Bảo bảo tàng tàng: 2.300 tỉ đồng - Vỏ đã có, ruột vẫn chờ - Dân Làm Báo

Bảo bảo tàng tàng: 2.300 tỉ đồng - Vỏ đã có, ruột vẫn chờ

SGTT.VN - Tủ trưng bày trống trơn, hiện vật dầm mưa dãi nắng ngoài trời, dây điện đi nổi loằng ngoằng trên sàn… là hình ảnh của bảo tàng Hà Nội sau gần nửa năm khánh thành đúng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Những hình ảnh đó cộng với sự thưa thớt của khách tham quan khiến dư luận thở dài về một công trình văn hoá trị giá đến 2.300 tỉ đồng.

Đến khi nào bảo tàng Hà Nội mới thực sự đạt đúng tầm vóc một công trình văn hoá quan trọng của thủ đô? Ảnh: Marcus Bredt


Trước đó, lời tuyên bố của bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc rằng công trình này là một sự lãng phí, đã dấy lên cả một cuộc tranh luận còn chưa có hồi kết trong giới chuyên môn và các nhà quản lý văn hoá.


Ông giám đốc bảo tàng Hà Nội cho biết công trình mới chỉ hoàn thành phần xây dựng và khai trương để kịp cái đích đại lễ, sau đó sẽ... đóng cửa để hoàn thiện công tác trưng bày. Thậm chí nghe nói mặc dù có nhà tư vấn khá chuyên nghiệp từ New Zealand tham gia, nhưng phần nội dung của công trình vẫn đang trong giai đoạn xây dựng đề cương và đang tiếp tục sưu tầm hiện vật.

“Để xây dựng và hoàn thành một công trình bảo tàng, mất 20 tới 30 năm là bình thường. Nhưng trong khoảng thời gian đó, phải song song thực hiện cả hai việc: triển khai các công việc cho phần vỏ (vị trí xây dựng, các thủ tục hành chính, kinh phí…), đồng thời dựng nên phần lõi cho công trình (nội dung trưng bày, phương pháp trưng bày, hiện vật, kế hoạch hoạt động…) Đó là cách mà những bảo tàng như bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Quân sự Việt Nam… đã làm. Và đó cũng là quy trình chung cho bất cứ bảo tàng nào trên thế giới. Không tuân thủ quy trình đó, bảo tàng kém chất lượng và không thu hút được khách tham quan là tất yếu” – đây là phát biểu của phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, uỷ viên hội đồng Di sản quốc gia, nguyên giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Giới làm bảo tàng trong nước bảo rằng quy trình khoa học để một bảo tàng ra đời ai cũng biết. Nhưng xây xong nhà mới lo trưng bày chẳng phải chuyện riêng gì của bảo tàng Hà Nội. Như PGS.TS Võ Quang Trọng, giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ trong buổi toạ đàm của bảo tàng này nhân ngày Quốc tế bảo tàng 18.5 vừa qua, thì “cái gốc thực trạng của bảo tàng Hà Nội và nhiều bảo tàng khác ở nước ta là tư duy. Vẫn là hành động xây một công trình và đặt vào đó những hiện vật. Nhưng nếu chúng ta làm điều đó một cách máy móc hoặc vì một sự “nhân dịp” sẽ rất khác về hiệu quả so với việc chúng ta làm để tạo nên một nơi lưu giữ và phát huy giá trị của ký ức”.

Trên một tờ báo gần đây, vị phó giám đốc của bảo tàng Hà Nội cho biết hiện bảo tàng đang chứa khoảng 60.000 hiện vật, số lượng đủ “lấp đầy” bốn tầng của công trình. Một con số hiện vật có thể nói là không hề nhỏ, vậy sao vẫn cứ loay hoay chưa thể vận hành như một bảo tàng thực sự? Hay vì công trình lớn đã được xây dựng bằng một lối tư duy chưa đủ lớn?

Dung P.

http://sgtt.vn/Kien-truc-doi-song/Chi-tiet/145053/Vo-da-co-ruot-van-cho.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo