Gõ cụm từ “Malala Yousafzai” tìm kiếm trên Google chúng ta có tới 38.200.000 kết quả. Kết quả đó cho thấy tên cô bé nữ sinh người Pakistan này đã làm thổn thức biết bao trái tim nhân bản trên toàn thế giới đang hồi hộp cùng cầu nguyện cho cô bé vượt qua bàn tay “tử thần” trong một bệnh viện tốt nhất tại Anh Quốc. Ngày 11/10 vừa qua chính phủ Pakistan đã treo thưởng 10 triệu rupee (1 triệu đôla) cho những ai cung cấp thông tin để bắt được những kẻ tấn công đã bắn vào đầu nữ sinh Malala Yousafzai ny. (Tinmoi Online)
Cũng giống như vậy, có lẽ công luận và nhân dân Việt Nam sẽ an ủi và tự tin hơn với “nhà nước quốc gia mình” khi chạm mặt với một thông báo tương tự “sẽ tưởng thưởng hậu hĩnh cho ai chỉ ra thủ phạm và nơi giam giữ” Nguyễn Phương Uyên nữ sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm Thành Phố Hồ Chí Minh – bị “bắt cóc” mất tích gần 10 ngày qua mà gia đình, nhà trường và bạn bè không biết tin tức.
Tuy nhiên, không phải vậy! dù Malala Yousafzai và Phương Uyên rất giống nhau về “nhân thân và bi kịch”.
Vụ ám sát “Malala Yousafzai” đã biến cô bé trở thành biểu tượng toàn cầu. Cả đất nước Pakistan phẫn nộ. Ngày 12 tháng 10 năm 2012, người dân cả nước Pakistan đã cầu nguyện cho Malala. Làn sóng cầu nguyện cũng lan sang Afghanistan và các nước Hồi giáo khác, rồi dẫn đến toàn thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon. UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu... đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban. Trên các mạng xã hội như Twitter Facebook và các trang mạng khác, Malala được cư dân mạng cả thế giới tôn vinh là một anh hùng. Nhiều người khẳng định cô xứng đáng với giải Nobel hòa bình năm 2012 hơn rất nhiều so với Liên minh châu Âu (EU).
Vì sao vậy? Cô bé Malala Yousafzai được người ta biết đến với hoạt động nữ quyền của mình ở thung lũng Swat, nơi Taliban cấm tuyệt đối nữ giới tới trường học. Yousafzai bắt đầu nổi tiếng, khi vượt qua nổi sợ hãi, vượt qua sự đe dọa giết Yousafzai và cha cô, Ziauddin bởi khủng bố Taliban để tham gia các cuộc phỏng vấn trên các ấn bản in và truyền hình đòi hỏi sự bình đẳng giáo dục và quyền đến trường cho các trẻ em nữ. Yousafzai giữ vị trí chủ tịch hội đồng trẻ em huyện Swat. Cô bé đã được đề cử giải thưởng hòa bình trẻ em quốc tế bởi Desmond Tutu, và đã giành được giải hòa bình trẻ quốc gia của Pakistan. Ngày 9 tháng 10 năm 2012, hai sát thủ Taliban đã chặn xe buýt chở Malala gần một trạm kiểm soát quân sự và xả súng bắn cô bé. Malala bị bắn vào đầu và cổ. Sứ quán Anh Quốc can thiệp tức thời, khẩn cấp đưa cô bé sang Anh hy vọng cứu mạng sống.
Còn Việt Nam thì: Nguyễn Phương Uyên, nữ sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm Thành Phố Hồ Chí Minh, bị bắt cóc nơi mình tạm trú, trọ học, mất tích 10 ngày qua, gia đình và bạn bè liên hệ các cơ quan CA và chính quyền nơi cần tìm nhưng vô vọng. Công an phường, nơi bắt Nguyễn Phương Uyên, trưa chủ nhật, 14.10.2012, đã phủ nhận việc bắt nữ sinh viên trường Công nghiệp thực phẩm này (VRNs) và mới đây thì lại nói đã chuyển về công an Long An.
Và nội dung đơn thư của các bạn cùng lớp gửi cầu cứu CT/Nước:
“... Kính gởi: Bác Chủ tịch Nước CHXHCNVN: Trương Tấn Sang
Chúng cháu là những sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm
Chúng cháu mạn phép viết thư này cho Bác là để cầu cứu đến Bác về trường hợp bạn của chúng cháu là Nguyễn Phương Uyên. Đang tạm trú tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ: 140 A Lê Trọng Tấn, Quận Tân Phú. TPHCM. Nguyên quán: Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận - Việt Nam. Ủy viên ban chấp hành chi đoàn thanh niên Lớp 10CDTP1...
Vào lúc 11 giờ ngày 14/10/2012 bạn của chúng cháu là Nguyễn Phương Uyên đã bị các chú công an Phường Tây Thạnh, Công An Quận Tân Phú khoảng 10 người ập vào phòng trọ dẫn đi và nói là để xác minh một số vấn đề về Truyền Đơn chống Trung Quốc Xâm Lược do bạn ấy dán. Nhưng đến nay vẫn không thấy bạn ấy về. Cha mẹ và bà nội của bạn Uyên đã đến cơ quan công an Phường Tây Thạnh và công an Quận Tân Phú để xin cho bạn được thả nhưng mấy chú công an nói là không có bắt giữ bạn ấy…”
Sinh viên, không chỉ với “sách vở” mà còn định hình cho nhân cách phẩm giá của Tổ Quốc-Dân Tộc Việt Nam...
Nhưng bất ngờ ngày 22/10 một số trang mạng lưu truyền thông tin Phương Uyên là một thành viên của một câu lạc bộ có tên là Tuổi trẻ Yêu nước có hoạt động chống chế độ.
Theo đó, bốn ngày trước khi Phương Uyên bị bắt, nhóm Tuổi trẻ Yêu nước đã ‘gài truyền đơn bên hông thành cầu An Sương’.
Phương Uyên được nói đã nhận phân công là ‘chụp ảnh những diễn biến hôm đó’. (Tuy nhiên, BBC chưa thể kiểm chứng độc lập thông tin về nhóm Tuổi trẻ Yêu nước).
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Phương Uyên, xác nhận với BBC rằng bà đã được công an thông báo lý do bắt giữ cô là vì tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’.
Theo thông báo do Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra của Công an tỉnh Long An, ký thì Phương Uyên đang bị giữ tại Trại tạm giam của Công an tỉnh. (BBC)
Truyền đơn được cho là của nhóm Phương Uyên
Một người bạn cùng bị bắt với Uyên sau khi được tha thuật lại, ở văn phòng công an phường Tây Thạnh, CA hỏi, thì Phương Uyên trả lời là: “cháu ghét Trung Quốc”! (Đơn giản – hồn nhiên, bẩm sinh tinh thần Việt).
Nhìn, đọc nội dung của truyền đơn, chịu khó động não một chút thì một em học sinh cấp 1 cũng có thể nghiệm suy để hiểu được mà gật đầu cho là phải, là chí lý, phải chống lại thôi, bởi danh dự và tương lai của một cá nhân đã quan trọng rồi huống chi là danh dự - tương lai cả dân tộc, đất nước.
Vì vậy rất khó cho bất cứ ai phản biện lại khi công luận nhân dân khẳng định chỉ có một chế độ “vong bản và tham nhũng” mới bắt bớ sách nhiễu nhân dân mình chống lại những điều này, và hình như “Ghét và thù Trung Quốc” đồng nghĩa với “phản động” là tội hình sự bởi “luật bất thành văn” của Pháp chế CSXHCN/VN hiện nay.
Nếu nói CA bắt truy tố Phương Uyên và những người bạn vì truyền đơn này thì đích thị “nhà nước này là nhà nước tay sai của Trung Quốc và sống được bằng tham nhũng” bởi nếu không phải thì Trung Quốc đã và đang cướp biển đảo, bắt bớ hành hạ ngư dân Việt Nam và trong nước thì hàng loạt tội phạm tham nhũng “bự” đang bị bắt giữ điều tra thì Phương Uyên lên tiếng kêu gọi mọi người cùng chống lại cho quốc gia xã hội đất nước mình “tốt hơn” thì có gì là sai trái, nếu không muốn nói đó là trách nhiệm của mọi công dân?
Và nếu vin vào đó mà gán cho cái tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN/VN” thì chẳng lẽ nhà nước này đương nhiên công nhận là nhà nước của “giặc tàu” và chuyên “tham nhũng” à?? bởi nội dung truyền đơn đâu có mang hàm ý chống CH/XHCN/VN??
Tóm lại cùng thời điểm – nữ sinh Malala Yousafzai ở Pakistan và nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên tại Việt Nam là nạn nhân của “bi kịch” thù hằn “định kiến, độc tài, bệnh hoạn”. Việc công an Sài Gòn bắt Nguyễn Phương Uyên mà không qua một qui trình tối thiểu nào hết. Đây là một sự vi phạm trắng trợn pháp luật của Quốc Gia nên trường hợp này gọi là “bắt cóc” là không có gì sai, nó cũng rất gần gũi với hành vi man rợ vô luật pháp của Taliban.
Tuy nhiên, như Malala Yousafzai bị Taliban đe dọa - Nguyễn Phương Uyên chứng kiến các bạn sinh viên cùng trang lứa “bất đồng chính kiến” bị áp đặt kết án tù oan sai trước pháp đình, nhưng cả hai vẫn không run sợ, vươn vai ra khỏi mái trường, lớp học để khơi gợi cho đời “đâu là công bằng chân lý- danh dự và tương lai của tổ quốc”.
Như những hạt cỏ nhỏ nhoi gieo xuống, chiếc mầm thực vật vô thức vươn ra còn biết tìm và hướng đến vùng ánh sáng, chỉ có loài “vi khuẩn” chuyên ngồi đó chờ đợi chất thãi trong môi trường yếm khí tối tăm mới sợ ánh sáng. Dưới tia mặt trời “quang minh chính trực”, chúng – loài vi khuẩn bẩn thỉu độc hại chuyên ăn bám thân thể xã hội – giãy giụa chết ngay.