Đào Tuấn - Có một điều Chính phủ đã nói thật: Thị trường BĐS chưa có khả năng phục hồi. Sự thật, dù được nói ra một cách ung dung, thật chẳng khác gì lời ai điếu. Nhưng “chưa có khả năng phục hồi”, cũng mới chỉ là một nửa của sự thật, vì cả Bộ Xây dựng cũng như Chính phủ đều không đưa ra bất cứ một con số nào về tồn kho BĐS. 700 ngàn căn hộ đang “đắp chiếu” 5 tỷ USD ư? Có lẽ đó chỉ là cái đỉnh của tảng băng.
Trong đúng cái ngày sự thật ai điếu được Chính phủ thừa nhận, TAND TP Hà Nội chấp nhận thụ lý đơn yêu cầu phá sản đối với cái tên Sỹ Ngàn, một đại gia BĐS thực sự với những dự án chục triệu đô du lịch nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp, Resort Ngọc Viên Islands. Phá sản vì mấy chữ mà bất cứ doanh nghiệp BĐS nào cũng đang phải đối mặt: “Không còn khả năng thanh toán nợ đến hạn”.
Đây không phải là “chuyện riêng” của Sỹ Ngàn. Càng không phải là chuyện riêng của khu vực BĐS. Bởi BĐS là “đầu ra” của hàng loạt các ngành công nghiệp, từ xi măng, sắt thép, xây dựng. BĐS là công ăn việc làm của triệu lao động. BĐS là tiền của, mồ hôi nước mắt của không ít người. Và nguy hiểm nhất, BĐS là nợ xấu ngân hàng, yếu tố đang khiến hàng chục ngàn DN “phi BĐS” khác chết lây. Và thực chất, khủng hoảng bất động sản đang chực chờ với quân domino đầu tiên mang tên Sỹ Ngàn chỉ là sự phản chiếu của một thứ khủng hoảng còn nguy hiểm hơn: Khủng hoảng niềm tin.
Nếu có một con số để thể hiện sự khủng hoảng niềm tin, thì đó là thanh khoản của thị 2 trường BĐS lớn nhất cả nước Hà Nội và TP.HCM thấp đến độ tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trên thị trường chỉ khoảng 5 -7%. Hoặc giá bán đã xuống tới 14 triệu đồng/m2, thấp hơn cả giá thành. Hoặc những dự báo ảm đạm kiểu “2013 cần hơi được đã là một kỷ tích”. Hoặc “Giá BĐS giảm thêm 30% nữa mới tới đáy, và xuyên đáy thêm 30% nữa mới hồi phục”. Thậm chí, “quả bom BĐS sẽ nổ tung”.
Tư lệnh ngành xây dựng hôm qua thừa nhận một, cái ông gọi là “Nghịch lý: “Thị trường thừa cung, cầu về nhà ở thu nhập thấp lớn, nhưng người dân lại không thể mua được là một lỗi lớn không thể chấp nhận được”. Nhớ khi 4 từ kinh khủng này được phản ánh tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng “an ủi”: “Dự báo kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn và bất động sản khó tránh khỏi vòng xoáy này”. Tất nhiên, Bộ trưởng có hứa “chuyển đề xuất”. Và tất nhiên, đưa ra giải pháp “Tự tháo gỡ”; giải pháp “nước giàu người ta vẫn có căn hộ diện tích 20m2”.
Dường như “chuyển đề xuất” không phải là một lời hứa. Dường như “tự tháo gỡ” chưa bao giờ là một giải pháp. Cũng như việc chia nhỏ căn hộ, như thừa nhận của chính Bộ trưởng, chỉ là “chữa cháy”.
“Chôn tiền lớn nhất là bất động sản”
“Dư nợ ngân hàng là 2 triệu tỷ, trong đó vào bất động sản khoảng 1 triệu tỷ”
Hai thông tin này được đích thân Ủy viên BCT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng công khai công bố.
Vào cái hôm thông tin này được công khai tại Thường vụ Quốc hội, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến vẫn ung dung: “Các phần nợ xấu đều có tài sản bảo đảm”, và “Giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị các khoản nợ”.
Ông Tiến chắc quên không giải thích, các tài sản đó cũng chủ yếu là… BĐS.