Doanh nghiệp cùng đường, 'cắt cơm' nhân viên - Dân Làm Báo

Doanh nghiệp cùng đường, 'cắt cơm' nhân viên

Bảo Hân – Yên Ba (Vietnamnet) - Kinh doanh khó khăn, nợ nần, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh túng quẫn, không có nổi tiền trả lương cho người lao động. Nợ lương, chậm lương đang là một thảm cảnh diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ở những DN nhỏ mà cả những DN lớn cũng không tránh khỏi việc này.

Nợ lương nhưng không dám đòi 

Làm việc trong một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội, đã 2 tháng nay, chị Bích Hoa rơi vào tình cảnh điêu đứng vì bị công ty chậm trả lương. Theo chị Hoa, với mức lương 5 triệu/tháng thì chị đã phải tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu. Hai tháng nay không nhận được đồng lương nào, chị phải chật vật, xoay xở vay mượn để đảm bảo cuộc sống.

Chị Hoa lo lắng: “Không biết tháng sau chúng tôi có bị chậm nữa không, chỉ sợ trả lương được tháng 8, tháng 9 rồi lại nợ gối lương tháng này thì sống sao nổi” .

Tuy vậy, chị cũng không dám đòi hay nộp đơn xin nghỉ việc. Đơn giản, có đòi thì công ty cũng không có mà trả. Hơn nữa, chị Hoa vẫn hy vọng, biết đâu tháng sau công ty sẽ thanh toán lương, mà thời buổi này, chỗ nào cũng cắt giảm nhân sự thì kiếm việc đâu có dễ.

Chị Mai Trang làm ở DN bất động sản cũng bị công ty chậm thanh toán tiền lương gần 3 tháng nay. Với vị trí hành chính, mức lương của chị chỉ 3 triệu một tháng. Cả mấy tháng trời, chị hoàn toàn trông chờ vào nguồn hỗ trợ của gia đình cho các nhu cầu tối thiểu. Còn các khoản chi khác như: giải trí, quan hệ thăm hỏi đều cắt giảm hết.

Bi đát hơn, một công ty kim khí trên địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội) còn nợ lương triền miên hết đợt này đến đợt khác của toàn bộ công nhân. Anh Quang Ninh, một công nhân làm việc ở đây, cho biết, việc công nhân bị nợ lương là chuyện thường xuyên, hiện tại lương từ tháng 6 tới bây giờ vẫn bị nợ chưa biết khi nào công ty mới thanh toán cho. Công nhân ở đây ai cũng ngán ngẩm. 

Có một thực tế là dù bị doanh nghiệp chậm chi trả tiền lương hàng tháng nhưng phần lớn người lao động không dám bày tỏ bức xúc mà vẫn cố gắng trông chờ. Nhiều người tìm cách thắt chặt chi tiêu, xoay xở kiếm thêm thu nhập nhưng ít ai nghĩ đến bỏ việc vì tìm được một công việc mới không dễ. Nắm bắt tâm lí ấy nên nhiều doanh nghiệp cố tình lần khất rồi nợ lương của người lao động.

Nhiều ngày nay, chị Đinh Thị Ánh, nhân viên kế toán của một công ty buôn bán xe hơi khu vực Tây Hồ, Hà Nội, phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để vay tiền sinh hoạt hàng tháng. Chị Ánh cho biết: “Em mới đi làm được 2 năm nên chưa có tiền tích lũy. Mấy tháng nay, mỗi tháng cơ quan chỉ cho ứng chừng 1 – 2 triệu đồng nên tháng nào cũng phải “chạy ăn từng bữa”. Ánh cũng cho biết thêm, hiện đã nộp hồ sơ đến một vài đơn vị khác nhưng xem ra cơ hội xin việc mới không hề dễ.

Nợ tiền công tác phí, chậm thanh toán các khoản lễ tân, hậu cần, chỉ cho ứng một phần lương rồi chuyển sang chậm lương 2 tháng là tình trạng của một công ty truyền thông trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Giám đốc công ty chia sẻ, biết anh em cũng khó khăn nhưng đến giờ phút này công ty không thể nào xoay xở được nữa. Mặt bằng công ty đã thế chấp để vay, đến nhà của lãnh đạo cũng được cầm cố để trả những tháng trước đó.

“Đến lúc tôi cũng đành nói thật để anh em biết đường ai lo thân người nấy, không thể cầm cự thêm được nữa”, giám đốc này chua xót nói.

Nghỉ không lương vô thời hạn

Khoảng 2 tuần nay, không chỉ riêng anh H. mà toàn bộ nhân viên làm việc tại hệ thống siêu thị điện máy Best Carings chi nhánh Vincom và Long Biên vẫn chưa hết bức xúc và bàng hoàng trước quyết định cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc không lương vô thời hạn. Cũng theo nhân viên công ty này cho biết, trước đó đã diễn ra tình trạng nợ lương kéo dài và đến thời điểm nghỉ việc.

Anh H. cho biết thêm, ngoài lương cứng tháng 8 và tháng 9 chưa nhận được thì công ty còn nợ anh lương doanh số bán hàng từ tháng 6 đến nay, số tiền khoảng 8 triệu đồng. Không những anh H mà nhiều nhân viên công ty cũng rơi vào tình cảnh tương tự, có người số tiền lương cộng với doanh số bán hàng mà công ty chưa thanh toán lên tới cả chục triệu đồng.

Mặc dù hàng tháng, công ty vẫn trừ đều đặn vào lương các khoản tiền Bảo hiểm xã hội nhưng đến nay khi nhận sổ BHXH, anh mới biết mình chỉ được chốt đến hết năm 2008. “Không hiểu hơn 3 năm vừa rồi, công ty trừ các khoản bảo hiểm của chúng tôi mà không đóng thì số tiền ấy đã đi đâu” – anh H. bức xúc.

Rơi vào tình trạng mất việc đột ngột, lại không có lương để chi trả cho cuộc sống, hai tuần nay, ngoài việc lang thang tìm các công việc làm thêm, anh H. vẫn cùng với nhiều nhân viên khác của Best Caring liên hệ với ban lãnh đạo công ty để được giải quyết lương và sổ Bảo hiểm xã hội nhưng đến thời điểm này mọi thứ vẫn đang trong vô vọng.

Trong khi đó, anh Minh Thanh, nhân viên một công ty bất động sản ở quận Bình Thạnh, TP. HCM cũng lao đao vì gia đình anh đã có tới 2 con nhỏ nhưng bị nợ lương và cho nghỉ việc không lương mấy tháng nay.

Anh Thanh than thở: Sau Tết, công ty cắt giảm lao động. Cứ tưởng sẽ khá hơn nhưng với những người còn lại, lương cũng không có. Đến bây giờ thì công ty cho nghỉ việc không lương gần hết, chỉ còn lãnh đạo và hai nhân viên gác văn phòng. Nhiều người muốn chuyển thì mới hay công ty nợ bảo hiểm không rút sổ ra được. Anh Thanh chia sẻ: “Tiền tích lũy trong nhà phải bỏ hết ra để trang trải. Thứ tưởng cứu cánh nhất là trợ cấp thất nghiệp thì bị trả lại vì thời gian qua công ty không đóng. Bây giờ thực sự bế tắc”.

Ông Phùng Văn Chính, giám đốc một công ty sản xuất vật liệu xây dựng, cho biết việc nợ lương nhân viên, công nhân không phải là hiếm với các DN hiện nay, nhất là vào thời điểm nền kinh tế đang bị suy thoái.

“Ở DN chúng tôi, tuy chưa đến mức phải nợ lương cán bộ công nhân viên nhưng từ hơn một năm nay, do tình hình sản xuất khó khăn hơn trước, hàng hóa khó tiêu thụ nên các khoản tiền ngoài lề như thưởng hàng tháng theo năng suất, rồi tiền nghỉ mát mùa hè đã bị cắt đi”, ông Chính cho hay.

Tình trạng nợ lương của người lao động có lẽ giờ không chỉ diễn ra ở một vài doanh nghiệp mà nó đang là tình trạng phổ biến với phần nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận không thu được nên phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng. Thực tế là nhiều doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc nợ lương mà phải tính đến phương án đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc không lương. Với tình hình hiện nay, thì có lẽ nhiều người lao động lại phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp dài hạn.



http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/91448/dn-cung-duong---cat-com--nhan-vien.html


*

Công nhân bị nợ lương: Khốn khổ trăm bề

Minh Nguyệt - Đức Khánh - Lê An (Dân Việt) - Công ty phá sản, nợ lương đã đành, đằng này công ty vẫn hoạt động nhưng cũng nợ lương. Tiền không có mà vẫn phải đi làm nên cuộc sống của công nhân khổ trăm bề... 

Đó là lời than của nhiều công nhân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, trước tình trạng khó khăn, thiếu thốn đủ bề do bị nợ lương.

Chị Lâm với nỗi lo lương bị nợ, cuộc sống thiếu thốn.

Dài cổ chờ lương!

Ngày 5.10, chúng tôi tới thăm phòng trọ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lâm, công nhân Công ty TNHH N.M (phường Minh Khai, TP.Hưng Yên) đúng lúc vợ chồng chị đang ăn cơm trưa. Mâm cơm có vài con tép với đĩa rau muống luộc. Quê ở Thái Bình, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cách đây 2 năm, vợ chồng chị Lâm sang Hưng Yên tìm việc.

Chị làm cho một công ty tư nhân sản xuất nhựa nhiệt dẻo với mức lương 2,6 triệu đồng/tháng, chồng đi phụ hồ. Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp khó khăn, hàng hóa không bán được, vì thế lương tháng 4, tháng 5, công ty chỉ trả được 50%, từ tháng 6 tới nay, công ty chưa trả được đồng nào.

Khó khăn hơn chị Lâm, chị Hoàng Thị Nga (công nhân một công ty may mặc ở Phố Nối, Hưng Yên) có chồng bị bệnh viêm phổi đang nằm viện, hai con còn nhỏ trông chờ cả vào đồng lương của chị. Cách đây mấy hôm công ty thông báo giải thể, sau một thời gian nợ lương công nhân. Chị Nga cũng như nhiều lao động khác chưa được ký hợp đồng lao động, vì thế những quyền lợi về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp... không có.

Không chỉ Hà Nội, Hưng Yên mà ở nhiều vùng khác, tình trạng lao động bị nợ lương cũng khá phổ biến.

Rối bời chính sách

Trước thực tế này, cuối tháng 8.2012, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ lao động (LĐ) bị mất việc làm, bị nợ lương không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Ngày 24.9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện theo hướng UBND cấp tỉnh ứng ngân sách địa phương trả lương cho LĐ. Nguồn này sẽ được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Vững - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP.Cần Thơ cho biết, thường chủ sử dụng LĐ đã bỏ trốn thì tài sản còn lại cũng không đáng kể để trả lương và các chế độ cho hàng trăm, hàng ngàn công nhân. Trong khi đó, những người bị nợ lương khó có thể tìm được việc làm mới để trụ lại chờ “đòi” được lương mà tản mát làm các nghề tự do.
Theo Bộ LĐTBXH, hiện có tới 500 - 600 doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn đang nợ lương, nợ BHYT, BHXH, BH thất nghiệp của LĐ. Trong đó riêng Đồng Nai có khoảng 40 doanh nghiệp thuộc diện này.

Ông Vững nói: “Kể từ tháng 7 trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng LĐ giảm khủng khiếp, giảm tới gần 60%. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các tập đoàn, tổng công ty nhu cầu tuyển dụng còn khoảng 2% (so với cùng kỳ các doanh nghiệp nước ngoài giảm 80%)”. Ngoài ra, công nhân thì lo ngại, với những doanh nghiệp có chủ sử dụng LĐ bỏ trốn, ai sẽ đứng ra đòi quyền lợi, đòi lương và làm các thủ tục cho LĐ nhận lương và các chế độ khác.

Ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho biết thêm, năm 2009 sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Quyết định 30 đã có trên 200 doanh nghiệp làm thủ tục vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thanh toán các khoản nợ đối với LĐ, nghĩa là họ còn có chỗ có sẵn tiền để tháo gỡ khó khăn. Hiện, nguồn hỗ trợ trông vào ngân sách địa phương, nhưng việc phê duyệt ngân sách đã thực hiện từ đầu năm, đây là khoản phát sinh, một số tỉnh khó khăn sẽ khó có nguồn thực hiện.




*

Doanh nghiệp đối diện 'hố tử thần'

Thiên Thuận - Vân Anh (VietnamNet) Trải qua những năm “lên bờ xuống ruộng” cùng với những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, các DN Việt Nam đã gần như kiệt sức. Thế nhưng, chặng đường phía trước vẫn đầy cam go khi phải đối mặt với nợ xấu, hàng tồn kho, nhu cầu thị trường suy giảm... đó như là những “hố tử thần” đang chờ đợi các DN.

Chiếc hố thứ nhất là chính dòng “mạch sống” của bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào – cơn khát vốn. Từ đầu năm 2011, hàng loạt doanh nghiệp đã kêu cứu trước lãi suất vay lên đến 20%. “Kẹt vốn”, kế hoạch kinh doanh trở nên đóng băng, guồng máy sản xuất bắt đầu trì trệ.

Chênh lệch giữa huy động và cho vay của ngân hàng Việt Nam lên đến 6%, đã đẩy lãi suất vay lên cao ngất ngưởng. Điều đáng nói là sự chênh lệch này có phần không nhỏ từ những chi phí không hiệu quả của các ngân hàng.

Với 180.000 tỷ đồng ngân sách cho đầu tư phát triển cả năm 2012, và các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp ước tính tổng cộng 36.000 tỷ đồng, Chính phủ đã nỗ lực hết sức nhằm “hạ nhiệt” lãi suất vay cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, các ngân hàng cũng bước vào một chiến dịch hạ nhiệt lãi suất, đẩy mạnh cung vốn ra DN. Có vốn nhưng việc tiếp cận đâu có dễ vì vướng lực cản từ nợ xấu. Vì nếu doanh nghiệp bị liệt vào “danh sách đen” có nguy cơ nợ xấu thì khó có ngân hàng nào can đảm duyệt kế hoạch cho vay vốn.

Nhưng quan trọng hơn là chính từ phía các ngân hàng, với nỗi ám ảnh khoản nợ xấu đang lớn dần, khiến mỗi ngân hàng phải tập trung xử lý và thận trọng hơn trong việc cho vay. Chính vì thế, mới có chuyện vốn bơm ra nhiều nhưng DN vẫn không tiếp cận được.

Dường như cả hai bên đều đang có những khoảng cách rất khó vượt qua. Đó được ví như là sự cản trở của “hố tử thần” khiến không ai dám bước qua. Vốn vẫn có, tín dụng tăng trưởng thấp nhưng DN lại không có tiền để đầu tư, nguồn lực đang đọng lại trong sự nuối tiếc và mong chờ. 

Chiếc hố tử thần thứ hai đến từ những chính sách thắt lưng buộc bụng giữa năm 2011 của Chính phủ để kìm chế lạm phát. Chính sách thắt chặt để chống lạm phát đã khiến cho nền kinh tế như “bị hãm phanh” và điều tất yếu đã xảy ra. Khi tín dụng thắt chặt, lạm phát giảm thì cũng là lúc nhiều ngành kinh tế rơi vào đình trệ, khó khăn.

Biểu hiện dễ thấy nhất chính là tồn kho tăng cao. Từ BĐS cho đến sản xuất tiêu dùng... đâu cũng chứng kiến thảm cảnh ế ẩm hàng hóa. Hàng tồn kho chất cao, DN không sản xuất mà nằm im chờ đợi. Hàng tỷ USD tiền vốn, công sức đóng cứng trong các nhà kho, các nhà máy phủ bụi và khu đô thị bỏ hoang...

Bao nhiêu nguồn lực đã dồn vào sản xuất nay đóng băng, khiến DN kiệt sức. Nhưng quan trọng hơn, khi tồn kho chất cao, máy móc không vận hành, công nhân không có lương... tinh thần kinh doanh cũng theo đó mà suy giảm. Đây có lẽ là tác động sâu xa nhất mà chiếc hố thứ hai đã gây ra.

Cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng chính là chiếc hố tử thần cuối cùng. Trong bối cảnh “bài ca tăng giá” của xăng, điện, nước mà lương thì vẫn ì ạch, đa phần người dân Việt đều phải chọn cách cắt giảm chi tiêu. Dù hàng loạt những chính sách kích thích sức mua như giảm giá, vay ưu đãi, khuyến mãi nhưng bức tranh tổng cầu của người tiêu dùng vẫn mang màu ảm đạm.

Kéo theo đó, hàng tồn kho bắt đầu “ứ dồn”, tiêu biểu như ngành công nghiệp chế biến tăng 21% so với cùng kỳ. Theo bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI, chi phí bảo quản đang trở thành gánh nặng trước sức ép lợi nhuận của doanh nghiệp.

Không chỉ thị trường nội địa bị thu hẹp, thị trường quốc tế cũng chứng kiến sự mất điểm của doanh nghiệp Việt. Bối cảnh khủng hoảng chung của thế giới, sự cạnh tranh quyết liệt và tư duy ngắn hạn của một số bộ phận khiến không ít doanh nghiệp đánh mất niềm tin trong mắt người tiêu dùng.

Khó khăn bên ngoài bủa vây doanh nghiệp chưa dứt thì chính bên trong doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nguy cơ mới, đó là cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đáp ứng thì không ít nhân viên đã “rũ áo ra đi”. Thời điểm đen tối này cũng là lúc nhiều công ty “đục nước béo cò” thôn tính những doanh nghiệp yếu ớt. Và thực tế này về lâu dài sẽ lại tạo ra một “hố tử thần” khác đe dọa sự phát triển bền vững của DN

Lãnh đạo Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải cảnh báo rằng không ít doanh nghiệp sẽ “chết đắng” do năng lực quản lý và nhân lực yếu kém.

Có thể nói đây là một cuộc đào thải nghiệt ngã nhất của kinh tế nước nhà. “Lửa thử vàng”, khủng hoảng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

Tín hiệu khả quan từ tổng cầu hiện nay là niềm hy vọng cho các doanh nghiệp tìm thế vực dậy. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 7-7,5%, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng 6,9%. Việc còn lại là các doanh nghiệp đã có thể tận dụng được những cơ hội trong tay để thoát hiểm và lấy lại tốc độ trên đường phát triển của mình. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo