Từ “Phạm Văn Đồng” tới “Thành Đô”, hai công hàm bán nước - Dân Làm Báo

Từ “Phạm Văn Đồng” tới “Thành Đô”, hai công hàm bán nước

Trần Trung Đạo (danlambao) - Về hình thức “công hàm Phạm Văn Đồng” chẳng khác gì một công án thiền, chỉ 121 chữ với nội dung đơn giản nhưng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, phân tích, bàn thảo và làm ngưng chảy dòng nhận thức của mọi người mỗi khi nhắc đến. Huyền bí hơn nữa, “công hàm” là một tài liệu có thật và là cây gai trong mắt của những người quan tâm đến vận mệnh đất nước, nhưng trong bao nhiêu lần “xác định chủ quyền Việt Nam trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa” giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam không hề nhắc đến, tưởng chừng như văn bản đó không phải là của họ. Sự im lặng phải có lý do, bởi vì nếu chỉ là vấn đề biển đảo, lãnh đạo đảng đã giải thích từ lâu rồi đâu cần đợi ai nhắc nhở.

Trước khi bàn đến “công hàm” mới, phải nhắc lại vài chuyện về “công hàm” cũ. 

Ngày ngày 4 tháng 9 năm 1958, Quốc hội Trung Quốc ra tuyên bố hai điểm, điểm thứ nhất có liên hệ trực tiếp đến lãnh thổ Việt Nam gồm Tây Sa tức Hoàng Sa và Nam Sa tức Trường Sa. Đáp lại lời tuyên bố này, ngày 14 tháng 9 năm 1958, Phạm Văn Đồng, Thủ tướng CSVN đã gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai một công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.” 

Ngày 22 tháng Chín năm 1958, công hàm đã được đăng trên báo Nhân dân để toàn Đảng, toàn dân và toàn thế giới biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Những ai trước nay nghĩ rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam vì đọc Phủ Biên Tạp Lục của học giả Lê Quý Đôn hay Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn v.v.. không những là một sai lầm lịch sử mà còn đi được lại quyết định của Đảng. Ngày 19 tháng Giêng năm 1974, hải quân Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa. Sau những trận hải chiến không cân sức, hải quân Việt Nam Cộng Hòa triệt thoái khỏi Hoàng Sa. Từ đó, quần đảo thân yêu này nằm trong tay giặc. 

Khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên tồi tệ sau năm 1975 vấn đề chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa được đưa ra. Đặc biệt sau chiến tranh biên giới lần thứ nhứt năm 1979, Việt Nam ra bạch thư về chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo này với nhiều bằng chứng và tài liệu lịch sử Việt Nam cũng như quốc tế. Phản ứng về phía Trung Quốc, ngoài việc dẫn chứng các “tài liệu lịch sử” riêng của mình, họ còn dựa vào công hàm Phạm Văn Đồng để cho rằng Việt Nam chính thức thừa nhận hai quần đảo là của Trung Quốc từ năm 1958. Trung Quốc còn cho biết ngay trong các sách giáo khoa địa lý bậc trung học trước năm 1975 tại miền bắc Việt Nam cũng đã xác định Hoàng Sa Trường Sa là của Trung Quốc, và ngoài ra, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm cũng lập lại điều này khi tiếp tham vụ tòa đại sứ Trung Quốc Li Zhimin. 

Một làn sóng công phẫn trong các tầng lớn nhân dân, trước năm 1975 chỉ phát xuất từ miền nam, đã bắt đầu dấy lên trong vài ngoài nước. Nhưng cùng lúc với những chê trách, giận dữ, kết án, nhiều quan điểm cũng được đưa ra như một cách mách nước cho đảng để tháo gỡ chiếc vòng kim cô đảng tự đặt lên đầu từ năm 1958. 

Cách gỡ rối thứ nhất cho rằng công hàm không có giá trị pháp lý vì một quyết định vô cùng quan trọng như thế phải được quốc hội thông qua. 

Cách gỡ rối thứ hai cho rằng Trung Quốc đã xuyên tạc nội dung công hàm vì công hàm của Phạm Văn Đồng không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. 

Cách gỡ rối thứ ba cho rằng công hàm Phạm Văn Đồng “chỉ là thiện chí của Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong việc tranh chấp với Mỹ về an ninh ở vùng biển gần Đài Loan.” 

Cách gỡ rối thứ tư cho rằng theo nội dung hội nghị Geneva, Hoàng Sa Trường Sa đã thuộc về phía Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia có chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ trong khuôn khổ của hiệp định Geneva. 

Cả bốn cách gỡ rối đều không vững. 

Vấn đề có thông qua hay không thông qua, vi phạm hay không vi phạm hiến pháp Việt Nam là vấn đề riêng của Việt Nam. Thực tế quốc hội chỉ là cơ quan đóng dấu tại các quốc gia Cộng Sản đã được quốc tế thừa nhận. Tổng thống Gerald Ford ký thông cáo chung về thỏa hiệp SALT với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev tại Vladivostok năm 1974 mặc dù thời điểm đó Chủ tịch Sô Viết Tối Cao là Nikolai Podgorny. Ngày 29 tháng Giêng năm 1979 Tổng thống Jimmy Carter ky thỏa hiệp bình thường hóa các quan hệ kỹ thuật, kinh tế, thương mại với Đặng Tiểu Bình mặc dù chức vụ của họ Đặng chỉ là một phó thủ tướng. Dưới chế độ Cộng Sản, mọi văn bản quan trọng đều phải thông qua bộ chính trị, cơ quan quyền lực tối cao. Phạm Văn Đồng, ủy viên Bộ chính tri, đóng vai thủ tướng chính phủ nên phải ký công hàm. Thời điểm tháng 9 năm 1958, danh sách bộ chính trị được bầu ra trong Đại hội lần II năm 1951 cũng như được bổ túc trong những năm sau đó gồm Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan. 

Lý luận cho rằng Trung Quốc đã xuyên tạc nội dung công hàm Phạm Văn Đồng vì công hàm không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa lại càng yếu hơn. Báo Đại Đoàn Kết phát hành 20/07/2011 viết: “Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu.” Cãi như báo Đại Đoàn Kết là một cách tự kết án mình vì lời tuyên bố của phía Trung Quốc ghi rõ: “Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ (Penghu), quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc” và Việt Nam phấn khởi đáp ứng bằng cách “ghi nhận và tán thành” toàn văn bản. 

Lý luận cho rằng Việt Nam chỉ bày tỏ “thiện chí của Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong việc tranh chấp với Mỹ về an ninh ở vùng biển gần Đài Loan. Trung Quốc đã phản bội Việt Nam khi dùng công hàm đó để chủ trương chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa” do một nhóm 14 tác giả ký trong kiến nghị gởi đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không thuyết phục. Việt Nam tự đưa cổ vào tròng chứ không phải Trung Quốc đặt tròng vào cổ Việt Nam. Bản tuyên bố của phía Trung Quốc không chỉ nhằm xác định chủ quyền trên các đảo Đài Loan mà cả các nhóm đảo khác trong đó có Hoàng Sa (tên tiếng Tàu là Tây Sa) và Trường Sa (tên tiếng Tàu là Nam Sa), và công hàm của Phạm Văn Đồng cũng không chỉ nhắm vào Đài Loan mà ủng hộ toàn bộ lời quyết định về hải phận của Trung Quốc. Không một quan tòa quốc tế nào trình độ sơ đẳng đến mức đánh giá hai văn bản một cách độc lập với nhau. 

Lý luận khác nữa dựa vào hiệp định Geneva, tuyên cáo của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công bố ngày 14 tháng Hai năm 1974 xác định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như Bạch thư của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa đầu năm 1975 để bác bỏ giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng không thể công nhận những gì không thuộc lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây là lý luận có cở sở pháp lý nhất và có thể dùng để biện luận trong các hội nghị quốc tế, rất tiếc Việt Nam Cộng Hòa không còn hiện diện, về mặt công pháp quốc tế Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được xem như giữ quyền tài phán. 

Một người Việt Nam nào có chút quan tâm về đất nước cũng có lần tự hỏi tại sao lãnh đạo đảng ngày đó sơ sót đến mức như vậy ? 

Phải chăng vì thời điểm đó “tình hữu nghị Việt - Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau” như ông Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu? 

Phải chăng vì thời điểm đó, đảng phải tập trung vào chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” như chính tác giả Phạm Văn Đồng phân trần? 

Không, họ chẳng những không sơ sót, không chọn lựa khó khăn nhưng hành động bằng cả nhiệt tình. Trong quan điểm của đảng, công hàm Phạm Văn Đồng phản ảnh mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của đảng CSVN. Việc chọn lựa đảng trên đảo, đặt lý tưởng Cộng Sản trên quyền lợi dân tộc là một chọn lựa tự nhiên, khách quan, hoàn toàn phù hợp với hướng phát triển cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự nô lệ vào tư tưởng Cộng Sản bao trùm lên mọi lãnh vực đời sống của xã hội miền bắc. 

Tưởng cũng cần nhắc lại, thời điểm năm 1958 còn là thời điểm nóng bỏng giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan. Mỗi ngày, pháo binh Trung Quốc bắn hàng trăm viên đại bác vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Như Mao tiết lộ với Khrushchev sau này, y không có ý định “giải phóng” Đài Loan. Việc bắn phá Đài Loan chỉ là thái độ của kẻ “ăn không được phá cho hôi” để thỏa lòng căm hận. Thời điểm năm 1958 vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa chưa phải là mối bận tâm hàng đầu của Trung Quốc, tuy nhiên những người soạn thảo bản công bố chủ quyền biển của Trung Quốc đã biết phòng xa. Việt Nam thì không. Việt Nam cũng có nhiều cách để làm hả dạ đàn anh Trung Quốc mà vẫn giữ được chủ quyền đất nước và cách dễ nhất là viết, gạch đít, đóng khung, tô màu hai chữ Đài Loan trong văn bản. Giới lãnh đạo đảng đã không làm điều đó. 

Nửa thế kỷ trước, cả bộ chính trị lẫn trung ương đảng CSVN viễn du trong giấc mộng về một thiên đường quốc tế vô sản, trong đó con người mang quốc tịch Trung Hoa hay Việt Nam cũng không mấy khác nhau. Trung Quốc có chiếm Hoàng Sa cũng chẳng qua là giữ giùm cho Việt Nam, tốt hơn là để cho Mỹ chiếm. Nói ra như một chuyện cười nhưng đó là sự thật. Đảng Cộng Sản Việt Nam mang ơn đảng Cộng Sản Trung Quốc sâu đậm. Như hầu hết tài liệu quốc tế và cả tài liệu chinh thức của đảng, trong thập niên năm 1950, Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc không những súng đạn, lương thực, chỉ huy, hậu cần, lãnh đạo mà cả tư tưởng và tinh thần. Điện văn của đảng Lao động Việt Nam gởi đảng Cộng Sản Trung Quốc sau hội nghị đảng lần thứ hai tháng 3 năm 1951 như Hoàng Văn Hoan nhắc lại trong hồi ký Giọt nước và biển cả: “Đảng Lao động Việt Nam nguyện noi gương anh dũng Đảng Cộng sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Á Đông trên con đường độc lập và tự chủ.” 

Lịch sử chống ngoại xâm đầy hy sinh xương máu của tổ tiên ta để có một nắm đất xây lên đó một mái nhà tranh che nắng che mưa gọi là Việt Nam đối với lãnh đạo đảng là sản phẩm của tư duy phong kiến. Theo lý luận duy vật lịch sử, mỗi hình thái sản xuất có một thượng tầng kiến trúc chính trị, văn hóa, xã hội, nhân văn thích hợp, những gì của quá khứ đã thuộc về quá khứ. Trong quan điểm của đảng, các nỗ lực của tổ tiên ta nhằm ngăn chặn âm mưu đồng hóa của các triều đại Hán, Tấn, Tề, Lương, Tùy, Đường, Tống, Minh v.v. đều mang tính lịch sử, tính giai cấp chứ không phải tính văn hóa, tính truyền thống, xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ tươi đẹp hơn, con người xã hội chủ nghĩa văn minh hơn và Trung Quốc sẽ đối xử với các nước nhỏ láng giềng bình đẳng trong tinh thần quốc tế vô sản chứ không phải bằng tinh thần đại Hán. 

Mục đích căn bản của Ban nghiên cứu Lịch sử và địa lý Việt Nam được thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1953 không phải nhằm tổng hợp các tài liệu lịch sử, địa lý Việt Nam mà để “Góp phần vào việc bồi dưỡng lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của Đảng. Góp phần nâng cao tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản của nhân dân ta. Phê phán những quan điểm, tư tưởng phản động sai lầm. Phát triển giao lưu văn hóa, khoa học với các nước.” Với các mục đích phản ảnh tinh thần vong thân nô lệ như thế, không lạ gì từ trung ương đảng cho đến các chi bộ hạ tầng, từ các đại học cho đến các trường trung học phổ thông, từ các nhà văn cho đến nhà thơ, không một tài liệu nào cho thấy có một tiếng nói khác gióng lên hay một nhà nghiên cứu nào nêu lên thắc mắc. Việc Trung Quốc quả quyết sách giáo khoa địa lý tại miền bắc cũng đã xác định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc không phải là không có căn cứ.
Trong Tuyển tập Mao Trạch Đông, họ Mao từng nhấn mạnh một cách hãnh diện chín chục phần trăm người Trung Hoa là gốc Hán, tuy nhiên, trong mắt lãnh đạo đảng CSVN, đám Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai không liên hệ huyết thống gì với đám Tô Định, Mã Viện, Lưu Long thời Tây Hán, một triều đại đã thực hiện các chính sách đồng hóa tổ tiên Việt Nam một cách tàn bạo đến nỗi sử gia Lê Văn Hưu phải thốt lên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản gỗ khắc năm Chính Hòa 1697: “Xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà.” 

Khai quật “công hàm Phạm Văn Đồng” không phải là đề xác nhận giá trị pháp lý của mảnh giấy lộn đó. Không một người, tổ chức, đảng phái nào có quyền sang nhượng lãnh thổ Việt Nam, nơi máu xương của bao nhiêu thế hệ đã thắm lên từng nắm đất. Quyết tâm bảo vệ đất nước qua lời thề Lũng Nhai, lời nguyền sông Hóa vẫn còn vang vọng. Thậm chí cho dù cái gọi là quốc hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày đó có thừa nhận Hoàng Sa Trường Sa là của Trung Quốc đi nữa cũng chỉ là sự thừa nhận của một nhóm người, của một đảng độc tài cai trị dân tộc bằng nhà tù sân bắn chứ không phải đại diện cho tiếng nói của nhân dân Việt Nam. 

Khai quật “công hàm Phạm Văn Đồng” để thế hệ trẻ Việt Nam thấy bộ mặt thật phía sau chiêu bài “giải phóng dân tộc” của các tầng lớp lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam. Đảng im lặng không phải vì đảng chưa nghĩ đến bốn cách gỡ rối nêu trên mà chỉ vì công hàm Phạm Văn Đồng là biểu tượng cho ý thức vong bản của một thế hệ lãnh đạo Cộng Sản đang được thần tượng hóa tại Việt Nam. Đám mây đen Cộng Sản đã che khuất lương tri và nhân tính Việt Nam trong con người họ. Giới lãnh đạo đảng không dám công khai tuyên bố hủy bỏ công hàm bởi vì làm như thế là thừa nhận sự u mê, bản chất phản quốc, phản dân tộc của đảng. Họ không đủ can đảm để nguyền rùa chính mình và ly khai với quá khứ của mình. 

Khai quật “công hàm Phạm Văn Đồng” để những ai nghĩ rằng giới lãnh đạo CSVN đã nhận thấy hiểm họa Trung Quốc và chọn lựa đứng về phía Liên Xô để đưa đất nước tiến nhanh hơn trên đường công nghiệp hóa chưa hẳn là đúng. Theo Giáo Sư đại học Harvard Ezra F. Vogel trong tác phẩm Đặng Tiểu Bình và sự biến đổi Trung Hoa (Deng Xiaoping and the Transformation of China), việc Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Sự xáo trộn chính trị nội bộ của Trung Quốc trong thời gian ngắn trước và sau khi Mao chết với các thành phần cực tả khuynh loát quyền hành và bản thân y bị thanh trừng, đã đẩy Việt Nam về phía Liên Xô. Họ Đặng tin rằng nếu y lãnh đạo, với việc nắm vững chính trị Việt Nam và là người đã làm việc với hầu hết cấp lãnh đạo đảng CSVN từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn, Việt Nam có thể vẫn còn trong vòng kiểm soát của Trung Quốc mà không cần súng đạn. Nếu quả đúng và đã diễn ra như Đặng Tiểu Bình phát biểu, Việt Nam hôm nay dù chưa thành một khu tự trị, cũng có thể đã là một nước nhỏ trong vòng một nước lớn Trung Hoa. 

Khai quật “công hàm Phạm Văn Đồng” để thấy cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt, đế quốc Mỹ ra đi, đế quốc Liên Xô sụp đổ nhưng nợ máu xương giữa hai đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam phải trả bằng thân xác của những người dân vô tội vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Cuộc chiến biên giới năm 1979 là một thất bại quân sự nhục nhã cho Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc che giấu thất bại quân sự chua cay này bằng cách im lặng và ngăn chặn việc phổ biến dưới mọi hình thức các tài liệu có liên quan đến cuộc chiến. Zhou Xu Ke, một cựu chiến binh biên giới và tác giả của cuốn sách do ông tự in lấy Cuộc chiến cuối cùng trả lời hãng tin AFP: “Tại Trung Quốc, chính phủ tôn trọng lịch sử chẳng khác gì tôn trọng chó.” Về phía Việt Nam cũng chẳng tốt lành hơn. Máu của thanh niên Việt Nam đổ xuống để bảo vệ Lạng Sơn, Cao Bằng v.v… phát xuất từ lòng yêu nước trong sáng và xứng đáng được kính trọng nhưng khi cuộc cờ tàn, chẳng còn ai nhắc nhở đến máu xương đó nữa. Sau cuộc chiến tranh biên giới, Đặng Tiểu Bình đã thay đổi cấp lãnh đạo, phương hướng phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng đến các nước tư bản tự do; trong lúc đó giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tự cô lập trong chuyên chính vô sản, lạc hậu trong thời bao cấp, tem phiếu, thu mua để rồi đưa đất nước đến thảm trạng nghèo đói tận cùng suốt thập niên năm 1980. 

Sau khi Liên Xô sụp đổ, không còn ai che chỡ, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại lần nữa tìm về nương náu dưới chiếc bóng của đàn anh Trung Quốc. Hội nghị bí mật tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 giữa phía Việt Nam gồm Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và phía Trung Quốc gồm Giang Trạch Dân và Lý Bằng thực chất là lễ cam kết một loại “công hàm Phạm Văn Đồng” khác. Cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ phân tích một cách chi tiết các diễn tiến dẫn tới sự kiện Thành Đô trong hồi ký của ông ta. Không ai, ngoài Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh, biết chính xác nội dung hội nghị bí mật Thành Đô nhưng qua thái độ nhu nhược và phản ứng yếu hèn của giới lãnh đạo CSVN trước các hành động chiếm đảo, bắn tàu, cắt dây cáp, giết người tàn nhẫn của hải quân Trung Quốc và mới đây bắt bớ hàng loạt người Việt gióng lên tiếng nói bất bình, cho thấy nội dung bán nước trong “công hàm Thành Đô” hẳn còn trầm trọng và chi tiết hơn cả “công hàm Phạm Văn Đồng”

Trong lễ ký kết thỏa hiệp chiều ngày 7 tháng 11 năm 1991 tại Nhà khách Chính phủ Điếu Ngư Đài Bắc Kinh, Giang Trạch Dân không quên nhắc nhở đến các cam kết cũ và xác định phương pháp mới trong quan hệ Việt Trung như còn ghi lại trong Diễn Đàn Kinh Tế Việt Trung: “Hoan nghênh các đồng chí Việt Nam sang Trung Quốc hội đàm với chúng tôi. Các đồng chí là những người thuộc thế hệ lãnh đạo lão thành của Việt Nam, cũng là những người bạn lão thành quen biết của những người thuộc thế hệ lãnh đạo lão thành của Trung Quốc; điều đáng tiếc là đã mười mấy năm chưa được gặp nhau. Tôi và đồng chí Lý Bằng một hai năm gần đây tiếp nhận công tác của bậc tiền bối lão thành. Thật đúng là ‘trên sông Trường Giang, ngọn sóng sau đẩy ngọn sóng trước, trên đời lớp người mới thay lớp người cũ’. Nhưng chúng tôi hy vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể khôi phục mối quan hệ mật thiết giữa hai Đảng và hai nước do những người lãnh đạo thuộc thế hệ lão thành xây dựng nên." 

Tại sao lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận sự quy phục của lãnh đạo CSVN? Bởi vì, (1) là thế hệ chứng kiến sự tranh giành quyền lực giữa các lớp đàn anh, Giang Trạch Dân biết tham vọng quyền lực đã hòa trong mạch sống, hơi thở, máu thịt của Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và giới lãnh đạo CSVN, (2) không giống như thời Liên Xô chưa sụp đổ, lần này đảng CSVN không còn một con đường thoát nào khác, nhưng ba điểm sau quan trong hơn, (3) Việt Nam là hành lang chiến lược trong vùng Nam Á, (4) vào thời điểm 1990. đối tượng cạnh tranh của Trung Quốc không còn là Việt Nam mà là Mỹ, Đức, Nhật và (5) mục tiêu bành trướng của Trung Quốc cũng không phải chỉ là Hoàng Sa Trường Sa mà là cả vùng Thái Bình Dương. 

Đọc hồi ký của Trần Quang Cơ để thấy mặc dù nhân loại sắp bước vào một thiên niên kỷ mới, nhận thức về chính trị và bang giao quốc tế của các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam vẫn còn ngây thơ đến tội nghiệp làm sao. Năm 1990, khi Liên Xô và các nước Cộng Sản Đông Âu như những cánh bèo tan tác ngoài cửa biển mà các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam vẫn còn nghĩ đến việc liên kết với Trung Quốc chống đế quốc Mỹ: “Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên còn nhấn vào âm mưu của đế quốc Mỹ sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu”“Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa cùng chống âm mưu đế quốc xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, phải cùng chống đế quốc.” 

Cũng vào thời điểm này, Đặng Tiểu Bình đã viếng thăm và ký các thỏa hiệp kinh tế chính trị với các quốc gia tư bản như Mỹ (1979), Anh (1984) cũng như mở rộng hợp tác kinh tế với Đức vừa thống nhất và cựu thù Nhật Bản nhưng các lãnh đạo CSVN còn mơ mộng Trung Quốc sẽ thay mặt Liên Xô giương cao ngọn cờ quốc tế vô sản. Đặng Tiểu Bình không có mặt trong hội nghị bí mật Thành Đô dù phía Trung Quốc đã hứa một phần vì y chưa nguôi cơn giận chiến tranh biên giới nhưng phần khác cũng vì Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh không xứng đáng là đối tượng thảo luận trong tầm nhìn của y về tương lai Trung Quốc và thế giới, nói chi là số phận Việt Nam. Sau “công hàm Thành Đô” và tái lập quan hệ giữa hai đảng vào ngày 7 tháng 11 năm 1991, các lãnh đạo CSVN thay phiên nhau triều cống Trung Quốc. Lê Đức Anh sang Trung Quốc 28 tháng Giêng năm 1991, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt sang Trung Quốc 5 tháng 11 năm 1991 và gần như hàng năm các lãnh đạo CSVN luân phiên nhau sang Trung Quốc để lập lại lời hứa phục tùng. 

Sau khi đặt đảng CSVN trở lại trong vòng kiểm soát, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Ba tháng sau đó, ngày 8 tháng 5 năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone của Mỹ, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng hứa với công ty Creston sẽ bảo vệ bằng võ lực nếu Việt Nam can thiệp vào công việc của họ. Ngoài các hoạt động khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc còn ngang ngược ra lịnh cấm đánh cá, thành lập các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa, và cho phép hải quân Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam vô tội không phải chỉ một lần mà rất nhiều lần. Các lãnh đạo Việt Nam, lo cho sự sống còn của đảng Cộng Sản, đáp lại bằng những lời than vãn gần như giống nhau sau những lần Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. 

Tại sao Trung Quốc không ngang ngược với Nhật Bản, Philippines, Mã Lai, Brunei, những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền Trường Sa? Bởi vì các quốc gia đó thật sự có chủ quyền chính trị, chính phủ trong sạch được bầu lên một cách hợp pháp, có nhân dân hậu thuẩn, có quốc tế kính trọng, có nhân loại cảm tình. Một chiếc tàu đánh cá treo quốc kỳ Nhật, quốc kỳ Phi làm hải quân Trung Quốc e dè, kiêng nễ trong lúc tàu đánh cá treo cờ đỏ sao vàng lại trở thành mục tiêu tác xạ. Thật vậy, với một bên quyết tâm trả thù cho “một trăm năm sỉ nhục” bằng chủ trương bành trướng khắp thế giới và một bên chỉ mong được tiếp tục đè đầu cởi cỗ chính đồng bào mình, lãnh đạo Trung Quốc rất yên tâm vì họ biết rõ, ngày nào đảng Cộng Sản còn cai trị nhân dân Việt Nam, ngày đó Trung Quốc còn chi phối đượcViệt Nam. 

Nicholas D. Kristof và Sheryl Wudunn, đồng tác giả của Trung Hoa thức dậy (China Wakes: The Struggle for the Soul of a Rising Power) nhận xét rằng xung đột có khả năng cao nhất sẽ dẫn đến chiến tranh tại Á Châu là xung đột về các quần đảo trong biển đông. Vì đặc điểm địa lý chính trị, chiến lược quân sự và là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia tranh chấp đã trực tiếp hy sinh xương máu trên hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam được hầu hết các nhà phân tích nhận xét sẽ là điểm xuất phát của một cuộc tàn sát chưa từng thấy ở Á Châu. 

Để đối phó với một Trung Quốc đầy tham vọng, hầu hết các quốc gia có quyền lợi trong vùng như Nam Dương, Mã Lai, Philippines đang làm mọi cách để phát triển kinh tế, tăng cường khả năng quốc phòng hầu ngăn chận bàn chân Trung Quốc. Các chính trị gia bảo thủ Nhật Bản kêu gọi sửa đổi hiến pháp để cho phép nước Nhật tái trang bị. Sự thay đổi chính sách của Miến Điện cụ thể qua việc ngưng công trình đập do Trung Quốc hậu thuẩn hồi tháng Chín năm 2010 và mở rộng hợp tác với Mỹ qua chuyến thăm viếng của Ngoại trưởng Hillary Clinton lần đầu trong nửa thế kỷ cho thấy một tập đoàn quân phiệt bị thế giới lên án cũng đã biết “buông dao đồ tể”. Ngay cả Brunei, một quốc gia có dân số vỏn vẹn 400 ngàn cũng đang hiện đại hóa các phi đoàn trực thăng chiến đấu bằng Blackhawk. Giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ biết nuốt nhục để sống. Ngoài những lời tuyên bố về chủ quyền lấy lệ và những thay đổi quốc phòng giới hạn, họ không làm gì cụ thể hơn để đáp ứng với hiểm hoạ chiến tranh lớn nhất trong lịch sử Á Châu sắp xảy ra ngay trên lãnh thổ Việt Nam. 

Học sinh các lớp sử thường đọc Mạc Đăng Dung đã cắt đất Vĩnh An, An Quảng gồm 6 động dâng cho nhà Minh để thuộc vào Châu Khâm như đã ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Sự kiện đó chưa hẳn đúng vì Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết “Nay xét Khâm Châu chí của nhà Thanh, chỉ thấy chép đời Gia Tĩnh (1522 - 1566 ), Đăng Dung nộp trả năm động Ti Phù, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc mà thôi, chứ không thấy nói đến động An Lương. Lại tra cứu đến Quảng Yên sách thì động An Lương hiện nay là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh nước ta.” Mạc Đăng Dung, trong hoàn cảnh hai đầu đều có địch, buộc phải trả lại năm động vốn là đất của Trung Hoa chứ chẳng dâng hiến phần đất nào thuộc lãnh thổ Việt Nam mà còn cứu được đất nước khỏi lâm vào vòng lệ thuộc ngoại bang. Dù sao, trong lúc “công hàm Mạc Đăng Dung” có thể có lý do tranh luận, tội bán nước trong “công hàm Phạm Văn Đồng” quá hiễn nhiên, rõ ràng và chính tác giả khi còn sống cũng đã thừa nhận mình đã ký. 

Trước đây sử gia Lê Văn Hưu đã thốt lên câu đứt ruột trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà.” Nếu sử gia sống trong thời đại này, hẳn ngài sẽ đổi thành “Xin trời vì nước Việt ta sớm đánh thức nhân dân để họ biết đứng lên, tự làm chủ nước nhà.” Bởi vì lịch sử đã chứng minh, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam. Vó ngựa quân Mông Cổ sải từ Á sang Âu, chiếm gần 20 phần trăm trái đất, đốt cháy thành than các thủ đô Kiev, Budapest, Baghdad, Bắc Kinh, vượt qua các sông Hoàng Hà, Volga, Danube nhưng đã phải dừng lại bên sông Bạch Đằng, Việt Nam. Kẻ thù thắng nhiều trận nhưng dân tộc Việt Nam luôn thắng trận cuối cùng và quyết định. Hơn ai hết, giới lãnh đạo Trung Quốc phải thuộc bài học đó. 

Như kẻ viết bài này đã viết trước đây trong tiểu luận “Ai giết 9 ngư dân Thanh Hóa?” một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương tiện hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Quốc mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nếu không làm được thế, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, mà cả dân tộc lại sẽ chìm đắm trong họa đồng hóa của thời đại mới. Và khi đó, đừng đổ thừa cho Trung Quốc mà chính sự khiếp nhược, ươn hèn, mê muội trong mỗi chúng ta đã giết chết chính mình và dân tộc mình. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo