Khó thể quên ‼! (Phần 5) - Dân Làm Báo

Khó thể quên ‼! (Phần 5)

Hành Khất (danlambao) - Còn lại gì sau cuộc chiến tương tàn nhau, và mãi thù hận nhau ? Tại sao chúng ta không đủ cam đảm cầm lấy tay nhau, xem lại vết thương bởi viên đạn vô tình nào đó ? Tại sao chúng ta cứ mãi chạy theo những mơ hồ của chủ thuyết nào đó, mà chính nó đã bị loại bỏ gần khoảng 20 năm qua bởi chính người sáng tạo ? Chúng ta không cần chủ nghĩa gì cả. Điều mà chúng ta cần nhất hôm nay là tình dân tộc, đúng nghĩa nhất ! Vâng, chúng ta chỉ cần tiếng nói đó, cũng đủ khiến cho vạn vạn giọt lệ rơi như mưa lệ trên "Vành Khăn Tang" hôm nay. Để tấm thân không toàn vẹn của chiến binh được rung cười theo từng mạch máu, dù đã già nua hơn trong chờ đợi âm thầm. Để sẽ không bao giờ lần nữa, anh em không muốn nhìn nhận lại nhau ! Để Diên Hồng luôn là sức mạnh xua đuổi ngoại bang. Để một lần nữa, chúng ta khóc với nhau trong mừng vui như thác đổ : Việt Nam Tự Do! ...


G. Khôi phục khu đất thiêng liêng : 

Trong những năm qua, người Việt hải ngoại cũng đã cố gắng bằng cách nầy hay cách khác với hy vọng khôi phục khu đất thiêng liêng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (NtQdBH): qua thương lượng (đề nghị), hoặc trao đổi (mua bán bất động sản). 

Vì qua những chính sách quy hoạch của nhà cầm quyền vào thời điểm năm 1980 đã biến Nghĩa Trang Quân đội Mạc Đĩnh Chi (7,5 hecta) thành công viên Lê Văn Tám, vào cuối tháng 04/1983, và san bằng Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp để bán cho hai công ty Nhật : Toyota, và Honda. Cũng như hàng loạt những Nghĩa trang Quân Đội, hay dân sự khác cũng nằm trong quy hoạch (nghĩa trang Chí Hòa_25 hecta, nghĩa trang Bình Thới_30 hecta, nghĩa trang Phú Thọ_40 hecta, và nghĩa trang Quân đội Pháp ở gần ngã tư Bẩy Hiền). Tất cả những nghĩa trang này với hàng trăm ngàn ngôi mộ đã bị đào sới, di dời và san bằng, không còn vết tích gì là nghĩa trang (theo vietnamnet). 

Bài viết "Nghĩa Trang Quân Đội VNCH", Đỗ Sơn, có nói đến 2 lá thư gởi ngày 30/4/2007, qua bộ ngoại giao Việt Nam, cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc khôi phục NtQdBH : một là của cựu Đại tá VNCH Vũ Văn Lộc, Giám đốc cơ quan IRCC, và thư khác của 

tổ chức Quốc Gia Nghĩa Tử Heritage (được thành lập ngày 15/4/2007, thoát thai từ tổ chức Quốc Gia Nghĩa Tử Foundation). Nhưng kết quả hoàn toàn thất bại ! 

Trong khoảng cuối tháng 9/2011, hàng loạt trang mạng xôn xao với bản tin về những lời tuyên bố của Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb về sự ủng hộ của ông trong vấn đề yêu cầu nhà cầm quyền đương thời cho phép khôi phục khu đất thiêng liêng, NtQdBH, ngoài ra tạo áp lực với nhà nước Việt Nam trong việc tìm binh lính Việt bị mất tích, không chỉ riêng với bộ đội mà cả những tử sĩ của VNCH qua chương trình viện trợ USAID của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Cùng quan niệm với Thượng Nghị sĩ Jim Webb, Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy cũng đồng lên tiếng ủng hộ (theo bbc.co.uk, 23/9/2011, "VN cần công bằng trong hòa giải") 

Được biết Cơ quan nầy đã đóng góp hơn 330 triệu đô la cho những hoạt động phát triển kỷ thuật tìm quân nhân mất tích và trợ giúp Việt Nam trong 10 năm qua (tính đến năm 2010). Và chỉ riêng năm 2010, Hoa Kỳ đã trợ cấp khoảng 1 triệu đô la cho việc nâng cao kỷ thuật khoa học cho các cán bộ nhà nước (theo bbc.co.uk, 19/11/2010, "Mỹ giúp VN tìm quân nhân mất tích")




Với khoảng trợ cấp như trên, trung bình là 33 triệu đô la mỗi năm, bắt đầu từ năm 2000, đó là chưa kể những chi viện thêm về kỷ thuật khoa học. Trong suốt 10 năm qua, với sự trợ giúp của "kẻ thù đế quốc Mỹ" Việt Nam đã tìm được một số lớn những bộ đội bị mất tích, mà không phải từ đồng chí Bắc phương, hay từ những nhà "ngoại cảm" quốc doanh. Bằng chứng là gần đây, trong khoảng 5 năm trở lại, xuất hiện vài trang mạng thông tin về những liệt sĩ được chôn cất (như teacherho.vnweblogs.com) và những nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng khắp nơi, từ xã đến huyện, tỉnh. Thậm chí, có vài nơi "dư giả" được nhận biết qua những nghĩa trang thật "hoành tráng", "mới cáo" , và "siêu đẹp" (như thị xã Bà Rịa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình, tỉnh Tiền Giang v.v)


Ngoài ra, theo phong trào dồn dập về nghĩa trang liệt sĩ, người ta nghĩ đến một "Nghĩa trang Tiên Cảnh" hiện đại nhất Việt Nam, với số vốn đầu tư chỉ khoảng… 17 triệu đô la theo dự án ban đầu (cũng có nghĩa sẽ dần tăng thêm sai kém vài chục triệu, như những dự án khác đã từng xãy ra vì nhiều lý do… không thể hiểu hay hiểu mà không thể giải thích hay giải thích được nhưng cũng phải lặng câm), có cây cỏ, suối nước, non bộ, hàng tượng Phật "khủng" dát vàng, trải gạch bông, đá hoa, cùng hoa thơm cỏ dại "công nghiệp", v.v. (theo vietbao.vn, "Công viên nghĩa trang hiện đại nhất Việt Nam", 21/08/ 2011). Và : 

"… Trong khuôn viên còn có những khu vườn bon sai, cây cảnh, hòn non bộ thiết kế theo mô hình Thủy Liêm động, Hoa Quả sơn, tượng Bát Tiên..." "…Tọa lạc tại xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành (Tây Ninh) "Sơn trang Tiên cảnh" nằm cách TP HCM khoảng 100km. Công viên nghĩa trang này được khởi công từ tháng 7/2009, sẽ khai trương vào ngày 27/8."

Nhìn qua công trình thiết kế dự án cũng khiến người ta "thèm chết" hơn là sống, vì được bước ngay vào Tiên cảnh như một thiên đàng… chủ nghĩa xã hội ! Nhưng dường như cái thiên đàng nầy chỉ dành cho giai cấp riêng biệt nào đó, mà chắc chắn rằng giai cấp nông-công thì không đủ điều kiện "vô đàng" ("vàng đô"), dù chỉ mon men đến… ngắm đỡ thèm ! 

Cơn bão kinh tế thị trường ở Việt Nam hôm nay còn mạnh hơn tsunami, thì một mảnh đất chỉ là 58 ha (theo Thủ tướng Dũng nói, nhưng theo tác giả Phong Thu viết theo lời Ban Quản Trang Dĩ An là 20 ha) cũng không đủ xây dựng "Sơn trang Tiên cảnh", thì dù có bị quy hoạch cũng chỉ được dùng vào dự án khác như là xây dãy nhà lầu Trung quốc, hoặc công trình nhà máy nào đó như đang bao quanh khu vực hiện nay. Chắc chắn, hai ông Nghị sĩ Hoa Kỳ cũng nhìn thấy điều đó và am hiểu không ít về "kinh tế thị trường" ở Việt Nam, nên mượn USAID gây áp lực với nhà nước. 

Thật ra, theo cách nhìn của nhà cầm quyền hôm nay, tất cả đất đai ở Việt Nam là thuộc về quyền tư hữu của nhà nước. Vì vậy, khó mà thuyết phục được nhà nước qua cách thương lượng, đưa đề nghị trùng tu NtQdBH như là một di tích lịch sử quốc gia hầu đem lại sự phát triển kinh tế cho huyện nhà qua những dịch vụ du lịch. Đó chỉ là số lợi được thu vào không đáng kể, dù giả sử có thuận tiện hơn so với những điểm du lịch khác ở khắp nơi. Không có điểm du lịch nầy, người Việt hải ngoại vẫn về Việt Nam thăm viếng bà con, gia đình, bạn bè, v.v. Còn qua cách trao đổi mua bán nhà đất, nhà nước cũng chẳng thu vào nhiều hơn là bán cho nhà đầu ngoại quốc, lại còn mang tiếng dị nghị, bị đưa ra bình luận trên khắp mấy trang mạng sau nầy. 

Nếu có thêm hậu thuẩn từ Hoa Kỳ, qua sức ép ngoại giao về tài trợ cho Việt Nam, đồng thời kết hợp hai phương pháp trên một cách uyển chuyển, và tế nhị, thì mới mong có chút hy vọng ở bước đầu. Những đoàn thể người Việt hải ngoại, trong mắt nhà cầm quyền, không có thẩm quyền gì để ra đề nghị, và nhất là họ không phải là những nhà đầu tư mạnh mẽ, dồi dào về tiền bạc, nên sự khôi phục NtQdBH chỉ là ảo ảnh. Tự ái cá nhân hay cộng đồng nên dẹp bỏ hơn là mục đích không bao giờ đạt được như mọi người mong muốn ! 

Giả như được phép khôi phục, trùng tu, NtQdBH vẫn có thể sẽ bị mất đi ít nhất là 67 hecta trước đó. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là điều đáng mừng, khó tưởng cho những thân nhân, bạn bè của người quá cố, và cả những người không quen biết hay chưa từng đặt chân lên vùng đất thiêng liêng lần nào. Và đó cũng sẽ là một bước đầu vụng về cho những bước tiếp theo trên con đường dân chủ đang mở rộng, luôn được sự nâng đỡ của đồng minh Âu Mỹ. Nếu Việt Nam thực sự muốn cất bước dù chỉ là rất nhỏ nhưng chắc chắn có cả dân tộc đang sẵn sàng phụ chống đỡ, họ sẽ vui lòng chịu bị đè bẹp để nâng đỡ cho những bước của thế hệ ngày mai. 

H. Lời bình kết : 

Chiến thắng nào cũng phải trả giá cho kẻ bại trận, dù đó là ai, không cùng dòng giống, nhưng họ vẫn là con người, không khác gì kẻ chiến thắng. Và thời thế cứ mãi xoay dần, không ai sẽ là kẻ chiến thắng mãi, hay vĩnh viễn là kẻ chiến bại. Trong thắng-bại chưa hẳn nói lên điều chính lẽ; nhưng thái độ, hành động, và cung cách cư xử mới đáng được mọi người khâm phục, mới nói lên tất cả ý nghĩa của cuộc chiến vì chính nghĩa, công bằng, và tự do. Đó mới thật sự là chiến thắng, là vinh quang, là niềm tự hào mà không một ai có thể phản biện. Cuộc nội chiến của Hoa Kỳ là một điển hình thích hợp nhất. 

Có lúc, khối Liên Minh tưởng chừng nắm lấy hoàn toàn đại cuộc, qua những chiến thắng liên tục và quân đội được sự ủng hộ, cùng sự góp sức của hầu hết dân miền Nam. Đó là một đoàn quân đông đảo gấp hai lần quân đội Hiệp Chủng. Và không ai có thể ngờ rằng, khối Liên Minh đã bại trận trong cuộc chiến Gettysburg, để sau đó mau chóng tan rả. Có phải chăng vì họ thiếu chính nghĩa ? Điều nầy không hẳn đúng, vì nếu thiếu chính nghĩa, họ đã sẽ không là một quân đội đông như vậy, mà trong đó không ít là những thường dân tự cầm súng tham gia. Vậy vì lý do gì ? 

Để trả lời câu hỏi đó, xin nhìn vào cách hành xử của Tổng Thống Abraham Lincoln sau khi nội chiến chấm đứt, để khỏi phải đánh giá tư cách đó trong thời chiến vì vấn đề chính trị. TT Lincoln đã không xem kẻ đối địch nguy hiểm nhất của mình là kẻ thù dân tộc, mà ngược lại họ được vinh danh qua tượng đài tưởng niệm, qua những nghĩa trang vào hàng quốc gia, qua chính sử ghi chép sự thật. Và kẻ bại trận cũng nhìn nhận, ký tên, và buông súng, để cuối cùng tất cả dân tộc họ cùng góp sức cho một Hoa Kỳ vững mạnh và trưởng thành trong thế chiến thứ hai. 

Việt Nam hôm nay được thống nhất, không phải hoàn toàn do công sức của miền Bắc. Hay nói đúng hơn là do phần đóng góp lớn lao xương máu, gian nguy của khoảng 50% dân miền Nam. Để cuối cùng những kẻ đau khổ, mất mát nhiều nhất là dân miền Nam khi họ phải cầm súng bắn chính thân nhân họ ở phía bên kia trên ngay mảnh đất của tổ tiên mình. Tuy nhiên, vẫn có không ít dân miền Bắc rơi vào hoàn cảnh đó qua cuộc di tản 54, xuôi Nam ngược Bắc và dân miền Trung cũng phải chịu phân tán gia đình bởi hai thế lực. 

Cuộc chiến thật vô cùng phi lý ! Chính chúng ta tận hưởng vinh quang trên chiến bại của chúng ta ! Chúng ta dường như chỉ là những chiến sĩ Vô Danh, rồi nằm xuống trong Vô Danh mộ !

Còn lại gì sau cuộc chiến tương tàn nhau, và mãi thù hận nhau ? Tại sao chúng ta không đủ cam đảm cầm lấy tay nhau, xem lại vết thương bởi viên đạn vô tình nào đó ? Tại sao chúng ta cứ mãi chạy theo những mơ hồ của chủ thuyết nào đó, mà chính nó đã bị loại bỏ gần khoảng 20 năm qua bởi chính người sáng tạo ? Chúng ta không cần chủ nghĩa gì cả. Điều mà chúng ta cần nhất hôm nay là tình dân tộc, đúng nghĩa nhất ! Vâng, chúng ta chỉ cần tiếng nói đó, cũng đủ khiến cho vạn vạn giọt lệ rơi như mưa lệ trên "Vành Khăn Tang" hôm nay. Để tấm thân không toàn vẹn của chiến binh được rung cười theo từng mạch máu, dù đã già nua hơn trong chờ đợi âm thầm. Để sẽ không bao giờ lần nữa, anh em không muốn nhìn nhận lại nhau ! Để Diên Hồng luôn là sức mạnh xua đuổi ngoại bang. Để một lần nữa, chúng ta khóc với nhau trong mừng vui như thác đổ : Việt Nam Tự Do! 

Và những gì "khó thể quên" hôm nay sẽ nhường chổ cho những gì "nhớ mãi" tình dân tộc đó. Không có gì là không có thể, dù chúng ta phải bắt đầu lại từ bài học lịch sử Hồng Bàng ! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo