10 năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu - Dân Làm Báo

10 năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu

Hiền Anh (Baomoi) - Cơ chế bầu cử nặng về khâu cử, nhẹ về khâu bầu khiến cử tri không nhớ nổi tên người mình đã bầu và tạo ra những nghị sĩ hiền lành, rụt rè.

"Người dân không tỏ rõ tình cảm vui mừng, xúc động, sung sướng khi thấy một ai đó trúng cử. Cơ chế bầu cử hiện nay nặng về khâu cử, nhẹ về khâu bầu nên người dân thường nói: 10 năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu", PGS-TS Thái Vĩnh Thắng, chủ nhiệm khoa Hành chính - Nhà nước, ĐH Luật Hà Nội.

Để dân không chọn nhầm

Nhận xét không ít đại biểu trúng cử không quan tâm đến cử tri nhiều bằng quan tâm đến các cấp lãnh đạo vì việc quyết định họ có được tái cử hay không phụ thuộc chủ yếu vào tổ chức, đại biểu làm việc ở một nơi nhưng lại ứng cử ở nơi khác nên cử tri không nhớ nổi họ tên người mình đã bầu, ông Thắng cũng cho rằng cách thức bầu cử hiện nay tạo ra các nghị sĩ "hiền lành và rụt rè".

 

Cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XII, tháng 5/2007. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong khi, nghị sĩ các nước trên thế giới thường chỉ trích thẳng thắn khi Chính phủ không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, thì đại biểu QH ở Việt Nam còn đắn đo, cân nhắc vì sợ phật lòng cấp trên sẽ ảnh hưởng đến con đường công danh và đôi khi sợ ảnh hưởng đến lợi ích của địa phương mình.

Một phép so sánh nữa của TS Thắng, đó là các ứng cử viên nghị sĩ phải ra tranh cử, phải có đam mê công việc của nghị sĩ, mong muốn trở thành nghị sĩ và phải bằng chương trình hành động cụ thể để chứng tỏ cho cử tri khả năng làm nghị sĩ của mình. Thông qua quá trình vận động bầu cử, họ thuyết phục người khác bỏ phiếu cho mình, bỏ nhiều thời gian công sức và đôi khi cả tiền bạc mới được trở thành nghị sĩ. Còn ở Việt Nam, nhiều ứng viên không thực sự muốn hoặc không có đam mê làm nghị sĩ nhưng do vị trí công tác hoặc do cơ cấu mà tổ chức sắp xếp làm đại biểu QH. Sau khi được bầu, họ thường không có một chương trình hoạt động của cá nhân mà tất cả đều gắn với sự phân công của QH, nếu không hoàn thành nhiệm vụ (ngoại trừ phạm tội) thì cũng không phải chịu một sức ép nào từ phía các cử tri bầu ra mình.

Chia sẻ với ông Thắng khi cho rằng vận động tranh cử có thể được coi là linh hồn của bầu cử, PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, cũng ở ĐH Luật Hà Nội, nhận định nếu chỉ nhìn từ các quy định pháp luật về quyền bầu cử, ứng cử của công dân, các nguyên tắc bầu cử, số lượng cử tri tham gia bầu và tỷ lệ số phiếu trúng cử của các đại biểu thì có thể khẳng định chế độ bầu cử ở Việt Nam là rất dân chủ.

Song thực tế, sự quan tâm của một bộ phận dân chúng đối với các hoạt động bầu cử đại biểu QH chưa cao. Một số người xác định việc đi bầu chỉ như là một "nghĩa vụ" chính trị, làm cho xong chứ chưa quan tâm tới việc tìm hiểu đầy đủ về các ứng cử viên mà họ sẽ bầu và kết quả của cuộc bầu cử. Điều này có thể do sai lầm trong suy nghĩ của những người đó cho rằng "ai trúng cử cũng được" hoặc mọi việc đã an bài. Song cũng phải thừa nhận là điều kiện để cử tri hiểu biết về ứng viên mà họ sẽ lựa chọn chưa nhiều.

Theo ông Đoan, thông tin trong danh sách trích ngang về ứng viên thường rất sơ sài chỉ gồm tên tuổi, quê quán, nơi đang làm việc, học vấn hoặc trình độ chuyên môn và chức vụ đang đảm nhiệm, còn phần mà cử tri quan tâm nhất là năng lực làm việc, đạo đức, lối sống... thì hầu như không có.

"Để dân không chọn nhầm thì quan trọng nhất là thông tin hai chiều giữa cử tri và ứng viên. Ứng viên phải có điều kiện thông tin cho cử tri về những gì họ có, đặc biệt là những gì họ có thể mang lại cho cử tri, cho đất nước khi họ trúng cử. Ngược lại, cũng tạo điều kiện cho cử tri trao đổi, kiểm tra, thậm chí "hạch sách" đối với các ứng cử viên mà họ trao quyền lực để cử tri yên tâm, tin tưởng khi quyết định khi bỏ phiếu", ông Đoan nói.

Vận động tranh cử vẫn còn xa lạ

Với quan điểm "bầu cử được xem là một hoạt động điển hình của việc thực hiện cơ chế dân chủ", TS.Trương Thị Hồng Hà, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh lại nhận thấy căn cứ vào các quy định pháp luật thì hoạt động vận động bầu cử chưa được xem là nhu cầu tự thân của người ứng cử. Chính vì vậy, càng thấy xa lạ với cụm từ "vận động tranh cử" theo quy luật đáng phải có trước mỗi kỳ bầu cử. Bởi lẽ, vận động bầu cử chưa được xác định đúng vai trò, ý nghĩa của nó trong việc giúp cử tri xem xét, nghiên cứu, lựa chọn để bầu ra người đại diện cho mình. Hoạt động vận động bầu cử không chứa đựng yếu tố cạnh tranh mà diễn ra một cách thụ động, theo chương trình kế hoạch của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Pháp luật về bầu cử cũng chưa xác định được thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc của hoạt động vận động bầu cử cũng như chưa xác định được cụ thể các hành vi không được vận động mà mới chỉ quy định về nguyên tắc. Do đó, trong thực tế vận động, khi có những vấn đề đặt ra như người ứng cử có được ủng hộ về tài chính cho địa phương nơi mình ra ứng cử không? Có được trao đổi trên mạng xã hội như Facebook không? Ứng viên có được phản biện lại bản dự kiến chương trình hoạt động của những ứng viên khác không?

Do đó, theo bà Hà, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử để hoạt động vận động bầu cử phải được diễn ra theo đúng quy luật, để cử tri nắm được thông tin trung thực về ứng viên, từ đó đưa ra sự lựa chọn chính xác những người đại diện cho mình thực hiện quyền lực nhà nước.

Hiền Anh

http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/vietnamnet.vn/10-nam-phan-dau-khong-bang-mot-lan-co-cau/6190710.epi



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo