Tương quan giữa các khái niệm cướp chính quyền và cướp sở hữu trí tuệ của người cộng sản - Dân Làm Báo

Tương quan giữa các khái niệm cướp chính quyền và cướp sở hữu trí tuệ của người cộng sản

LS Đào Tăng Dực (Danlambao)
- Vào tháng 3 năm 2021 công ty Microsoft đã phải ban hành những biện pháp khẩn cấp hầu khắc phục những lỗ hổng gây ra do những tin tặc trong đó có một nhóm lấy tên là HAFNIUM. Cuộc tấn công hầu như toàn diện này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sở hữu trí tuệ cho các đối tác toàn cầu của Microsoft.

Các đối tác này bao gồm không những hằng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân mà còn bao gồm các cơ quan chính phủ quan trọng và cơ mật, từ quốc phòng đến an ninh quốc gia.

Trước đó, vào tháng 3 năm 2020, SolarWinds là công ty cung cấp phần mềm giám sát mạng và hệ thống IT cũng bị tin tặc tấn công. Đối tác của SolarWinds cũng bao gồm các cơ quan chính quyền và hằng ngàn doanh nghiệp quốc tế thuộc các quốc gia dân chủ.

Một số quốc gia phát triển lên tiếng tố cáo các cơ quan an ninh Trung Cộng bảo chứng cho cuộc tấn công máy chủ Microsoft Exchange Server hầu đánh cướp những sản phẩm trí tuệ của chính phủ cũng như công ty tư nhân sở tại. Các quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Nhật Bản, Canada, Anh Quốc và khối Liên Âu.

Trước đó, Hoa Kỳ đã lên tiếng tố cáo Nga là chủ động và chủ trương các cuộc tấn công vào công ty SolarWinds. Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt Nga như trục xuất 10 nhân viên ngoại giao và phong tỏa tài chánh.

Câu hỏi đặt ra là:

Tại sao Liên Bang Nga (là hậu duệ của Liên Bang Sô Viết) và Trung Cộng (cũng là tập thể kế thừa di sản của Liên Bang Sô Viết) lại chủ trương các cuộc tấn công tin tặc hầu đánh cướp sở hữu trí tuệ từ các quốc gia phát triển như trên?

Muốn trả lời câu hỏi thật nghiêm chỉnh, chúng ta phải nhắc đến 2 khái niệm quan trọng và liên hệ mật thiết với nhau của học thuyết Mác Lê. Một là khái niệm “đấu tranh giai cấp” của Karl Marx và hai là khái niệm “cướp chính quyền” mà nhóm Bolshevik của Lê Nin chủ trương.

Trước hết, Karl Marx chủ trương rằng lịch sử vận hành qua một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa giai cấp tư bản (sở hữu các phương tiện sản xuất) và giai cấp công nhân (sở hữu sức lao động). Theo Karl Marx, trong bản chất, tài sản mà giai cấp tư bản sở hữu thật sự chỉ là những vật mà tư bản đánh cắp từ sức lao động của công nhân. Chính vì thế, giai cấp lao động sẽ đấu tranh không khoan nhượng hầu cướp giật lại sở hữu đó.

Sau đó, khái niệm “cướp chính quyền” do Lê Nin chủ trương trong cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 cũng phát xuất từ chủ trương đấu tranh giai cấp hầu cướp giật lại tài sản đó. Lý do là vì, theo quan điểm của Lê Nin, trong tất cả mọi tài sản guồng máy chính quyền là khối tài sản vượt trội nhất mà giai cấp tư bản đã cướp đi từ tay của giai cấp lao động. Chính vì thế, Lê Nin và những người cộng sản Bolshevik chủ trương rằng chính quyền không phải là một trách nhiệm cần gánh vác qua một cuộc bầu cử chân chính, mà là một tài sản cần cướp lấy, hoặc bằng vũ lực hoặc bằng mưu kế hầu có thể hưởng dụng.

Lịch sử chứng minh các quốc gia Tây Âu phát triển kinh tế và xã hội phồn vinh vượt bực vì chủ trương ngược lại rằng: tương quan giữa giai cấp tư bản và giai cấp công nhân là một tương quan tuy đối nghịch nhưng hỗ tương. Trong khi họ chủ trương thương thuyết và cộng tác chia xẻ quyền lợi giữa tư bản và lao động qua một quá trình dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, thì các quốc gia CS Đông Âu, dưới sự lãnh đạo của Liên Xô, lại chủ trương hận thù không khoang nhượng giữa 2 giai cấp, đưa đến độc tài toàn trị, chậm tiến và băng hoại xã hội.

Cuộc tin tặc SolarWinds do Liên Bang Nga chủ trương và cuộc tin tặc Microsoft Exchange Server do Trung Cộng chủ trương đều phát xuất từ 2 khái niệm đặc thù cộng sản nêu trên.

Tại Á Châu, các quốc gia như Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore chọn lựa công nhận sở hữu trí tuệ của các quốc gia Tây Phương, cộng tác và đóng góp trí tuệ của mình cho các phát minh mới, đều trở thành những con rồng của thế giới.

Trong khi các quốc gia như Nga, Trung Cộng, Bắc Hàn chủ trương cướp giật sở hữu trí tuệ, từ chối công nhận quyền sở hữu trí tuệ của đối phương và từ chối đóng góp tích cực phần trí tuệ của mình, đều chậm tiến hơn.

Trên bình diện chính trị, công cuộc cướp chính quyền của đảng CSTQ năm 1949, CSVN năm 1945 thật ra chỉ là những phiên bản của cuộc cướp chính quyền tháng 10 năm 1017 do CS Liên Xô tiến hành.

Xa hơn nữa, từ đó về sau, bất cứ cuộc tổng tuyển cử nào tại các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới như Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba hay Lào đều là những trò bầu cử lừa gạt. Thật ra các cuộc bầu cử giả hiệu này cũng đều là phiên bản trung thành của cuộc cướp chính quyền nguyên thủy tại Nga Sô năm 1917.

Các khái niệm chính trị mà Karl Marx lẫn Lê Nin cho là thông minh để giải quyết các xung đột xã hội, hầu xây dựng thiên đàng xã hội chủ nghĩa cho nhân loại, đã hiện nguyên hình là những tà niệm ngu xuẩn nhất, đưa đến những tai họa không tiền khoáng hậu cho các dân tộc bị cộng sản cai trị.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo