Cảm xúc Sài Gòn những ngày sau "giải phóng" - Dân Làm Báo

Cảm xúc Sài Gòn những ngày sau "giải phóng"

Hòa Bình (danlambao) - Tháng 10 năm 1974, anh trai tôi nhập ngũ. Sau 2 tháng học quân sự ở Hà Băc được tăng viện cho chiến trường Miền Nam. Gia đình tôi bặt tin anh từ đó. Sau này được biết anh chưa vào đến nơi thì Sài Gòn "giải phóng".

Tháng 7-1975 gia đình tôi về Nam vì ba tôi là người tập kết.

Ô tô chạy mất 5 ngày. Đường xá từ Vinh đến Tây Ninh còn ngổn ngang xác đạn, xác xe tăng. Từ Quảng Trị trở vào đường đi hố bom lỗ chỗ, đất cát trộn với mảnh bom đạn. Tiếc là thời đó quá nghèo và quá bé đã không có 1 tấm hình nào để lại.

Tuổi thơ của chúng tôi với những năm tháng đói nghèo ở Miền Bắc. Đói và đói triền miên,trên đầu thì bom gào đạn réo, đến lớp học ai cũng phải đội mũ rơm (tự làm) để tránh mảnh bom,đi sơ tán ra khỏi Hà Nội, hết bom đạn lại về. Cuộc sống ở những khu tập thể trói buộc người ta trong hạn chế tị hiềm và ganh ghét. Hàng xóm sống với nhau rất kín kẽ và thăm dò.

Gia đình tôi dừng lại ở Huế 1 ngày 1 đêm. Huế với tôi tháng 7 năm 1975 là Huế rất thơ mộng. Những căn biệt thự trên đường THĐ phủ đầy hoa giấy màu trắng và màu hồng. Buổi sáng từng đoàn học sinh mặc áo dài trắng ngồi trên những chiếc xe đạp mini đến trường trong mùi hương thơm tỏa của hoa dạ ly hương. Huế như chưa từng có chiến tranh đi qua đây.

Huế năm 2009 với tôi là Huế buồn rầu, xơ xác : chợ Đông Ba, lăng Tự Đức, lăng Khải Định vẫn nằm im u uất, sông Hương cạn kiệt nước và ô nhiễm.

Ô tô qua cầu Bình Triệu, vào sân của cơ quan sở ngoại vụ đằng sau nhà thờ Đức Bà, tôi vội vã rời khỏi xe để ngắm hết nhà thờ Đức Bà, lại đến Dinh Độc lập. Cũng may Dinh Độc Lập bị phá hủy nhiều và vẫn còn giữ được nguyên bản của nó.

Một góc Sài Gòn trước năm 75

Sài Gòn mở cho tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: đường Pasteur, đường Tự do, đại lộ Nguyễn Huệ rực sáng ánh đèn neon về đêm, rạp hát Ê đen, quán cà phê Givral đã để lại bao nhiêu dấu ấn cho người Sài Gòn.

Năm 2009, nhà hát lớn thấy có thêm 2 bức tượng đá đỡ quả cầu, công viên trước tòa đô chính không còn là công viên mở rộng tầm mắt cho người ta ra đến bến Bạch Đằng, nó bị cắt vụn ra bỏi những bưc tượng, những chậu cây kiểng trông rất manh mún. Đau đớn nhât là hàng ngày với những mẩu tin: quán Givral đã bị giật sập, khuôn viên trường Lê Quý Đôn bị thu hẹp bởi các dự án... nếu chiều hướng cứ tiếp tục như vậy không hiểu những thế hệ tiếp theo sẽ còn gì để biêt thêm về những trang sử đầy hào hùng cũng đầy bi thương của thế hệ cha anh chúng ta. Dường như những người du nhập vào Sài Gòn cũng chỉ muốn Sài Gòn như một chỗ nghỉ lưng và khai thác. Sài Gòn không được chăm bẵm tu bổ, Sài Gòn ngày càng xuống cấp, con đường Duy Tân “cây dài bóng mát“ ngày xưa nay còn đâu, vỉa hè những con phố thì khập khiễng tróc lở, dây điện giăng mắc khắp nơi, dọc theo tòa đô chính phía thư viện quốc gia vào những ngày trời nắng mùi xú uế bốc lên nồng nặc.

Ba tôi và những người cô, ngừơi bác tập kết ra Bắc trở về thấy tình cảm với cô và chú tôi ở Sài Gòn cũng không sâu đậm lắm. Chú tôi nhỏ tuổi hơn ba nhiều vì vậy sau khi những người lớn đi vào rừng và tập kêt ra Bắc, chú tôi chọn lên Sài Gòn lập nghiệp. Là hiệu trưởng 1 trường tư thục nhưng chú thím tôi có cuộc sống khá giả, thím không phải đi làm, các em đựoc chăm sóc và nuôi dạy rất tốt. Một thời gian sau tôi trở lại căn nhà bên trường PĐP có mảnh sân có cây mận tỏa bóng thì biết được chú thím và các em tôi đã vượt biên và đến Uc Định cư. Đến nay thì các em tôi đều rất thành đạt, chẳng biết chú thím tôi có yêu quí những đứa cháu từ Miền Bắc trở về hay không`?

Từ năm 1975 đến 1979 tôi học trường Gia Long sau này đổi tên trường Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi vô cùng thán phục nền giáo dục của SG. Thầy cô thì rât cao cả và các bạn hữu của tôi được giáo dục một cách tỉ mỉ về kiến thức và đạo đức. Phần lớn các bạn đều đang có ba bị đi "học tập cải tạo" ?!

Và mỗi ngày. mỗi ngày là những trang nhật ký được lưu lại, mỗi ngày đến lớp lại vắng đi một người, làn sóng người di tản ngày càng nhiều lên sau ngày được... giải phóng. Cho đến bây giờ đã 36 năm trôi qua, tôi chưa hề có1 cuôc hội ngộ nào với các bạn nữ sinh Nguyễn Thị Minh Khai thuở trước. Không biết cô Tỵ hiệu trưởng, cô Mỹ Hạnh dạy anh văn có còn ở đó, những cây phượng ở góc sân trường có còn nở đều đặn mỗi khi hè về.

36 năm đã qua đi, về lại Sài Gòn tôi vẫn thây rất nhiều người nghèo khổ lầm lũi đi tìm kế mưu sinh trong những núi rác của thành phố.

Sài Gòn giàu có chỉ là của một số ít rất ít người.

30 ttháng 4 theo tôi chỉ có đau đớn, chia ly và mất mát, với từ 3 đến 5 triệu người việt chết và mất tich, với bao nhiêu bà mẹ miền Bắc đến nay đã 60, 70 tuổi hàng năm mỗi độ xuân về vẫn ngóng xem người thân có trở về. Bởi ở nghĩa trang quân đội có phần mộ của họ, nhưng hài cốt thì không có, họ vẫn cố tin rằng người thân của họ vẫn ở đâu đó. Với những mộ phần của các chiến sĩ VNCH vẫn nằm cô đơn lạnh lẽo trong nghĩa trang Quân đội Biên Hòa

Chiến tranh đã qua đi 36 năm,chừng nào thì chúng ta mới có một ngày vui tươi chung cho 86 triệu người dân ở trong nước và hơn 3 triệu người Việt Nam hải ngoại? Câu trả lời nằm ở sự bao dung trong môi chúng ta.

Hòa Bình
http://danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo