Đinh Yên Thảo (damau.org) - Nền giáo dục Việt Nam trong vài năm qua trở thành một đề tài chiếm nhiều sự quan tâm xã hội. Sự quan tâm bùng nổ khi các bậc phụ huynh nhận thấy sự trì trệ và yếu kém của hệ thống giáo dục nước nhà đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc học của con cái, của đời sống, kinh tế gia đình mình. Hãy nhường bài toán này cho giới học thuật và các chuyên gia giáo dục, như một vấn đề mang tính chiến lược phát triển quốc gia trong việc đào tạo những thế hệ nhân công mới hay tạo nên những thế hệ dân Việt có nền tảng đức dục chuẩn mực. Còn ở đây, mời bạn cùng chúng tôi điểm qua vài mặt nổi của vấn đề, liên quan đến tâm lý, sinh hoạt chung của người dân như một góc cạnh khác của nền giáo dục VN.
Những năm qua, Việt Nam tự hào nhiều về những “thành quả kinh tế” (!?), dù chúng được phơi bày qua một nền “kinh tế hưởng thụ” và mang vẻ mặt bề ngoài hơn là những phát triển tự lực thật sự. Thâm thủng mậu dịch ngày càng gia tăng, vì mức nhập cảng các mặt hàng xa xỉ ngày càng nhiều hơn do nhu cầu hưởng thụ tăng cao. Lạm phát ngày càng chóng mặt, người dân "thắt lưng buộc bụng" vì không đủ tiền mua thực phẩm quá đắt đỏ. Nhưng thôi, hãy tạm vui với những “phát triển” này, khi bất cứ người con Việt nào cũng mong muốn cho đất nước mình được phồn vinh thật sự. Tuy nhiên một trong những nền tảng và chính sách phát triển quốc gia lâu dài như nền giáo dục quốc gia chẳng hạn, thì có lẽ chính giới chức giáo dục và nhà cầm quyền trong nước vẫn phải thú nhận rằng, nó đã “rối như tơ vò”. Tơ vò rối ra sao ắt không nhiều người tận mắt chứng kiến. Nhưng cái “rối” của cả một nền giáo dục Việt Nam hiện nay, xem ra đã lan đến tận sinh hoạt bình thường của người dân trong nước, khi họ diễn đạt qua những sinh hoạt thường ngày của mình, hơn là đang thực sự nhận xét về một vấn đề quan trọng mang tầm mức quốc gia.
Có đôi lần, ngồi trò chuyện cùng một người dì, chúng tôi chỉ trò chuyện thân mật về những sinh hoạt thường nhật trong gia đình, bà hỏi rằng “Bên Mỹ, con nít có phải đi học thêm không?”. Tôi trả lời đại khái rằng, việc học thêm ở Mỹ chỉ dành cho một số em học yếu, nhà trường có những chương trình riêng để giúp đỡ các em. Hoặc giả các em bậc trung học cần có những điểm cao trong các kỳ thi riêng cho bậc trung học, nhằm tìm kiếm học bổng hay được vào các trường đại học mong muốn, thì cũng “luyện thi” (SAT) thêm. Còn lại thì không cần thiết, hay không là điều bắt buộc, ngoại trừ một số ít các bậc phụ huynh muốn các con em mình theo kịp hay có những vượt trội trong học vấn. Nghe chuyện, dì tôi ta thán về việc những đứa cháu ngoại và trẻ em tại VN phải đi học thêm quá nhiều. Nhiều đến độ trở thành một tâm lý và thói quen chung trong mọi gia đình, dù không phải bậc phụ huynh nào cũng thực tâm vui vẻ để làm điều này. Mà quả thật, học thêm đã trở thành một hiện tượng ít nhiều phô bày thực trạng giáo dục tại VN hiện nay.
Chỉ những gia đình không kham nổi chi phí đời sống ngày càng đắt đỏ tại VN, còn lại hầu hết các em nhỏ tại VN hiện nay đã phải đi học thêm từ ngay bậc tiểu học. Từ thành thị lớn nhỏ ra thôn quê, chứ không chỉ tại Sài gòn. Nhỏ thì học thêm văn, toán. Bậc học lớn hơn thì có thêm lý, hoá. Môn tiếng Anh thì càng phổ biến hơn hiện nay, bất kể bậc học nào. Chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học và vào đại học, thì chương trình học thêm càng nặng nề hơn. Báo chí Sài gòn, vừa đăng quảng cáo lại vừa đặt cả vấn đề học sinh mẫu giáo cũng … luyện thi vào lớp một (!?) Học sinh thì đông mà ngân sách giáo dục lại thấp, nên trường lớp, giáo viên thiếu hụt, việc tranh đua, ghi tên cho con vào một trường công lập là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Lo cho ăn học, mua sách vở, đóng học phí đã nhức đầu, nay lo thêm tiền học thêm, đưa đón đi lại, ai bảo đời sống VN là “tiên” với những người dân lao động hay giới nhân viên bình thường. Thêm vào đó, những cuộc tranh luận trên báo chí về việc có cần cho con cái bậc mẫu giáo đi học thêm để biết đọc, viết trước khi vào lớp một, cũng diễn ra sôi nổi và cho thấy không phải xã hội không quan tâm và nhận biết vấn đề. Nhiều người cũng bày tỏ ý kiến rằng với trẻ thơ, việc phát triển trí tuệ cho các em ở những cách bày tỏ yêu thương, học trong những điều vui chơi hơn là việc nhồi nhét trước dăm ba chữ cái, con số. Chỉ có điều họ bị buộc phải đi theo điều không thể làm khác được.
Đồng lương và phúc lợi cho giáo viên VN thuộc loại thấp trong xã hội. Ngày lễ, Tết, họ không được “thưởng” nhiều như một thói quen trong sinh hoạt kinh tế tại VN. Không muốn bị lạc lõng trong dòng chảy “kiếm tiền” thì việc dạy thêm là cách để tạo thêm thu nhập, thậm chí với một số giáo viên thiếu chức nghiệp, đó là việc làm chính. Học trò không học thêm, không giải được bài toán cô thầy cho trong lớp hay chẳng bao giờ đạt điểm cao như bạn bè đồng học khác. Không học thêm, sẽ “bơi” khi vào lớp vì ở đó chỉ một nửa được dạy, một nửa để dành. Một số sinh viên sư phạm “hăm he” thẳng trên mặt báo rằng, các giáo viên đại học hạch sách, đòi hỏi họ “cống nạp” nhiều quá, họ giữ đó để “thanh toán” món nợ này lại với các học sinh của mình, một khi ra trường và trở thành giáo viên. Tinh thần tôn sư trọng đạo, “nhất tự vi sư” ngày càng trở thành các quan hệ thực dụng hơn. Giới lương sư có lương tâm và lâu năm thở dài. Cả một thời gian dài, nền giáo dục đi theo “đạo đức cách mạng” hơn là hướng đến những giá trị truyền thống của dân tộc đã cho ra lò những thế hệ giáo chức như vậy cũng là điều đương nhiên. Nhất là trong thời buổi mà cả xã hội đang lên cơn sốt với sự giàu sang tột bậc của một số ít người, xem như mục tiêu hướng tới. Báo chí và cả Bộ Giáo dục VN làm rùm beng chuyện cấm không cho giáo viên dạy thêm vì những điều vừa nói, chỉ dăm tháng rồi mọi chuyện vẫn tái lập như cũ. Đơn giản là, nếu không cho giáo viên dạy thêm kiếm sống thì họ sẽ bỏ nghề, không còn ai muốn vào ngành sư phạm vì ai cũng phải mưu sinh. Một thân thể nhiều bịnh tật không thể chữa bằng cách dán một cục bông gòn bôi thuốc đỏ, nên bài toán giáo dục không phải chỉ “chữa chạy” mỗi chuyện dạy thêm.
Nếu chuyện học thêm là chuyện của số đông thì vấn đề trường tư, trường “quốc tế” và cho con du học nước ngoài lại là cơn sốt của các gia đình khá giả tại VN hiện nay. Tại Sài Gòn là “đất” của trường “quốc tế” loại này. Cả tập báo dày cộm, đăng không biết bao nhiêu là quảng cáo về các loại trường “quốc tế” này. Thoạt đầu là dăm trường quốc tế thật sự, khi sự đầu tư và các quan hệ đa phương vào VN được phát triển. Người nước ngoài sang làm việc và sinh sống tại VN, mang theo con cái nên cần có những trường học với các chương trình riêng, theo tiêu chuẩn nước ngoài. Tại đây, phần lớn là các giáo viên nước ngoài dạy cho con cái các viên chức ngoại giao, những nhà đầu tư, con cái các thương gia, nhân viên hãng nước ngoài… với học phí hàng ngàn đô la mỗi tháng. Họ thu nhận một số giới hạn học sinh bản xứ, đủ điều kiện tài chính và Anh ngữ vào học, như một cách cho các học sinh nước ngoài này tiếp xúc thêm văn hoá và ngôn ngữ bản địa qua các học sinh VN. Nhưng vài năm qua, những trường này trở thành một “mốt” mới tại SG, hoặc giả những bậc phụ huynh này cũng muốn cho con theo học những chương trình tư nhân mà họ tin rằng tốt hơn so với một chương trình giáo dục nhồi nhét chung của VN. Từ gia đình khá giả cho đến những gia đình dồn hết đồng lương của mình để cho con cái theo học trường “quốc tế” có dăm thầy cô giáo nước ngoài. Việc gì chứ việc khai thác các tâm lý “thời đại” của người dân, quả VN có sự nhanh nhạy. Hàng loạt các trường tư và trường “quốc tế” mở ra để thỏa mãn “nhu cầu” này. Dịch vụ này bùng phát. Đến cả hãng taxi cũng nhảy vào dịch vụ mở trường quốc tế, dạy tiếng Anh hay dịch vụ du học để cùng … “phát triển nền giáo dục” tại VN. Con cái lớn hơn thì được nhắm đến việc cho đi du học. Các nước như Mỹ, Canada, Anh, Úc hay phương Tây là hàng đầu. Không kham nổi chi phí thì chuyển sang các nước Châu Á trong vùng. Nhiều mẫu quảng cáo đọc như trò đùa, khi quảng cáo rằng rằng dịch vụ du học lo cho cả học sinh từ… lớp ba.
Không ít những phúc trình độc lập từ các tổ chức giáo dục hay đại học nước ngoài trong vài năm qua cũng đã chỉ ra những yếu kém của hệ thống giáo dục tại VN. Ngay chính trong nước, các chương trình cải cách giáo dục được đề xướng và thay đổi liên tục. Nhưng dường như chỉ mới dừng lại ở vấn đề nhìn nhận những yếu kém, chứ chưa phải là những giải pháp cho vấn đề. Mà nguyên nhân thì hiển nhiên và rõ ràng, bất cứ ai cũng có thể nhìn được hay đưa ra nhận xét. Từ ngay trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày tại VN. Vì có bao nhiêu là điều… phản giáo dục. Như căn bịnh thành tích và chạy theo “chỉ tiêu”. Có tỉnh thành năm trước tỉ lệ học sinh đậu trung học thấp, bị “kiểm điểm” nên năm nay học sinh thi đậu hầu như 100 %. Hay về khả năng của những giới chức có trách nhiệm ngành giáo dục nước nhà. Trên một cuộc phỏng vấn của báo Thanh niên, phóng viên hỏi tại sao năm nay tỉ lệ tốt nghiệp cao, thì một Thứ Trưởng Bộ Giáo dục VN giải thích rằng “vì thời tiết hôm thi mát mẻ nên các em đã làm bài tốt hơn” (!?). Rồi ông lại thêm rằng “Cũng có thể các em phấn đấu lập thành tích chào mừng 1000 năm Đại lễ Thăng Long” (!?) Thứ trưởng giáo dục nhận xét về vấn đề giáo dục như vậy thì hệ thống giáo dục VN ra sao không phải khó hiểu. Hay chuyện một đại học nghệ thuật cho các thí sinh trúng tuyển trong khi điểm thi môn văn và kiến thức xã hội chỉ là 1 điểm. Họ cho rằng các thí sinh này chỉ cần có năng khiếu nghệ thuật, mà không chấp rằng những người tham gia lãnh vực nghệ thuật trong tương lai mà tư tưởng và kiến thức về nhân sinh quá yếu kém sẽ ảnh hưởng đến cho khán giả như thế nào, nếu không nói quá rằng họ có thể huỷ hoại cả những giá trị thưởng ngoạn văn hoá và nghệ thuật trong xã hội.
Hoặc giả như vấn đề chuộng bằng cấp bề ngoài đã dẫn đến việc xảy ra bằng cấp gian lận, giả mạo lan tràn khắp nơi. Không dừng lại ở bằng cấp đại học, các quan chức nắm quyền bây giờ cần những tấm bằng “tiến sĩ” mới “xứng tầm”. Bằng tiến sĩ Mỹ hay nước ngoài lại ngon lành hơn. Báo chí khui ra hàng trăm vụ bằng tiến sĩ giả thì có người cho rằng đã học trên mạng và sang Mỹ học thêm hai tuần, qua người phiên dịch (!?). Có “cán bộ” hoàn tất chương trình tiến sĩ chỉ … sáu tháng (!?). Tâm lý bằng cấp này quả trái ngược với thực chất xã hội VN hiện nay. Vì khá nhiều người có bằng cấp và thực tài, vẫn không đủ sống với đồng lương chết đói của mình. Hoặc giả thực tế tại VN hiện nay thì càng ít học lại càng dễ trở nên giàu có, vì giới này có thể làm giàu bất chấp mọi lương tâm hay thủ đoạn gì. Báo chí trong nước gần đây đăng tải hình ảnh một tiến sĩ trẻ du học từ Nhật về và đang “hài lòng” với mức lương 1.8 triệu đồng VN, tức chưa đầy 100 đô la, như hình thức kêu gọi giới trí thức thật sự của VN hãy “noi gương”. Họ cần hy sinh, không được kêu ca, để giới bằng cấp “chuyên tu tại chức” hay “bằng dỏm” nói trên tiếp tục thăng quan tiến chức và làm giàu.
Câu chuyện giáo dục tại VN có lẽ đã quá cũ và là một bài toán đầy thách đố. Nhưng quả thật, nó luôn là một vấn đề quan trọng cho mỗi quốc gia muốn phát triển thật sự, nên vẫn mang những giá trị thời sự, một khi chưa có những giải pháp thoả đáng. Giáo dục VN không phải đứng trước ngã ba, ngã tư đường mà là một con đường ngã bảy. Không biết cải cách ra sao, chỗ nào hay phải về đâu. Còn đó những học sinh sinh viên, những thanh niên trẻ VN cần cù, hiếu học và thông minh xuất chúng. Cho họ vào một môi trường giáo dục tốt hơn, họ có khả năng thành tài và thăng tiến thật sự. Nhưng còn hàng triệu, hàng chục triệu học sinh trong nước và những thế hệ tiếp nối, liệu các em sẽ ra sao trong một nền giáo dục VN như hiện nay? Thú thật, quả có những phân vân khi tôi cũng dừng lại ở câu hỏi này. Vì giải pháp cho vấn đề này lại nằm ngoài tầm tay của mỗi chúng ta.