Tổng thống Ford trả lời phỏng vấn vào ngày 16/4/1975 - Dân Làm Báo

Tổng thống Ford trả lời phỏng vấn vào ngày 16/4/1975

Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch
- Hỏi: Thưa Tổng thống,... ông đã đề cập đến chính sách hòa hoãn (détente) một cách tích cực. Viện trợ quân sự của Trung Cộng và Nga cho miền Bắc Việt Nam ước tính độ 1 tỷ rưỡi đô la. Câu hỏi của tôi là, viện trợ ấy vi phạm hay không vi phạm tinh thần hòa hoãn, và nếu vi phạm, thì mục đích của hòa hoãn là gì?

Tổng thống Ford: Tôi nghĩ cần nên chỉ ra rằng không có ai trong những nước ký vào hiệp định Paris đã tìm cách trừng phạt những vi phạm (các điều khoản) của hiệp định, tất nhiên, gồm có Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô.

Theo thỏa thuận được ký ở Paris vào tháng giêng năm 1973, Hoa Kỳ, như thỏa thuận với miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp những chiến cụ thay thế, đồng ý viện trợ kinh tế.

Liên Xô và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tôi cho là, cũng đã cam kết như vậy với miền Bắc Việt Nam.

Rõ ràng là họ đã giữ cam kết ấy. Tiếc thay, Hoa Kỳ đã không thực hiện cam kết của mình trong việc cung cấp vũ khí và viện trợ kinh tế cho miền Nam Việt Nam.

Tôi ước gì chúng ta đã giữ lời hứa. Tôi nghĩ nếu như chúng ta giữ lời hứa thì tình hình bi kịch hiện nay ở miền Nam Việt Nam đã không xảy ra.

Nhưng tôi nghĩ trong trường hợp này chúng ta cũng không thể trách Liên Xô và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nếu như chúng ta cũng thực hiện đúng những gì chúng ta đã hứa với đồng minh của mình, thì tôi nghĩ toàn bộ bi kịch này có thể tránh được.

Tuy nhiên chúng ta hy vọng và đang làm việc thông qua các nước mà hiện nay có liên quan hay đã có liên quan đến hiệp định Paris nhằm cố gắng đạt được sự ngừng bắn, và sẽ tiếp tục làm thế.

Hỏi: Về điểm ấy, ông đã yêu cầu viện trợ quân sự trị giá hơn 700 triệu đô la. Có vài lý do tượng trưng và tâm lý rõ ràng cho chính việc yêu cầu viện trợ, nhưng về mặt quân sự, giả sử Quốc Hội thông qua đề nghị viện trợ ấy và viện trợ đến tay miền Nam Việt Nam, thì về mặt quân sự viện trợ ấy có ích lợi gì chăng vào lúc này?

Tổng thống Ford: Tôi hoàn toàn tin chắc rằng nếu Quốc Hội cấp 722 triệu đô la viện trợ quân sự một cách kịp thời trước ngày tôi đề nghị, hay ngay sau đấy, thì người miền Nam Việt Nam có thể ổn định tình hình quân sự hiện nay ở Việt Nam.

Hỏi: Thưa Tổng thống, ông hay nói về các cam kết và hứa hẹn, và chúng tôi đang rất quan tâm đến những lời hứa này. Do sự tranh cãi này, tại sao thư từ giữa Nixon và Thiệu không nên được công bố?

Tổng thống Ford: Theo tôi hiểu, lệ thường là thư từ giữa các vị nguyên thủ quốc gia đều không được công bố. Không ám chỉ đến thư từ mà ông nhắc đến, tôi có thể nói từ kinh nghiệm của tôi là nếu ai cũng tin rằng thư từ như vậy sẽ công khai, thì tôi nghĩ nhiều lần, hay trong nhiều trường hợp, anh sẽ phải ngại nói ra điều anh muốn nói. Tôi nghĩ điều ấy cũng đúng với bất kỳ thư từ nào mà tôi đã nhận được từ bất kỳ vị nguyên thủ quốc gia nào. Nếu anh sẽ có sự trao đổi thành thật, tự do thì tôi nghĩ thư từ phải là chuyện riêng giữa các vị nguyên thủ quốc gia.

Tôi đã đích thân xem lại thư từ mà ông nhắc đến giữa Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu, và tôi có thể cam đoan với ông là trong những thư từ giao thiệp này không có gì khác với những gì đã được bày tỏ như chính sách công của chúng ta. Lời lẽ trong thư hầu như giống nhau, tất nhiên, cũng có vài chút khác biệt, nhưng mục đích, các cam kết thì đều giống với những gì đã được bày tỏ như chính sách của nước chúng ta và cam kết của nước chúng ta.

Hỏi: Thưa Tổng thống, ông đã nói rất nhiều về nghĩa vụ đạo đức của quốc gia này là cung cấp thêm nhiều vũ khí quân sự cho miền Nam Việt Nam. Nhưng còn nghĩa vụ đạo đức đối với nhân dân đang chịu đau khổ của quốc gia ấy, nghĩa vụ đạo đức kết thúc cuộc chiến tranh ấy thì sao?

Tổng thống Ford: Tôi nghĩ hiệp định mà được 12 nước ký vào tháng Giêng năm 1973 ở Paris - và tôi có mặt ở đấy, tôi chứng kiến việc ký kết- được thành tựu với kỳ vọng rằng cuộc chiến ấy sẽ kết thúc. Nếu như hiệp định được tôn trọng thì chiến tranh bây giờ sẽ không diễn ra.

Chúng tôi bằng nhiều cách khác nhau đã và đang tiếp tục cố gắng đạt đến sự ngừng bắn, và tôi có thể cam đoan với ông rằng chúng tôi có ý định tiếp tục những nỗ lực ấy.

Nhưng, theo ý tôi, quả là bi kịch là hiệp định mà ai cũng tưởng là tốt vào tháng giêng 1973 lại bị vi phạm cho nên bây giờ chúng ta phải đối diện với tai họa khủng khiếp hiện nay.

Hỏi: Chẳng lẽ một năm tới hay năm năm tới chúng ta vẫn còn có nghĩa vụ đạo đức như vậy như ông nói?

Tổng thống Ford: Theo đánh giá tốt nhất của tôi, dựa vào các chuyên gia trong chính quyền Mỹ, cả về quân sự lẫn kinh tế, thì nếu chúng ta ba năm tới cung cấp mức viện trợ quân sự và trợ giúp kinh tế hợp lý thì miền Nam Việt Nam có thể đứng vững, có thể đương đầu với bất kỳ vấn đề kinh tế nào, có thể đương đầu với với bất kỳ thử thách quân sự nào.

Còn đây lại là một bi kịch khác. Với chỉ một cam kết bổ sung tương đối nhỏ về viện trợ kinh tế và quân sự, tương đối nhỏ so với 150 tỷ đô la chúng ta đã chi, mà đến phút cuối cùng của thời kỳ ba tháng cuối cùng của năm chúng ta lại không cố gắng hết mình như thế, để bây giờ chúng ta đối diện với bi kịch con người này. Tôi thật tức giận khi mỗi ngày tôi nghe về bi kịch này, đọc về bi kịch này, và thấy bi kịch này.

Nguồn:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo