- Pháo đài, kẽm gai “nút chặn”... kín thành phố
- Dân được “mời ăn cỗ trên TV”!
Đúng vào lúc Phó Tổng Thống Mỹ, bà Harris đến Hà Nội tối 24/8 trong chuyến thăm Việt Nam 3 ngày, thì 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7 một ngày trước đó, đã phải đối mặt với “giặc CoVid vô hình” tại Sài Gòn và một số Tỉnh Miền Nam. Trong lúc áp lực dịch bệnh vẫn tăng đến mức 369.267 người, hơn hôm trước gần 11 ngàn người; số người chết thống kê được đã lên đến 9.014 người. Hàng ngũ lãnh đạo tại Ba Đình bối rối, họp bàn khẩn cấp, đưa ra quyết định “trảm Tướng tại mặt trận”.
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ Tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, từng được ca tụng “thành công” diệt dịch năm ngoái, nay bị Nhóm 15 quan đỏ chóp bu của CSVN họp bàn hôm 24/8 cho là “yếu kém” bị “thay thế” khẩn cấp chức Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngay trong lúc ông Đam đang thị sát việc chống dịch CoVid trong Miền Nam. Từ nay, nhiệm vụ chống dịch sẽ do Thủ Tướng Phạm minh Chính đảm nhiệm.
Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng, qua phiên họp này cũng đưa ra chỉ thị, các Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong đó có “thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.”
Một ngày trước đó (23/8), Quân đội sẽ thành lập tại phường, xã 312 pháo đài theo màu sắc tùy mức an hay nguy "xanh, đỏ, vàng" để giữ vững, mở rộng các phường "vùng xanh"; cô lập, thu hẹp "vùng đỏ", "vùng vàng".
Ngoài Sài Gòn, Thủ Đô Hà Nội và một số Tỉnh trong Nam cũng áp dụng lệnh “ai ở đâu ở yên đó”.
Sau 43 ngày Sài Gòn bị phong tỏa theo chỉ thị 16 rồi 16 tăng cường, trưa 20/8 báo Nhà Nước đồng loạt lên tin từ ngày 23/8 "ai ở đâu ở đó", bác tin đồn "lockdown - đóng cửa toàn thành phố".
Dân chúng Sài Gòn mỉa mai là chính quyền cứ loanh quanh “chơi chữ”: "Lockdown - đóng cửa hoàn toàn - là tin đồn, chỉ là "ai ở đâu ở đó!", mà không dám nhìn nhận hai tuần tới sẽ là tình trạng khẩn cấp hoặc thiết quân luật.
Mặc cho các “quan đỏ” quanh co và hứa hẹn, quân đội sẽ đem thực phẩm đến từng nhà (đừng mơ được miễn phí, vì các báo tối 20/8 đã nói thẳng: cung ứng theo 2 hình thức: Người dân tự trả tiền và được hỗ trợ miễn phí).
Hai ngày 21 và 22/8 dân chúng Sài Gòn và nhiều thành phố lân cận “náo loạn” rồng rắn xếp hàng vào các siêu thị, là do nhiều lần chính quyền bội tín, dân không còn tin vào sự tuyên truyền của truyền thông nhà nước nữa, sau vài vụ "bác tin đồn" là tin đồn biến thành sự thật, nên cứ có chỉ thị mới là ai nấy lo thủ trước phần mình cho chắc ăn.
Nhưng nhiều người xếp hàng 4 tiếng đồng hồ mới vào được bên trong siêu thị, bỗng hỡi ơi, chẳng mua được gì, vì “hết hàng rồi”!
Một cách châm biếm, gần đây dân có câu cửa miệng "lên ti vi mua thực phẩm” hoặc "lên ti vi lãnh tiền" (tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn) với hàm ý: "Đừng có mơ, làm gì có chuyện lên TV mà ăn cỗ!".
Người dân đã có quá nhiều kinh nghiệm cay đắng về kiểu “lọc lừa” 180 độ giữa thông tin màu hồng và thực tế tối đen từng được chế độ loan báo không biết ngượng trên truyền thông Nhà Nước. Hơn thế nữa ai cũng biết là bộ đội, công an vốn được huấn luyện chuyên nghiệp nhằm biểu dương sức mạnh trấn áp đối phương chứ nào phải để làm chuyện chi li nhỏ mọn là chợ búa.
Bộ Quốc phòng Việt Nam điều động các quân nhân trẻ tuổi vào mặt trận “chống giặc vô hình” là con Covid biến chủng Delta, ngay cả kinh hiển vi còn không trông thấy. Trong lúc từng đoàn virus bay nhởn nhơ trước hàng quân hùng dũng, chúng muốn “sà” vào hàng quân hay nút chặn thì dù là quân đội hay công an cũng vẫn trở thành “con mồi” thuận lợi cho virus sinh sôi.
Nhưng Quân Nhân thì phải chấp hành mệnh lệnh của các nhà chính trị: “quân đội sẽ xây dựng các chốt kiểm soát cùng các lực lượng khác như công an, hải quan, quản lý thị trường, y tế. Các cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ kiểm tra, tuyên truyền, kiểm soát ở các phố phường của thành phố.”
Quân đội phối hợp với Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, các cơ quan ban ngành của địa phương để đưa lương thực đến từng nhà dân”.
Trong thời gian 15 ngày, quân đội dự kiến đưa thực phẩm đến các gia đình hai lần. Ngoài ra, quân đội cũng triển khai nhóm “đi chợ” giùm cho dân chúng ở các siêu thị, cho những người có điều kiện để người dân không ra khỏi nhà.
Đội ngũ người giao hàng chuyên nghiệp lâu nay sẽ được lệnh tạm ngưng hành nghề. Đã có những người dân bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, lo lắng rằng quân đội không thể giao hàng được như những người giao hàng chuyên nghiệp trước đó, trong khi huy động một lực lượng đông đảo quân đội và công an vào thành phố dập dịch là một hoạt động rất tốn kém.
Tại Hà Nội, quân đội cũng sẽ tham gia công tác an sinh xã hội và hỗ trợ người dân tại các địa phương. Ngành y tế thủ đô đề ra phương án thu dụng điều trị 30.000 F0, bảo đảm 70.000 chỗ cách ly tập trung F1 và hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.
Sài Gòn, thành phố có gần 14 triệu dân, đóng gần 28% cho Ngân Sách Nhà Nước giai đoạn 2011-2019. Nay theo ước tính của Tổng Cục Thống Kê thì GDP của Sài Gòn ở vào hoàn cảnh “số âm chưa xác định”. Đại dịch tiếp tục tàn phá miền nam Việt Nam, đầu tầu Kinh Tế của cả nước bao phủ viễn ảnh mù tối cho đầu tư ít nhất là tương lai gần.
Tính đến chiều ngày 24/8 Sài Gòn có tới 186.119 người nhiễm Covid chủng mới Delta, và 7.580 người chết. Trên toàn quốc tại 62/63 Tỉnh, Thành số nhiễm bệnh là 369.267 người, chết 9.014.
Số người chết vì CoVid không thể hoàn toàn đúng với sự thật. Các bác sĩ đang trực tiếp điều trị đều cho biết, con số nhiễm và tử vong không kịp ghi nhận trong hệ thống, hoặc không được ghi nhận trong hệ thống như nhiễm và tự điều trị tại nhà, tử vong tại nhà, thậm chí con số tử vong thực tế trong các bệnh viện cũng đều cách rất xa con số “trong hệ thống”.
Nguyên nhân của việc này một phần do hệ thống y tế tại hai điểm nóng là Sài Gòn và Bình Dương… đã quá tải mọi mặt. Số người bệnh không được đưa vào bệnh viện là không thống kê được.
Chiều ngày 23/8, một video quay cảnh lò thiêu Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Sài Gòn có đến 50 xe chở xác chết đậu cặp bên ven lộ để chờ đến lượt hỏa táng.
Có thể công luận vĩnh viễn không bao giờ biết chính xác số người đã tử vong do COVID, vì không có các con số cập nhật kịp thời trong thời điểm đại dịch hoành hành khắp nơi.
Lâu nay, các bác sĩ, những người làm dịch vụ trong bệnh viện, tại các cơ sở mai táng được lưu ý không đăng các hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội. Ví dụ hình ảnh người bệnh nằm la liệt trong sân bệnh viện dưới trời mưa, nhiều người phải chui mình vào chiếc túi nilon để không bị ướt...
Với thực thế gần như khắp thành phố Sài Gòn, Bình Dương và một số Tỉnh Miền Nam đã là vùng dịch cực lớn, trong đó những điểm “xanh” chỉ lác đác như vài chấm nhỏ, tức nguồn lây đã lan rộng khắp nơi, vậy truy tìm nguồn lây còn có ý nghĩa thực tiễn gì? Và khi phát hiện được, thì “tách, bóc F0” mang đi chỗ nào? Bởi vì bệnh nhân gần chết còn nằm la liệt ngoài hành lang bệnh viện, thì “F0” mới tìm ra đem đến đâu chữa trị ?
Tình huống trên buộc hàng chục nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc làm. Nguy cơ phá vỡ hay đứt gẫy chuỗi sản xuất là rất lớn, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời,” ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Sài Gòn đã cảnh báo tại cuộc họp hôm thứ Sáu 20/8.
Sài Gòn và Bình Dương là các địa phương có nhiều công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất và xuất cảng nhất. Các nơi này là đầu tàu nuôi sống chế độ Hà Nội. Hai thành phố miền nam khác là Long An và Đồng Nai, cũng thư hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đang bị dịch nặng với 17,805 ca ở Long An và 17,688 ở Đồng Nai.
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) kêu gọi Chính phủ Việt Nam tập trung phân phối vaccine đến các tâm dịch, đặc biệt là Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận, là những vùng tập trung các khu công nghiệp, đóng góp rất lớn cho Kinh Tế đất nước.
Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham) đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho ngành logistics để giúp các cảng có đủ công nhân bốc xếp, giải tỏa cảng biển đang ứ đọng hàng hóa từ 3 tháng nay.
Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Nam Hàn (KoCham) và Hiệp hội doanh nghiệp Singapore (SBG) mong muốn miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách. Ngoài ra, SBG đề xuất miễn, giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp.
Mối quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tăng cao trước khả năng các biện pháp phong toả có thể kéo dài sau ngày 15/9 khi các ca lây nhiễm tiếp tục lây lan chóng mặt.
Việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” đã và đang khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí này đã phải ngừng sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp trong nước gặp khó với phương án trên bao nhiêu, thì các doanh nghiệp FDI cũng rơi vào tình trạng tương tự, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều.
Việc gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm trung gian kéo dài sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất thành phẩm, khiến doanh nghiệp FDI gặp khó khăn”. Nếu Việt Nam không sớm gỡ các nút thắt này, có nguy cơ kích hoạt làn sóng dịch chuyển FDI khỏi Việt Nam.
“Những ngày mà Việt Nam được toàn cầu hoan nghênh vì ngăn chặn một cách hiệu quả COVID-19 giờ đây dường như đã lùi rất xa”. Đó là nhận định về thành tích và chất lượng phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam vào thời điểm hiện nay, của tác giả Sebastian Strangio, Chủ biên Đông Nam Á của The Diplomat.
(24/8/2021)