất đắt cho những việc làm của mình.
Năm 2016, cô bị công an đánh gãy chân phải chống nạng mới có thể đi được. Năm 2017 cô xuất bản quyển “Chính Trị Bình Dân”- một cuốn sách để tìm hiểu chính trị trong hoàn cảnh của xã hội Việt Nam. Trong sách là những câu chuyện đời thật mà mọi người đang phải đối diện: Chẳng hạn, khi bạn sanh con, con bạn bị nằm ngoài hành lang xếp lớp như cá mòi. Khi bạn đang ở yên lành trong ngôi nhà của mình thì một nhóm người đến đưa ra một quyết định thu hồi đất và dí cho bạn một số tiền nhỏ rồi yêu cầu bạn hãy rời chỗ khác để lại mảnh đất này cho họ, nếu chống đối bạn sẽ bị bắt. Bạn chạy xe ngoài đường, đụng phải các trạm BOT thu phí chặn lại yêu cầu bạn đóng tiền dù bạn không đi đường do họ xây dựng. Cho đến khi người thân của bạn qua đời, muốn an táng thì cũng phải đợi xin được giấy phép...
Nhiều người vẫn sợ và lẩn tránh việc "chính trị", nhưng làm chính trị và thái độ sống chính trị để có được cuộc sống tự do, giá trị không bị đàn áp là hai chuyện khác xa. Hãy đọc cuốn sách này của Phạm Đoan Trang.
Một năm sau khi phát hành sách này, Đoan Trang bị quản chế vì được Cộng Hòa Czech trao tặng giải Homo Homini.
Năm 2019, Phạm Đoan Trang là một trong ba phụ nữ đoạt giải Tự do Báo chí của RSF - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Lúc nhận giải Voltaire, Phạm Đoan Trang nói với VOA rằng kể từ khi Nhà xuất bản Tự Do được thành lập vào năm 2019 cho đến nay, các nhân viên không bao giờ được hưởng một giây phút bình yên vì liên tục bị công an sách nhiễu.
Phạm Đoan Trang ngoài tập sách “Chính trị bình dân”, đã viết nhiều sách khác như “Phản kháng phi bạo lực,” "Cẩm nang nuôi tù,” “Politics of a Police State,” “Cách làm kách mệnh.” "Chúng Ta Làm Báo", các ấn phẩm liên quan tới bầu cử và nhiều bài viết khác đăng tải rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Nhưng cái gai làm bọn Cộng Sản phải trơ mặt bắt Đoan Trang vào nhà giam chính là văn bản “Báo Cáo Đồng Tâm”, được viết chung và dịch ra tiếng Anh bởi Will Nguyễn, chàng trai ở Texas, Hoa Kỳ đã từng bị bắt tại Việt Nam vì dám tham dự biểu tình chống cho Tàu thuê đất 99 năm vào tháng 6, 2018. "Báo cáo Đồng Tâm" này nêu rõ tình trạng bạo hành và lộng quyền của lực lượng công an, cũng như việc cướp đất giữa ban ngày của CSVN. Vì cố gắng thu thập tài liệu để viết, Trang phải ngủ mỗi đêm chỉ chừng 3 tiếng, xuống cân và sức khỏe kém nhưng tinh thần vẫn luôn mạnh mẽ. Suốt những năm qua, Phạm Đoan Trang đã phải thay đổi chỗ ở liên tục, tránh né sự săn đuổi của công an, từng bị đánh đập nhiều lần rất dã man.
Biết trước mình sẽ bị bắt, Phạm Đoan Trang đã viết thư bày tỏ: “Xin hãy chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ hai con mẹ đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều: xin bảo vệ họ.” Được biết mẹ của Trang cũng rất can đảm, ủng hộ con đường gai góc mà con gái mình đã chọn và luôn khuyên Trang đừng vì mẹ mà yếu lòng, chịu khuất phục.
Trong thư, Phạm Đoan Trang cũng đã chia sẻ: “Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù. Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tin tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.”
Cô thiết tha chia sẻ nguyện vọng:
1. Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức Quốc Hội mới tại VN.
2. Quảng bá các cuốn sách Đoan Trang đã viết.
Một điều khá đặc biệt là Đoan Trang xin được vận động để nếu có thể, cô sẽ nhận lại cây đàn guitar trong tù. Cây đàn là một vật thân thiết mà đối với Trang, nó quan trọng như cuốn Kinh Thánh đối với người theo đạo Thiên Chúa, phải có nó bên cạnh. Có những đêm chạy trốn Công An, cô phải ngủ với cây đàn trên người vì chỗ ở chật chội, thiếu thốn. Đoan Trang đàn hay, hát giỏi với tất cả tâm tình. Trên trang Facebook của cô có đăng tải nhiều đoạn video cô hát, trong đó có các bài của ban nhạc The Beatles bằng Anh Ngữ. Cô hát và viết được tiếng Anh, thật tài ba, có khả năng hơn người.
Tôi cũng thích nhạc, thích văn nên rất ngưỡng mộ Đoan Trang, so với các cô gái chỉ biết đỏm dáng, thích tiêu xài khoe của, tấm lòng thiếu bao dung, trí tuệ thấp bé thì Đoan Trang quả là cô gái vượt trội. Nghe Đoan Trang đàn và hát, tôi bỗng liên tưởng tới người Do Thái khi xưa đã bị lưu đày. Trên bờ sông Babylon, họ đã bị ép buộc đàn ca xướng hát mua vui cho người thống trị, họ đã nỉ non nhưng nhất định không khuất phục, và cuối cùng họ đã chiến thắng nghịch cảnh. Tôi không biết nói gì hơn là nghiêng mình cảm phục và cầu chúc con đường tranh đấu của Trang có nhiều kết quả. Ước mong Đoan Trang sẽ có lại cây đàn guitar thân thiết, ước mong mọi người cùng hợp sức dù bằng những hành động, tâm tình nhỏ bé nhất, để ngày Phạm Đoan Trang ôm cây đàn hát khúc hùng ca "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" mau tới.
Được biết Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam và rất nhiều tổ chức khác đã viết thỉnh nguyện thư, báo cáo về việc Phạm Đoan Trang bị bắt để thế giới biết tin và can thiệp. Phạm Đoan Trang không cô đơn, Trần Huỳnh Duy Thức không cô đơn, biết bao nhiêu người tranh đấu cho quê hương Việt Nam cũng sẽ không cô đơn. Ủy Ban Yểm Trợ Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội tại Toronto cũng đang làm việc, dù đang đại dịch Covid Vũ Hán không thể làm tiệc để gây quỹ như hằng năm, Ủy Ban vẫn đang vận động xin các nơi giúp đỡ tài chánh để phần nào ủng hộ tinh thần và vật chất cho các nhà đấu tranh Dân Chủ và các Tù Nhân Lương Tâm.
Riêng Phạm Đoan Trang đã lên tiếng không cần mọi người ưu tiên cô hơn các Tù Nhân Lương Tâm khác. Cô cũng không muốn bị tống xuất ra nước ngoài, cô không cần tự do cho riêng mình - nếu chỉ vậy thì quá dễ - Cô cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, Dân chủ cho cả Việt Nam. Đoan Trang cho là nếu có sự góp phần, quan tâm của tất cả con dân Việt, mục tiêu đó không hề xa vời.
Đoan Trang muốn nói với những người yêu mến cô là: “Đừng khóc cho tôi mà hãy khóc cho quê hương yêu dấu.”
Vâng, mời bạn cùng tôi khóc cho quê hương Việt Nam, khóc cho những bất công trong xã hội, khóc cho những tai ương, hệ lụy vật chất và tinh thần mà Cộng Sản đã gây ra, khóc cho miền Trung lại đang ngập lụt, khóc cho phố phường lầy lội, đầy rác rưởi, khóc cho những con đường "phố bỗng là dòng sông uốn quanh", khóc cho nền giáo dục và xã hội thấp kém, đã hủy hoại rất nhiều nhân tài, làm nản lòng chiến sĩ, làm đất nước lùi bước không thể tiến lên sánh vai với thế giới. Hãy khóc để những dòng nước mắt có thể cuốn trôi đi những bất đồng, khác biệt, tị hiềm, để cuối cùng niềm tin và lòng yêu nước chân chính sẽ chiến thắng....