Hoàng Thanh Trúc (danlambao) - Người ta không tin, gần 500 ĐBQH của cả nước không đủ tri thức để nhận ra bản chất của sự việc cưỡng chế đất đai ao đầm, có súng nổ máu rơi ở Tiên Lãng, nhưng không lẽ tiếng súng nổ nơi ấy cũng làm cho ngần ấy các vị phải “sợ quá” trùm chăn hết ráo?!
*
Đã hơn một tháng kể từ tiếng mìn Đoàn Văn Vươn và những loạt đạn hợp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang cưỡng chế thu hồi đất, nổ vang, trên đầm phá Cống Rộc, Vinh Quang, Tiên Lãng, TP/Hải Phòng.
Điểm lại sự việc, quá trình nó như cuộn phim phát chậm trên lăng kính nhiều mặt, đủ góc cạnh của “hỉ-nộ-ái-ố” vì thế ngay từ đầu như vết dầu loang, nó lan tỏa khá rộng gây bức xúc và chú ý cho công luận trong lẫn ngoài nước. Báo chí, web, blog lề đảng lề dân thi nhau lên tiếng. Mặt trái của nó phơi bày nhiều bất cập tưởng chừng như không thể chấp nhận được, từ vi phạm pháp luật tới đạo lý, liêm sĩ và nhân cách, sự yếu kém năng lực trong vai trò lãnh đạo của cá nhân, và cho tới giờ này sự việc nó vẫn còn đang nóng, tin tức từ các nguồn vẫn cập nhật hàng ngày ….
Nhưng tuyệt nhiên không hề thấy nguồn tin chính thống nào vang lên từ văn phòng hay cơ quan “Thường Vụ Quốc Hội”, mà theo Hiến Pháp thì Thường Vụ QH có rất nhiều chức năng và quyền hạn được ủy nhiệm để thay mặt QH phải có quan điểm và lên tiếng đúng lúc trong các sự kiện “nóng” như vụ việc ở Tiên Lãng này, bởi người ta đọc thấy trong:
Điều 19 chương II- Quy Chế / Hoạt động của UBTV/QH:
“..2-) Cử đoàn đi kiểm tra về các vấn đề thuộc phạm vi giám sát của mình. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang hoặc của công dân, Đoàn kiểm tra có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan và những người có trách nhiệm thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó.
Cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và trả lời kiến nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội..”
5 ) Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân ( trong đó là UBND ) làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân; ( Nghị quyết số 575/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá XII ngày 31 tháng 01 năm 2008)..
Đúng là công việc xử lý ở Tiên Lãng ấy thuộc thẩm quyền của nhà nước (chính phủ). Tuy nhiên như các điều khoản nói trên qui định, giám sát đôn đốc theo dõi là một trong các chức năng của thường vụ QH và các ĐBQH/ địa phương. Khi tiếp cận được sự việc từ các thông tin truyền thông, báo chí, thì các cơ quan chuyên trách của QH hay ĐBQH địa phương cũng có thể đánh giá, xét thấy sự việc có khả năng là vi phạm pháp luật hay gây nên những thiệt hại hoặc phản ứng bất lợi từ nhân dân và công luận thì kịp thời có những khuyến cáo thích nghi phù hợp qui chế Hiến Định như một tiếng “tuýt còi” cho “nhà nước” TW hay địa phương “stop” lại sự “phiêu lưu” nếu có ý định manh nha thêm nữa hành vi lạm quyền vi phạm pháp luật hay đạo đức của người lãnh đạo – Ví dụ như: Hành vi dùng lực lượng vũ trang chính qui quân đội trong vụ việc tranh chấp đất đai dân sự với nông dân, tuỳ tiện lợi dụng cưỡng chế phá hoại nhà cửa tài sản nhân dân hoặc sự vu khống của PCT/TP/ Hải Phòng Đỗ Trung Thoại, đỗ vạ cho nhân dân xã Vinh Quang phá nhà ông Đoàn Văn Vươn…
Những động thái kịp lúc như vậy của Thường Vụ Quốc Hội sẽ như đồng bộ hơn cùng nhịp đập với trái tim nhân dân, cử tri và công luận cả nước...
Thật lòng là chúng ta sẽ không biết phải bình luận như thế nào đây? hơn một tháng qua, sự kiện cưỡng chế ao đầm nhà đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, mà công luận cho rằng trái pháp luật gây nên hậu quả nhiều mặt tác hại rất lớn, hao tốn khá nhiều giấy mực, sự quan tâm buộc phải lên tiếng phản biện từ nhiều giới chức “sừng sỏ” khác nhau, nhưng Quốc Hội hay Thường Vụ QH và các ĐBQH thì “đạm bạc” quá trong cái cách tiết kiệm lời của mình??…
Thật là lẽ loi và không biết có phản cảm lắm không? dù tiếng nói của ĐBQH Dương Trung Quốc rất đúng đắn chính xác và trung thực trong buổi Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn tại Hội quán Sáng tạo, 36 Điện Biên Phủ, do tạp chí Tia sáng cùng Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tổ chức, chiều 31-1-2012, dưới đây là toàn văn phát biểu của ông Dương Trung Quốc khi nói về sự kiện Tiên Lãng:
“ …Tôi cho rằng cái vụ án ấy (cưỡng chế Tiên Lãng) trách nhiệm đầu tiên là của Quốc Hội. Bởi vì Quốc Hội là người xây dựng luật và giám sát việc thực thi luật. Vậy mà Thủ tướng đường đường là Đại biểu Quốc Hội tỉnh, thành phố Hải Phòng, chưa thấy lên tiếng. Tôi rất muốn Thủ tướng hành xử không phải vì với tư cách là người điều hành Chính phủ mà với tư cách là một Đại biểu Quốc Hội của thành phố Hải Phòng.” ( HDTG blog )
Công luận sẽ rất buồn lòng vì lời phát biểu này nó phát ra không chính thức từ văn phòng QH hay Thường Vụ /Quốc Hội mà nó phát đi từ một nơi có thể gọi là trong khung cảnh của “trà dư tửu hậu”? và có hiện diện nhiều “VIP” trí thức xã hội như: GS Vũ Khiêu 97 tuổi, GS Hoàng Tụy, cựu PCT nước Nguyễn Thị Bình, cựu PTT Vũ Khoan, Giản Tư Trung-hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Đặng Lê Nguyên Vũ-Chủ tịch Trung Nguyên, TS Nguyễn Trí Dũng-VK Nhật, TS Nguyễn Sĩ Dũng-Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Lê Đăng Doanh, nhà sử học Dương Trung Quốc, TS Nguyễn Quang A, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, kinh tế gia Phạm Chi Lan, cựu Đại sứ Nguyễn Trung, GS Hồ Ngọc Đại, GS Văn Như Cương, TS Trần Đình Thiên, cựu bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển (hiện là cố vấn của Thủ tướng).
Nhưng cũng thật lạ! ngoài ĐBQH Dương Trung Quốc lên tiếng thì thông tin không thấy chuyển tải thêm ý kiến nào nữa của các vị ấy dù là có cả Phó chủ nhiệm VP/Quốc hội hiện diện bên cạnh ông Dương Trung Quốc? Không lẽ sự việc cưỡng chế tranh chấp đất đai chưa có tiền lệ ở Tiên Lãng nó như là một sự kiện lịch sử chỉ cần và liên quan cho “sử gia” Dương trung Quốc?
Có thể sẽ là một suy ngẫm rất khó trả lời cho đại bộ phận nông dân, lớp người thường xuyên “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm ra hạt gạo từ mồ hôi công sức của mình để hàng ngày có mặt trong chén cơm trên bàn của toàn bộ thành viên ĐBQH và những “VIP” trí thức có thừa kiến thức để nhận diện sự kiện Tiên Lãng nhưng hiếm quá, như sao buổi sớm, những tiếng nói “dũng khí” cất lên dù có là cách nói của lề đảng hay lề dân liên quan đến chính sách công bằng đạo lý trên đồng đất tư liệu làm nên hạt gạo của chính người nông dân trên đất nước này.
Người ta không tin, gần 500 Đại Biểu QH của cả nước không đủ tri thức để nhận ra bản chất của sự việc cưỡng chế đất đai ao đầm, có súng nổ máu rơi ở Tiên Lãng, nhưng không lẽ tiếng súng nổ nơi ấy cũng làm cho ngần ấy các vị phải “sợ quá” trùm chăn hết ráo?!