Danh dự và trách nhiệm của một quân nhân nghiêm chỉnh - Dân Làm Báo

Danh dự và trách nhiệm của một quân nhân nghiêm chỉnh

Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao)
- Bài học cho cá nhân các quân nhân cũng như tập thể quân đội trong một nước Việt Nam dân chủ tương lai là: ngoài sự dũng cảm trên chiến trường để bảo vệ tổ quốc, người quân nhân còn có trách nhiệm quan trọng hơn là: sống và thể hiện trong mọi tình huống những giá trị nhân bản cốt lõi của dân tộc Việt. Đó chính là chặn đứng độc tài, đứng về phía nhân dân, trân trọng sinh mạng và nhân phẩm của từng cá nhân con dân nước Việt.

*

Úc Đại Lợi dân số chỉ khoảng 25 triệu. Trên phương diện này Úc là một quốc gia nhỏ. Tuy nhiên vì tài nguyên phong phú, nền kinh tế phát triển và quân đội được trang bị bằng những vũ khí tối tân hàng đầu, nên có thể đánh giá là một cường quốc hạng trung về các phương diện kinh tế và quân sự.

Theo truyền thống Anh Quốc và Hoa Kỳ, quân nhân của Úc kỷ luật, chuyên nghiệp, thiện chiến và đã chứng minh khả năng vượt bực của mình trong Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, trong cuộc chiến quốc cộng tại Việt Nam và trong các chiến trường Trung Đông, nhất là tại Afghanistan.

Quân đội Úc như một tập thể là một trong những định chế rường cột của nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên tại quốc gia này.

Thêm vào đó, quân nhân cũng là niềm tự hào của dân chúng và giữ một vị trí xã hội nổi bật trong cộng đồng dân tộc.

Đại tướng David Hurley được bổ nhiệm làm Tổng Toàn Quyền (Governor-General) thứ 27 của Úc từ năm 2019. Trước đó Ngài là toàn quyền (Governor) thứ 38 của tiểu bang lớn nhất Úc là New South Wales từ năm 2014 đến 2019.

Một trong những Toàn Quyền tiền nhiệm là Đại Tướng Peter Cosgrove.

Tuy nhiên trong một nền dân chủ chân chính, danh dự nêu trên của các quân nhân luôn đi kèm với những trách nhiệm nặng nề.

Tuy là những chiến binh hy sinh tính mạng để bảo vệ tổ quốc, nhưng người quân nhân Úc cũng phải chấp nhận sự soi xét của công lý và công luận như tất cả mọi thành phần khác trong xã hội.

Trường hợp điển hình là Tòa Án Liêng Bang đang xét xử một trong những vụ tranh tụng về tội Mạ Lỵ lớn nhất Úc Đại Lợi.

Đó là vụ Ông Ben Roberts-Smith kiện công ty truyền thông Nine Entertainment về tội mạ lỵ danh dự của ông.

Ben Roberts-Smith năm nay 42 tuổi, là một doanh nhân thành đạt. Ông là một cựu chiến binh của binh đoàn thiện chiến SAS (Special Air Service), là chiến binh nhận được 2 huy chương cao quý nhất của Úc, đó là Medal of Gallantry năm 2006 và Victoria Cross of Australia năm 2011. Chỉ là một hạ sĩ quan trong binh đoàn SAS nhưng ông lại là người anh hùng có một không hai tại Quốc Gia này.

Đời sống dân sự của Ben Roberts- Smith rất thành công và chức vụ mới nhất của ông là tổng giám đốc Đài Truyền Hình Số 7 tại Brisbane.

Nine Entertainment tố cáo ông vi phạm nhân quyền và quy luật chiến tranh tại Afghanistan, bao gồm hành động khuân một người Afhanistan tật nguyền, ném xuống đất và bắn 10 đến 15 phát đạn vào nạn nhân.

Các câu hỏi chúng ta nêu ra là:

1. Tại sao chính phủ Úc trước đây đã chính thức điều tra về các lời cáo buộc tội phạm chiến tranh của binh đoàn thiện chiến nhất của quốc gia là SAS nói chung?

2. Tại sao công ty truyền thông Úc Nine Entertainment lại cáo buộc cá nhân một người hùng binh đoàn SAS, được quốc gia ban phát nhiều huy chương cao quý nhất về những tội phạm chiến tranh tại một chiến trường tàn khốc nhất tại Trung Đông là Afghanistan?

Câu trả lời nghiêm chỉnh là:

Cộng đồng dân tộc Úc không muốn những tội ác chống nhân loại như Thảm sát Mâu Thân tại Cố Đô Huế, Thảm Sát Thiên An Môn tại Bắc Kinh, Quân Đội tàn sát người biểu tình tại Miến Điện và những tội ác tương tự trên đất nước họ.

Quan trọng hơn nữa Úc Đại Lợi, như một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, không thể dung túng cho bất cứ một tập thể dù là binh đoàn thiện chiến SAS, hay một cá nhân người hùng vĩ đại cỡ nào, nếu cá nhân hay tập thể đó vi phạm những gia trị cốt lõi của dân tộc.

Các giá trị cốt lõi đó, được khắc ghi trong hiến pháp và trong ban tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, cùng với các công ước quốc tế liên hệ mà quốc gia Úc long trọng ký kết.

Một quân nhân Úc, dù chinh chiến nơi xa, cũng không thể sát hại những dân lành vô tội tại các quốc gia sở tại, không thể coi thường nhân quyền và quyền sống của bất cứ một thành phần nào của cộng đồng nhân loại.

Khi các cơ quan truyền thông soi xét và cáo buộc những hành động vi phạm nhân quyền này, không phải vì họ thiếu lòng yêu nước. Ngược lại chính họ mới yêu nước và đóng góp thiết thực vào công tác củng cố các bản giá trị cốt lõi của quốc gia.

Nếu Chiến binh Roberts-Smith vượt lên trên những thử thách này và thắng kiện, danh dự được bảo toàn, thì sự bồi thường của công ty truyền thông Nine Entertainment sẽ rất lớn, vai trò người hùng, lãnh đạo xã hội trong tương lai sẽ rộng mở và ông sẽ xứng đáng hưởng những vinh dự dành cho một người quân nhân gương mẫu.

Nếu ông thua kiện và có đủ bằng chứng về các tội phạm chiến tranh, thì tòa án sẽ trao các chứng cớ cho các cơ quan công tố hầu truy tố về hình sự.

Bài học cho cá nhân các quân nhân cũng như tập thể quân đội trong một nước Việt Nam dân chủ tương lai là: ngoài sự dũng cảm trên chiến trường để bảo vệ tổ quốc, người quân nhân còn có trách nhiệm quan trọng hơn là: sống và thể hiện trong mọi tình huống những giá trị nhân bản cốt lõi của dân tộc Việt. Đó chính là chặn đứng độc tài, đứng về phía nhân dân, trân trọng sinh mạng và nhân phẩm của từng cá nhân con dân nước Việt.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo