So sánh công lý tại Hoa Kỳ và Công lý tại Việt Nam - Dân Làm Báo

So sánh công lý tại Hoa Kỳ và Công lý tại Việt Nam

Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao)
- Trong tháng 3 năm 2021, có 2 sự kiện pháp lý diễn ra tại 2 quốc gia trên thế giới. Sự kiện đầu tiên diễn ra ngày 8 tháng 3 tại Việt Nam là một quốc gia đảng trị độc tài chuyên chế và sự kiện thứ nhì diễn ra ngày 16 tháng 3 tại Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

Bản chất của 2 sự kiện tương đồng vì các pháp đình liên hệ phải giải quyết xung đột giữa các lực lượng trị an gồm cảnh sát Hoa Kỳ cũng như công an CSVN bên này và người dân Hoa Kỳ cũng như người dân Việt Nam bên kia.

Tuy nhiên kết quả và những hệ lụy của 2 tiến trình pháp lý hoàn toàn khác biệt.

Tại Hoa Kỳ thì tương quan giữa cảnh sát và dân chúng là một tương quan có sự giám sát của tòa án (như là một định chế trong hệ thống tam quyền phân lập) và những định chế độc lập khác, nhất là hệ thống truyền thông tư nhân. Tại Việt Nam thì tương quan giữa công an và nhân dân là tương quan giữa chủ nhân ông và những nô lệ trong đó công an có quyền sinh sát tuyệt đối.

Thật vậy, tại Việt Nam, trong 2 ngày chóng vánh, trong phiên xử phúc thẩm, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Hà Nội đã y án cho 6 dân làng trong vụ án công an CSVN tấn công người dân xã Đồng Tâm, kể luôn 2 án tử hình cho 2 người con Cụ Lê Đình Kình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức.

Sự kiện là ngày 9 tháng 1 năm 2020, vì tranh đoạt đất đai của dân Đồng Tâm, Bộ Công An CSVN đã huy động một lực lượng vũ trang áp đảo, trang bị vũ khí tối tân, tấn công vào lúc 3 giờ sáng vào dân xã Đồng Tâm với dân số khoảng 9,000 nhân mạng bao gồm nam, phụ, lão, ấu. Công An CSVN xông vào nhà và bắn chết cụ Lê Đình Kình là lãnh tụ dân làng. Trong khi tấn công nhân dân của mình thì có 3 công an tử thương.

Cuộc tấn công xã Đồng Tâm, trên phương diện Công Pháp Quốc Tế, hội đủ các yếu tố để truy tố và kết án công an CSVN liên hệ với tội danh “tội ác chống nhân loại” (Crime against humanity) dưới Bộ Luật La Mã 1998 của Tòa Hình Sự Quốc Tế (Rome Statute of the International Criminal Court).

Tội ác chống nhân loại không phải là những tội giết người, diệt chủng bình thường mà phải hội đủ những yếu tố sau đây:

1. Hành động tội ác phải có yếu tố tấn công (attack)

2. Sự tấn công phải phổ quát (widespread) hoặc có hệ thống (systematic) và

3. Nhắm vào một số người dân sự (civilian population)

Tuy nhiên, dưới cái gọi là Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa, thay vì các thành phần công an bị truy tố, thì chính 29 dân làng bị truy tố về các tội giết người và chống người thi hành công vụ. Họ bị kết án từ tử hình cho đến chung thân và tù giam.

Cùng thời điểm đó tại Hoa Kỳ, ngày 16 tháng 3, 2021 Tòa Án cũng đăng đàn phán xét Cựu Cảnh Sát Viên Derek Chauvin bị truy tố tội cố sát một người da đen tên George Floyd.

Sự kiên là vào ngày 25 tháng 5, 2020, George Floyd bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi sử dụng bạc giả. Cảnh sát viên Derek Chauvin bị tố cáo là chèn đầu gối trên cổ của George Floyd trong vòng 8 đến 9 phút và gây ra tử vong.

Vì đây là một phiên xự liên hệ đến án tử hình, toàn án thẩm định cần phải có ít nhất 3 tuần để chọn bồi thẩm đoàn và ít nhất cũng đến 29 tháng 3 các phe công tố viện và bị cáo mới có thể mở đầu phiên tòa. Không thể qua loa chóng vánh như dưới Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa được.

Trong khi đó, Tòa Đô Chánh thành phố Minneapolis, tiểu bang Minesota, cũng đã công bố một thỏa thuận bồi thường cho gia đình của George Floyd số tiền 27 triệu Mỹ Kim trên phương diện dân sự. Sự bồi thường dân sự này hoàn toàn khác biệt với phiên xử hình sự vì theo luật pháp tại các quốc gia theo hệ thống Common Law như Anh Quốc, Hoa Kỳ hoặc Úc Đại Lợi, tiêu chuẩn thắng kiện dân sự dễ dãi hơn ở mức độ “có xác xuất phải chăng” (“On the balance of probability”). Tiêu chuẩn kết tội hình sự cao hơn ở mức độ “Không còn lý do chính đáng để nghi ngờ” (“beyond reasonable doubt”).

Hậu quả là Derek Chauvin vẫn có cơ hội trắng án trên bình diện hình sự.

Khi chúng ta so sánh số phận của George Floyd và gia đình với số phận cụ Lê Đình Kình, gia đình và nhân dân xã Đồng Tâm, chúng ta mới thấy sự vận hành của công lý trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên khác với sự vận hành của cái gọi là công lý dưới Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa khác nhau biết chừng nào.

Tội ác của công an CSVN tại Đồng Tâm lớn lao và có hệ thống hơn hành vi có tính cá nhân đơn lẻ của cảnh sát viên Derek Chauvin và nên nhớ Derek Chauvin chưa chắc sẽ bị kết án về hình luật.

Nếu gia đình George Floyd được bồi thường 27 triệu Mỹ Kim thì thử hỏi đảng CSVN sẽ phải bồi thường bao nhiêu cho gia đình Cụ Lê Đình Kình, gia đình các anh Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Bùi Quốc Tiến (đều bị kết án 16-18 năm tù) để bù đắp những đau thương và tai họa họ gieo rắc cho nhân dân Đồng Tâm.

Lịch sự rồi sẽ sang trang. Vụ án Đồng Tâm vẫn còn đó. Trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, trước một tòa án công khai và công bằng, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, các ủy viên Bộ Chính Trị liên hệ và đồng bọn trong chiến dịch thảm sát Đồng Tâm sẽ là những bị cáo trước vành móng ngựa. Công lý sẽ được thực thi và nhân dân Đồng Tâm sẽ được bồi thường xứng đáng.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo