Sỹ Lực (Danlambao) - Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, Ts. Trần Nhơn, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng dự luật này đã “quên” điểm quan trọng là xem nước sau công trình (sản phẩm nước) là hàng hóa, cần có lộ trình xóa bỏ bao cấp của nhà nước trong lĩnh vực này. Ông Nhơn đã cùng các cộng sự viết riêng một Dự Luật khác để trình Quốc hội.
Gặp ông trong căn nhà riêng cạnh đại học Thủy lợi, vị thứ trưởng về hưu hơn 10 năm nay, tóc gần như bạc trắng. Ông lục tục soạn ra các luận án phó tiến sỹ, các tài liệu hội thảo, sách nghiên cứu để chứng minh cho vấn đề mà ông miệt mài, tâm huyết – “hàng hóa nước và thị trường nước”. Ông nói, “kinh tế nước, tài chính nước là vấn đề đeo đuổi tôi suốt hơn hai thập niên qua. Ngày đêm tôi vẫn trăn trở suy tư với đề tài này. Thấy chưa hài lòng, thấy còn có sức đóng góp nên tôi gửi thư lên QH, viết dự luật độc lập với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được QH thảo luận”.
“Chiến đấu” cho “hàng hóa nước”
Thưa ông, quan niệm sản phẩm nước là háng hóa; cần từng bước xác lập thị trường cung ứng nước ở nước ta. Hàng ngày người dân thành phố vẫn phải mua nước để dùng, nông dân nộp phí để lấy nước cày ruộng. Vậy vì sao dường như ông vẫn chưa đồng thuận với Luật Tài nguyên nước hiện nay?
- Ngành hàng nào “được hưởng” cơ chế bao cấp, “xin – cho” thì ngành hàng đó òi ọp, lụn bại, lụi tàn vì nội lực, nội năng không ngừng bị tiêu hao, hủy hoại; động lực phát triển bị xói mòn, tổn hại, tiêu vong. Sản phẩm nào được hàng hóa hóa, thị trường hóa thì phát triển đa dạng, phong phú, cung thỏa mãn cầu. Đó là quy luật, đã được thực tiễn đổi mới và hội nhập chứng minh. Sản phẩm nước (nước sau công trình) còn chưa được coi là hàng hóa, thị trường nước còn bị bỏ ngỏ thì vấn nạn thiếu nước sạch, công trình thủy lợi xuống cấp, không có nguồn tài chính để xử lý nước thải, nước nhiểm bẩn là lẽ đương nhiên.
Để có được mấy chữ đơn giản “nước là hàng hóa”, “thị trường nước”… được ghi trong Quyết định Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên nước đến năm 2020 (số 81/2006/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 4 năm 2006) là cả một tiến trình dài, đầy khó khăn. Cách đây 14 năm, khi QH khóa X thảo luận về Luật Tài nguyên nước – 1998, Hội Thủy lợi Việt Nam (lúc đó tôi là Chủ tịch Hội) tổ chức một cuộc Hội thảo với gần 200 chuyên gia, nhà quản lý tham dự. Nhiều nhà khoa học lúc đó nêu các quan điểm về kinh tế nước, tài chính nước, “lấy nước nuôi nước và phát triển nước”, sản phẩm nước sau công trình là hàng hóa, giá sản phẩm nước phải được tính đúng tính đủ, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, bảo đảm các doanh nghiệp nước bảo toàn và phát triển vốn được nêu ra. Các ý kiến đó được tiếp thu một phần trong Luật Tài nguyên nước 1998, sau đó được đưa nhiều hơn vào Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên nước đến năm 2020.
Nhưng tiếc thay, hiện nay, Dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ thông qua tại kỳ họp QH thứ 3 này chưa kế thừa được các thành tựu đạt được trong 2 văn bản pháp luật nói trên về vấn đề tài chính nước. Vì vậy, tôi và các đồng nghiệp tiếp tục góp ý và nhấn mạnh quan điểm này.
Vậy “bất cập”, “thiếu sót” ở đây là gì thưa ông?
- Trong dự thảo Luật lần này, cũng quy định thu các loại phí của các cá nhân tổ chức khi khai thác, sử dụng nước. Tuy nhiên, những cái đó chỉ là một phần rất nhỏ của thị trường hàng hóa nước. Vấn đề ở đây là phải tạo ra một thị trường nước thực sự chứ không chỉ là việc thu phí. Trong dự thảo luật do chúng tôi xây dựng, chúng tôi đề nghị: “Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa. Sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước. Giá dịch vụ cung ứng nước được tính đúng, tính đủ, bảo đảm cho các doanh nghiệp nước bảo toàn và phát triển vốn. Từng bước hình thành thị trường cung ứng dịch vụ về nước với sự tham gia của các thành phần kinh tế và thị trường chuyển nhượng, trao đổi giấy phép về tài nguyên nước”. Câu này không còn là ý kiến đề xuất của cá nhân tôi mà là trích từ Quyết định Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên nước đến năm 2020 (Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 4 năm 2006)
Xã hội hóa việc xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi
Như vậy, có nghĩa là việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi sẽ có sự tham gia của các các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế giống như hình thức đầu tư BOT trong giao thông?
- Đại loại là như vậy. Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu xây dựng các công trình đầu tư công, trong đó có công trình thủy lợi. Mặt khác, điều quan trọng hơn, việc Nhà nước bao cấp tràn lan, vô điều kiện, trong đầu tư khai thác công trình thủy lợi (trừ thủy điện) đang bộc lộ nhiều bất cập. Nổi rõ nhất là kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực, triệt tiêu động lực phát triển. Khi các chủ đầu tư chỉ là “tớ đầu tư”, không phải bỏ tiền để đầu tư, quản lý khai thác công trình, chỉ trông chờ, ỷ lại vào vốn ngân sách, thì làm sao họ có thể “của đau con xót” để xây dựng, quản lý khai thác công trình có hiệu quả được! Việc “xin – cho” dự án tạo kẽ hở dẫn đến hệ lụy lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng.
Như vậy là ông không đồng thuận với việc miễn giảm một phần thủy lợi phí cho nông dân hiện nay?
- Việc giảm thủy lợi phí cho nông dân như hiện nay chỉ là bước quá độ. Về lâu dài, nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như các ngành công nghiệp, dịch vụ cần phải vận hành theo cơ chế thị trường (có chính sách hỗ trợ tài chính minh bạch và thích hợp đối với một số loại hộ dùng nước). Có như vậy mới phát huy được nội lực và động lực phát triển của doanh nghiệp nước cũng như người sử dụng dịch vụ cung ứng nước: Doanh nghiệp nước được bảo toàn và phát triển vốn trong khi hộ dùng nước sử dụng nước tiết kiêm, có hiệu quả.
Nhà nước sẽ dành số vốn tiết kiệm được do không phải bao cấp tràn lan (rất kém hiệu quả) cho dịch vụ cung ứng nước (và có thể nhân đôi, nhân ba lên!) để đầu tư (minh bạch) cho điện, đường, trường, trạm ở nông thôn, kể cả có thể để chi dùng vào việc trực tiếp mua thóc nông dân với giá khuyến khích (gấp rưỡi, gấp đôi... so với cơ chế chính sách hiện hành).
Việc gì phải tách bạch ra việc ấy. Trong dân gian có câu: “Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm”. Nhập nhèm “xin – cho” chỉ tạo môi trường “đục nước béo cò”. Đối tượng mà Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ chẳng thụ hưởng được bao nhiêu từ cơ chế “xin - cho” lỗi thời, lạc hậu.
Thực tế, nguyên nhân chính làm cho đời sống nông dân khó khăn như hiện nay, hoàn toàn không phải là do thanh toán dịch vụ tưới tiêu theo giá được tính đúng, tính đủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tưới tiêu bảo toàn và phát triển vốn. Mọi người đều biết, nếu không có dịch vụ tưới tiêu bảo đảm (chỉ trông chờ nước trời), bình quân mỗi hecta lúa nước chỉ có thể thu hoạch không quá 1,3 tấn thóc/ha/năm. Ở những cánh đồng cao khô hạn hay vùng trũng “chiêm khê mùa thối”, tình hình còn tồi tệ hơn (0,8 – 1,0 tấn/ha/năm). Nhờ có công trình thủy nông đảm bảo tưới tiêu (có yếu tố “nhất nước”) thì các yếu tố “nhì phân, tam cần, tứ giống” mới có thể phát huy hết cỡ để người trồng lúa khả dĩ thu hoạch dược 10 tấn, 12 tấn.../ha/năm. Trước ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), ở miền Nam có dịch vụ bơm nước tưới lúa bằng máy bơm nhỏ rất phổ biến với cơ chế dịch vụ 1/3 (cuối vụ, người làm dịch vụ bơm nước được chia 1/3 số thóc thu hoạch trên mảnh ruộng mà anh ta đã phụ trách bơm nước chu toàn suốt cả vụ từ khi cấy trồng cho đến ngày thu hoạch). Tức là thị trường đã xác định: giá trị của yếu tố “nhất nước” bằng 1/3 tổng sản lượng thóc được sản xuất ra; 2/3 tổng sản lượng thuộc về 3 yếu tố còn lại “nhì phân, tam cần, tứ giống”. So với giá dịch vụ tưới đã được thị trường xác định như vừa nêu trên (cơ chế 1/3) thì giá dịch vụ tưới tính đúng tính đủ để bảo đảm doanh nghiệp nước bảo toàn và phát triển vốn (theo tính toán của chúng tôi) chỉ bằng khoảng 50% mà thôi! Nếu Nhà nước lại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước được hưởng chế độ vay vốn ngân hàng theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, công khai, minh bạch thì giá dịch vụ tính đúng tính đủ bảo đảm doanh nghiệp nước bảo toàn và phát triển vốn sẽ còn thấp hơn nữa. Chẳng hạn như ở Công ty Thủy nông Provence, vùng hạ du sông Rhône, nước Pháp: Một thời, công ty này được chấp nhận vay vốn ngân hàng để làm thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ phải hoàn trả một phần vốn vay (< 50%) trong thời hạn 15 năm. Phần chênh lệch còn lại được Nhà nước hỗ trợ cấp bù (nguồn: Thu hoạch sau chuyến khảo sát, nghiên cứu nước Cộng hòa Pháp của lãnh đạo Viện Khảo sát Thiết kế Thủy lợi – 1985).
Quyết định của UBND tỉnh An Giang số 244/QĐ.UB, ngày 12 tháng 12 năm 1991, quy định về hiệp thương khai thác và sử dụng đường nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, là một minh chứng sống động cho việc từng bước hình thành thị trường nước, trong đó hàng hóa nước được nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của mình. Giá dịch vụ thủy nông được tính đúng, tính đủ, bảo đảm cho người khai thác đường nước (vừa là chủ máy bơm) thực hiện bảo toàn và phát triển vốn, và người sử dụng nước chỉ phải trả chi phí thấp nhất mà đem lại hiệu quả cao nhất.
Quyết định 244/QĐ.UB (đúc kết từ thực tiễn dịch vụ thủy nông ở An Giang) cũng là minh chứng hùng hồn cho tính khả thi của việc thực hiện phương châm “lấy thủy lợi nuôi thủy lợi và phát triển thủy lợi”. Ngành kinh tế nước không từ chối sự tài trợ của Nhà nước, nhưng chính sách tài trợ phải như thế nào để không làm thui chột nội lực, động lực phát triển mà là để không ngừng phát huy, nhân rộng nội lực và động lực ấy. Đó mới là điều quan trọng, là mục tiêu của mọi chính sách khuyến nông nói riêng, và chính sách kinh tê – xã hội nói chung.
Sở dĩ đời sống người nông dân hiện nay còn nhiều khó khăn, chủ yếu là do nhiều nguyên nhân quan trọng, như thiếu đất sản xuất (bình quân diện tích canh tác trên đầu người quá thấp), thiếu vốn, thiếu công nghệ, tay nghề thấp, ngành nghề chưa phát triển, thiếu công ăn việc làm, thời gian nông nhàn quá lớn, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn lạc hậu, yếu kém... Đó là những nội dung mà chương trình Nông thôn mới đang triển khai thực hiện. Không giải quyết đồng bộ và căn cơ để khắc phục những nguyên nhân chủ yếu nói trên thì dù Nhà nước có bao cấp 100% cho cả ba yếu tố “nhì phân, tam cần, tứ giống”, đời sống nông dân cũng không thể khá lên được nếu không muốn nói là sẽ ngày càng khó khăn hơn do mọi nội lực và động lực phát triển sẽ bị làm triệt tiêu hoàn toàn.
Sự khác nhau trong cách tiếp cận vấn đề sửa Luật
Ông có thể cho biết, sự khác nhau trong cách tiếp cận sửa luật của ông và đồng nghiệp với Bộ Tài nguyên và Môi trường?
- Chúng tôi quan niệm: đã gọi là Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) thì phải lấy Luật Tài nguyên nước 1998 làm cơ sở, như cách của các nhà làm luật chuyên nghiệp đã làm đối với Luật Đất đai 1993, hay đang làm đối với Luật Quản lý thuế 2006. Trong tình hình hiện nay thì cũng chỉ nên làm Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) như đã chủ trương, chưa có nhu cầu phải làm Luật Tài nguyên nước mới.
Do vậy, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), về nội dung, phải kế thừa toàn diện Luật Tài nguyên nước 1998: không bỏ sót, chia cắt các đối tượng điều chỉnh đã được đưa vào khá toàn diện trong Luật TNN 1998. Về hình thức, phải giữ nguyên, không làm phá vỡ cấu trúc của Luật TNN 1998.
Bộ TN-MT thì viết lại mới hoàn toàn (như thế sao gọi là sửa đổi?). Các tác giả của Bộ TN-MT thêm vào một chương II (Điều tra cơ bản, Chiến lược, Quy hoạch Tài nguyên nước) chủ yếu là để mô tả rất dài dòng (15 Điều, Điều nào cũng dài dằng dặc) những việc thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ mà các cơ quan quản lý nước của Bộ TN-MT đang làm.(có một số nội dung, quy định cụ thể còn ở tình trạng đang tranh cãi cũng đưa vào Luật), mà cốt lõi của nó cũng đã đề cập ngắn gọn trong Luật TNN 1998 rồi. Chúng ta có thể loại bỏ Chương này (để không làm phá vỡ cấu trúc của Luật Tài nguyên nước 1998, vốn đã hợp lý) và xử lý bằng cách sửa đổi và bổ sung một số Điều trong chương VII của Luật Tài nguyên nước 1998 (Chương nói về Quản lý nhà nước về Tài nguyên nước), như cách chúng tôi đề nghị sửa chữa bổ sung đối với Điều 59 và Điều 60, vẫn cô đọng được những nội dung cần nhấn mạnh theo ý nguyện của Bộ TN-MT. Vấn đề là ở chỗ, phải đưa vào luật những quy định, chế tài cô đọng làm rõ quyền và trách nhiệm của các đối tượng được điều chỉnh, chứ không phải mô tả dài dòng nội dung công việc đang làm (văn phong ít mang tính luật) để làm mất cân đối cấu trúc chung của luật. Những nội dung đó có thể đưa vào các văn bản dưới luật.
Trong khi đó, ban soạn thảo đã “bỏ sót” một Chương rất quan trong là Chương Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (Chương V trong Luật Tài nguyên nước 1998). Điều 3 (Giải thích từ ngữ), mục 17 của Luật Tài nguyên nước 1998 đã nêu rất rõ: "Công trình thủy lợi" là công trình khai thác mặt lợi của nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái”. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) mà không điều chỉnh đối tượng quan trọng này (như trong luật Tài nguyên nước 1998) thì còn gì gọi là Luật Tài nguyên nước nữa?
Về quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (một công tác trung tâm hết sức quan trọng trong lĩnh vực Tài nguyên nước), trong các dự thảo của Bộ TN-MT, từ version 6 – 2011 (Chương V: Phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt và các tác hại khác do nước gây ra) đến version 6/4/2012, tuy viết lại và giảm 3 Điều (từ 11 Điều còn 8 Điều) so với Luật Tài nguyên nước 1998 nhưng về cơ bản, vẫn kế thừa và bám theo Luật Tài nguyên nước 1998. Tuy nhiên, đến version cập nhật mới nhất, đã rút xuống còn 6 Điều (từ Điều 57 đến Điều 62) làm cho nội dung quản lý đê điều và phòng chống lụt bão bị mờ nhạt đi rất nhiều! Đó là bước thụt lùi đáng tiếc, cần phải sửa chữa, khắc phục.
Quản lý nhà nước về tài nguyên nước cần thu về một mối
Ông Trần Nhơn cho rằng, phải gắn việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này với việc thu về một đầu mối cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về nước. Không thể để phân tán, chia cắt như hiện nay. Không làm được việc thu về một đầu mối cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về nước vào dịp này thì không biết sẽ có thể còn làm được vào lúc nào nữa!
Việc quản lý nhà nước về nước trên thực tế được giao cho cả Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT, như hiện nay, làm cho công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên nước bị phân tán, chia cắt, xuống cấp rất nghiêm trọng.
Có thể đưa ra hình ảnh để mô tả tình trạng chia cắt rất thảm hại của ngành khoa học kỹ thuật Tài nguyên nước như sau: Toàn thân ngành khoa học kỹ thuật Tài nguyên nước bị cắt cái đầu (nhưng cái đầu gần như là rỗng) ném sang Bộ TN-MT từ năm 2002, còn mình mẩy tay chân và cái đầu thực chất, cái đầu trí tuệ thì mười năm nay, vẫn nằm ở Bộ NN&PTNT (đang bị trì trệ, không phát triển được).
Xin ông nói rõ thêm, vì sao ông lại đưa ra hình ảnh ví von kỳ lạ như vậy?
- Hiện nay, cơ quan quản lý tổng hợp về Tài nguyên nước là Bộ TN&MT (theo chức năng được phân công từ năm 2002) thiếu nghiêm trọng hệ thống các cơ quan và lực lượng hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ để điều hành công việc, thực thi nhiệm vụ. Trong khi đó, cơ quan quản lý chuyên ngành nước cho nông nghiệp – Bộ NN&PTNT lại ôm giữ quà nhiều nguồn lực này (Bộ NN&PTNT đã thừa hưởng lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật thủy lợi rất hùng hậu, được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành suốt nửa thế kỷ của Bộ Thủy lợi cũ đã sáp nhập vào bộ NN&PTNT từ năm 1995). Đây là hậu quả của việc Bộ Nông nghiệp & PTNT, từ thời Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, đã không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02/2002/QH11, ngày 5/8/2002 của QH khóa 11.
Xin ông cho biết cụ thể hơn.
- Tại Điều II, Nghị quyết 02/2002/QH11 nêu rõ: “Những chức năng, nhiệm vụ, quyền han của một số bộ, cơ quan ngang bộ đã được quy định tại các luật, pháp lệnh hiện hành, nhưng nay do có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức theo Nghị quyết này, thì được chuyển giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ tương ứng kể từ ngày các cơ quan này được sắp xếp lại”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chỉ bàn giao cho Bộ trưởng Mai Ái Trực (Bộ trưởng TN&MT thời đó) 13 cán bộ, trong đó, có 1 Phó Cục trưởng và một càn bộ cấp trưởng phòng, phụ trách lĩnh vực nước ngầm. Toàn bộ các cơ quan hỗ trợ khoa học kỹ thuật cùng với lực lượng cán bộ quản lý dày dạn kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia khoa học kỹ thuật hùng hậu (Trường Đại học Thủy lợi, các Viện Quy hoạch, Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, các Công ty Tư vấn Xây dựng thủy lợi...) vẫn nằm nguyên vẹn ở Bộ NN&PTNT như cũ.
Về hồ sơ tài liệu thì 13 cán bộ ra đi chỉ mang theo một ít tài liệu về nước dưới đất (nước ngầm). Tài liệu nước mặt (phần phong phú, đa dạng nhất và quan trọng nhất) và toàn bộ hồ sơ quy hoạch thủy lợi (đồ sộ, tích lũy trong nhiều thập niên) vẫn giữ lại ở Bộ NN&PTNT.
Vậy ông có đề xuất ý kiến gì về việc tập trung về một đầu mối đối với công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên nước?
- Tôi đã trao đổi ý kiến với nhiều anh em đương nhiệm và các vị lão thành (ở trung ương và cả các địa phương), thấy sơ bộ có 3 phương án tập trung về một đầu mối được nêu ra như sau:
Phương án I: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02/2002/QH11, ngày 5/8/2002 của QH khóa 11.
Mười năm qua, với vốn cán bộ quá ít ỏi ban đầu và tài liệu điều tra cơ bản quá nghèo nàn như vậy, mặc dầu Bộ TN-MT đã có rất nhiều cố gắng xây dựng lực lượng để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tình hình vẫn rất bất cập như đã nêu. Một minh chứng hết sức rõ nét là Bộ TN-MT được giao chức năng quản lý lưu vực sông vào năm 2008 tại Nghị định số 120/2008/NĐ-CP (sau thời gian 6 năm “chèo kéo” qua lại giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT), nhưng từ đó đến nay Bộ TN-MT chẳng triển khai được công việc gì do thiếu nghiêm trọng nguồn lực nhân sự.
Để khắc phục tồn tại này, đề nghị Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ra văn bản và cử cán bộ lãnh đạo cấp cao chỉ đạo Bộ NN&PTNT chuyển giao cho Bộ TN-MT các đơn vị và lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật sau đây:
1/ Chuyển toàn bộ cơ quan Tổng cục Thủy lợi (thành lập ngày 15/3/2010 với biên chế hiện nay hơn 500 người, gồm có 2 Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Bắc và Miền Nam, Cục Quản lý Đê điều & Phòng chống lụt bão, một Trung tâm Tư vấn và bộ máy hành chính của cơ quan Tổng cục). Như vậy chức năng quản lý đê điều và phồng chống lụt bão (từ trước tháng 9/1995 do Bộ Thủy lợi quản lý, nay giao cho Bộ TN&MT quản lý theo đúng tinh thần NQ 02/2002/QH11. Giao Bộ trưởng Bộ TN-MT kiêm nhiệm chức Trưởng ban Phòng chống lụt bão TW, như trước đây Bộ trưởng Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh từng kiêm nhiệm.
Bộ TN-MT hiện nay đang quản lý công tác điều tra cơ bản, dư báo về Khí tượng - Thủy văn, nên thống nhất công việc Dự báo với Chỉ đạo Phòng chống lụt bão là điều hợp lý. Trên thế giới, công tác quản lý Tài nguyên nước cũng luôn gắn với Phòng chống lũ lụt, quản lý Lưu vực sông và bảo vệ dòng chảy tối thiểu của sông.
2/ Chuyển giao Ban Quản lý Trung ương Dự án Thủy lợi (CPO) cho Bộ TN-MT quản lý (cơ quan này trước đây thuộc Bộ Thủy lợi cũ).
3/ Chuyển giao toàn bộ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho Bộ TN-MT quản lý. Bộ NN&PTNT có thể giữ lại một lực lượng có liên quan đến nghiên cứu khoa học Tưới tiêu và kinh tế Thủy nông để sáp nhập vào Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
4/ Chuyển giao Trường Đại học Thủy lợi cho Bộ TN-MT quản lý.
5/ Chuyển giao chức năng quản lý nhà nước từ Bộ NN&PTNT sang Bộ TN-MT đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh sau đây: 2 Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi (phía Bắc và phía Nam) Tổng công ty Cơ điện Xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi, Tổng công ty XDTL4; Công ty XDTL47, Công ty XDTL40, và một số đơn vị sản xuất kinh doanh có liên quan khác.
Nói tóm lại, những cơ quan đơn vị nào trước đây thuộc quyền quản lý trực tiếp hoặc quản lý nhà nước của Bộ Thủy lợi cũ thì nay, về cơ bản, hay phần lớn, phải được chuyển sang chịu sự quản lý (dù trực tiếp hay gián tiếp) của Bộ TN-MT.
Đề nghị các công việc chuyển giao nói trên, có việc cần được tiến hành khẩn trương, có việc có thể triển khai từ từ, nhưng nên hoàn thành dứt điểm trong năm 2012 để thực hiện đúng đắn và nghiêm túc tinh thần Nghị quyết 02/2002/QH11 của Quốc hội Khóa XI, mà đến nay là khóa XIII, 10 năm đã trôi qua, chúng ta vẫn còn đang mắc nợ,
Phương án II: Chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về Tài nguyên nước tổng hợp trở lại cho Bộ NN&PTNT, như tại nhiệm kỳ QH khóa X (sau khi sáp nhập Bộ Thủy lợi vào Bộ NN&PTNT, 1996 - 2001). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã có lần đề nghị phương án này.
Đây cũng là phương án cần được đem ra cân nhắc, so sánh với phương án I, nếu xét thấy phương án I có nhiều điểm không khả thi.
Phương án III: Thành lập Bộ mới có tên là Bộ Thủy lợi và Biến đổi Khí Hậu như đề nghị của các anh Nguyễn Cảnh Dinh, Vũ Mão, được sự ủng hộ của nhiều vị lãnh đạo cấp cao (đương nhiệm và dã nghỉ hưu).
Chúng ta cũng có thể đưa thêm các phương án khác để so sánh, lựa chọn, nhưng phải đạt yêu cầu là thu về một đầu mối cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về nước. Không thể để kéo dài tình trạng phân tán, chia cắt như hiện nay.
Đề nghị thông qua Luật TNN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ Tư, QH khóa XIII
Xin ông cho biết ý kiến của ông về vấn đề nên để lùi lại 6 tháng việc thông qua Dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
- Với những lý do được phân tích như trên, để gắn việc sửa đổi Luật TNN lần này với việc thu về một đầu mối cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về nước, việc thông qua Luật TNN (sửa đổi) nên để lùi lại 6 tháng để Bộ Chính trị và Chính phủ có thời gian bàn thảo, chuẩn bị cho một phương án tổ chức thu về một mối thích hợp, đồng bộ, khả thi, và cũng để cho Dự Luật có thêm thời gian tham góp được nhiều ý kiến khách quan đạt lý thấu tình.
Nếu Quốc hội vẫn thực hiện đúng theo kế hoạch là sẽ thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trong kỳ họp thứ 3 này, và vẫn theo phiên bản đề nghị của Bộ TN-MT thì ông có ý kiến đóng góp gì?
- Trong trường hợp đó tôi đề nghị:
1/ Đưa thêm Chương Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (Chương V trong Luật Tài nguyên nước 1998) vào Dự Luật (sửa đổi) mới. Lý do tôi đã nói ở trên: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) mà không điều chỉnh đối tượng quan trọng này (như trong luật Tài nguyên nước 1998) thì còn gì gọi là Luật Tài nguyên nước nữa? Nửa thế kỷ qua, chúng ta đã xây dựng “gần xong” quy hoạch thủy lợi các loại, nhưng quản lý kinh tế kỹ thuật các hệ thống thủy lợi hiện hành thì rất tồi. Giai đoạn từ nay trở đi là giai đoạn phải tập trung và tăng cường công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi (thủy nông, thủy điện, nước sạch, giao thông thủy, nước cho các ngành công nghiệp, dịch vụ...). Quản lý khai thác các công trình thủy lợi không an toàn, kém hiệu quả như hiện nay thì làm sao tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển bền vững được? Từ nay trở đi, công trình lớn có còn xây dựng mới bao nhiêu nữa đâu mà Dự Luật (sửa đổi) cứ “tập trung” vào “cấp phép” với “thu phí”?
2/ Đề nghị giữ nguyên tinh thần và “tô đậm” thêm Chương “Phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt và các tác hại khác do nước gây ra” (trong Luật TNN 1998) đưa vào Dự Luật TNN (sửa đổi) mới. Không phải vì hiện nay Bộ TN-MT không thực thi chức năng này mà làm mờ nhạt nó đi trong Dự luật TNN (sửa đổi). Luật Phòng chống Thiên tai hay các Luật khác có liên quan, nếu có, thì cũng không vì thế mà làm nhẹ tầm quan trọng của Chương này trong Luật TNN (sửa đổi).
3/ Không nên đưa tên cụ thể của Bộ này hay Bộ kia vào Luật. Theo tôi, đó là kiến thức sơ đẳng mà mỗi chuyên gia soạn thảo Luật đều phải biết. Ví dụ, trong Luật Nước của Trung Quốc (1988, 53 Điều), chỉ dùng cụm từ “cơ quan quản lý Tài nguyên nước của Chính phủ”, không có chỗ nào nhắc đến tên “Bộ Thủy lợi” là cơ quan cụ thể được phân công đảm nhiệm chức năng này.
Nếu, tối thiểu, không khắc phục các tồn tại (khuyết điểm) nêu trên (đặc biệt là các khuyết điểm 1 và 2 thì Luật TNN (sửa đổi) nếu được thông qua, chỉ là một Luật “nửa vời, phiến diện”, sẽ bị lịch sử phê phán!
Sỹ Lực thực hiện