Bồi tụng Tiến Sĩ Đoàn Tuấn Hòa làm tốt việc đàm phán biên giới - Dân Làm Báo

Bồi tụng Tiến Sĩ Đoàn Tuấn Hòa làm tốt việc đàm phán biên giới

Minh Văn (Danlambao) - Việc biên giới phía bắc của Đại Việt thường không yên vì phong kiến phương Bắc hay tìm cách thu phục những làng, bản, động ở sát biên giới hoặc dùng vũ lực xâm chiếm. Vua chúa Đại Việt các thời rất quan tâm sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, thường cử những quan văn võ có tài trấn nhậm những tỉnh ở biên giới phía bắc để đề phòng những mưu mô lấn đất, giành dân của lân bang. 

Nhà Lê trung hưng thì nhà Mạc suy tàn, Mạc Kính Vũ chiếm cứ Cao Bằng, có sự can thiệp của nhà Thanh hay thế lực phản Thanh, khiến giữa Đại Việt và nước Thanh có tranh chấp biên giới, nhiều lần tranh biện dai dẳng quanh việc cắm mốc địa giới hoặc việc dẫn độ tù binh họ Mạc. Các quan được vua chúa Đại Việt cử lên biên giới đàm phán thường có trình độ tiến sĩ xuất thân. Thời Lê-Trịnh, thế kỷ 17, có vị tiến sĩ Đoàn Tuấn Hòa, được lệnh lo việc biên giới, ông đã làm tốt công việc được giao, có bản lĩnh, rất khôn khéo, kiên trì tranh biện để đi đến thắng lợi, không làm nhục quốc thể. Về sau, thổ quan tham tiền đút lót của ngoại bang, làm xói mòn những thành quả ngoại giao của ông.

Đoàn Tuấn Hòa (1653-?) người xã Cự Đồng huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), nguyên quán xã Chi Nê huyện Tiên Du (nay xã thuộc Tân Chi huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Hiện nay xã Cự Đồng là Đại Đồng Thành, một xã của huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.Đại Đồng Thành nằm ở rìa phía Bắc huyện, bên bờ Nam sông Đuống, xã Song Hồ phía đông , xã Đình Tổ phía tây , xã Thanh Khương phía nam. Phía bờ bắc sông Đuống, Đại Đồng Thành đối diện các xã Cảnh Hưng, Minh Đạo, Tân Chi của huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Phần đất xã Đại ĐồngThành ngày nay gồm các thôn Đồng Đoài, Đồng Đông, Á Lữ,... thuộc tổng Định Tổ huyện Siêu Loại phủ Thuận An xứ Kinh Bắc vào thế kỷ 19.Đăc biệt ở thôn Á Lữ (làng An Lữ) có di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương Lộc Tục.

Ảnh vệ tinh xã Cự Đồng (Đại Đồng Thành)

Đoàn Tuấn Hòa tuổi trẻ tài cao, đổ tiến sĩ đệ tam giáp lúc 15 tuổi, khoa Bính Thìn[1667], đời vua Hi Tông, năm Vĩnh Trị thứ nhất. Chỉ mười năm sau khi đỗ tiến sĩ, mới 26 tuổi, Đoàn Tuấn Hòa đã làm tham tán quân sự của đại binh đi đánh quân nhà Mạc ở Cao Bằng.Nguyên năm Kỷ Dậu[1669], Cảnh Trị năm thứ 9, đời vua Lê Huyền Tông, Mạc Kính Vũ mạo tên Nguyên Thanh, thỉnh cầu ti đốc phủ tỉnh Quảng Tây xin vua Khang Hy nhà Thanh dụ Đại Việt trả đất Cao Bằng gồm 4 châu Thạch Lâm, Quảng Yên, Thượng Lang, Hạ Lang cho Mạc Kính Vũ. Tháng giêng, nhà Thanh sai Nội thư viện thị độc Lý Tiên Căn, Binh Bộ lang trung Dương Triệu Kiệt đem chỉ dụ sang Đại Việt, ép trả 4 châu Cao Bằng cho họ Mạc. Bấy giờ đình thần biện bác, giải thích với sứ Thanh nhiều lần, sứ Thanh cũng không chịu nghe. Chúa Trịnh Tạc tạm theo dụ nhà Thanh vì cho rằng “thờ nước lớn phải kính theo mệnh lệnh”. Sự kiện này cho thấy nhà Thanh làm sai trái, có chiếu cố Mạc Kính Vũ thì cho họ Mạc “ngụ cư”, can cớ gì lấy đất của Đại Việt giao cho Mạc Kính Vũ ? Điều dễ hiểu, nhà Thanh không ngoài mưu đồ phá quấy Đại Việt đó thôi. Mạc Kính Vũ vì “tham quyền cố vị”, coi lợi nhà hơn lợi nước, kẻ “cơ hội và phản trắc” cùng “bệnh hoang tưởng” đã từng “nội phụ” Bình Tây vương Ngô Tam Quế.Lúc bấy giờ Ngô Tam Quế được nhà Thanh phong Bình Tây Vương trấn thủ Vân Nam. Năm 1673 vua Khang Hi đã ra lệnh bãi bỏ các phiên nên năm ấy Bình Tây vương Ngô Tam Quế nổi dậy chống lại nhà Thanh. Quân tướng nhà Thanh liền được lệnh vào Vân Nam đánh Ngô Tam Quế. Trong tình thế bức bách, năm 1678, Ngô Tam Quế vẫn xưng làm Hoàng đế, nhưng chỉ được 5 tháng thì chết. Cháu của ông là Ngô Thế Phiên nối ngôi nhưng thế lực đã rất suy yếu. Mạc Kính Vũ đã bí mật nhận chức tước do hoàng đế Ngô Tam Quế ban, sau đó tiếp tục theo Ngô Thế Phiên.


Nhân dịp nhà Thanh kéo quân vào Quảng Tây, năm 1677, chúa Trịnh bàn với triều thần, đưa đại binh lên Cao Bằng tiễu trừ Mạc Kính Vũ. Chúa Trịnh gửi thư cho tướng nhà Thanh nói rõ tội mưu phản của Nguyên Thanh [Mạc Kính Vũ], rồi sai tướng Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Tham, cùng với thị sư Thân Toàn, tham tán quân sự Đoàn Tuấn Hòa đem đại binh đánh Cao Bằng. Tháng 8, Mạc Kính Vũ đại bại, chạy đi Long Châu, Đại Việt lấy lại 4 châu đã mất trước đây, chúa Trịnh gọi Đinh Văn Tả về và giao Đinh Công Chất trấn thủ, lưu Đoàn Tuấn Hòa ở lại Cao Bằng với chức tham lãnh. Năm Nhâm Tuất[1682], vua Lê Hy Tông sai Đinh Văn Tả, Thân Toàn sang Thanh tuế cống và lo việc “dẫn độ” con cháu họ Mạc còn “tỵ nạn” ở nước Thanh. Tháng 8 vua Thanh thuận giao trả, sai viên đốc phủ Quảng Tây tiến hành việc dẫn độ, viên tuần phủ Quang Tây Hác Lạc gửi thư cho Đại Việt biết, chúa Trịnh Tạc rất hài lòng và viết thư trả lời hẹn ngày giao trả những người họ Mạc còn sót lại. Đây là thắng lợi ngoại giao của Đại Việt thời Lê trung hưng, vừa dẹp xong nhà Mạc vừa lấy lại đất Cao Bằng. Năm Quí Hợi[1683], triều đình Lê-Trịnh cử phái đoàn gồm trưởng phó đoàn Nguyễn Quai(bồi tụng), Trần Đình Dương(cấp sự trung) cùng Nguyễn Công Tài lên ải Nam Quan nhận tù binh họ Mạc do nhà Thanh trao trả. Trong cuộc trao trả này, viên quan thay mặt nhà Thanh là Vương Quốc Trinh đã làm một việc mất mặt triều Thanh, khiến phía Đại Việt bất bình. Y đã yêu sách đoàn Nguyễn Quai phải trả tiền hành lý 5.500 lạng bạc, mới giao nạp tù binh gồm con cháu họ Mạc và những người theo Mạc, tổng cọng 350 người…Triều đình Lê-Trịnh đã đình nghị, xử phạt Nguyễn Công Tài hối lộ số bạc lớn và gửi thư sang Quảng Tây tuần phủ Hác Lạc nói về tình hình Vương Quốc Trinh yêu sách một cách vô lễ đối với phái đoàn Đại Việt. Hác Lạc nhận được thư của Đại Việt, bèn đưa vụ việc này ra xét hỏi, Vương Quốc Trinh một mực chối tội. Tổng đốc lưỡng quảng Ngô Hưng Tộ quyết định dâng sớ lên vua Thanh nói về vụ án, đồng thời phát công văn đi điều tra sự thực. Nhà Thanh tư đi xét lại nhiều lần trong 4 năm, tận tháng 7 năm Bính Dần[1686] vụ án mới kết thúc. Bấy giờ vua Thanh mới xử tử Vương Quốc Trinh và sung công tang vật. Thắng trong vụ án này là một thắng loại ngoại giao của triều đình Lê-Trịnh, giữ được quốc thể mà triều Thanh cũng chứng tỏ có “đạo lý” trong bang giao vậy.

Triều đình Lê-Trịnh đã cư xử với họ Mạc rất nhân đạo, hơn nửa số tù binh nhận được từ nhà Thanh được phân phối nhập cư các địa phương, số còn lại được giải về trình diện trước thềm điện vua Lê, rồi sang phủ Liêu trình diện chúa Trịnh. Tất cả được tha tội, thậm chí một số người họ Mạc vẫn được làm quan. Sự kiện này bay tiếng đến các lân bang, nhiều tiểu quốc đến triều cống, đặc biệt các quan lại địa phương của triều Thanh, sát biên gíới Đại Việt rất nễ vì. Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng từng chép: “ Bọn thổ ti nhà Thanh là Sầm Ấm, tri châu Thuận Châu, và Triệu Quốc Kiền, tri châu Tư Thành, đều sai sứ giả đến cống sản vật địa phương và nói: “Quân vương giả kéo đến đâu thì các nước bốn phương đều đến triều cận. Nay đã trừ tiệt được mầm còn sót của nhà Mạc rồi, đất nước nhất thống, chế độ nhà vua được thi hành khắp cả trong nước”.Chúa Trịnh viết thư trả lời, ban cho bạc và lụa, hậu thưởng sứ giả, rồi cho về”.

Tuy nhiên về sau các thổ quan nhà Thanh thường dựa cơ hội dư đảng nhà Mạc, cấu kết với các chúa Bầu họ Vũ (cát cứ ở Tuyên Quang), họp quân tướng chống nhà Trịnh, đánh chiếm đất đai ở phía tây Cao Bằng. Lúc bấy giờ tiến sĩ Đoàn Tuấn Hòa đã được giữ chức bồi tụng, cận kề chúa Trịnh Tạc, thường xuyên bàn bạc việc đối ngoại. Có một vụ gần châu Tư Lăng Trung Quốc, bồi tụng Đoàn Tuấn Hòa phải lên tận nơi giải quyết, ông để lại dấu ấn khá ấn tượng trong tranh biện việc biên giới. Nguyên trước đó, phiên mục Vi Đức Thắng nói rằng 8 thôn thuộc châu Tư Lăng do thổ quan nhà Thanh quản lý là do lân bang xâm chiếm. Lời nói ấy đến tai thổ quan nhà Thanh là Vi Vinh Diệu, ông này liền tố với tổng đốc Quảng Tây là Ngô Hưng Tộ. Không ngờ năm Kỷ Tị [1689] nhà Thanh gửi công văn sang triều đình Đại Việt đòi hội khám. Ban đầu, triều đình Lê-Trịnh phái Vũ Duy Khuông và Phạm Công Phương (tiến sĩ khoa Giáp Tý[1684])đi lại nhiều lần để phân trần và tranh biện, việc kéo dài vài năm vẫn chưa ngã ngũ. Liền đó triều đình cử bồi tụng Đoàn Tuấn Hòa và Lê Chi Tuân(tiến sĩ khoa Bính Dần[1686]) lên địa giới châu Lộc Bình (Lạng Sơn). Khi đến nơi, Đoàn Tuấn Hòa cũng không thành công, bị triều đình bãi chức bồi tụng. Ông kiên tâm điều tra thì phát hiện phiên mục Vi Đức Thắng đã từng khai man khi hai bên hội khám. Đoàn Tuấn Hòa liền giữ Vi Đức Thắng một chỗ bí mật, không cho hội kiến và ông tự mình cùng với hai vị ủy quan nhà Thanh, một vị họ Trần và một vị họ Trương trực tiếp đo đạc khám xét…Khi đã có bằng chứng thực địa, không như hồ sơ có lời khai man, Đoàn Tuấn Hòa tranh biện rõ ràng với thực chứng, thổ quan nhà Thanh Vi Vinh Diệu đuối lý, nên nhà Thanh phải trả lại Đại Việt thôn Na-Oa. Sau đó Đoàn Tuấn Hòa tiếp tục hội đồng với người Thanh dựng mốc bằng đá, phân rõ địa giới xong ông mới hồi triều. Thực ra trong các thôn tranh chấp, hết 7 thôn là đất hoang vu, không người ở, chỉ riêng thôn Na-Oa đất rộng, dân đông, vì thế trong vụ này phía Đại việt lấy lại 6 thôn hoang vu và thôn Na-Oa có giá trị. Đây là một thắng lợi ngoại giao lớn của Đại Việt. Triều đình nghị bàn, nhận xét Đoàn Tuấn Hòa đi chuyến này biện luận hợp nghi, được việc, nên triều đình chuẩn miển cho tội lần trước.
Ải Nam Quan

Lúc triều đình Lê-Trịnh đang thịnh, giai đoạn thanh toán nhà Mạc [1677], thì việc ngoại giao với nhà Thanh đàng hoàng, đạt nhiều thắng lợi. Nhưng khi phải lo đối phó với dư đảng nhà Mạc và nhất là phải lo chinh phạt Đàng Trong, thời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Căn đã lơ là việc biên giới phía bắc nên các thổ ti người Thanh xâm chiếm một số vùng đất phía bắc của Đại Việt; riêng những thôn nói trên đến năm 1726, tổng đốc Quảng Tây là Khổng Sinh, làm tờ sức cho thổ quan châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4000 lạng bạc giao cho thổ quan phía Đại Việt là Vi Phúc Kiêm để xóa đi những giao ước mà Tuấn Đức Hòa đã ký kết. Bọn họ đã đào hào, đắp lũy, lập mốc giới mới và thôn Na-Oa lại về châu Tư Lăng của nhà Thanh. Triều đình Lê-Trịnh biết nhưng cũng phải lơ vì vấn đề “nhạy cảm” trong việc bang giao với đại lân quốc. Cho hay một vùng đất tốn biết bao xương, máu, mồ hôi, nước mắt, chất xám của bao người Việt, chỉ cần 4000 lạng bạc là có người sẵn sàng bán ngay.Nguyên nhân sâu xa là vì nội bộ Đại Việt lúc ấy quá mất đoàn kết, đang lâm vào bi kịch Đàng Ngoài Đàng Trong, hao binh tổn tướng, mất tiền hại của, không còn sức mạnh để làm tốt công việc trấn giữ biên cương, không đủ thế và lực trong ngoại giao, hậu quả không bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ nước nhà. Lẽ thịnh suy như ba đào, lịch sử tất có lặp đi lặp lại! Gương của người trí thức chân chính yêu nước như tiến sĩ Đoàn Tuấn Hòa và gương “mãi quốc cầu vinh” Vi Phúc Kiêm trong sự kiện nêu trên để hậu thế soi mãi, hai gương trắng đen ấy không bao giờ mờ hoặc vỡ. Muôn nỗi cảm hoài và cay đắng.

MINH VĂN



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo