Còn một Việt Nam khác... - Dân Làm Báo

Còn một Việt Nam khác...

Trịnh Hồng Lạc (Danlambao) - Cơ thể Việt Nam hình chữ S thân yêu đang quằn quại từng ngày, từng giờ, từ đỉnh đầu phía Bắc đến mũi chân phía Nam, vì những tiếng kêu rên thống thiết của người dân ở khắp mọi miền đất nước. Tiếng kêu rên ấy phát ra từ nhà tù tăm tối, từ cánh đồng hoang, mảnh đất trống, hay ngôi nhà đã bị cướp mất; từ cửa của các cơ quan công quyền; từ các nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp; từ các nẻo đường phố thị hoặc từ biển khơi dội về...

Tiếng kêu rên ấy của người trí sĩ trăn trở với vận mệnh dân tộc, đã từng dám nói lên sự thật để bày tỏ tấm lòng yêu nước; của những người dân bỗng chốc mất trắng ngôi nhà, mảnh đất, hay ngôi mộ tổ tiên thiêng liêng; Tiếng kêu rên ấy của những người nông dân bị cướp mất ruộng đồng, đầm ao, hay được đền bù bằng một số tiền mà chẳng biết phải nên cười hay nên khóc cho cái cảnh đời còn lại của cả gia đình mình; Tiếng kêu rên ấy của người công nhân bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ; của những người bị đẩy xuống mức bần cùng, nghèo nàn sống lê lết qua việc độ nhật cầm hơi; Tiếng kêu rên của từng đoàn dân oan đi khiếu kiện; của người ngư dân khắc khổ bám biển dữ để có những đồng tiền lành lặn... 

Sẽ là rất thiếu sót nếu không kể đến các cơ sở tôn giáo, nhà thờ, chùa chiền, nhà nguyện, thánh đường… của Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Hòa Hảo, hay các tổ chức thiện nguyện vì lợi ích hiền hòa của cá nhân và gia đình, xã hội, đất nước, họ đang rên siết và cùng quẩn đến có thể chọn giải pháp tự thiêu đốt mình để tìm cầu sự giải thoát tạm bợ ra khỏi cái bức ngặt hiện thời vì sự trấn áp từ phía nhà cầm quyền về tư tưởng cũng như trong sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh của mình… 

Cái cơ thể vốn đã đau oằn trong suốt một thời gian dài ấy, nay lại thâm lịm vì những cái chết oan khiên của những người dân vô tội ở đồn cảnh sát (tôi không thích cái danh từ công an vốn đã gây nhiều ác cảm nữa), ngoài đường phố, hay bất cứ nơi đâu mà người dân bày tỏ thái độ phản kháng dù là rất ôn hòa với chính quyền đương thời, để đòi hỏi những nguyện vọng chính đáng, cơ bản của công dân… 

Dòng máu đỏ của mảnh đất Việt Nam đã bắt đầu rướm ra từ những vết thương bị bươm da lóc thịt… Tài nguyên, khoáng sản biển, rừng, núi cao nguyên, đất đai bắt đầu chảy tràn ra khỏi cơ thể của đất nước Việt Nam chỉ để làm giàu thêm cho một nhóm người rất nhỏ trên mảnh đất này mà thôi, và họ bắt tay chia chác với các thế lực ngoại bang tham lam từ truyền kiếp, một cách rất tùy tiện… Từng đàn, từng đàn “voi” được rước đón, được chỉ đường bắt đầu kéo qua dẫm đạp, giày xéo mảnh đất tổ tiên này, ngang nhiên đi lại nhan nhản và dần dà giở trò hiếp đáp người dân bản xứ… 

Trong sự chảy máu tài nguyên ấy, làm sao không nhắc đến thành phần lao động bị “giao tay” đi ra quốc ngoại để tha hương cầu thực chứ… Và trong sự táng tận của nhân tâm, nạn người buôn bán người làm đầy tớ phục dịch hay nô lệ tình dục tưởng đã không còn trong thời đại văn minh này nữa, lại xảy ra trên đất nước Việt Nam, vốn có truyền thống văn hóa Á Đông cổ kính và diễm lệ này… 

Tất cả những âm thanh râm ran thống thiết ấy đã làm nên một tấu khúc bi ai đến rợn người của dân tộc này, nếu không tạo nên những khối uất hận ngút trời thì cũng biến thành những cơn tuyệt vọng đến bức tử cho những ai bị cưỡng ép phải thưởng thức nó mãi… 

May thay… 

Khi đất nước đang thoi thóp qua từng ngụm hơi thở mong manh thì lại có một Việt Nam khác đang len lỏi trỗi dậy để hồi sinh… Le lói đâu đó cũng có những phản kháng của người dân đối với sự cai trị độc tài và hà khắc của nhà cầm quyền, từng bước, từng bước một cũng làm cho tầng lớp cai trị phải chùn chân và nghĩ lại. Chính quyền cũng lồng lộn và dã man hơn đấy, nhưng ngắm nhìn cho kỹ thì đó cũng chỉ là cái biểu hiện tự nhiên dễ hiểu của một con dã thú, một thế lực đã quen với bạo cường bị công kích bất ngờ từ nhiều phía đang giãy giụa trước khi lâm vào cơn cuồng tử mà thôi. Xin nhắc đến những chí sĩ nổi bật, những con tim nhiệt huyết với vận nước đang hà hơi tiếp sức lèo lái con thuyền dân tộc đi đến bến bờ phục sinh tươi sáng hơn. Họ thấy được một Việt Nam khác trường cửu, mạnh mẽ, nhân ái và đầy sức sống hơn, một Việt Nam chung của một tập thể gần 90 triệu hóa thân Tiên Rồng chứ không phải riêng của ưỡm ờ 3 triệu con người có tinh thần ngoại lai độc đoán, lắm dã tâm đang cố bám víu vào một chủ thuyết du nhập vô thần và man rợ để dai dẳng bòn rút đồng bào mình, làm kiệt quệ quê hương mình… 

Tôi nhớ đến một vài danh kiệt thời đại và xin được có đôi lời chắt chiu ca tụng họ. Họ là những Hòa thượng Thích Quảng Độ, những Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh, những Linh mục Nguyễn Văn Lý, những TS. Cù Huy Hà Vũ, những NS. Việt Khang, những Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, những Trần Huỳnh Duy Thức, những Đỗ Thị Mỹ Hạnh, những Bùi Thị Minh Hằng v.v... và v.v… Tôi gọi “những” là vì trong từng địa hạt của mình, họ đã thắp lên những ngọn đuốc để châm mồi cho một số những ngọn đuốc khác, cái ánh sáng lương tri mà họ đem lại cho dân tộc Việt Nam thật đáng tự hào và tràn trề hy vọng về một tiền đồ xán lạn của quê hương… Mặc dù, cái giá mà họ phải trả không hề nhẹ nhàng chút nào… Tôi đã đôi lần khóc với tấm lòng của họ, và rồi cũng nhanh chóng dìm mình vào quên lãng… 

Tôi đã tự luồng lách qua những đêm đen tăm tối bằng những bài thuyết giảng về đạo đức cao thượng, bằng những luận điệu quanh co gạt gẫm chính cái lương tri của mình để cố gắng vỗ về mình hãy đưa những ngôn từ: quê hương, đất nước, chính trị… đi xa tít và hoàn toàn triệt tiêu trong tâm khảm. Vâng, tôi đã làm được điều đó trong một thời gian dài, và theo quán tính của cái xã hội bên ngoài, tôi đã dễ dãi tự ru ngủ mình. 

Lạ thay, những sự vật vô tri dường như cũng cất lên được tiếng nói riêng của nó trong cái vực sâu nhân tạo ấy… Từng hạt gạo, từng cọng rau, từng câu hò, từng dòng sông, từng tiếng hát ru của lòng đất Mẹ, … len lỏi vào những tâm niệm của tôi tạo thành những cảm xúc hồn nhiên và chân thật đến không ngờ, để đòi nợ hay nhắc nhở một điều gì đó, làm cho lương tri của mình dẫu đã rất quen thuộc với lối sống vật vờ cũng không thể nào chết hẳn được… 

Tôi lại bắt đầu đục khoét cái bức tường bưng bít của giáo dục và tuyên truyền, ngăn cách với lịch sử và sự thật, tôi có được chút ít cảm nhận về công lao của biết bao bậc anh hùng, anh thư, những bậc trí sĩ từ trong lịch sử nữa… Mỗi một sự hy sinh, cống hiến thầm lặng hay hiển hách của các bậc tiền nhân đều như những sợi tơ óng ánh, gom góp nhau để đan dệt thành một mảnh giang sơn gấm vóc kiêu hùng được đính lên hai chữ Việt Nam thiêng liêng ấy… 

Tôi lại nghĩ có một điểm chung nào đó giữa những bậc anh tài từ cổ chí kim trên đất nước này nhỉ? Đó phải chăng là vì họ đã từng “nghe” được “tiếng nói lương tri” của cả một dân tộc trong một sự sống âm thầm nhưng mạch lạc, bất diệt qua nhiều ngàn năm thử thách, vang vọng từ đáy sâu tâm hồn của Việt Nam nhỉ? 

Tôi chẳng phải là một chính trị gia hay một nhà sử học để có thể tìm mọi cách thuyết phục người khác bằng những bằng cớ, con số viện dẫn cụ thể, chính xác của lịch sử cũng như của thời sự; tôi lại càng không phải là một tiểu thuyết gia tận dụng tối đa khả năng văn chương của mình để bán chạy một cuốn sách nào đó… Tôi chỉ nói bằng sự quan sát cảm nhận và chút lương tri còn sót lại trong con người Việt Nam của tôi mà thôi, vì tôi cũng chẳng biết được sống trong cái xã hội, cái đất nước này thêm một thời gian nữa, liệu tôi có còn giữ được chút lương tri ít ỏi đó của mình không nữa… Bởi lẽ, bị kìm kẹp, chăn dắt trong một môi trường bắt buộc phải “thối hóa” (ngược lại với tấn hóa) từ loài NGƯỜI xuống làm CỪU, phải đối xử tệ bạc với người khác để có lợi cho mình, thì việc đòi hỏi được làm người chính danh với những nhu cầu cơ bản nhất là được quyền nhìn nhận đúng bản chất của nó và được phát biểu, hầu như là điều không thể và còn nguy hại đến cả chức năng “hít thở” của mình nữa… Tôi tự nhận xét mình có lẽ đang biến hình thành một con quỷ dật dờ lưu vong ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, một con “quỷ nước Nam” cô độc, tuyệt vọng, đã từng rất quằn quại trong sự sợ hãi lẫn hận thù… Nhưng có lẽ, điều đầu tiên tôi nên làm là dần dà vùng bật dậy trong tư tưởng của mình… 

Theo tầm nhìn của họ, những tên tuổi đáng tự hào của thời cuộc, mà có lẽ tôi sơ sót không dẫn chứng hết được ở trên, tôi cũng tràn trề hy vọng về một Việt Nam khác, sẽ hồi sinh sau những cơn bạo bệnh, đang thầm lặng lột xác từng ngày để trở nên lành lặn, tươi nhuận và mạnh mẽ hơn như trong những trang sử vàng dân tộc qua các thời đại thịnh trị của các Đức Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Tây Sơn, thời Đinh, Lê, Lý, Trần… để con dân nước Việt, trong đó có tôi, được sống trong nhân ái và nhiệt thành. Sự cùng tất biến, biến tất thông thôi! 

Mọi sự việc hiện hữu đều bắt đầu từ những niệm tưởng, và tôi cũng đã bắt đầu tập tành sống tự hào hơn trong một đất nước Việt Nam lạc quan khác của riêng mình… Một Việt Nam sống dậy từ tiếng nói của LƯƠNG TRI! 

Viết bên bờ tuyệt vọng… 

Sài Gòn, tháng Hai 2012 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo