Phạm Trần - Quốc hội Cộng sản Việt Nam Khóa XIII khai mạc kỳ họp 2 sáng ngày 20-10 (2011) để nghe Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ báo động tình hình kinh tế “còn nhiều yếu kém, bất cập” và rằng "Việc khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, bảo đảm phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong năm 2012 và những năm tiếp theo."
Dũng nói: ”Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận còn nhiều yếu kém, bất cập. Một số chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 chưa hoàn thành. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn; dự trữ ngoại hối thấp, áp lực đối với tỉ giá còn lớn; thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản giảm sút. Sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Văn hoá, xã hội còn nhiều mặt bức xúc. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi. Ùn tắc và tai nạn giao thông còn nghiêm trọng, số người chết và bị thương tăng so với cùng kỳ năm trước; khiếu kiện đông người, đình công xảy ra ở nhiều nơi; tội phạm và tệ nạn xã hội chưa giảm.”
Nhưng tại sao có tình hình xấu này, Dũng trả lời: “Tình hình trên có nguyên nhân khách quan là do tác động nặng nề, phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; nguyên nhân chủ quan là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm, chậm được khắc phục và do những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, trong quản lý đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài nguyên và trong chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.”
Nhưng ngòai những yếu kém trong qủan lý kinh tế, Việt Nam còn đang phải đối mặt với đe dọa lấn chiếm lãnh thổ từ Trung Cộng.
Dũng không nêu đích danh Trung Cộng hay bất cứ quốc gia nào nhưng nói trống không rằng ở Việt Nam “Vẫn đang tiềm ẩn những nhân tố đe dọa chủ quyền quốc gia và gây mất an ninh trật tự.”
Trước mặt 500 Đại biểu Quốc hội, Dũng báo động những yếu tố đang gây khó khăn cho Việt Nam như: “Lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao; nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối giảm mạnh gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng trên thị trường biến động bất thường. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn.”
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng báo cáo với Quốc hội rằng: “Kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, đồng tiền Việt Nam mất giá mạnh trong khi hầu hết các đồng tiền khác đều lên giá so với USD, lạm phát tăng cao, dư nợ tín dụng tăng nhanh, thâm hụt thương mại, nhập siêu kéo dài, bội chi ngân sách trong nhiều năm ở mức cao, nợ công tăng đã đến ngưỡng an toàn trong khi hiệu quả đầu tư công thấp, đặt ra những lo ngại về quản lý và trả nợ trong trung hạn và dài hạn.
Các vấn đề xã hội như: Phạm tội, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình gia tăng có vụ rất nghiêm trọng, tai nạn, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, khiếu kiện xảy ra ở nhiều nơi gây bức xúc trong nhân dân.
Chất lượng giáo dục - đào tạo chuyển biến còn chậm; tình trạng quá tải tại các bệnh viện trung ương chưa giảm, trong khi chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới còn thấp. Đời sống và việc làm của người lao động bị ảnh hưởng do lạm phát, giá cả tăng cao. Giảm nghèo chưa thực sự bền vững.”
LẠM PHÁT PHI MÃ
Do đó, mối nguy trước mắt của Việt Nam là chưa kiểm soát được tình trạng lạm phát mỗi ngày một lên cao. Nhà nước mong sao giữ trong giới hạn từ 10 đến 12%, nhưng hiện nay (tháng 10/2011) chỉ số này đã tăng lên gần 20% và nhiều chuyên viên kinh tế lo ngại sẽ còn lên cao hơn vào dịp Tết Nguyên Đán đầu năm 2012.
Nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, Dũng đã đặt ra một số chỉ tiêu cho năm 2012 như sau:
- Chỉ tiêu lạm phát: Năm 2012 phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5 - 7%.
- Chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Năm 2012 tăng GDP khoảng 6 - 6,5%. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức 6,5%.
Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%. Phấn đấu đạt 7%.
- Các chỉ tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và nợ công: Năm 2012, bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%.
Đến năm 2015, nợ công khoảng 60 - 65% GDP.”
Theo dõi những biện pháp kinh tế của Nhà nước thi hành một năm qua cho thấy rất khó mà đạt được các chỉ tiêu trên vì Chính phủ không cương quyết đối với những Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), dù vẫn tiếp tục làm ăn thua lỗ; vẫn tiếp tục cho phép nhập hàng hóa xa xỉ cho thành phần có tiền trong xã hội, phần lớn là những kẻ có chức có quyền mua xài; chưa giải quyết được các khỏan nợ lớn với nước ngoài, nợ công mỗi nngày một lên cao và bội chi ngân sách mở rộng.
Vì vậy Ban Chấp hành Trung ương đảng đã quyết định tái cơ cấu các DNNN, sau Hội nghị Trung ương 4 ngày, kết thúc hôm 10-10 (2011) vừa qua, nhưng có làm được theo kế họach đề ra hay không lại là chuyện khác vì tất cả các Doanh nghiệp này đều thuộc quyền chủ qủan của các Bộ nên ràng buộc đến nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp.
BỆNH DI TRUYỀN
Bằng chứng “nói một đường làm một nẻo” đã được nêu ra tại Cuộc hội thảo “Diễn đàn kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” mới kết thúc tại Hà Nội trước ngày Dũng báo cáo tình hình Kinh tế-Xã hội với Quốc hội.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng: “Di sản các năm trước để cho nền kinh tế là xu hướng giảm tốc tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nặng nề, đồng tiền yếu kém và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chặn lại một cách chắc chắc.
“Điểm đáng lưu ý tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra tình huống vòng xoáy trong phát triển kinh tế, đó là sự đình trệ đi liền với lạm phát cao. Và nếu quả thực Việt Nam rơi vào vòng xoáy này thì đó là một tình huống khá nguy hiểm.” (Thúy Hạnh, Thông tấn Xã Việt Nam, 19-10-011)
Vẫn theo Thúy Hạnh thì: “Nhiều số liệu phân tích cũng cho thấy kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, theo công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư 9 tháng đầu năm 2011, trên cả nước đã có gần 50.000 (chiếm 9% tổng số) doanh nghiệp phá sản. Điều này chỉ ra sức khỏe của khối doanh nghiệp đang bị hao hụt nặng.”
Cũng tại Hội thảo này, TTXVN viết tiếp: “Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều thống nhất nhìn nhận, việc lạm phát duy trì ở mức cao, việc làm bị thu hẹp đã khiến đời sống dân cư ngày càng khó khăn, nhất là nhóm người thu nhập thấp (công chức, công nhân, nông dân), tình huống trên sẽ kéo theo sức mua giảm, lòng tin trong xã hội bị giảm sút.”
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thí “đầu tư ở Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế và không đạt hiệu quả như mong muốn.”
Trong lĩnh vực tài chính, theo Thúy Hạnh thì ông Dominic Patrick Mellor, chuyên gia kinh tế Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định: “Trong khi nguồn lực quốc gia không còn nhiều, bên cạnh đó khu vực tư nhân cũng thiếu nguồn vốn phát triển, nền kinh tế phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vai trò trung gian của hệ thống ngân hàng yếu không thực sự phát huy tác dụng, không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội và các xếp hạng tín nhiệm trong khối ngân hàng là thấp.”
Ngoài ra Ông Thiên còn công khai cảnh giác: “Năm 2012 là một năm đặc biệt, một năm nền kinh tế lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng, cũng là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế nhằm ổn định và khôi phục niềm tin vào tiền đồng, hạ thấp lạm phát đến mức có thể giúp cho doanh nghiệp không lún sâu hơn vào tình thế bi kịch.”
Ông Thiên đề nghị: “Tình huống cấp bách yêu cầu phải có liệu pháp đặc biệt. Cần phải có một kịch bản hành động mạnh, rõ ràng, theo đúng tinh thần xem tái cơ cấu là nhiệm vụ chính của năm 2012, tái cơ cấu cũng là cách tiếp cận chủ đạo của kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi các cơ sở cho quá trình tăng trưởng mới.”
LÀM LÁO BÁO CÁO HAY
Mặt khác, sở dĩ tình hình kinh tế ở Việt Nam mỗi ngày một tồi tệ vì các cán bộ trách nhiệm đã thổi phồng thành tích để che đậy khuyến điểm.
Hãy đọc Anh Quân viết trong Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 19-10-011: “Nhưng không chỉ số liệu về doanh nghiệp nhà nước đâu, mà các lĩnh vực khác cũng vậy, đều “nhảy múa, hát ca” hết”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá ví von như vậy tại buổi họp lấy ý kiến các bộ, ngành cho đề án này.
Bởi vì, theo người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án, nếu tình hình các doanh nghiệp nhà nước đúng như số liệu của Tổng cục Thống kê thì “quá tốt, chẳng cần phải cải cách gì nữa”.
Tại phần đánh giá những mặt được, bản dự thảo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: “Hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động của doanh nghiệp nhà nước đã từng bước được cải thiện”.
Những con số chứng minh rành rọt cho luận điểm trên được phân tích từ số liệu của Tổng cục Thống kê. Cụ thể là số lượng doanh nghiệp thua lỗ giảm, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng vốn kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tăng đáng kể sau 10 năm sắp xếp; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao hơn gấp 1,35 lần toàn bộ khối doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước cao gấp khoảng 1,3 lần, giai đoạn 2007-2009; năng suất lao động tính trên doanh thu gấp từ 1,5-1,7 lần doanh nghiệp FDI…
Ngược lại, cũng chính bản đề án nhìn nhận, khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước; chi phí vốn để tạo ra doanh thu cao hơn trung bình toàn hệ thống doanh nghiệp; số lỗ cao gấp nhiều lần doanh nghiệp tư nhân; vai trò dẫn dắt trong các lĩnh vực công nghệ cao mờ nhạt; tạo việc làm thấp; năng lực cạnh tranh nhỏ bé…
Về chuyện số liệu thì “khá”, nhưng nhận xét lại gay gắt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nói: “Tôi đọc số liệu thấy ngờ ngợ, chưa ổn lắm!”.
Cho nên, nhiều vị khi tham gia ý kiến với ban soạn thảo lưu ý rằng, số liệu của Tổng cục Thống kê là tổng hợp từ báo cáo của doanh nghiệp gửi lên, tính chính xác của con số chưa được đảm bảo, nên không dùng được cho bản đề án sẽ là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ điều hành….”
“… Giải thích về những con số cho thấy hiệu quả doanh nghiệp nhà nước “đột ngột” tốt hơn nhìn nhận lâu nay của xã hội, Phó viện trưởng CIEM Trần Xuân Lịch cho biết, toàn bộ số liệu về khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện nay không có nguồn nào đảm bảo hoàn toàn chính xác, nên “cực chẳng đã” phải sử dụng của Tổng cục Thống kê.
Ban soạn thảo cũng biết rằng, doanh nghiệp tư nhân có tình trạng khai thấp lợi nhuận để trốn thuế; khu vực FDI (Foreign Direct Invesment) thì có hiện tượng chuyển giá làm giảm hiệu quả kinh doanh, trong khi doanh nghiệp nhà nước thì không ít trường hợp “thổi phồng” thành tích.”
Với lối làm việc vô trách nhiệm như thế mà bấy lâu nay Nguyễn Tần Dũng không làm gì được thì cũng không đáng ngạc nhiên. Bằng chứng như vụ con Tầu chìm Vinashin, do Dũng cho phép thành lập đã “nuốt tươi” của dân mất gần 1,000 tỷ đồng mà không có Bộ trường nào bị kỷ luật thì chỉ có ở Việt Nam mới bao che cho nhau lỗ mãng như thế.
Và đây chính là lý do tại sao trong mỗi báo cáo với Quốc hội, Dũng đều lập lại câu nói rất trơ trẽn: “Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.”
Làm sao mà đẩy lùi được vì “Tham nhũng” là quân bài cho đảng sử dụng để mua sự trung thành của cán bộ, đảng viên và đổi lấy sự bảo vệ của hai lực lượng Quân đội và Công an, nếu không đảng đã tiêu tùng nhà ma từ khuya rồi./-
(10/011)
gửi Dân Làm Báo