Gần 9 triệu dân đói khổ, Dân than “Quan yếu kém”, Quan trách “Dân thờ ơ” - Dân Làm Báo

Gần 9 triệu dân đói khổ, Dân than “Quan yếu kém”, Quan trách “Dân thờ ơ”

Trần Nguyên Thao (Danlambao)
- Gần cuối tháng 8, tình hình đại dịch CoVid chủng mới Delta tại Việt Nam được Thủ Tướng Phạm Minh Chính đánh giá là “còn rất nghiêm trọng”, ông đổ lỗi tại người dân phía Nam “lơ là, chủ quan, mất cảnh giác” đưa đến tình huống hiện tại: tính đến 20/8 đã có 323.263 ca nhiễm từ khi lâm vào đại dịch đợt 4 (27/4), trong đó có 7.540 tử vong. Sài Gòn vẫn có số người nhiễm CoVid cao nhất 168.954 ca và có đến 6.071 người chết. Bệnh viện và các lò thiêu xác chết đã quá tải. Cùng ngày Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội (LĐ&TBXH) báo động có đến 8,6 triệu người đang đói tại 24 Tỉnh cần được giúp gạo khẩn cấp. Kể từ thứ Hai 23/8, dân Sài Gòn phải sống trong tình trạng “ai ở đâu ở yên đó” cho đến ít nhất là giữa tháng 9 tới đây.

Đáp lễ những cáo buộc của Thủ Tướng Phạm Minh Chính, theo Đài VOA quan sát, [1] có những người bày tỏ bất bình trên mạng xã hội về những nhận xét do Thủ tướng Chính công khai nêu ra trong phiên họp của Chính Phủ hôm 18/8:

Trong số những người đó, hai Facebooker Nguyễn Đình Bổn và Ngô Nguyệt Hữu có hàng trăm ngàn người theo dõi cho rằng dịch dã tràn lan, người dân đói kém mới phải liều mình, nếu nhà nước lo cho dân đủ sống, không ai ra đường làm gì, vì vậy, chính quyền cần phải nhìn nhận cái yếu kém của mình thay vì đổ lỗi cho dân.

Giáo sư Mạc Văn Trang, hiện sống ở Sài Gòn, có chung quan điểm rằng không nên quy lỗi cho người dân.


Ông Trang phân tích với VOA, công tác phòng, chống dịch của thành phố trong hơn 1 tháng rưỡi qua, cho thấy họ máy móc về giãn cách xã hội, ngăn sông cấm chợ gây ra hỗn loạn, bức xúc trong nhân dân.

Chính quyền cũng đã làm ngược đời khi không chuẩn bị trước về hỗ trợ, cứu trợ cho những người khó khăn, không có thu nhập nên khi áp dụng lệnh giãn cách từ ngày 2/8 đến 15/8, nhiều người dân không thể cầm cự và hốt hoảng sơ tán khỏi thành phố.

Tuy nhiên, vẫn theo lời Giáo Sư Trang, chính quyền không rút kinh nghiệm, do đó khi họ tuyên bố tiếp tục giãn cách từ 15/8 đến 15/9, họ đã gây ra cơn hoảng loạn lần thứ hai cho những người đã bám trụ qua đợt giãn cách lần trước, nhưng giờ không thể tiếp tục ờ lỳ nữa, họ đành phải thoát thân, vì không còn gì ăn, không có tiền trả cho chủ nhà.

Giáo Sư Trang nhận xét “Thực ra đó là thiết quân luật, người ta đã đói không có gì ăn thì làm sao được. Cái lỗi đó chính là ở chính quyền. Chính quyền bối rối nên đưa ra những chủ trương ngược đời. Đáng lẽ khi tuyên bố có những giãn cách như thế thì đồng thời phải có hỗ trợ ngay thì người dân sẽ yên tâm. Nhưng chính quyền lại ra lệnh giãn cách trước, 2 tháng không hỗ trợ gì cả, người ta hết tất cả các nguồn lực rồi, cho nên nhiều tình cảnh rất là thương tâm. Tôi nghĩ đổ tại người dân là không đúng. Cái này chính quyền phải xem lại”.

Giáo sư Trang cũng chỉ ra một thực tế rằng những tiếng nói phản biện, chỉ trích của người dân và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đối với các chính sách và hành động của chính quyền về phòng, chống dịch và lo an sinh cho người dân đang mang lại kết quả.

Theo giáo sư Trang, tuy còn chậm nhưng chính quyền đã và sẽ khắc phục, thay đổi. Một ví dụ có thể thấy được là việc chính quyền Hồ Chí Minh giờ đây giúp vô điều kiện cho những người dân thiếu đói thay vì đòi hỏi họ phải có xác nhận về thất nghiệp hay phải có hộ khẩu, chứng nhận tạm trú...

Báo chí Việt Nam tường thuật hôm 18/8 rằng thành phố Sài Gòn sẽ hỗ trợ “vô điều kiện 1 triệu đồng và 10 kg gạo” cho mọi người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không để ai đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc.

Ngày 19/8, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội loan báo, đã đề nghị Chính phủ cấp 130 nghìn tấn gạo để hỗ trợ khẩn cấp cho 8,6 triệu người dân tại 24 tỉnh, thành [2]. 
 

Hôm sau (20/8) báo Nhà Nước cho hay, Chính Phủ đã xuất 130.175,67 tấn gạo trong kho Dự Trữ Quốc Gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Các Tỉnh ước tính số người đói còn tiếp tục gia tăng. Vì vậy, các đia phương nói là số gạo trên 130 nghìn tấn chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cứu đói cho dân chúng.

Nhằm đề phòng mọi bất trắc cho an toàn của chế độ, CSVN dựa vào đại dịch tiếp tục lây lan nhanh chóng để đưa ra quyết định mới, từ 23/8 tới đây mọi người dân trong thành phố Sài Gòn phải tuân hành chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó” cho đến giữa tháng 9. [2] Lực lương an ninh và Quân Đội được huy động để cung cấp thực phẩm tại nhà cho dân.

Chưa có chi tiết gì thêm về việc tổ chức cung cấp thực phẩm cho thành phố Sài Gòn, nơi có đến gần 14 triệu dân sẽ thực hiện ra sao.

Trên mạng xã hội, người ta thấy lưu hành ảnh những chiếc xe bọc thép của quân đội đậu trên nhiều đường phố Sài Gòn mang không khí “chiến tranh trên góc phố”. Hình ảnh hiếm hoi này tạo ra nhiều bình luận xôn xao trên Facebook. Khi hàng triệu người đói và nổi loạn thì sự bất ổn xã hội có thể kéo theo cái chế độ mà ai cũng muốn nó biến đi. Hà Nội hình dung được hệ quả của tình thế nên đã ra tay trước chăng?.

Hôm 17/8, trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có đề nghị lấy tiền từ Quỹ Bảo Hiểm Thất Nghiệp còn đến 89.141 tỷ đồng cho các địa phương tiêm vắc xin Covid-19 hoặc hỗ trợ để bảo đảm cuộc sống cho công nhân lao động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản của tất cả các quỹ bảo hiểm là “đóng - hưởng”, có đóng thì mới có hưởng, ai đóng thì người đó hưởng. Quỹ Bảo hiểm mà chi việc khác là tôi bỏ phiếu chống. [4]

Sự việc này cho thấy dường như bên Ngân Sách Nhà Nước (NSNN) cạn tiền đến nơi, nên muốn qua phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ “đánh tiếng” sẽ mượn quỹ BHXH như năm 2015 đã vay 324 ngàn tỷ [5] . Sau đó, Chính Phủ chỉ có khả năng hoàn lại bằng trái phiếu. Sự việc này đưa đến mất lòng tin của giới lao động; ngày nay nhiều người bất mãn không chịu đóng bảo hiểm tiếp.

Báo CafeF hôm 19/8 loan tin, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thuế, ông Cao Anh Tuấn dự báo ngân sách nửa cuối 2021 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Bởi vì, 22 tỉnh thành đang giãn cách xã hội cũng là những tỉnh, thành có nguồn thu chiếm tới 64% tổng thu NSNN (Saigon, Hà Nội, và 20 Tỉnh Miền Nam). Đây chính là thực tế Ngân Sách bị đe dọa.


Qua các sự việc vừa dẫn, thì điều mà dân chúng than “chình quyền quá yếu kém” là nhận xét đầy thuyết phục. Bởi vì bằng vào 2 sự việc mới diễn ra dưới đây của CSVN dân chúng biết là đảng cầm quyền ở vào 1 trong 2 tình trạng: không có tầm nhìn chiến lược, hoặc hành động chỉ vì quyền lợi của đảng.

Trong mục Thời sự hôm 17/8, Đài RFA có bài viết dưới tiêu đề “Mua thêm điện của Lào, Việt Nam ký giấy khai tử Đồng bằng Sông Cửu Long”? [6] Theo đó, Việt Nam và Lào đã ký kết 3 biên bản ghi nhớ (MOU), sẽ mua từ 3.000-5.000 Megawatts điện từ các đập thủy điện của Lào trong vòng 10 năm tới. Giới khoa học môi trường lâu nay chứng minh các đập thủy điện xây dựng trên dòng chính sông Mekong chảy từ Vân Nam bên Tầu qua đất Lào đang gây bất lợi cho hạ nguồn, nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long.

Được biết, Việt Nam từng phản đối những dự án thủy điện trên sông Mekong do tác hại đến đồng bằng sông Cửu Long, nay trở thành vị trí nhà đầu tư vào việc xây dựng một dự án lớn như đập Luang Prabang là một quyết định quay 180 độ.

Kỹ Sư Đỗ Tùng từng tham dự nhiều hội nghị chuyên ngành Điện phân tích “Công nghệ thủy điện hiện đang lỗi thời vì ô nhiễm môi trường và sinh thái. Việt Nam khi mua điện của Lào là tự đặt mình vào thế có thể nói là nhập nhằng, không có lập trường dứt khoát. trong việc bảo vệ Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi gần 20 triệu dân sinh sống”

Việt Nam sẽ xem xét cắt giảm diện tích trồng lúa nếu giá ngũ cốc giảm hơn nữa. [7] Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp -Phát Triển Nông Thôn, Lê Minh Hoan cho biết như vậy hôm 18 tháng 8. Ông Hoan không nói sẽ cắt giảm bao nhiêu diện tích, nhưng theo báo chí Nhà nước, diện tích trồng lúa có thể giảm 5,4% xuống còn 3,5 triệu mẫu vào năm 2030. Đây là quyết định có tính cách liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, không thể chỉ vì giá gạo giảm mà lại cắt diện tích trồng lúa.

Quan sát các động thái của CSVN dân chúng đều thấy mọi việc đã quá rõ ràng.

20 Aug.

Tham khảo:










Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo